10 điều cần biết về chính sách tôn giáo của Trung Quốc

Nghe bài này

Pew Research Center có bài tường trình nhan đề “10 things to know about China’s policies on religion”, nghĩa là “10 điều cần biết về chính sách tôn giáo của Trung Quốc”.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Đầu năm nay, Trung Quốc đã ban hành các quy định mới về hoạt động tôn giáo nhằm thắt chặt việc giám sát các giáo sĩ và giáo đoàn.

Các quy định này là một phần trong chiến lược lâu dài của bọn cầm quyền Trung Quốc nhằm gắn kết tôn giáo với chủ nghĩa cộng sản và bảo đảm lòng trung thành với Đảng Cộng sản Trung Quốc, là tổ chức tán thành và thúc đẩy chủ nghĩa vô thần. Gần đây hơn, những quy định như vậy còn nhằm mục đích đưa tôn giáo phù hợp với văn hóa truyền thống Trung Quốc và với “Tư tưởng Tập Cận Bình”, và sự pha trộn giữa chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa dân tộc của nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Hiến pháp Trung Quốc quy định người dân bình thường được hưởng “quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo” và bọn cầm quyền chính thức công nhận 5 tôn giáo: Phật giáo, Công Giáo, Hồi giáo, Tin lành và Đạo giáo (còn gọi là Lão giáo). Nhưng chính quyền kiểm soát chặt chẽ hoạt động tôn giáo. Trung Quốc được xếp hạng trong số các chính phủ hạn chế tôn giáo nhất thế giới hàng năm kể từ khi Trung tâm Nghiên cứu Pew bắt đầu theo dõi các hạn chế về tôn giáo vào năm 2007.

Dưới đây là 10 điều cần biết về cách bọn cầm quyền Trung Quốc quản lý tôn giáo, từ báo cáo gần đây của chúng tôi, “Chính sách tôn giáo ở Trung Quốc”.

Thứ nhất: Trung Quốc đang theo đuổi chính sách “Hán hóa” đòi hỏi các nhóm tôn giáo phải điều chỉnh học thuyết, phong tục và đạo đức của họ phù hợp với văn hóa Trung Quốc. Chiến dịch này đặc biệt ảnh hưởng đến cái gọi là tôn giáo “nước ngoài” – bao gồm Hồi giáo cũng như Công Giáo và Tin lành – là những tôn giáo được cho là cần phải ưu tiên các truyền thống Trung Quốc và thể hiện lòng trung thành với bọn cầm quyền.

Thứ hai: Hán hóa có nhiều hình thức khác nhau. Chính quyền đã dỡ bỏ thánh giá khỏi các nhà thờ Kitô Giáo và phá hủy mái vòm và tháp của các đền thờ Hồi giáo để khiến chúng trông giống Trung Quốc hơn. Các linh mục, mục sư Kitô Giáo và giáo sĩ Hồi Giáo được tường trình đã được yêu cầu tập trung vào các giáo lý tôn giáo phản ánh các giá trị xã hội chủ nghĩa. Bọn cầm quyền cũng có kế hoạch phát hành một phiên bản Kinh Qur’an có chú thích mới nhằm giúp các giáo lý Hồi giáo phù hợp với “văn hóa Trung Quốc trong kỷ nguyên mới”.

Thứ ba: Các chính sách hạn chế của Trung Quốc đối với người Hồi giáo – đặc biệt là người Duy Ngô Nhĩ ở tỉnh Tân Cương – đã được ghi nhận rộng rãi trong thập kỷ qua. Các nhóm nhân quyền cáo buộc Trung Quốc bắt người Duy Ngô Nhĩ phải chịu sự giam giữ, giám sát và tra tấn hàng loạt. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã mô tả các sự kiện ở Tân Cương là tội diệt chủng, cáo buộc nhà cầm quyền Trung Quốc đã giam giữ hơn 1 triệu người Hồi giáo Trung Quốc trong các trại giam được xây dựng đặc biệt. Người Duy Ngô Nhĩ chiếm 43% người Hồi giáo Trung Quốc.

Bọn cầm quyền Trung Quốc bác bỏ các cáo buộc và nói rằng việc di dời, tập trung trong các trại và các biện pháp cưỡng bức khác là nhằm cải thiện cuộc sống của người Hồi giáo. Ví dụ, các quan chức Trung Quốc cho biết các trại ở Tân Cương cung cấp việc dạy nghề và chống chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.

Thứ tư: Kitô giáo ở Trung Quốc bị chi phối bởi một số bộ quy tắc. Người theo Kitô giáo được phép thờ phượng trong “các nhà thờ chính thức” đã ghi danh với các cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm giám sát đạo Tin lành và Công Giáo. Tuy nhiên, nhiều Kitô hữu từ chối sự giám sát này và muốn thờ phượng trong các nhà thờ hầm trú.

Kể từ khi Tập lên nắm quyền vào năm 2013, bọn cầm quyền đã cấm truyền giáo trực tuyến, thắt chặt kiểm soát các hoạt động Kitô giáo bên ngoài các địa điểm đã ghi danh và đóng cửa các nhà thờ từ chối ghi danh. Nhà chức trách cũng đã bắt giữ các lãnh đạo giáo hội nổi tiếng và một số Kitô hữu được cho là đã bị giam giữ trong các trại tập trung.

Năm 2018, Vatican và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận về việc bổ nhiệm giám mục nhằm giúp giảm bớt căng thẳng đối với người Công Giáo Trung Quốc – một thỏa thuận bị nhiều người chỉ trích. Kể từ đó, bọn cầm quyền Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực đưa các nhà thờ Công Giáo vào hệ thống chính thức và tăng cường áp lực đối với những người từ chối tham gia.

Thứ năm: Trung Quốc đối xử với Phật giáo – đặc biệt là Phật giáo Hán, nhánh phổ biến nhất trong nước – một cách khoan dung hơn so với Kitô giáo hay Hồi giáo. Tập thường xuyên ca ngợi Phật tử Hán vì đã tích hợp Nho giáo, Đạo giáo và các tín ngưỡng và thực hành truyền thống khác của Trung Quốc.

Đồng thời, Trung Quốc đã đàn áp Phật tử Tây Tạng. Gần đây, nhà cầm quyền Trung Quốc đã bị cáo buộc thực hiện các chiến dịch “cải tạo chính trị” nhằm củng cố lòng trung thành với Tập Cận Bình và ngăn cản lòng trung thành với Đức Đạt Lai Lạt Ma lưu vong. Hơn nữa, bọn cầm quyền Trung Quốc đã bị chỉ trích vì phá bỏ các di tích Phật giáo Tây Tạng, bao gồm các tu viện và tượng.

Thứ sáu: Tôn giáo dân gian và truyền thống tâm linh cổ xưa đóng một vai trò lớn ở Trung Quốc. Bọn cầm quyền khuyến khích một số hoạt động được coi là một phần di sản văn hóa của Trung Quốc và đã tài trợ cho việc trùng tu một số ngôi chùa tôn giáo dân gian. Người dân ở Trung Quốc được phép tôn kính nhà triết học Trung Quốc Khổng Tử và tham gia các lễ hội đền thờ nơi các vị thần dân gian được thờ phượng – ví dụ như Mazu, nữ thần biển cả. Chính quyền cũng đưa lễ hội Mazu đến với những tín hữu Đài Loan như một cách để đạt được lợi ích chính trị.

Bọn cầm quyền Trung Quốc đã giao nhiệm vụ cho chính quyền địa phương quản lý các hoạt động tôn giáo dân gian để bảo đảm chúng phản ánh di sản văn hóa và được hướng dẫn bởi các giá trị xã hội chủ nghĩa. Kể từ năm 2015, chính quyền địa phương đã ghi danh các ngôi chùa có tầm quan trọng về lịch sử và văn hóa, đồng thời nỗ lực đưa nhân viên và hoạt động của họ dưới sự giám sát của nhà nước. Ở một số tỉnh, những ngôi chùa mà chính quyền địa phương cho là không có ý nghĩa gì về mặt văn hóa và xã hội đã bị phá bỏ hoặc đóng cửa hoặc chuyển thành cơ sở vật chất thế tục.

Thứ bẩy: Hoạt động tôn giáo nằm ngoài năm tôn giáo được chính thức công nhận và không được bọn cầm quyền chấp thuận như một hình thức di sản văn hóa thường bị chính quyền xếp vào loại “mê tín” hoặc “tà giáo”. Ví dụ, luật pháp Trung Quốc cấm phép thuật và ma thuật, và bọn cầm quyền phản đối các hoạt động tôn giáo dân gian bao gồm yếu tố mê tín như đốt pháo để xua đuổi tà ma.

Một số nhóm, bao gồm Pháp Luân Công, Giáo hội Thống nhất và Những đứa con của Chúa, bị coi là giáo phái và bị cấm. Bọn cầm quyền đã bị buộc tội bắt giữ các học viên Pháp Luân Công và tra tấn họ một cách có hệ thống, chẳng hạn như thu hoạch nội tạng.

Thứ tám: Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền khuyến khích chủ nghĩa vô thần và ngăn cản người dân thực hành tôn giáo. 281 triệu người Trung Quốc thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc hoặc các tổ chức thanh niên trực thuộc của nó chính thức bị cấm tham gia vào một loạt các hoạt động tâm linh.

Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn dung túng cho việc thỉnh thoảng tham gia vào các phong tục văn hóa. Ví dụ, việc thỉnh thoảng đi thăm chùa là điều có thể chấp nhận được. Nhưng việc viếng thăm các ngôi chùa trong tất cả các ngày tôn giáo quan trọng hoặc thường xuyên đi hỏi thầy bói có thể dẫn đến việc bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tuy nhiên, một số thành viên Đảng Cộng sản Trung Quốc xác định có theo một tôn giáo hoặc tham gia vào các hoạt động tôn giáo, mặc dù nhìn chung tỷ lệ này thấp hơn so với những người không phải đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Thứ chín: Trẻ em dưới 18 tuổi bị hiến pháp cấm có bất kỳ liên kết tôn giáo chính thức nào ở Trung Quốc. Ngoài ra còn có lệnh cấm giáo dục tôn giáo, bao gồm các trường học Chúa Nhật, trại hè tôn giáo và các hình thức nhóm tôn giáo thanh thiếu niên khác. Các trường học tập trung vào việc thúc đẩy việc phi tôn giáo và chủ nghĩa vô thần, và nhiều trẻ em tham gia các nhóm thanh niên trực thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc, nơi các em phải cam kết theo chủ nghĩa vô thần.

Thứ mười: Thái độ của Trung Quốc đối với tôn giáo bắt nguồn từ ngày thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949. Các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc thời kỳ đầu đã lên án tôn giáo có liên quan đến “chủ nghĩa đế quốc văn hóa nước ngoài”, “chế độ phong kiến” và “mê tín”, đồng thời đàn áp các nhóm tôn giáo trên diện rộng. Trong Cách mạng Văn hóa (1966-76), Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông thề sẽ loại bỏ “mọi thứ cũ bao gồm tư tưởng cũ, phong tục cũ và thói quen cũ”, và Hồng vệ binh đã tấn công hoặc phá hủy nhiều đền chùa, nhà thờ và đền thờ Hồi giáo.

J.B. Đặng Minh An dịch

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS