Theo James Day, giám đốc điều hành của EWNT tại Quận Cam, California, Cha Joseph Ratzinger nói vào năm 1973: “Khi chức năng là tất cả những gì hiện hữu, con người cũng không là gì khác hơn một chức năng”.
Ngày 11 tháng 2 năm 2024, tác giả này viết trên National Catholic Register, rằng chủ đề của Ngày Hòa bình Thế giới năm nay, “Trí khôn nhân tạo và Hòa bình”, đi sâu vào “những câu hỏi cấp bách” và “hậu quả” của các kỹ thuật kỹ thuật số ngày càng phát triển. Tất nhiên, đây là một chủ đề hợp thời vì trí khôn nhân tạo hiện nay dường như có mặt ở mọi nơi. Thông điệp của Đức Giáo Hoàng tiếp tục là một cuộc khám phá ngắn gọn về “kỹ thuật của tương lai: máy móc ‘tự học’.” Tài liệu đề xuất một giới hạn cho “mô hình kỹ trị”. Nó nói rằng:
Theo định nghĩa, con người là vật tử sinh; bằng cách đề xuất thắng vượt mọi giới hạn thông qua kỹ thuật, với mong muốn ám ảnh là kiểm soát mọi sự, chúng ta có nguy cơ mất kiểm soát chính mình; trong quá trình tìm kiếm một sự tự do tuyệt đối, chúng ta có nguy cơ rơi vào vòng xoáy của ‘chế độ độc tài kỹ thuật’.
Chế độ độc tài kỹ thuật – loại cụm từ mà Joseph Ratzinger/Benedict XVI có thể đã sử dụng nếu đối mặt với thực tại của một trí khôn nhân tạo có mặt khắp nơi.
Nhưng trên thực tế, nhà tiên tri quá cố xuất thân từ Bavaria đã thấy trước sự trỗi dậy của lĩnh vực kỹ thuật số – và mối đe dọa trao siêu quyền lực cho các nhà phát minh nhân bản của nó – hơn 50 năm trước.
Mùa xuân năm 1973, Cha Ratzinger đã giảng các bài giảng Mùa Chay tại Nhà thờ Thánh Emmeram ở Regensburg. Những bài giảng này, sau đó, đã được sưu tầm và xuất bản trong tập sách của nhà xuất bản Ignatius Press, The God of Jesus Christ: Thoughts on the Tri-une God (Thiên Chúa của Chúa Giêsu Kitô: Các Ý tưởng về Thiên Chúa Tam vị Nhất thể).
Trước khi trích dẫn những đoạn liên quan trong bài giảng, có tựa đề “Thiên Chúa có nhiều tên”, đối với James Day, cốt lõi của vấn đề đạo đức với trí khôn nhân tạo là một vấn đề siêu hình: Chẳng hạn, có phải là không hợp lý khi hỏi Thiên Chúa ở đâu trong tất cả những điều này? Chúng ta càng tiến sâu vào tự động hóa, chủ nghĩa phi bản vị càng xuất hiện nhiều hơn – chúng ta đã thấy điều này trong sự chuyển đổi từ quan hệ khách hàng giữa người với người trong cuộc sống hàng ngày. Trong cuộc cách mạng kỹ thuật số ngày càng mở rộng đã biến đổi mọi khía cạnh của cuộc sống, câu hỏi trở nên hết sức hiện sinh: nếu Thiên Chúa được diễn tả trên khuôn mặt con người của Chúa Giêsu, thì Thiên Chúa ở đâu trong lãnh vực của dãy số vô tận bao gồm lĩnh vực kỹ thuật số?
Ở đây chúng ta có thể trông cậy vào sự khôn ngoan tiên tri của vị Giám mục tương lai của Rôma để được hướng dẫn.
Điều đáng chú ý là Cha Ratzinger lưu ý rằng sự so sánh sau đây giữa tên và số do một sinh viên gợi ý cho ngài. Người thầy, được truyền cảm hứng từ cái nhìn sâu sắc của một học sinh, lấy Xuất Hành làm khuôn khổ lịch sử của mình, khi Thiên Chúa nói với Môsê: “Ta là Đấng Hằng Hữu” (Xh 3:14). Và để Môsê nhận được điều này, ông phải đi ra khỏi con đường của mình, “vượt qua vùng hoang dã,” đến “núi của Thiên Chúa, núi Hô-rếp” (3:1). Đức Ratzinger nhận xét: “Không có kinh nghiệm về Thiên Chúa trừ khi người ta thoát ra khỏi công việc của cuộc sống hàng ngày và chấp nhận đối đầu với sức mạnh của sự cô tịch”. Đây là xung đột cơ bản giữa việc sống đời sống Kitô giáo và sự tiến triển của thời hiện đại.
Nói cách khác, chúng ta có thể dựa vào Giáo sư Ratzinger một lần nữa: “Thế giới mang đến cho bạn sự thoải mái, nhưng bạn không được tạo ra để được thoải mái. Bạn được tạo ra để trở nên vĩ đại.”
Vì vậy, Thiên Chúa đã tiết lộ cho Môsê tên của Người – không phải một con số, không phải một sự hiện diện thanh tao mơ hồ hay một thứ gì đó dửng dưng ở khắp nơi.
Sau đó Ratzinger chuyển sang trích dẫn Tin Mừng của Thánh Gioan, khi “danh Thiên Chúa” được nhắc đến bốn lần trong Chương 17, “được đặt trong khuôn khổ chứng từ của Chúa Giêsu về sứ mệnh của chính Người, vốn bao gồm việc làm cho con người biết đến tên Thiên Chúa.” Như vậy, Chúa Giêsu là Môsê mới, hoàn thành những gì có phần trừu tượng và chưa đầy đủ trong Xuất Hành chương 3.
“Vậy ‘tên của Chúa’ có nghĩa là gì?” Ratzinger hỏi. “Có lẽ sẽ dễ dàng nắm bắt được việc điều này bao hàm những gì nhất nếu chúng ta nhìn vào mặt trái của nó.”
Sách Khải Huyền của Thánh Gioan nói về kẻ thù của Thiên Chúa, ‘con thú’. Con thú này, quyền lực chống lại Thiên Chúa, không có tên, nhưng có một con số. Nhà tiên tri nói với chúng ta: ‘Số của nó là sáu trăm sáu mươi sáu’ (13:18). Đó là một con số, và nó làm con người thành con số. Chúng tôi, những người đã sống qua thế giới của các trại tập trung, đều biết điều đó có nghĩa là gì. Sự khủng bố của thế giới đó bắt nguồn từ việc nó xóa sạch khuôn mặt của con người. Nó xóa sạch lịch sử của họ. Nó biến con người thành một con số, một bánh răng có thể trao đổi được trong một cỗ máy lớn. Họ là chức năng của họ – không có gì hơn thế.
Đây là một hình ảnh đầy ám ảnh, đặc biệt là khi vẽ lại sự khủng khiếp của các trại tập trung, khi con người bị Đức Quốc xã coi không phải là người. Do đó, những tù nhân vô tội này chỉ có những con số – những con số được khắc trên cánh tay của họ giống như những con thú chở nặng.
Vì khi chức năng là tất cả những gì hiện hữu thì con người cũng không hơn gì một chức năng. Những cỗ máy mà chính họ chế tạo giờ đây áp đặt luật riêng của chúng lên họ: họ phải được làm cho có thể đọc được đối với máy tính và điều này chỉ có thể đạt được khi họ được phiên dịch thành con số. Mọi thứ khác ở con người đều trở nên không có liên quan. Bất cứ điều gì không phải là một hàm số – đều không là gì cả. Con thú là một con số, và nó làm con người thành con số.
“Họ phải được làm cho có thể đọc được đối với máy tính và điều này chỉ có thể đạt được khi họ được phiên dịch thành con số.” Điều này có nghĩa? Trong khi xã hội kỹ thuật của chúng ta bề ngoài có vẻ phục vụ nhân loại, thì các tiểu thuyết và phim khoa học viễn tưởng từ lâu đã cảnh cáo về việc kỹ thuật như vậy có thể trở thành chủ nhân ông đối với những người tạo ra nó ra sao. Nhưng ở đây, vị giáo hoàng tương lai thậm chí còn tiến một bước xa hơn: cuối cùng không chỉ nhân loại bị đưa vào cơ sở dữ kiện của máy tính, mà nhân loại còn bị tước bỏ tư cách ngôi vị để nuôi con thú kỹ thuật số. Trí khôn nhân tạo hòa tan ý nghĩa của việc trở thành nhân bản vì sự thuận tiện của con người, nhưng nó thiếu tính phức tạp của cảm xúc nhân bản, ham muốn nhân bản, của những gì khiến con người trở nên quá bất toàn – quá tử sinh. Và, như mọi khi với Joseph Ratzinger, ngài kéo chúng ta ra khỏi khoảng trống của bóng tối và hư vô đang chờ đợi:
Nhưng Thiên Chúa có một cái tên và Thiên Chúa gọi chúng ta bằng chính tên của chúng ta. Người là một Ngôi vị và Người tìm kiếm con người đó. Người có một khuôn mặt và Người tìm kiếm khuôn mặt của chúng ta. Người có một trái tim, và Người tìm kiếm trái tim của chúng ta. Đối với Người, chúng ta không phải là một chức năng nào đó trong một “cỗ máy thế giới”. Ngược lại, chính những người không có chức năng mới là của Người.
Khi nghị trình của trí khôn nhân tạo tiếp tục thúc đẩy sự bình thường và như một phần gần như không thể tránh khỏi trong cuộc sống của chúng ta, bài suy gẫm này của Joseph Ratzinger đặt ra một câu hỏi: Nếu trí khôn nhân tạo làm cho xã hội tốt đẹp hơn, nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến người nghèo và người bị gạt ra ngoài lề xã hội, người cô đơn và bị bỏ rơi? Và quả thực là một nhà tiên tri đích thực, Ratzinger kết thúc bài giảng “Thiên Chúa có nhiều tên” bằng cách trích dẫn Thánh Gioan Thiên Chúa.
Và khi tôi thấy rất nhiều anh em của tôi trong cảnh nghèo khó và những người hàng xóm của tôi đau khổ quá sức, bị áp bức về tinh thần hoặc thể xác bởi quá nhiều sự quan tâm và không thể giúp đỡ họ, điều đó khiến tôi vô cùng đau buồn. Nhưng tôi tin cậy vào Chúa Kitô là Đấng biết rõ lòng tôi.
Nhà thần học, người sau này chiếm được trái tim của các tín hữu trong cả thừa tác vụ tích cực lẫn hưu trí như mục tử của Giáo hội hoàn vũ, hẳn nhận thức đầy đủ về cơn bão tương đối thuyết đang nhấn chìm tất cả chúng ta. Ở đây, ngài làm chúng ta an tâm bằng cách giữ cái nhìn của chúng ta chăm chú nhìn vào một cái tên chứ không phải một con số. Danh Thiên Chúa, Ngôi Vị của Chúa Giêsu Kitô.