Đức Phanxicô đã trở về Rôma và tái tục các sinh hoạt thường lệ của ngài, nhưng chuyến tông du của ngài tại Cuba và Hoa Kỳ tiếp tục được nhận định, thường là tích cực.
Thay đổi lối nhìn của người ta
Hãng tin Zenit tường trình nhận định của ba nhà báo từng tháp tùng Đức Thánh Cha trong chuyến tông du trên, đó là Valentina Alazraki, người Mễ Tây Cơ, và hai ký giả Mỹ Frank Rocca và Alan Holdren.
Alazraki cho rằng chuyến tông du của Đức Phanxicô đã thay đổi cách người ta vẫn nghĩ về ngài. Trước chuyến tông du, người Hoa Kỳ coi ngài như một vị giáo hoàng thích kết án chủ nghĩa tư bản và hệ thống Hoa Kỳ, còn người Cuba thì coi ngài như người hỗ trợ họ trong quan điểm duy bình đẳng về xã hội.
Sau chuyến tông du, mọi sự đã thay đổi vì Đức Phanxicô tập chú vào các vấn đề khác. “Ngài kêu gọi tự do tôn giáo tại Cuba và tạo hứng khởi rất lớn tại Hoa Kỳ… Ngài nhấn mạnh tới việc nhận diện những gì kết hợp chúng ta chứ không phải những gì chia rẽ chúng ta”.
Tuy nhiên, theo cô, tác động của Đức Phanxicô không phải là chính trị mà là tinh thần. Giống Đức Gioan Phaolô II, người, dù không ngăn cản được quyết định chiến tranh của Bush, vẫn đã tạo được một phản ứng tinh thần khắp thế giới.
Alan Holdren thì cho rằng Đức Phanxicô không nói bất cứ điều gì ngoài những điều Giáo Hội vẫn luôn luôn nói. Ngài chỉ đề cập chúng cách khác thôi. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha có nói chuyện với các Nữ Tu Bệnh Xá từng ủng hộ việc phản đối lương tâm chống các chính sách y tế phò ngừa thai của chính phủ Obama và trên chuyến bay trở về Rôma, ngài đã nhắc lại việc phản đối này.
Ký giả Frank Rocca nhận định rằng nhiều người nghĩ tại Cuba và Hoa Kỳ, Đức Phanxicô sẽ nói như Đức Gioan Phaolô II đã nói ở Ba Lan, nhưng thực ra ngài đã không nói như thế. Tuy nhiên, ở Cuba, ngài có nói tới tự do tôn giáo, còn ở Hoa Kỳ, ngài nói với các nữ tu phản đối các chính sách của chính phủ về ngừa thai.
Rocca cho rằng Đức Phanxicô rất khéo léo, trong việc đề cập tới nhiều chủ đề mà “gần như không đụng gì tới chúng”. Nếu ai đó không muốn nghe, ngài không cần phải nói, vì “ngài khuyến khích mà không cần phải lớn tiếng”.
Wall Street và Đức Phanxicô
Hãng tin Zenit cũng có dịp phỏng vấn một số thành viên của thế giới Wall Street về chuyến tông du của Đức Phanxicô. Joshua, một nhà tài chánh Do Thái, phát biểu: “Đức Giáo Hoàng Phanxicô quả là tuyệt diệu. Ngài quả là tuyệt vời… Ông không thể bắt lỗi một người làm việc cho bình đẳng được’. Theo anh, các dị biệt giữa những người được ưu đãi và những người cực nghèo khó cần phải được xem xét.
Terrence làm việc trong ngành tiếp thị tại Broad Street. Anh bảo, lời lẽ của Đức Phanxicô “thực sự được ngỏ với chính tôi… Sự việc có thế nào, ngài nói như vậy và tôi thích như thế”. Anh nhận định: Đức Phanxicô cởi mở đối với mọi người và sự lưu tâm của ngài đối với người nghèo đáng để ta mô phỏng.
Một phụ nữ Ấn Độ làm việc trong lãnh vực tài chánh cho Deutsche Bank phát biểu: Đức Giáo Hoàng Phanxicô “khuấy động một cách thích đáng não trạng của các nhà chuyên nghiệp kinh doanh”. Bà bảo: “điều rõ ràng đối với chúng tôi là ngài phê phán việc người ta bóc lột người khác hay dùng quyền hành một cách tiêu cực. Với những người thuộc thế giới kinh doanh, là những người làm công việc của mình và cố gắng hết sức mình, chúng tôi không cảm thấy bị xúc phạm. Trong tư cách giáo hoàng, ngài là một nhà lãnh đạo tinh thần và ngài cần phải kêu gọi mọi người làm điều đúng và giúp đỡ người nghèo”.
ZENIT gặp một người đang bước đi vội vã. Marty là một luật sư làm việc tại văn phòng bộ Tư Pháp. Khi được hỏi về Đức Phanxicô, anh mỉm cười: “tôi là người ái mộ lớn”. Thì ra anh đang vội tới nhà thờ chính tòa St Patrick để thấy ngài, như anh từng làm khi Đức Gioan Phaolô II thăm Hoa Kỳ trước đây.
Elsie, một phụ nữ Công Giáo Nam Dương, đang làm việc tại Broad Street, không xa Thị Trường Chứng Khoán New York, thì lưu ý đến lời Đức Phanxicô nói tới di dân, “vì tôi là một di dân. Ngài làm tôi cảm thấy được chào đón và yêu thương. Đức Giáo Hoàng Phanxicô thực sự đụng tới trái tim người ta”.
Debbie, làm việc cho chính phủ, cho hay: “tôi quê ở Quận Columbia và tôi có thể nói ngài đã làm nơi ấy bốc lửa. Sau khi nói chuyện với một số đồng nghiệp của tôi sau bài diễn văn của ngài với Quốc Hội, họ bảo tôi: người ta mong được phong phú hóa cuộc sống của họ và sống tốt hơn xiết bao”. Cô cho hay cô có mặt tại khu tài chánh dự buổi họp về kinh doanh, nhưng cô cảm thấy cùng một phản ứng đối với Đức Giáo Hoàng này ở khắp thành phố. Cô nói: “người ta không ngừng nói về ngài. Đức Phanxicô làm ta tươi mát và rất đúng khi kêu gọi những người vô đạo đức hay những người lạm dụng hệ thống dừng tay lại. Tôi không phải là người Công Giáo, nhưng quả ngài là một vĩ nhân”.
Quốc Hội Hoa Kỳ và Đức Phanxicô
Theo bản tin Zenit ngày 1 tháng Mười, Đức TGM Thomas Wenski và Đức Cha Oscar Cantú lên tiếng hoan nghinh các sáng kiến mới của Quốc Hội Hoa Kỳ nhằm đáp ứng lời kêu gọi của Đức Phanxicô trong chuyến viếng thăm tại đây của ngài đối với việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta là trái đất, “và để tránh các hậu quả hết sức trầm trọng của nạn suy thoái môi trường do sinh hoạt của con người tạo ra”.
Các sáng kiến trên bao gồm: nghị quyết của Quốc Hội do dân biểu Chris Gibson và một số dân biểu Cộng Hòa khác đệ trình nhằm cổ vũ việc quản lý môi trường và các cố gắng để giải quyết việc thay đổi khí hậu; Đạo Luật Cải Tiến Năng Luợng Hoa Kỳ năm 2015 do các thượng nghị sĩ Maria Cantwell cùng với một số thượng nghị sĩ Dân Chủ đệ trình; cũng như các cố gắng của cả hai đảng tại Thượng Viện và tại Hạ Viện trong đó có Đạo Luật Các Yếu Tố Siêu Ô Nhiễm năm 2015 do các thượng nghị sĩ Chris Murphy và Susan Collins đệ trình, và Đạo Luật Hiệu Năng Năng Lượng Không Vụ Lợi do các dân biểu Matt Cartwright và Robert Dold thuộc Hạ Viện và các thượng nghị sĩ Amy Klobuchar và John Hoeven thuộc thượng viện đệ trình.
Đức TGM Wenski cho rằng “Các giám mục Hoa Kỳ hợp nhất với Đức Thánh Cha trong lời kêu gọi bao vệ sáng thế củaThiên Chúa”. Đức Tổng Giám Mục cũng nhắc tới lời kêu gọi của Đức Thánh Cha về việc cần có cuộc đối thoại trung thực về vấn đề này: “Chúng ta cần một cuộc đối thoại có sự tham dự của mọi người vì thách đố môi trường… ảnh hưởng tới mọi người chúng ta”.
Một ngàn gia đình đi truyền giáo
Tin Zenit ngày 2 tháng Mười vui hơn nữa, cho hay: một ngàn gia đình đã xung phong lên đường đi truyền giáo.
Thực vậy, 40,000 hội viên khắp thế giới của Phong Trào Neocatechumenal Way đã tụ về Philadelphia dự cuộc gặp gỡ ơn gọi trong đó, hàng ngàn người trẻ nam nữ và các gia đình đã tình nguyện lên đường đi truyền giáo sau khi đã cùng Đức Phanxicô tham dự Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới lần thứ tám tại đây.
Cuộc tụ tập trên được sự chủ tọa của Đức Cha Charles Chaput, Tổng Giám Mục Philadelphia, và có sự hiện diện của các Đức Hồng Y Sean O’Malley(Boston), Stanislaw Rylko (Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân), Theodore McCarrick (TGM hưu trí của Washington D.C.), Jean-Pierre Kutwa (Abidjan, Ivory Coast), và Andrew Soo-Yung (Seoul), cũng như của hơn 30 giám mục khác.
Sau khi công bố Tin Mừng, người khởi xướng Phong Trào là Kiko Argüello kêu gọi mọi người đáp lại ơn gọi truyền giáo cho những vùng bị phi Kitô Giáo hơn hết. Đáp lại lời kêu gọi này, 230 thanh niên xin đi tu làm linh mục, 400 thiếu nữ xin đi tu làm nữ tu, và hơn 1 ngàn gia đình có con tình nguyện đi khắp nơi trên thế giới. Tất cả những người nam nữ này đang khởi đầu thời kỳ biện phân ơn gọi của họ.
Can dự vào chính trị nhiều nhất nhưng thận trọng trong cách thể hiện
Dù muốn dù không, với việc xuất hiện tại Dinh Cách Mạng Cuba, tại Bạch Ốc, Đồi Capitol Hoa Kỳ và trụ sở Liên Hiệp Quốc, chuyến đi của Đức Phanxicô không thể không mang mầu sắc chính trị. Thành công trong lãnh vực này là điều khó có thể lượng giá ngay lúc này vì chính trị luôn muôn mặt.
Tuy nhiên, Victor Gaetan của www.foreignaffairs.com hoàn toàn đúng khi nhận định rằng: “Phong thái ngoại giao của Đức Phanxicô, trong cốt lõi của nó, (là) cổ vũ hoà giải mà không xúc phạm tới bất cứ bên liên hệ nào. Thúc đẩy các bên kình chống nhau gặp gỡ trong khi tránh đối đầu với các nhà lãnh đạo chính trị. Thí dụ, tuần rồi ở Cuba, dù kêu gọi ‘cuộc cách mạng của tình âu yếm’, Đức Phanxicô vẫn cưỡng lại áp lực muốn ngài gặp mặt các nhà bất đồng chính kiến của Cuba…
“Là một nhà lãnh đạo tôn giáo, Đức Phanxicô có nhiệm vụ duy trì các giá trị vượt lên trên chính trị, đây là lý do tại sao ngài cố gắng không chơi trò chơi chính trị. Tuy nhiên, cùng một lúc, phẩm giá con người khó có thể triển nở trong các điều kiện thiếu thốn hay huỷ diệt, chính vì thế, ngài và nhóm ngoại giao rất kín tiếng của ngài đã không sợ cổ vũ công lý, hòa bình, lòng thương xót nơi những người nắm quyền hành. Với đường lối này, ngài là người tích cực can dự vào chính trị hơn các vị giáo hoàng tiền nhiệm, nhưng cũng thận trọng hơn trong cung cách thể hiện”.
Gaetan đi xa hơn và cho rằng Đức Phanxicô là “một tu sĩ Dòng Tên gan dạ dám lao vào các giao thông hào xã hội và thoải mái với tranh chấp. Cuối cùng, những thứ này đã làm việc rất tốt trong việc tạo ra một ngả thông đạt mới để ta sử dụng khi cuộc thương thảo chính trị bị ngưng trệ”.
Gaetan cho rằng ngả thông đạt trên đã giúp Hoa Kỳ và Iran bắt tay nhau trong thỏa hiệp gần đây về vấn đề năng lượng hạch nhân. Iran biết ơn Đức Phanxicô đến độ đã tự ý xin được tham dự Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới lần thứ tám tại Philadelphia. Cũng một ngả thông đạt ấy đã giúp Hoa Kỳ và Cuba mở lại các tòa đại sứ từng bị đóng cửa hơn 50 năm qua.
Ký giả này cũng cho rằng ngôn ngữ ngoại giao của Đức Phanxicô đã đi vào ngôn ngữ ngoại giao của Hoa Kỳ. Thực vậy, Vatican xưa nay vẫn không hài lòng với chính sách của Hoa Kỳ đối với Syria. Tuy nhiên, mấy lúc gần đây, nhiều nguồn tin tại Rôma cho hay Đức Phanxicô coi là một dấu hiệu tích cực khi ngoại trưởng Mỹ John Kerry mô tả các cuộc thương lượng hòa bình cho Syria như là một “diễn trình”. Ông Kerry tuyên bố: “chúng ta cần thương lượng. Đó là điều chúng ta đang tìm kiếm, và chúng ta hy vọng Nga và Iran, và bất cứ quốc gia nào khác có ảnh hưởng, sẽ giúp một tay”.
Ông nói tiếp: “trong hơn một năm rưỡi nay, chúng ta vốn nói Assad phải ra đi, nhưng bao lâu nữa và dưới mô thức nào… hiện đang có một diễn trình qua đó, mọi phe đều phải đến với nhau và đạt được cái hiểu phải làm thế nào để thực hiện việc này”.
“Diễn trình” vốn là hạn từ chủ yếu của Đức Phanxicô. Trong cuộc phỏng vấn dài của Tạp Chí Civilta Cattolica năm 2013, ngài nói: “chúng ta không nên chú tâm vào việc chiếm hữu không gian để thi hành quyền lực, mà đúng hơn nên khởi đầu các diễn trình lịch sử lâu dài. Ta phải khởi diễn các diễn trình hơn là chiếm hữu các không gian. Thiên Chúa đã tự mạc khải trong thời gian và hiện diện trong các diễn trính của lịch sử. Diễn trình này dành ưu tiên cho các hành động nào biết phát sinh ra các năng động tính lịch sử mới mẻ. Diễn trình này cũng đòi hỏi kiên nhẫn, chờ đợi”.
Nhận định sau cùng của Gaetan là: Đức Phanxicô là người có nhiều tham vọng. Ngài đang dẫn Giáo Hội đi vào thế giới. Không vị giáo hoàng nào đã dám viết một văn kiện chỉ nói riêng về môi trường. Có lẽ vì việc này cùng một lúc đòi hỏi phải can dự vào chính trị quốc tế và địa phương, vào chính sách công, vào khoa học và giáo dục. Việc ngài không sợ hãi trái lại hăng hái đi vào lãnh vực này khiến ngài được rất nhiều người khâm phục. Nhưng việc nổi tiếng hoàn cầu cũng có mặt trái của nó: ngoài việc nêu ra các hoài mong thiếu thực tiễn, còn có nguy cơ là việc nhân thừa các mục tiêu liều mình làm lu mờ trọng tâm thiêng liêng của sứ vụ. Liệu một vị giáo hoàng có thể trở thành một người cho mọi người được không? Ai biết được. Nhưng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang muốn thử, và thế giới hình như muốn để ngài làm thế.
Ơn chức vụ
Không ai nhìn Đức Phanxicô chính xác bằng người Công Giáo bình thường. Họ là người được nhiều người ngoại cuộc coi là điên dại trong cái cuồng nhiệt đón tiếp ngài khắp mọi nơi. Nhưng họ nhìn đúng con người của ngài. Một trong những người này chính là Jenny Uebbing, người đàn bà trẻ, còn rất trẻ, đã “điên dại” mang đứa con 6 tuần lễ tới Philadelphia với hy vọng được thoáng thấy vị giáo hoàng của mình.
Bất chấp viễn ảnh chính chị đã nghĩ tới: “có thể bạn sẽ phải đóng đô 7 tiếng đồng hồ trên nền ximăng cùng với một người chồng mạnh mẽ và không hề than vãn gì trong cái nắng mùa thu, một đứa con mới sinh toát mồ hôi và đôi lúc tè bậy ra người đang được cột trước ngực, nhưng bạn vẫn chờ đợi trong hân hoan, nhẩy mừng hy vọng được thoáng thấy ngài.
“Thấy Phêrô. Thấy Vị Đại Diện Chúa Kitô trên trái đất, chứng tá rờ mó được của tình yêu phụ tử Thiên Chúa.
“Nếu bạn đã từng xa xôi gần gũi với vị giáo hoàng, bất cứ vị giáo hoàng nào, hẳn bạn cũng thấy thế. Bạn biết tôi nói tới điều gì; tôi muốn nói tới ơn chức vụ. Quả thực đây là hành động biến đổi không thể nào chối cãi được của Chúa Thánh Thần trên một con người khiêm hạ, bình thường, một người tội lỗi như tất cả mọi người chúng ta và là một ‘người con trai của Giáo Hội’ như chính lời ngài nói.
Cảm nhận ấy phát sinh sau khi đứa con 6 tuần của chị được Đức Giáo Hoàng Phanxicô ôm hôn tại Philadelphia trong bối cảnh Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới, giây phút được chị mô tả là “vô giá, vì tôi khóc và rung động cả châu thân…” Nhất là vì “ngài nhìn thẳng vào tôi… Quả là một hồng phúc”.
Chị kết luận: “Xin cám ơn Ba Phanxicô. Vì Ba đã đến xứ sở chúng con, đã nói với con tim chúng con, và đã hôn bé thơ của con. Ba hãy rà tên Luke Uebbing trên danh sách luân phiên tại NAC trong 22 năm tới. Con có cảm giác cuộc gặp gỡ này sẽ để dấu ấn lên cả cháu nữa”.