Phúc Trình Trước Khi Thảo Luận của Tổng Tường Trình Viên Thượng Hội Đồng(Phần III)

Nghe bài này

III. Sứ mệnh gia đình ngày nay

III. 1 Gia đình và việc phúc âm hóa

Trong các hậu quả và trách vụ thực tế liên quan tới sứ mệnh, một số đòi Giáo Hội phải dấn thân cho các gia đình, một số khác liên quan tới chính gia đình, và một số khác nữa đòi sự cố gắng phối hợp của cả hai.

Việc chuẩn bị hôn nhân, một việc đòi các người đính hôn lưu ý cả về bề ngoài lẫn xúc cảm, cần được phong phú hoá bởi việc nhấn mạnh tới đặc tính thiêng liêng và Giáo Hội của hôn nhân. Trong việc chuẩn bị hôn nhân về phương diện mục vụ, ta phải đi sâu vào các khía cạnh này bằng cách làm nổi bật các đặc tính chủ yếu của hôn nhân trên cả hai bình diện tự nhiên và siêu nhiên. Sẽ cực kỳ hữu ích nếu có được sự vui vẻ tham gia của cộng đồng Kitô hữu trong việc chào đón gia đình mới, một gia đình phải trở nên thành phần sống động của gia đình Giáo Hội (xem Tài Liệu Làm Việc, các số 73,103). Như thế, điều rất hữu ích là các gia đình Công Giáo can dự vào việc chuẩn bị cho các cặp đính hôn. Những người mới cưới nhau có thể quen biết một cộng đồng các bằng hữu đích thực, và từ những cuộc gặp gỡ này có thể phát sinh ra nhiều liên hệ nhân bản nhằm phong phú hóa, hỗ trợ và giúp đỡ trong các tình huống khó khăn hay trong các vấn đề của riêng vợ chồng. Được thuộc về một nhóm như thế, đức tin của cặp vợ chồng có thể chín mùi, nhất là nếu các cộng đồng gia đình này năng gặp nhau, đọc Sách Thánh, cầu nguyện với nhau, và vun sới đức tin dưới sự soi sáng của giáo huấn Giáo Hội, nhất là nhờ Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo. Ngoài tất cả các điều này, và như là ‘hoa trái’ của chúng, còn tạo được một sự tương trợ trong các vấn đề hàng ngày vốn là thành phần của đời sống gia đình. Việc tạo thành các nhóm gia đình như thế xem ra là dấu chỉ của thời đại. Chúng thường xuất hiện trong các cộng đồng mới hay trong các phong trào Giáo Hội, nhưng cũng thường hay bén rễ trong các giáo xứ. Rõ ràng, trách vụ khẩn trương và đầy hứng thú là tạo ra các cộng đồng này và phát huy chúng nơi mọi giáo phận.

Thông thường, sẽ rất tốt nếu chúng ta sinh động hóa được các nhóm này bằng sự hiện diện của một linh mục hay một nhân viên mục vụ được chuẩn bị kỹ càng (xem Tài Liệu Làm Việc, số 75).

Cả trên bình diện các cộng đồng nhỏ và thừa tác vụ giáo xứ lẫn truyền thông đại chúng, ta đều cần có “…việc hoán cải ngôn ngữ, phải chứng tỏ là có ý nghĩa hữu hiệu” (Tài Liệu Làm Việc, số 77-78). Điều này tạo thách đố cho các giám mục, các linh mục và các thừa tác viên Lời Chúa khác và đòi hỏi, hay có thể đòi hỏi, nhiều hình thức giáo lý và chứng từ mới mẻ, trong khi vẫn trung thành với chân lý mạc khải của Chúa Kitô. Nếu ta nói từ thẳm sâu cõi lòng ta, nếu ta không bao giờ mệt mỏi chịu trách nhiệm với chính ta và với đức tin của ta, thì ta có thể hướng tới người khác một cách xác tín và đầy can đảm. Nếu ta nói thành thực với người khác về những điều ta tin, ta không cần phải sợ bị hiểu lầm, vì cả chúng ta nữa đều là con cái thời đại. Dù không phải ai cũng chấp nhận điều ta công bố , nhưng ít nhất, họ hiểu các đề nghị của ta. Điều này được kinh nghiệm của các nhà truyền giáo tại các thành phố lớn xác nhận một cách đặc biệt.

Ngoài việc hân hoan công bố Tin Mừng, và bên trong bối cảnh công bố tin mừng gia đình, điều cũng cần thiết là giúp những người đang sống trong các tình huống có vấn đề và các tình huống khó khăn biện phân được điều kiện sống của họ dưới sự soi sáng của Tin Mừng. Việc biện phân này không được tự hài lòng với các tiêu chuẩn chủ quan, lấy chúng chứng nghiệm sự công chính của mình, mà phải đem lòng thương xót và công lý lại với nhau. Dự án của Thiên Chúa đối với hôn nhân và gia đình là đường dẫn con người nhân bản tới hạnh phúc. Trong công việc công bố này, các mục tử của Giáo Hội, nhất là tại các nơi có các thế giới quan hay tôn giáo khác, nên biết các cách thế như thế trong việc quan niệm và thực hiện hôn nhân và gia đình để soi sáng chúng bằng ánh sáng Tin Mừng.

III. 2 Gia đình, việc huấn luyện và các định chế công cộng

Trong việc chuẩn bị cả hàng giáo sĩ lẫn các nhân viên mục vụ, và trong việc huấn luyện họ liên tục sau đó, ta phải nhớ sự kiện này: việc trưởng thành về xúc cảm và tâm lý là điều không thể miễn chước trong việc đồng hành với các gia đình. Các văn phòng giáo phận và các cơ cấu khác về gia đình nên cộng tác vào phương diện này.

“Xét vì gia đình là ‘tế bào thứ nhất và có tính sinh tử của xã hội’ (Apostolicam actuositatem, 11), nên gia đình phải tái khám phá ơn gọi của mình là can dự vào mọi khía cạnh của việc sống trong xã hội. Một cách chủ yếu, khi tụ họp với nhau, các gia đình cần tìm ra các phương cách để tương tác với các định chế công cộng, kinh tế và văn hóa để xây dựng một xã hội công chính hơn” (Tài Liệu Làm Việc, số 91). Việc hợp tác với các định chế công cộng là điều đáng ước mong vì ích lợi của gia đình. Ấy thế nhưng tại nhiều quốc gia và tại nhiều định chế, quan niệm chính thức về gia đình “…không phù hợp với quan niệm Kitô Giáo hay ý nghĩa về gia đình dựa trên thiên nhiên” (Tài Liệu Làm Việc, số 91). Lối suy nghĩ này ảnh hưởng tới não trạng của không ít Kitô hữu. Các hiệp hội gia đình và các phong trào Công Giáo phải làm việc với nhau để khẳng định các điển hình chân thực của gia đình trong xã hội (xem Tài Liệu Làm Việc, số 91).

“Các Kitô hữu phải dấn thân trực tiếp vào đời sống xã hội chính trị bằng cách tích cực tham gia vào diễn trình đưa ra quyết định và dẫn khởi học thuyết xã hội của Giáo Hội vào các cuộc thảo luận với các định chế. Việc dấn thân này sẽ cổ vũ việc khai triển các chương trình thích đáng để trợ giúp giới trẻ và các gia đình túng thiếu liều mình đang bị cô lập hay bị loại trừ” (Tài Liệu Làm Việc, số 92).

Các Kitô hữu phải cố gắng tạo ra các cơ cấu kinh tế để hỗ trợ các gia đình đang đặc biệt khốn khổ vỉ cảnh nghèo, thất nghiệp, có việc làm bất ổn, thiếu chăm sóc xã hội và y tế hay là nạn nhân của việc cho vay nặng lãi. Toàn bộ cộng đồng Giáo Hội phải cố gắng trợ giúp các gia đình đang là nạn nhân chiến tranh và bách hại.

III. 3 Gia đình, đồng hành, và tháp nhập vào Giáo Hội

Sứ mệnh của Giáo Hội khá tế nhị và nhiều đòi hỏi đối với những người đang sống trong các tình huống hôn nhân và gia đình có vấn đề. Trước hết là những người có thể đã kết hôn trong Giáo Hội nhưng nay bằng lòng với cuộc hôn nhân dân sự hay chỉ đơn giản sống chung với nhau. Nếu thái độ của họ phát xuất từ việc thiếu đức tin hay quan tâm tôn giáo, thì đây quả là một tình thế để truyền giáo. Tuy nhiên, nếu họ đã có mối liên hệ nào đó với cộng đồng Giáo Hội, có thể đang đi lại với các nhóm trong giáo xứ hay các phong trào trong Giáo Hội, thì có đường họ sẽ tiếp cận với hôn nhân bí tích. Các năng động tính trong các liên hệ mục vụ ở bình diện bản vị có thể cung cấp căn bản vững chắc cho một phương pháp giáo huấn có thể cổ vũ việc từ từ mở tâm trí đón nhận tính viên mãn của kế hoạch Thiên Chúa (xem Tài Liệu Làm Việc, số 103).

Về những người ly thân và ly dị mà không tái hôn, cộng đồng Giáo Hội có thể giúp những người đang sống trong các tình huống này theo con đường tha thứ và có thể hòa giải, và có thể giúp con cái nạn nhân của các tình huống này và khuyến khích những người bị bỏ rơi sau một thất bại như thế, để họ kiên vững trong đức tin và trong cuộc sống Kitô hữu và cũng để “tìm được nơi Thánh Thể của nuôi cần thiết nâng đỡ họ trong bậc sống hiện tại của họ” (Tài Liệu Làm Việc, số 118).

Điều quan trọng là phải có các trung tâm lắng nghe, ít nhất ở cấp giáo phận, những trung tâm có khả năng giúp đỡ trong những lúc gặp khủng hoảng, nhưng cả về sau nữa (xem Tài Liệu Làm Việc, số 117). Một loại huấn đạo khác, không kém quan trọng, được cung cấp cho các người ly dị nhằm làm sáng tỏ tính vô hiệu rất có thể có trong cuộc hôn nhân thất bại của họ như đã được dự liệu trong tự sắc Mitis Iudex.

Về những người ly dị và tái hôn dân sự, điều duy nhất đúng là đồng hành mục vụ đầy thương xót, tuy nhiên, phải là một đồng hành mà không gây nghi ngờ gì cho sự thật về tính bất khả tiêu của hôn nhân do chính Chúa Giêsu truyền dậy. Lòng thương xót của Thiên Chúa cung ứng sự tha thứ cho người tội lỗi nhưng đòi họ phải hoán cải. Trong trường hợp này, tội, trước hết và trên hết, không nằm ở bất cứ tác phong nào có thể dẫn tới việc tan vỡ của cuộc hôn nhân đầu. Về sự thất bại này, có thể cả hai đều có lỗi như nhau, dù thường là một trong hai người chịu trách nhiệm đến một mức nào đó. Cho nên, không phải sự thất bại của cuộc hôn nhân đầu, nhưng việc sống chung trong mối liên hệ thứ hai mới ngăn cản họ không được rước lễ. “Nhiều phía yêu cầu rằng việc chú ý tới và đồng hành với những người đã ly dị và tái hôn dân sự cần phải xem xét tính đa dạng của các tình huống và phải ăn khớp với việc tháp nhập họ nhiều hơn vào đời sống của cộng đồng Kitô hữu” (Tài Liệu Làm Việc, số 121). Điều ngăn cản một số khía cạnh của việc tháp nhập trọn vẹn không hệ ở việc ngăn cấm võ đoán; đúng hơn đây là một đòi hỏi nội tại ngay trong các tình huống và mối liên hệ đa dạng, trong bối cảnh chứng tá Giáo Hội. Tuy nhiên, tất cả những điều này cần được suy nghĩ sâu xa hơn.

Về con đường thống hối, lối nói này được sử dụng nhiều cách khác nhau (xem Tài Liệu Làm Việc, các số 122-123). Những con đường như thế này cần được đào sâu và chuyên biệt hóa. Ta có thể hiểu nó theo nghĩa trong tông huấn Familiaris consortio của Thánh Gioan Phaolô II (xem số 84) và có ý chỉ những người ly dị và tái hôn, vì các nhu cầu của con cái mà không thể gián đoạn cuộc sống chung, nhưng có khả năng thực hành sự tiết dục nhờ sức mạnh của ơn thánh bằng cách sống mối liên hệ của họ như những người giúp nhau và như bằng hữu. Các tín hữu này cũng sẽ được lui tới các bí tích Thống Hối và Thánh Thể, mà không vướng vào việc gây gương mù gương xấu (xem Tài Liệu Làm Việc, số 119). Khả thể này không hề có tính duy thể lý (physicalist) và giản lược hôn nhân vào việc thực hành tính dục, nhưng thừa nhận bản chất và mục tiêu của hôn nhân, nên được áp dụng một cách mạch lạc vào đời sống con người nhân bản.

“Để đi sâu vào tình thế khách quan của tội và việc qui tội luân lý, Thư gửi Các Giám Mục của Giáo Hội Công Giáo về việc rước lễ của các tín hữu ly dị và tái hôn của Thánh Bộ Giáo Tín Lý (14 tháng Chín, 1994) phải được xem xét cùng với Tuyên Bố về việc cho phép những người ly dị và tái hôn rước lễ của Hội Đồng Giáo Hoàng về Các Bản Văn Luật Pháp (24 tháng Sáu, 2000) (IL 123), cũng như những điều được nói trong Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Sacramentum Caritatis của Đức Bênêđíctô XVI.

Việc tháp nhập các người ly dị và tái hôn vào cộng đồng Giáo Hội có thể thực hiện được bằng nhiều cách khác nhau, ngoài việc cho phép họ rước lễ, như đã được đề nghị trong Familiaris consortio số 84.

Trong thực hành truyền thống của Giáo Hội La Tinh, con đường thống hối có thể được dành cho những người chưa sẵn sàng thay đổi lối sống của họ, nhưng cố gắng bầy tỏ ước muốn hoán cải, thì các vị giải tội có thể nghe lời xưng thú của họ, cho họ lời khuyên và đề nghị việc đền tội, hầu hướng họ về việc hóan cải, nhưng không được giải tội cho họ vì việc này chỉ khả hữu cho những ai thực sự có ý định thay đổi cuộc sống của mình (xem RI 5 trong VI; F. A. Febeus, S. I., De regulisiuris canonici Liber unicus, Venetiis 1735, các tr. 91-92).

Các cuộc hôn nhân đích thực giữa các Kitô hữu thuộc các tuyên tín khác nhau và những cuộc hôn nhân cử hành với phép chuẩn khỏi ngăn trở khác đạo, giữa một người Công Giáo và một cá nhân chưa được rửa tội, chúng đều là những cuộc hôn nhân thành sự, nhưng đem lại một số thách đố mục vụ. “Thành thử, muốn xử lý với các dị biệt liên quan tới đức tin một cách xây dựng, nhất thiết phải lưu ý cách riêng tới những người hiện đang sống trong các cuộc hôn nhân này, không chỉ trong thời gian chuẩn bị trước ngày cưới mà thôi” (Tài Liệu Làm Việc, số 127).

Đối với việc nhắc đến các thực hành mục vụ của các Giáo Hội Chính Thống, điều này không thể được lượng giá một cách thích đáng bằng cách chỉ sử dụng công cụ ý niệm từng được khai triển ở Tây Phương trong đệ nhị thiên niên kỷ. Cần phải nhớ rằng (có nhiều) khác biệt lớn lao về định chế liên quan tới tòa án của Giáo Hội, cũng như việc phải đặc biệt tôn trọng luật lệ của các Nhà Nước, một việc có lúc trở nên rất căng thẳng, nếu luật lệ Nhà Nước tách biệt khỏi sự thật về hôn nhân theo kế sách của Đấng Tạo Hóa.

Trong việc tìm các giải pháp mục vụ cho hoàn cảnh khó khăn của một số người ly dị và tái hôn dân sự, ta cần phải nhớ rằng không được liên kết việc trung thành đối với tính bất khả tiêu của hôn nhân với việc thừa nhận trên thực tế tính thiện của các tình huống trái ngược và do đó không thể hòa giải được. Thực vậy, giữa chân và giả, giữa tốt và xấu, không hề có sự tiệm tiến, ngay cả khi một số hình thức sống chung tự chúng có mang theo một số khía cạnh tích cực, thì điều này vẫn không có nghĩa ta có thể trình bầy chúng như là tốt được. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh tới sự thật khách quan của điều thiện luân lý và trách nhiệm chủ quan của các người cá thể. Có thể có sự khác nhau giữa việc vô trật tự, nghĩa là tội khách quan, và tội cụ thể phạm trong tác phong đặc thù, một việc có bao hàm yếu tố chủ quan, nhưng không chỉ bao hàm yếu tố này. “Việc quy lỗi và trách nhiệm về một hành động có thể được giảm bớt hay xóa bỏ do thiếu hiểu biết, sơ suất, do áp lực, sợ hãi, do thói quen, do tâm lý bất ổn, do các nhân tố tâm lý hay xã hội” (Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, số 1735). Điều này có nghĩa: trong sự thật khách quan, điều tốt và điều xấu không có sự tiệm tiến (sự tiệm tiến của lề luật), trong khi ở bình diện chủ quan, thì luật tiệm tiến có thể xẩy ra, và do đó có việc giáo dục lương tâm và trong cùng ý nghĩa này là trách nhiệm.
Thực vậy, hành vi nhân bản, sẽ tốt khi nó tốt trong mọi khía cạnh (ex integra causa).

Cả ở phiên họp Thượng Hội Đồng năm ngoái lẫn trong lúc chuẩn bị cho phiên họp chung hiện nay, vấn đề lưu tâm mục vụ đối với những người có khuynh hướng đồng tính đã được bàn tới. Dù cho vấn đề này không trực tiếp ảnh hưởng tới thực tại gia đình, vẫn có những tình huống trong đó, tác phong loại này gây ảnh hưởng tới cuộc sống gia đình. Dù sao, Giáo Hội vốn dậy rằng “’tuyệt đối không có cơ sở nào để coi các cuộc kết hợp đồng tính tương tự bất cứ cách nào hay thậm chí xa xôi so sánh được với kế hoạch Thiên Chúa dành cho hôn nhân và gia đình’. Tuy nhiên, những người đàn ông và đàn bà có khuynh hướng đồng tính phải được tiếp nhận với lòng kính trọng và mẫn cảm. ‘Phải tránh mọi dấu hiệu kỳ thị bất công đối với họ’” (Thánh Bộ Tín Lý, Các xem xét liên quan tới các đề nghị thừa nhận hợp pháp các cuộc kết hợp giữa các người đồng tính luyến ái , số 4, Tài Liệu Làm Việc, số 130).

Tài Iiệu trên nhắc lại rằng mọi người đều phải được kính trọng trong phẩm giá của họ, bất kể xu hướng tính dục của họ. Điều đáng ước mong là các giáo phận dành sự chú ý đặc biệt trong các chương trình mục vụ của họ cho việc đồng hành với các gia đình có thành viên có xu hướng đồng tính và với chính các người đồng tính (Tài Liệu Làm Việc số 131). Trái lại, “gây áp lực về phương diện này đối với các mục tử của Giáo Hội là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được: cũng thế, không thể chấp nhận được việc các tổ chức quốc tế nối kết sự trợ giúp tài chánh của họ cho các nước nghèo với việc (các nước này) phải ban hành các luật lệ hợp pháp hóa ‘cuộc hôn nhân’ giữa những người cùng phái tính” (Tài Liệu Làm Việc số 132).

III. 4 Gia đình, sinh sản, giáo dục

Đón nhận sự sống là một đòi hỏi nội tại của tình yêu vợ chồng. Do đó, không thể giản lược việc sinh sản sự sống thành một biến số trong kế hoạch của vợ chồng hay của các cá nhân. Viễn ảnh có tính duy cá nhân về sinh sản có thể góp phần vào việc giảm thiểu sinh suất rất đáng kể, làm cho cơ cấu xã hội yếu đi, phá hoại mối liên hệ giữa các thế hệ và khiến cho tương lai trở thành bất trắc hơn (xem Tài Liệu Làm Việc, số 133).

Bởi thế, ta cần tiếp tục làm cho người ta biết đến các văn kiện của Huấn Quyền Giáo Hội, là các văn kiện cổ vũ nền văn hóa sự sống trước một nền văn hóa sự chết đang mỗi ngày mỗi phổ biến hơn. Hoạt động mục vụ nhân danh gia đình cần có sự tham dự của nhiều chuyên viên sinh y học Công Giáo hơn để chuẩn bị cho các cặp kết hôn và để đồng hành với các các cặp đã kết hôn rồi (xem Tài Liệu Làm Việc số 134).

“Cũng phải cố gắng hết sức để thiết lập một cuộc đối thoại với các cơ quan và các nhà tạo lập chính sách quốc tế ngõ hầu cổ vũ việc tôn trọng sự sống con người, từ lúc tượng thai cho tới lúc chết tự nhiên. Về phương diện này, cần dành sự chú ý đặc biệt cho các gia đình có con cái mang khuyết tật” (Tài Liệu Làm Việc, số 135).

III. 5 Trách nhiệm sinh sản

Về những gì liên quan tới trách nhiệm sinh sản: “… cần phải bắt đầu với việc lắng nghe người ta và nhìn nhận vẻ đẹp và sự thật của việc sẵn sàng chào đón sự sống một cách vô điều kiện, một điều cần thiết, nếu muốn sống trọn vẹn tình yêu nhân bản. Điều này được dùng làm căn bản cho một giáo huấn thích đáng liên quan tới các phương pháp tự nhiên trong việc sinh sản có trách nhiệm, các phương pháp giúp vợ chồng sống một cách hòa hợp và đầy ý thức cuộc đối thoại yêu thương giữa vợ và chồng với mọi khía cạnh của nó, song song với trách nhiệm sinh sản sự sống mới của họ. Về phương diện này, ta nên trở lại với sứ điệp trong thông điệp Humanae vitae của Chân Phúc Phaolô VI, một sứ điệp làm nổi bật việc phải kính trọng phẩm giá con người bằng cách lượng giá các phương pháp điều hòa sinh đẻ về phương diện luân lý. Việc nhận trẻ em, trẻ mồ côi và trẻ bị bỏ rơi làm con nuôi và coi chúng như con đẻ là một hình thức chuyên biệt của việc tông đồ gia đình (xem AA, số 11), và là việc thường được Huấn Quyền kêu gọi và khuyến khích (xem FC 41; Evangelium Vitae, 93)” (Tài Liệu Làm Việc số 136). Điều cần thiết là cung cấp các cách hướng dẫn để nuôi dưỡng cuộc sống lứa đôi và tầm quan trọng của hàng ngũ giáo dân là những người cung ứng sự đồng hành bằng chứng tá sống động (xem Tài Liệu Làm Việc, số 139).

III. 6 Sự sống con người, một mầu nhiệm khôn thấu

“Chính các hữu thể nhân bản cũng bị coi như những hàng hóa tiêu thụ để sử dụng rồi sau đó vứt đi. Chúng ta đã tạo ra một nền văn hóa ‘vứt bỏ’ hiện đang lan rộng” (Evangelii gaudium, 53). Về phương diện này, với sự hỗ trợ của mọi người trong xã hội, nhiệm vụ của gia đình là chào đón sự sống nhân bản chưa sinh ra và chăm sóc sự sống nhân bản trong giai đoạn cuối cùng của nó” (Tài Liệu Làm Việc số 140).

Liên quan tới bi kịch phá thai, Giáo Hội tái khẳng định đặc tính bất khả xâm phạm của sự sống con người. Giáo Hội cung ứng lời khuyên cho các phụ nữ mang thai, nâng đỡ các bà mẹ thiếu niên, trợ giúp trẻ em bị bỏ rơi, là người đồng hành với những ai đau khổ vì phá thai và ý thức được lầm lỗi của mình. Giáo Hội cũng tái khẳng định quyền được chết tự nhiên, đồng thời tránh cả việc chữa chạy quá hăm hở lẫn việc trợ tử (xem Tài Liệu Làm Việc số 141). Thực vậy, chết không phải là sự kiện tư riêng và có tính cá nhân. Con người nhân bản không cô lập và không nên cảm thấy bị cô lập lúc đau khổ và chết chóc. Trong thế giới ngày nay, khi các gia đình trở nên nhỏ bé và đôi lúc bị cô lập và tan nát hay do cha hay mẹ đơn lẻ đứng đầu, khả năng chăm sóc của họ đối với các thành viên trong gia đình, kể cả người già cả, người tàng tật và người hấp hối, đã giảm đi. Ngoài các hệ thống xã hội công cộng lớn lao, thường là của nhà nước, các gia đình có nhiều khó khăn lớn lao trong việc xoay xở, một phần cũng do tuổi già trong xã hội và việc lớn mạnh của thứ luận lý học hoàn toàn có tính thị trường coi các chi tiêu xã hội như là nhân tố làm giảm tính cạnh tranh của nó. Trong bối cảnh này, Giáo Hội đang phải đương đầu với một thách đố kép. Một đàng, qua các định chế và các dịch vụ thiện nguyện của mình, Giáo Hội phải tìm cách bù đắp các thiếu sót của hệ thống phúc lợi của nhà nước và đàng kia, vì các gia đình không có khả năng củng cố khía cạnh nhân bản của hệ thống này, nên Giáo Hội vừa phải cung ứng nhiều sự trợ giúp về vật chất mà đồng thời phải hỗ trợ các gia đình về nhân bản và tâm linh nữa. Các giá trị không thể định lượng hóa bằng tiền bạc được.

III. 7 Thách đố giáo dục và vai trò gia đình trong việc phúc âm hóa

Thách đố đặc biệt mà gia đình phải đương đầu là thách đố giáo dục và phúc âm hóa. Cha mẹ vốn là và vẫn là những người đầu tiên chịu trách nhiệm về việc giáo dục nhân bản và tôn giáo cho con cái mình. Tuy nhiên, mọi cuộc khủng khoảng đang đe dọa và làm yếu gia đình đều gây trở ngại cho việc phát triển trách vụ này. Đàng khác, nhiều nơi “đang mục kích sự kiện: càng ngày vai trò dưỡng dục của cha mẹ càng bị làm yếu đi, do sự hiện diện đầy xâm lấn của các phương tiện truyền thông vào gia đình cũng như khuynh hướng muốn đẩy nhiệm vụ này cho các thực thể khác. Hiện tượng này đòi Giáo Hội phải khuyến khích và hỗ trợ các gia đình trong việc giám sát cẩn mật và có trách nhiệm đối với các chương trình ở trường và các chương trình giáo dục có thể ảnh hưởng tới con cái mình” (Tài Liệu Làm Việc số 144).

Trong tất cả các hoạt động giáo dục này, các gia đình có thể nhận được sự giúp đỡ chủ yếu của các gia đình khác, nhất là của cộng đồng các gia đình Kitô Giáo, là các gia đình xem ra đang càng ngày càng đảm nhận một số trách vụ quan trọng nhiều hơn trong Giáo Hội, tạo nên một hình thức tông đồ giáo dân rất nền tảng. Trong bối cảnh khủng hoảng định chế, hàng ngũ giáo dân tượng trưng một cách đầy quan phòng cho yếu tố cộng đồng đối với các gia đình và đối với Giáo Hội.

Kết luận

Đã lắng nghe Lời Chúa, câu trả lời của ta phải lưu tâm một cách thành thực và đầy tình huynh đệ tới các nhu cầu của những người cùng thời với ta, để thông truyền tới họ sự thật có tính giải thoát và làm nhân chứng cho lòng thương xót vĩ đại nhất.

Do đó, để đương đầu với thách đố của gia đình ngày nay, Giáo Hội phải hoán cải và trở nên sống động hơn, bản vị hơn, có tính cộng đồng hơn ngay ở các bình diện giáo xứ và cộng đoàn nhỏ. Ở nhiều nơi, xem ra đã đang có một sự thức tỉnh nào đó. Để việc này phổ quát hơn và càng ngày càng sâu sắc hơn, chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần soi sáng, Đấng sẽ chỉ cho ta những bước cụ thể cần phải theo.

Bằng cách trên, ơn gọi và sứ mệnh gia đình trong Giáo Hội và trong thế giới ngày nay, vốn là chủ đề của Thượng Hội Đồng này, sẽ xuất hiện trong một ánh sáng thanh quang và cụ thể khiến ta lớn lên trong can đảm và hy vọng vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Một lòng thương xót mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã dành cả một năm thánh đặc biệt để tôn vinh. Chúng ta hãy cám ơn Đức Thánh Cha vì quyết định đầy hy vọng này và xin phó thác việc làm của chúng ta cho Thánh Gia Nadarét.

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

BÀI MỚI NHẤT

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS