Một Kitô hữu là một con người của hy vọng, biết và làm chứng rằng Chúa Giêsu đang sống, đang ở giữa chúng ta, đang cầu nguyện cùng Chúa Cha cho mỗi người chúng ta, và Ngài sẽ lại đến. Đức Thánh Cha Phanxicô đã tổng kết mối quan hệ giữa Chúa Giêsu Phục Sinh và các tín hữu Kitô như trên trong Thánh Lễ tại nhà nguyện Santa Marta vào sáng Thứ Sáu 22 Tháng Tư.
Từ những bài đọc trong ngày, Đức Thánh Cha đã đưa ra ba từ căn bản cho đời sống người Kitô hữu, đó là thông điệp, lời chuyển cầu và hy vọng.
Trước hết, bàn về thông điệp. Trong bài đọc trích từ sách Công Vụ các Tông Đồ (13: 26-33), thông điệp này về cơ bản “là lời chứng của các Tông Đồ về sự sống lại của Chúa Giêsu”. Phaolô khẳng định trong hội đường rằng: “Sau khi thực hiện tất cả mọi điều Kinh Thánh chép về Người, họ đã hạ Người từ trên cây gỗ xuống và mai táng trong mồ. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết. Trong nhiều ngày, Đức Giê-su đã hiện ra với những kẻ từng theo Người từ Ga-li-lê lên Giê-ru-sa-lem. Giờ đây chính họ làm chứng cho Người trước mặt dân.” Đức Thánh Cha tóm tắt như sau “thông điệp ở đây là: Chúa Giêsu chịu chết và sống lại vì chúng ta, vì ơn cứu rỗi của chúng ta. Chúa Giêsu đang sống!” Đây là những gì các môn đệ đầu tiên muốn truyền đạt “cho người Do Thái và dân ngoại sống vào thời của các ngài”, và các ngài “cũng đã làm chứng bằng cuộc sống, và với máu của mình”.
Đức Thánh Cha nói tiếp rằng khi Gioan và Phêrô bị cấm loan báo danh Chúa Giêsu và sự phục sinh của Ngài, “các vị nói, với tất cả sự can đảm của họ và trong cách thế đơn sơ nhất rằng ‘Chúng tôi không thể không nói về những gì chúng tôi đã thấy và đã nghe’. Thật vậy, chúng ta, là các Kitô hữu, nhờ đức tin, chúng ta có trong chúng ta Chúa Thánh Thần, Đấng cho phép chúng ta nhìn thấy và nghe sự thật về Chúa Giêsu, Đấng đã chết vì tội lỗi chúng ta và đã sống lại”. Điều này, do đó, “là thông điệp của đời sống Kitô: Chúa Kitô đang sống! Chúa Kitô đã sống lại! Chúa Kitô đang ở giữa chúng ta trong cộng đồng chúng ta, Ngài đồng hành cùng chúng ta trên mọi nẻo đường”. Bất chấp các nỗ lực đôi khi làm chúng ta ngộ nhận, “một trong những khía cạnh của đời sống Kitô hữu” chính xác là: thông điệp. Chúng ta hiểu rõ ràng điều này từ Kinh Thánh trong đó Thánh Gioan khẳng định: “Điều mà chúng tôi đã nhìn thấy bằng mắt mình, chúng tôi đã nghe với đôi tai, điều chúng tôi đã chạm được với bàn tay của chúng tôi. ..”, như thể ngài muốn nói: “Chúa Kitô Phục Sinh là một thực tại và tôi làm chứng cho điều này”.
Từ khóa thứ hai do Đức Thánh Cha đề nghị là “chuyển cầu”, lần này lấy cảm hứng từ Tin Mừng Thánh Gioan (14: 1-6). Trong Bữa Tiệc Ly vào Thứ Năm Tuần Thánh, khi các Tông Đồ đã chán nản, Chúa Giêsu nói: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; Thầy đi dọn chỗ cho anh em” Đức Thánh Cha Phanxicô dừng lại để suy tư về đoạn văn này và đặt câu hỏi: “Điều này có nghĩa là gì? Chúa Giêsu chuẩn bị một chỗ như thế nào?” Đức Thánh Cha đáp: “Với lời cầu nguyện của Ngài cho mỗi người trong chúng ta: Chúa Giêsu cầu nguyện cho chúng ta và đây là lời cầu bầu”. Điều quan trọng là phải biết rằng “Chúa Giêsu đang hành động tại thời điểm này với lời cầu nguyện của Ngài cho chúng ta”. Đức Thánh Cha giải thích thêm: như trước cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu nói: “Phêrô, Thầy đã cầu nguyện cho anh”, tương tự như vậy, “bây giờ Chúa Giêsu là người cầu bầu cho chúng ta với Chúa Cha”.
Tuy nhiên, giờ đây chúng ta tự hỏi: “Chúa Giêsu cầu nguyện như thế nào?”. Đức Thánh Cha Phanxicô nói rõ ngài muốn đưa ra một câu trả lời “cá nhân”, một câu trả lời của riêng mình, và “không phải là một tín điều của Giáo Hội”. Ngài nói: “Tôi tin rằng Chúa Giêsu cho Chúa Cha thấy vết thương của Ngài, bởi vì những vết thương vẫn còn đó khi Ngài sống lại. Ngài đã cho Chúa Cha thấy những vết thương và tên mỗi người trong chúng ta”. Theo Đức Thánh Cha, chúng ta có thể tưởng tượng lời cầu nguyện của Chúa Giêsu như thế. Một Kitô hữu được linh hoạt bởi nhận thức này: “tại thời điểm này Chúa Giêsu là Đấng Chuyển Cầu cùng Chúa Cha cho chúng ta”.
Cuối cùng chiều kích thứ ba là niềm hy vọng. Một lần nữa từ này được khơi mào bởi Tin Mừng trong ngày. Chúa Giêsu nói: “Thầy đi dọn chỗ cho anh em, Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.” Đây là niềm hy vọng Kitô giáo. Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Thầy sẽ lại đến!”. Đức Thánh Cha giải thích thêm: “Kitô hữu là những người nam nữ của hy vọng” chính vì “họ hy vọng Chúa lại đến”. Về vấn đề này, Đức Thánh Cha nói thêm, thật đẹp nếu chúng ta để ý cách thức “Kinh Thánh bắt đầu và kết thúc”. Khởi đầu, chúng ta đọc thấy: “Thuở ban đầu”, nói cách khác, “khi mọi thứ bắt đầu”. Và Khải Huyền kết thúc với lời cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu xin hãy đến.” Thật vậy, tất cả Giáo Hội “đang chờ đợi sự quang lâm của Chúa Giêsu: Chúa Giêsu sẽ trở lại”. Đức Thánh Cha nhấn mạnh điều này “là niềm hy vọng Kitô giáo”.
Đức Thánh Cha kết luận bằng cách tóm tắt bài suy niệm của ngài: Chúng ta có thể tự hỏi: “Thông điệp trong cuộc sống của tôi ra sao? Mối quan hệ của tôi với Chúa Giêsu Đấng Chuyển Cầu cho tôi như thế nào đây? Tôi hy vọng như thế nào? Tôi có thực sự tin rằng Chúa đã sống lại? Tôi có tin rằng Ngài đang cầu nguyện cùng Chúa Cha cho tôi?” Xa hơn, “Tôi có thực sự tin rằng Chúa sẽ lại đến một lần nữa?”. Nói cách khác: “Tôi có tin vào thông điệp này? Tôi có tin vào sự cầu bầu? Tôi có phải là một người nam nữ của hy vọng hay không?”