Sống làm sao để được chúc phúc

Nghe bài này

giao-hoi-5533

Đã làm người ai cũng mong sao cho mình được hạnh phúc và người ta quan niệm khác nhau về hạnh phúc. Có người cho rằng có hiểu biết, trí tuệ là có hạnh phúc; người khác lại bảo có sức khỏe, tiền bạc…là hạnh phúc.

Ta vẫn thấy Phúc –  Lộc –  Thọ là những lời cầu chúc tốt đẹp theo truyền thống người Việt Nam, nó luôn có giá trị và được mọi người tôn trọng. Với tôn giáo, vào thời xa xưa, Kinh Thánh thường kể về những con người được Thiên Chúa chúc phúc, họ là những người học biết đường công chính, vâng giữ lệnh truyền của Thiên Chúa, và sau này chính bản thân họ trở thành mối phúc cho nhiều người khác. Tổ phụ Abraham chỉ biết trọn niềm phó thác vào lời hứa của Thiên Chúa, không chút từ nan hay nghi ngờ, luôn sẵn sàng bước đi theo tiếng gọi của Thiên Chúa. Abraham đã được Thiên Chúa đền đáp, cho ông trở nên tổ phụ một dân riêng của Thiên Chúa, và trở nên lời chúc phúc cho muôn thế hệ.

Chúa Giêsu xuống trần gian và đã sống như một người nghèo giữa những người nghèo; đã tuyên bố: Phúc cho những kẻ nghèo đói, phúc cho những kẻ đang khóc lóc, phúc cho những kẻ bị bách hại, Chúa Giêsu hẳn phải là người hạnh phúc nhất, vì Ngài đã đi đến tận cùng sự nghèo đói, bách hại ấy.

Nhìn vào cuộc đời Chúa Giêsu, ta thấy Chúa đã không làm phép lạ cho trái đất luôn chảy sữa và mật, Ngài đã không đem lại một giải pháp chính trị, kinh tế, xã hội cụ thể nào; thế nhưng, cuộc sống, lời nói và cái chết của Ngài lại là chìa khóa giúp giải quyết các vấn đề của con người. Quả vậy, vấn đề cơ bản của con người là gì, nếu không phải là được sống hạnh phúc; tuy nhiên, sai lầm lớn nhất của mọi thời chính là nghĩ rằng càng có nhiều tiền của, quyền bính, danh vọng thì càng được hạnh phúc.

Người đời thường coi hạnh phúc bắt nguồn từ giàu sang, no đủ, từ danh thơm tiếng tốt. Chúa Giêsu đưa chúng ta đi vào một thế giới khác, với lối đánh giá khác, làm chúng ta ngỡ ngàng. Ngài cho các môn đệ của Ngài biết rằng: họ là những người có phúc, khi phải chịu nghèo đói, đau khổ, bách hại vì Ngài. Nước Trời đã thuộc về họ từ đây, và hạnh phúc sẽ trọn vẹn trong ngày sau hết.

Chúa Giêsu đã sống những mối phúc trước chúng ta. Ngài là một người thợ thủ công nghèo, Ngài biết đến sự dày vò của cơn đói, Ngài đã từng nhỏ lệ trước thành Giêrusalem, và đã chịu mọi khổ hình cho đến chết. Nhưng Chúa Giêsu là con người hạnh phúc, vì biết mình luôn sống cho Cha và con người. Chúng ta cần có kinh nghiệm của Chúa Giêsu: Nghèo của cải mà thật giàu Nước Thiên Chúa. Chúa Giêsu quan niệm hạnh phúc rất khác biệt.

Hạnh phúc không là những cái có: Người ta thường dựa vào những cái người ta có để làm tiêu chuẩn đo lường hạnh phúc. Tuy nhiên, những cái người ta có rồi cũng sẽ mất đi. Thí dụ có nhiều tiền thì cũng có thể bị mất; có sức khỏe thì qua thời gian cũng yếu dần…Đối với Chúa Giêsu, hạnh phúc không là cái gì ta có được.

“Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, đang đói, đang phải khóc, bị oán ghét loại trừ…” Tiêu chuẩn hạnh phúc của Chúa rất ngược đời. Dĩ nhiên, Chúa không muốn chúng ta nghèo, bị đói, khóc lóc, bị oán ghét… nhưng Chúa muốn dạy cho chúng ta biết chấp nhận những gì xảy đến cho mình. Con đường để được hạnh phúc là con chấp nhận khó nhọc và khổ đau; hay nói cách khác là con đường thập giá. Vì chỉ có khi chấp nhận khó nhọc khổ đau, người ta mới có được hạnh phúc, như người nông dân muốn niềm vui trong mùa gặt phải bỏ công lao tác, thức khuya dậy sớm giữa mưa gió và nắng nóng.

Khi tuyên bố: “Phúc cho những kẻ nghèo khó”, Chúa Giêsu không hề có ý muốn biến thế giới thành một thế giới nghèo đói, bần cùng. Của cải vật chất là phương tiện cần thiết để cho con người được sống xứng phẩm giá con người; Thiên Chúa đã tạo dựng con người để nó thống trị và hưởng dụng mọi sự trong vũ trụ. Khi tuyên bố: “Phúc cho những kẻ nghèo khó”, Chúa Giêsu nhắc nhở cho con người bậc thang giá trị đích thực trong cuộc sống. Của cải vật chất là phương tiện, chứ không phải là cứu cánh của cuộc sống. Người nghèo khó như Chúa Giêsu đã từng sống là người sống theo bậc thang giá trị ấy. Người sống nghèo khó như Chúa Giêsu là người biết sống cho những giá trị vĩnh cửu, là yêu thương, quảng đại, liên đới, tình người.

Và rồi, đứng trước sự phú túc giàu sang của cuộc đời, Chúa dạy ta phải tránh tìm cho mình một lối sống dễ dãi: “Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, đang được no nê, đang được vui cười, được mọi người ca tụng…”. Chúa không lên án của cải cũng như sự giàu có, nhưng Chúa cấm chúng ta chỉ lo tìm kiếm sự giàu có. Người hạnh phúc là người biết chấp nhận những gì xảy đến cho mình và an lòng với chúng trong cái nhìn đức tin. Nếu chúng ta chỉ lo tìm kiếm những gì dễ dãi, vui tươi thì chắc chắn có lúc sẽ thất vọng vì cuộc đời không phải lúc nào cũng bằng phẳng.

Khốn cho những kẻ giàu có, những kẻ đang được no nê, những kẻ đang vui cười. Đức Giêsu báo trước cho họ biết rằng: điều đang làm cho họ thỏa mãn lại là điều không chắc chắn. Tình trạng đầy đủ làm cho con người đóng kín với chính mình, thỏa mãn với những gì đang có, và quên đi rằng họ đang chuẩn bị cho mình một tương lai đầy u tối và đớn đau. Chính thái độ thỏa mãn này ngăn cản họ mở lòng ra trước Tin Mừng, trước lời loan báo về một thế giới mới.

Thật vậy, muốn trở thành những môn đệ đích thực của Chúa Giêsu, có lẽ ta phải lắng nghe những lời chúc phúc và chúc dữ này, đồng thời áp dụng vào đời sống của chính mình. Có lẽ ta cần thường xuyên xem xét đâu là những giá trị thực sự đem lại bình an và hạnh phúc. Những mối phúc và những mối khốn, là những lời nhắc nhở, cảnh tỉnh để ta có được hạnh phúc đích thực, và chỉ một mìnhThiên Chúa mới mang lại cho ta hạnh phúc đó.

 

Huệ Minh

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS