Những đôi mắt của thế giới Công Giáo đã hướng về ngôi đền Bồ Đào Nha, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 100 Đức Mẹ hiện ra tại Fatima. Và người ta không chỉ nghĩ đến Fatima bởi vì Đức Giáo Hoàng đến đó. Ngài không phải là vị Giáo Hoàng đầu tiên đến đây – ngài là vị giám mục Rôma thứ tư đến thăm ngôi đền này. Người ta chú ý vì tầm quan trọng của Fatima, và, một trăm năm sau biến cố Đức Mẹ hiện ra, Fatima còn quan trọng hơn bao giờ hết.
Tôi từng nghĩ rằng Fatima là một khía cạnh của lòng đạo đức bình dân, chỉ thu hút sự quan tâm chuyên biệt, của một nhóm nào đó trong Giáo Hội. Nhưng bây giờ, tôi chắc chắn là không nghĩ như thế vì nhiều lý do.
Trước hết, tại Fatima, Đức Mẹ đã nói thẳng thừng không quanh co. Mẹ là người duy nhất không bao giờ phạm cái tội mà thế giới này gọi là tội xách động tâm tình thù hận vì Mẹ là mẹ và là người mẹ yêu thương tất cả mọi người. Nhưng tại Fatima, Mẹ đã nói rõ với chúng ta rằng tất cả những tội lỗi đều có những hậu quả nhất định, và những hậu quả này thật đáng sợ.
Hỏa ngục là một chủ đề bị bỏ quên trong thần học Công Giáo và trong các bài giảng thuyết những năm về sau này, và nó cần phải được đặt lại đúng vị trí của nó trong cả hai trường hợp. Thật rất là lạ lùng khi chúng ta cố ý lờ đi khái niệm hỏa ngục, bởi vì 100 năm qua kể từ năm 1917, thế giới đã chứng kiến sự tăng trưởng kinh hoàng những ví dụ rất cụ thể về địa ngục mà con người đã tạo ra cho nhau. Tại sao chúng ta lại khó tin vào hỏa ngục ở bên kia thế giới – là một nơi hoàn toàn không có tình yêu thương của Thiên Chúa – khi mà trước mắt chúng ta là những bức tranh và những âm thanh mô tả sống động về những địa ngục trên trái đất mà con người đã tạo ra cho đồng loại của mình: các hố chôn người trong Thế giới Chiến tranh Thứ nhất, các quần đảo ngục tù Gulag, các trại tử thần Đức Quốc xã, và những cánh đồng chết tại Campuchia; và cơ man những thí dụ kinh hoàng khác vẫn còn đang tiếp diễn chung quanh chúng ta.
Những ví dụ đáng sợ này lẽ ra đã quá đủ để thuyết phục chúng ta rằng chúng ta có khả năng gây ra các tội lỗi gian ác và các hành động gian ác ấy có những hậu quả thật kinh khủng. Có lẽ các nhà giảng thuyết và nhà thần học đương đại (trong đó có tôi) né tránh đề cập đến hỏa ngục, vì sợ mích lòng cử tọa của mình. Vâng, trong chừng mực nào đó chúng tôi thất bại, chúng tôi sợ bị người ta chụp mũ là đang reo rắc các bài diễn văn thù hận, các “hate speech” theo ngôn ngữ đương đại. Nếu như thế chúng tôi nên nhường máy vi âm cho Đức Mẹ Fatima. Ít nhất chúng ta hãy có can đảm để nói rằng chính Đức Mẹ đã nói như thế về hỏa ngục.
Điều thứ hai là sự nhấn mạnh vào chuỗi Mân Côi. Đó là một lời cầu nguyện đơn giản, và dễ đề cập. Vậy thì chúng ta hãy cứ nói mạnh vào khía cạnh này. Điều đó không làm hại bất cứ ai. Không ai trong thế giới phương Tây này bị bắt vì rao giảng chuỗi Mân Côi, vậy thì chúng ta nên nói mạnh vào, hứa hẹn sẽ có nhiều điều tốt đẹp.
Thứ ba, là sự nhấn mạnh về Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Mẹ. Đây là điều làm tôi cảm động nhất. Đức Mẹ nói tại Fatima:
“Nếu nhân loại đáp ứng lời kêu gọi của Mẹ, nước Nga sẽ trở lại và thế giới sẽ có hòa bình. Nếu không, nước Nga sẽ truyền bá những thuyết sai lầm trên toàn thế giới, sẽ gây ra nhiều cuộc chiến tranh và bách hại Giáo Hội. Kẻ lành sẽ chịu tử đạo, Đức Thánh Cha sẽ chịu nhiều đau khổ, nhiều quốc gia sẽ bị hủy diệt. Nhưng sau cùng, Trái tim Mẹ sẽ toàn thắng. Đức Thánh Cha sẽ dâng nước Nga cho Mẹ. Nước Nga sẽ trở lại và nhân loại sẽ được Chúa ban cho một thời hòa bình.”
Chiến thắng của Trái Tim Vô Nhiễm là lời hứa của Fatima. Cuối cùng, sự gian ác của Lenin, Stalin và Brezhnev đã bị cuốn trôi bởi Trái tim Đức Mẹ. Chiến tranh và đau khổ chìm vào quá khứ, và chỉ có tình yêu là chiến thắng.
Lời tiên tri này là những gì chúng ta tìm thấy những tiếng vang trong Kinh thánh, đặc biệt trong Cựu Ước, trong những đoạn văn liên quan đến thời Đấng Mết-si-a ngự đến. Đặc biệt, tôi nghĩ đến những câu này từ sách tiên tri Isaiah:
“Người phàm tự kiêu sẽ cúi mặt nhìn xuống, con người ngạo nghễ rồi sẽ bị khuất phục; trong ngày đó, chỉ một mình ĐỨC CHÚA được suy tôn. Vì ĐỨC CHÚA các đạo binh đã dành sẵn một ngày để trị tất cả những gì kiêu căng ngạo nghễ, trị tất cả những gì tự cao tự đại: chúng sẽ bị hạ xuống” (Is 2: 11-12)
Một cảm thức tương tự cũng được diễn tả trong Tân Ước qua kinh Magnificat của Đức Bà. Đó là bài hát biểu hiện hoàn hảo tình yêu chất chứa nơi Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Maria, và tôi nghĩ rằng lòng sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm sẽ làm cho chúng ta hiểu rõ đoạn Kinh Thánh này.
Lm. Alexander Lucie-Smith, Catholic Herald