Trần Đỉnh SJ – Vatican
Cũng như các tông đồ Phê-rô, An-rê, Giacobe, Gioan, chúng ta cũng “bỏ lại những gì ngăn cản chúng ta bước đi loan báo và làm chứng về Chúa Kitô.”
Kiên tâm loan truyền Chúa Kitô
Hãy gạt đi thái độ, tội lỗi, tật xấu, mà mỗi chúng ta có nơi mình để sống nhất quán hơn và loan truyền Chúa Giêsu. Và như thế, với lời chứng của chúng ta, người đời sẽ tin vào Người. Trong bài đọc thứ nhất, thánh Phao-lô giải thích đức tin đến từ việc lắng nghe thế nào, và lắng nghe liên hệ đến Lời Chúa ra sao. Việc Loan Báo Tin Mừng, loan báo Chúa Ki-tô đã cứu độ, đã chết và sống lại cho chính chúng ta quan trọng biết bao. Thực thế, loan truyền Chúa Ki-tô không chỉ là loan đi một tin đơn thuần, nhưng là một Tin Vui vĩ đại duy nhất. Vậy, loan báo nghĩa là gì?
Đó không phải là làm quảng cáo về một người hết sức tốt lành, làm nhiều việc thiện, cứu chữa nhiều người, dạy lời hay lẽ phải. Không, đó không phải là quảng cáo. Cũng không phải là để làm người khác gia nhập đạo. Nếu ai đó nói về Chúa Giêsu Kitô và rao giảng về Người vì mục đích để người khác gia nhập đạo, thì đó không phải là loan truyền về Chúa Kitô. Đó là một công việc, việc rao giảng không đi theo luận lý của việc tiếp thị, thu hút khách hàng. Vậy thế nào là loan truyền Chúa Kitô? Làm thế nào hiểu được điều này? Điều quan trọng trước hết là được mời gọi.
Vì thế, chúng ta được mời gọi để làm sứ mạng và dấn thân nhập cuộc. Người tông đồ, sứ giả ra đi loan báo Chúa Giêsu Kitô đến những môi trường mà họ dấn thân nhập cuộc với cả cuộc sống, thời gian, sở thích, và con người mình. Vì thế, người Argentina thường nói: “đặt chính mình vào lưới” – nghĩa là dấn thân vào cuộc chơi.
Hành trình ra đi loan báo Tin Mừng này là một sự liều mình bởi tôi chơi đùa với cuộc sống của tôi, với con người tôi. Hành trình này chỉ có vé đi chứ không có vé về. Bỏ về nghĩa là bội giáo, bỏ đạo. Làm chứng loan truyền về Chúa Kitô nghĩa là liều mình. Nó gọi là tôi làm điều tôi nói, điều tôi tuyên xưng.
Các vị tử đạo nỗ lực loan truyền thực sự
Thuật từ “loan truyền” nghĩa là làm chứng. Thật là xấu hổ cho những Kitô hữu nhận mình là Kitô hữu mà lại sống như người ngoại giáo, như kẻ vô tín, như thể họ không có đức tin vậy. Vì thế, chúng ta được mời gọi hãy sống nhất quán giữa lời mình nói và đời mình sống. Đó chính là làm chứng. Người tông đồ, người thông truyền là người mang Lời Chúa, là một chứng nhân, là người dấn thân nhập cuộc cho đến chết, và trở nên như một vị tử đạo. Mặt khác, chính Chúa Cha đã gửi Con Chí Ái vào trong thế gian và liều mạng sống mình. Có một thực tại làm nhiều người bị sốc và còn bị sốc nữa khi chính Thiên Chúa trở thành một người giữa chúng ta, đi vào cuộc hành trình không có vé về, chỉ có vé đi.
Sự dữ cố gắng thuyết phục Người đi con đường khác, nhưng Ngài đã không muốn làm điều đó. Người làm theo ý Chúa Cha đến chết. Và việc loan truyền về Người cũng phải làm theo cách tương tự: ta làm chứng nhân, bởi Ngài là chứng nhân của Chúa Cha và đã nhập thể. Và chúng ta cần phải nhập thể, nghĩa là, chúng ta làm chứng: làm điều chúng ta nói và tuyên xưng. Các vị tử đạo là những người nỗ lực loan truyền Chúa Kitô là có thật. Những người nam và người nữ ấy đã dâng hiến cuộc đời mình – như các tông đồ đã dâng hiến – bằng máu. Nhưng cũng có nhiều người ẩn dật trong các tổ chức, các gia đình, và họ làm chứng về Chúa Giêsu Kitô mỗi ngày, trong thinh lặng. Nhưng họ làm chứng với tất cả cuộc sống của mình, với sự nhất quán giữa làm và nói.
Việc loan truyền sinh nhiều hoa trái
Với Bí Tích Thánh Tẩy, tất cả chúng ta mang nơi mình sứ mạng loan truyền Chúa Kitô: sống như Chúa Kitô dạy ta sống, hoà điệu với điều chúng ta nói và rao truyền, và việc loan báo ấy sẽ sinh nhiều hoa trái. Ngược lại, nếu chúng ta sống không hội nhất, chúng ta nói một đằng, làm một nẻo, thì kết cục sẽ là những điều xấu hổ. Và những điều xấu hổ ấy gây ra rất nhiều điều tệ hại cho dân Chúa.