Dan Hitchens, thần học gia, phó tổng biên tập tờ Catholic Herald, nhận xét rằng giáo lý về hỏa ngục là một trong những tín điều bị công kích mạnh nhất ngày nay. Thật thế, hôm 5 tháng Ba, một ngày trước thứ Tư Lễ Tro, Vinson Cickyham tấn công tín điều này trên tờ New York Times, và khuyên người Công Giáo nên từ bỏ tín điều này vì, theo Cickyham, nó “ngăn con người đến với đức tin vào một Thiên Chúa yêu thương”.
Một cuộc tấn công khác đã diễn ra vào đúng ngày thứ Năm Tuần Thánh năm ngoái 2018.
Eugenio Scalfari, 93 tuổi, một người vô thần, đồng sáng lập nhật báo La Repubblica, tuyên bố hôm thứ Năm Tuần Thánh rằng hai ngày trước đó Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong một cuộc phỏng vấn dành cho ông ta rằng linh hồn của những kẻ tội lỗi đơn giản là “biến mất” khi chết, và “Không có địa ngục, chỉ có sự biến mất của linh hồn.”
Tin giả này là đầu đề của báo chí trên khắp thế giới và được truyền đi hầu như trên tất cả các phương tiện truyền thông thế giới.
Đức Hồng Y Raymond Leo Burke nói với tờ La Nuova Bussola Quotidiana “Điều đã xảy ra trong cuộc đàm thoại mới nhất dành cho Eugenio Scalfari trong Tuần Thánh và được công bố vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh là vượt quá khả năng có thể châm chước được”.
Ngài nhận xét thêm rằng:
“Một kẻ vô thần khét tiếng cho rằng mình đang tuyên bố một cuộc cách mạng trong giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo, nhân danh Đức Giáo Hoàng, phủ nhận sự bất tử của linh hồn con người và sự tồn tại của địa ngục, là một tai hoạ sâu sắc không chỉ cho nhiều người Công Giáo mà còn cho nhiều người lương dân tôn trọng Giáo Hội Công Giáo và các giáo lý của Giáo Hội, ngay cả khi họ không cùng quan điểm như thế.”
Theo Đức Hồng Y ngày mà Scalfari chọn để công bố bài báo – Thứ Năm Tuần Thánh – là đặc biệt xúc phạm vì nó là “một trong những ngày thánh thiêng nhất trong năm”.
Trở lại cuộc tấn công mới nhất trên tờ New York Times, để trả lời cho ý kiến của Cickyham, Dan Hitchens có bài Making Sense of Hell – “Làm rõ ý nghĩa của Hỏa Ngục” đăng trên tờ FirstThings.
Dưới đây là bản dịch sang Việt ngữ toàn văn bài viết này.
Making sense of Hell – Làm rõ ý nghĩa của Hỏa Ngục
Dan Hitchens
Án phạt đời đời chưa bao giờ là một tín điều được nồng nhiệt phổ biến, nhưng trái lại ngày nay đó là tín lý dường như đang bị đả phá mạnh nhất vào lúc này. Những nhà trí thức nổi danh như Stephen Greenblatt lắc đầu, nhếch méc trước giáo huấn này. Các nhà thần học lập dị nặn óc nghĩ ra những lập luận chống lại tín điều ấy. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Giáo hội khi được hỏi về điều này, thường trả lời với sự mơ hồ và bối rối. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi Vinson Cickyham trên tờ New York Times gần đây chuyển hướng sang vặn hỏi người Công Giáo: “Những tín hữu hiện đại nào là những người không muốn phá bỏ rào cản tàn bạo, cũ kỹ này ngăn con người đến với đức tin vào một Thiên Chúa yêu thương? Loại thần nào lại vẽ ra một ranh giới cứng rắn như vậy giữa bạn bè và kẻ thù của ông ta, và giữ trong lòng mình một mối hận thù vĩnh cửu như thế? Chắc chắn sự từ bỏ khái niệm về hỏa ngục, ngay cả ý tưởng quên đi khái niệm ấy, cũng mang đến một chút nhẹ nhõm.”
Phản ứng ngay tức khắc của tôi là thông cảm với quan điểm của Cickyham, và chúng ta không nên đơn giản là bỏ ngoài tai những lời bình luận như vậy. Nhưng những lý lẽ đó cần được thử thách. Khi một phản ứng cảm xúc không thể đưa ra được một nền tảng luận lý mà nó dựa trên; khi nó liên quan đến một cái gì đó không biết đến nơi đến chốn; và khi những hệ quả của nó khó lòng có thể bảo vệ được thì an toàn nhất, chúng ta phải kết luận rằng cảm xúc ấy là sai lệch.
Chúng ta hãy bắt đầu với nền tảng luận lý. Tội lỗi đáng bị trừng phạt. May mắn là khi còn sống, chúng ta luôn có thể quay lại với lòng thương xót Chúa. Tuy nhiên, các triết gia nói với chúng ta rằng khi chết, linh hồn không còn có thể thay đổi những hướng đi của nó. Trước khi chết, chúng ta có thể đi hướng này hướng khác theo các cảm xúc và thói quen của chúng ta. Nhưng khi linh hồn bị tách ra khỏi cơ thể, khả năng thay đổi này kết thúc và chúng ta chỉ còn lại một định hướng duy nhất. Nếu chúng ta đã hướng về Thiên Chúa trước khi chết, chúng ta sẽ tìm thấy hạnh phúc. Ngược lại, nếu chúng ta đã chọn một hướng khác, chúng ta trong tình trạng đang mắc tội trọng, và hình phạt công bằng chúng ta phải chịu cứ tiếp tục như thế bao lâu chúng ta từ chối Thiên Chúa, và đó là mãi mãi vì chúng ta đã mất khả năng thay đổi. Cư dân địa ngục cứ tiếp tục quyết định số phận của mình như thế. Thánh Anphongsô Đệ Ligouriô viết: “Những kẻ bị lên án là những kẻ cố chấp trong tội lỗi của mình, đến nỗi cho dù Chúa có ban ân xá, lòng thù ghét Ngài sẽ khiến họ từ chối.”
Những nỗ lực để tìm ra sơ hở trong lý luận này, theo như tôi thấy, chưa hề thành công: Những độc giả quan tâm có thể tìm thấy một loạt các lời bác bỏ ở đây. Phản bác thực sự, tôi nghĩ, nặng về trực giác hơn là lý luận: người ta nói cho dù một số hình phạt là cần thiết đi nữa, địa ngục có phải là quá đáng hay không?
Nhưng ở đây, chúng ta thấy sự giản lược để nói theo kiểu “chắc chắn là…” về những điều chúng ta chưa hề nắm bắt được: ví dụ như sự ghê tởm của tội lỗi. Hầu hết chúng ta, nếu được yêu cầu ước tính tội lỗi của mình tồi tệ đến mức nào, sẽ nói rằng mặc dù chúng ta đã không luôn sống xứng đáng, nhưng chúng ta đã không làm tổn thương bất cứ ai, và nói cho cùng trong cái cuộc sống khó khăn này, nói chung thì chúng ta cũng là những người kha khá tốt, chứ không đến nỗi tệ. Chúng ta sẽ không đoán nổi, tình trạng của chúng ta sẽ ra sao nếu chúng ta chưa hề biết rằng Chúa đã đến trái đất này, chịu sỉ nhục và chịu tra tấn đến chết vì tội lỗi của chúng ta. Chúng ta có thực sự có chút manh mối nào về mức độ nghiêm trọng của những tội lỗi chúng ta đã phạm hay không? Tương tự như vậy, không ai trong chúng ta đã từng thấy một linh hồn trong tình trạng tội lỗi sẽ như thế nào sau khi chết, khi nhịp đập thôi thúc hướng đến những điều tốt đẹp của nó đã biến mất và không còn gì ngoài mong muốn xấu xa. Trong trường hợp như thế, tôi dựa vào cơ sở nào mà dám có ý kiến về thế nào là một hình phạt công bằng? Làm thế thì có khác gì bình luận về triển vọng Olympic của đội tuyển bóng rổ quốc gia Azerbaijan mà chưa từng google xem cái đội ấy chơi như thế nào và chưa từng biết gì về bóng rổ? Tôi nghi ngờ hầu hết những trực giác của chúng ta về sự nghiêm trọng của tội lỗi thậm chí còn tệ hại hơn khi ta suy đoán về bóng rổ mà chẳng biết gì về môn chơi ấy.
May mắn thay, chúng ta không hoàn toàn mù tịt về sự nghiêm trọng của tội lỗi, bởi vì chúng ta có sự hướng dẫn của Giáo hội. Không chỉ là những tuyên bố huấn giáo có thẩm quyền, mặc dù điều đó là quá đủ rồi, nhưng bên cạnh đó chúng ta còn có cơ man những thể hiện khôn ngoan của Giáo Hội trong suốt 2000 năm: đó là cách giải thích tiêu chuẩn của rất nhiều, rất nhiều câu trong Cựu Ước và Tân Ước; những bài giảng của các thánh, với những cảnh báo khủng khiếp của các ngài về đời sau; lời cầu nguyện từ ngàn xưa trong các Thánh lễ cầu xin cho chúng ta “thoát khỏi án phạt đời đời”; các nhà thần bí, kể cả những vị trong thế kỷ 20, đã từng nhìn thấy những thứ gần như khiến họ chết khiếp đi vì sợ hãi; các bức tranh như Địa Ngục của Dante và Ngày Phán Xét Cuối Cùng của Michelangelo.
Và rồi chúng ta có Thánh Thomas More. Trong phiên tòa xét xử mình, ngài đã nói rằng nếu ngài không nói sự thật thì “hãy cầu nguyện cho tôi để tôi không bao giờ phải đối diện với Chúa”. Chúng ta cũng có những trẻ Fatima, là những mục đồng đã thực hiện việc đền tội để giúp các linh hồn mồ côi, và để phát động một trong những việc sùng kính vĩ đại nhất trong thế kỷ 20. Chúng ta cũng có lời chứng của những nhà trừ quỷ, là những vị trong tiến trình giải phóng con người khỏi bị quỷ ám, đã nói chuyện với ma quỷ về kiếp sau. Bên cạnh đó, còn có vô số những người nam nữ thánh thiện đã đi rao giảng và chăm sóc người bệnh và dành phần lớn đời mình cho tình yêu; không phải hoàn toàn thì ít nhất một phần, bởi vì họ sợ những gì họ có thể phải nghe trong Ngày phán xét. Rồi còn cơ man những người nam nữ bình thường là những người đã buộc mình phải đi đến tòa giải tội, không hoàn toàn thì ít nhất cũng một phần bởi vì họ tin rằng họ cần được giải cứu khẩn cấp. Nếu Đạo Công Giáo là công việc của Chúa Thánh Thần, thì đây chắc chắn là một trong những sự thật mà Ngài muốn dẫn dắt chúng ta đến.
Ngay cả những người không theo đạo Công Giáo cũng sẽ phải đồng ý với những lời Chúa Giêsu đã rao giảng về chủ đề này, là những lời có lẽ Chúa đã chọn lọc để bẻ gãy tất cả các cố gắng xuyên tạc về hỏa ngục mà các học giả hiện đại ưa thích. Ngài nói, nhiều lần, về ngọn lửa không bao giờ tàn lụi. Thật khó để xuyên tạc điều này và gọi đó là ngọn lửa tình yêu của Chúa, bởi vì Ngài đã phán cùng những kẻ bị nguyền rủa: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó” (Mt 25:41), và Ngài còn mô tả theo nghĩa đen sự tuyệt vọng của địa ngục: “hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng.” (Mt 25:30) Chúa của chúng ta không có vẻ gì là đang đề cập đến một quá trình thanh luyện khó khăn nhưng cuối cùng sẽ có chút ánh sáng nào đó cuối đường hầm. Không đó là đời đời! Ngài có vẻ như đang cảnh báo về một số phận còn tệ hại hơn cả cái chết. Từ bỏ tín điều về địa ngục thì chung cuộc bạn sẽ phải xem Chúa Giêsu như thể một người không biết mình đang nói về cái gì. Đối với bất kỳ Kitô hữu nào, đó là một kết luận không thể chấp nhận được.
Có phải niềm tin vào địa ngục là một rào cản đối với niềm tin vào một Thiên Chúa yêu thương hay không? Rõ ràng là không, bởi vì các vị thánh, những người có cuộc sống tràn ngập tình yêu của Thiên Chúa và người lân cận, đã nhìn thấy thực tại địa ngục rõ ràng hơn bất cứ ai. Có lẽ điều này không quá ngạc nhiên: Nó có ý nghĩa rằng những người thực sự hiểu rõ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa cũng hiểu một cách sâu sắc hậu quả của việc từ chối Lòng Thương Xót ấy là những gì.