Tình hình mở lại các nhà thờ trong đại dịch Covid-19

Nghe bài này

Phần lớn các quốc gia trên thế giới đang nới lỏng các hạn chế từng được áp đặt lên dân chúng nhân đại dịch Covid-19. Và trong các nới lỏng này, phần lớn không nhắc gì tới các buổi lễ tôn giáo. Nhiều hội đồng giám mục đã chính thức lên tiếng với các chính phủ, thậm chí phê phán nữa, như trường hợp Ý. Nhưng cũng có những trường hợp ôn hòa thương lượng. Thiển nghĩ phương thức cuối cùng vừa nhắc là thượng sách hơn hết.

Trường hợp đầu tiên dường như là của Hòa Lan. Thực vậy, theo tạp chí Crux, tại nước này, theo một cuộc thăm dò của tuần báo Công Giáo Katholiek Nieuwsblad, gần 60 phần trăm người tham dự cuộc thăm dò cho hay họ nghĩ nay là lúc cử hành lại các Thánh Lễ công cộng. Nhưng chính phủ Hòa Lan hình như không nghĩ thế. Hiện có lệnh cấm các buổi lễ tôn giáo quá 30 người tham dự, ít nhất cho tới ngày 20 tháng 5. Nhưng theo Daniëlle Woestenberg, có thể lâu hơn. Bà vốn là thư ký của cơ quan Tiếp Xúc Liên Giáo Hội trong Các Việc Liên Quan đến Chính Phủ (CIO), một cơ quan đại diện cho quyền lợi của khoảng 30 Giáo Hội, trong đó, có Giáo Hội Công Giáo, trước chính phủ Hòa Lan.

Không như tại các nước như Đức và Pháp, nơi các Giám Mục phát biểu nhiều lời chỉ trích nặng nề đối với các nhà lãnh đạo chính trị vì đã duy trì việc đóng cửa các nhà thờ quá lâu một cách không cần thiết, các Giáo Hội Hòa Lan chọn lối ngoại giao thầm lặng. Dù sao, người Hòa Lan cũng nổi tiếng về điều họ gọi là “polder model” (khuôn mẫu quyết định dựa trên đồng thuận), một khuôn mẫu không những được áp dụng trong chính quyền mà cả trong tương quan nhà nước và các giáo hội.

Woestenberg cho rằng “tương quan làm việc của chúng tôi với Bộ Tư Pháp và An Ninh hết sức tuyệt vời. Hàng tuần, chúng tôi tổ chức các cuộc họp phi chính thức”.

Bộ trưởng tư pháp Ferd Grapperhaus không ngần ngại cho hay dù sẽ có nhiều nới lỏng hơn nữa, nhưng không dành cho các Giáo Hội.

Dù, theo Woestenberg, cơ quan Tiếp Xúc Liên Giáo Hội trong Các Việc Liên Quan đến Chính Phủ cố gắng hết sức nói rõ với chính phủ tầm quan trọng của “hai diễn trình sinh tử của các Giáo Hội”: một đàng là việc thờ phượng, đàng khác là việc trợ giúp những người dễ bị tổn thương và cô đơn.

Tuy nhiên, Woestenberg cho hay bà hiểu lý do tại sao chính phủ có quan điểm khác. Bà nói: “trái với niềm tin đại chúng, không hẳn ‘tất cả là vì tiền bạc’. Tôi thực sự tin rằng đối với các chính trị gia ở The Hague, tầm quan trọng của sức khỏe công cộng vượt xa ích lợi kinh tế. Thành thử bất cứ chúng ta nghĩ gì, các xem xét chính trị vẫn có tính thực tiễn: tuổi trung bình của những người đi nhà thờ khá cao; những người này thường là nhóm dễ bị lây nhiễm. Điều hiển nhiên là các nhà thờ sẽ không đứng hàng đầu khi nói đến việc nới lỏng”.

Có điều, các Giáo Hội không nên ngồi chờ nhà nước ban lệnh cho bằng tự chuẩn bị những bước cần thiết để có thể mở cửa lại. Bởi thế, Woestenberg nhấn mạnh: “tôi nghĩ điều thích đáng đối với mối tương quan nhà nước và nhà thờ của chúng ta là: sẽ không có chiêu thức (protocol) nào được áp đặt lên các Giáo Hội bởi chính phủ. Đó là lý do tại sao ở cơ quan Tiếp Xúc Liên Giáo Hội trong Các Việc Liên Quan đến Chính Phủ, chúng tôi cũng đã thông tri để các hội đồng quản trị các Giáo Hội chịu trách nhiệm đối với các chiêu thức này. Họ phải soạn thảo lấy các chiêu thức và chứng tỏ thiện chí của mình”.

Tuần trước, cơ quan Tiếp Xúc Liên Giáo Hội trong Các Việc Liên Quan đến Chính Phủ đã gửi các khái niệm đầu tiên như một hướng dẫn để các Giáo Hội soạn thảo chiêu thức như trên cho Bộ Tư Pháp. Văn kiện này đề cập đến những điều như số người tham dự được phép vào các nơi thờ phượng, việc thông gió (ventilation) tại các nơi này, việc sử dụng ca đoàn, đánh dấu chỗ ngồi chỗ đứng v.v…

Giáo Hội Công Giáo Hòa Lan đang dựa vào đấy để soạn chiêu thức riêng của mình. Trong khi ấy, hoàn toàn tuân theo các giới hạn do chính phủ ấn định để tránh cái nhìn lệch lạc của thế giới duy tục cho rằng Giáo Hội gồm toàn những cá nhân kỳ cục tin rằng Chúa Thánh Thần sẽ che chở họ khỏi Coronavirus chứ không phải các biện pháp của chính phủ.

Đó cũng là chủ trương của các Giám Mục Úc, ít nhất, tại tiểu bang New South Wales. Thực thế, theo VaticanNews, 18 Giám Mục Úc đã trình kế hoạch 4 giai đoạn để mở cửa lại các nhà thờ lên Thủ Hiến Gladys Berejiklian.

Các Giám Mục trên nhận định rằng “việc gián cách xã hội và các giới hạn khác đang tạo ra một thiệt hại nặng nề về tâm lý và tâm linh cho người ta”. Vì thế, “việc mở cửa lại các nhà thờ, thoạt đầu chỉ để cầu nguyện riêng và xưng tội và với các chiêu thức nghiêm ngặt có sẵn, sẽ là một lợi ích quan trọng cho nhiều người trong cộng đồng, đem an ủi lại cho tín hữu và hy vọng cho người lo âu xao xuyến”.

Các vị giáo phẩm cũng kêu gọi Thủ Hiến cho phép các buổi rửa tội và đám cưới diễn ra với các thừa tác viên và 10 người tham dự. Các ngài cũng yêu cầu một số người lớn hơn được phép dự các đám tang và nghi thức ở phần mộ.

Bốn giai đoạn

Ở giai đoạn thứ nhất, các giám sát viên sẽ giám sát việc dùng các chất sát trùng tay (hand sanitizers) và khoảng cách vật lý.

Trong giai đoạn hai, các ngài đề nghị các Thánh Lễ và nghi lễ được tổ chức ở bên ngoài như bãi đậu xe với số người tham dự có giới hạn. Sẽ không có việc quyên tiền hay phân phối sách hát, không bắt tay hay nắm tay, việc rước lễ sẽ “được trao ban và lãnh nhận cách an toàn”.

Giai đoạn ba, các Thánh Lễ và nghi lễ sẽ được chuyển vào trong nhà thờ.

Giai đoạn chót sẽ trở về với “sinh hoạt bình thường mới với các bài học từ đại dịch Covid-19”.

Vũ Văn An

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS