Hồng Thủy – Vatican News
Hôm 13/05, trả lời phỏng vấn của Vatican News, cha Juan Antonio Guerrero Alves, SJ, người vừa được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm đứng đầu cơ quan tài chính kinh tế của Vatican vài tháng trước đây, nói rằng những thâm hụt về tài chính của Tòa Thánh chắc chắn sẽ gia tăng do đại dịch virus corona, nhưng không có nguy cơ vỡ nợ. Tuy nhiên cha nói: “Điều đó không có nghĩa là chúng tôi không gặp khủng hoảng. Chúng tôi chắc chắn phải đối mặt với những năm khó khăn.”
Khó khăn tài chính
Thực tế là Vatican đã gặp khó khăn tài chính trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Năm 2018, Tòa Thánh đã thâm hụt 70 triệu euro trong ngân sách 300 triệu. Chi tiêu và thu nhập của Tòa Thánh vẫn không thay đổi từ năm 2016 đến 2020, với số chi vượt xa số thu trung bình khoảng 60 đến 70 triệu euro mỗi năm.
Do khủng hoảng virus corona, Tòa Thánh bị mất doanh thu từ Bảo tàng Vatican, một nguồn thu nhập chính của Vatican, cùng với những khó khăn của thị trường đầu tư, thu nhập không ổn định từ việc đầu tư bất động sản và số tiền đóng góp sụt giảm. Cha Guerrero dự đoán thu nhập của Vatican sẽ giảm ít nhất là 25% và cao nhất là khoảng 45%. Và để đối phó với tình trạng này, cha nói “điều tốt nhất chúng tôi có thể làm là siêng năng và minh bạch. Chúng tôi sẽ phụ thuộc vào số tiền mà chúng tôi có thể có.” Cha nói thêm “chúng tôi sẽ xây dựng một ngân sách cơ bản zero cho năm 2021, bắt đầu với những yếu tố thiết yếu cho sứ vụ.”
Tòa Thánh không phải là doanh nghiệp tìm lợi nhuận nhưng vì sứ vụ
Bộ trưởng kinh tế của Vatican nhấn mạnh rằng Tòa Thánh “không phải là một doanh nghiệp”, và “mục tiêu của nó không phải là để tìm lợi nhuận”, mà là tập trung vào sứ vụ. Theo cha, ngân sách hoạt động của cả Tòa Thánh ít hơn ngân sách của một đại học trung bình ở Mỹ.
Cha Guerrero xác định là việc thiếu hụt ngân sách không phải là do quản trị yếu kém hay “tham nhũng bất động sản”. Số tiền thu được từ “Đồng tiền thánh Phêrô” không được dùng để bù đắp thiếu hụt nhưng đó là khoản quyên góp nhắm tài trợ cho sứ vụ của Tòa Thánh, bao gồm hoạt động bác ái của Đức Thánh Cha. Cha cho biết gần 45% chi tiêu của Tòa Thánh là trả lương cho nhân viên, 45% chi phí điều hành và tổng quát, và 7,5% chi vào các đóng góp, trợ giúp. Cha khẳng định rằng những chi tiêu này là cho sứ vụ, việc phục vụ của Giáo hội.
Cha Guerrero nói rằng Tòa Thánh muốn cắt giảm chi phí năm nay để bù đắp cho doanh thu có thể thấp hơn nhưng chắc chắn số thâm thủng sẽ gia tăng. Cụ thể, các cơ quan được yêu cầu giảm bớt chi tiêu nhưng vẫn bảo đảm các hoạt động thiết yếu cho sứ vụ của mình; Vatican sẽ tập trung đầu tư tài chính, cải thiện quản lý nhân sự và mua sắm.
Giáo hội nhờ sự trợ giúp của Chúa và của các tín hữu
Cuối cùng, cha hy vọng có thể công bố chi thu của Tòa Thánh để cho thấy rằng Tòa Thánh dùng tiền của mình “để làm điều tốt và để phục vụ Giáo hội.” “Giáo hội là một gia đình với một chút tài sản và sự giúp đỡ quảng đại của nhiều người. Chúng tôi sẽ cố gắng sử dụng tốt nó, với sự trợ giúp của Chúa và của các tín hữu. Toàn thể Giáo hội được trợ giúp bằng cách này.” (CNA 13/05/2020)