Ngọc Yến – Vatican News
Do đại dịch Covid-19, từ cuối tháng 01, tất cả các nhà thờ ở Trung Quốc đã bị đóng cửa. Đầu tháng 6, chính quyền đã cho phép mở cửa trở lại nhưng với các điều kiện an toàn khác nhau.
Mặt trận Thống nhất, cơ quan quản lý các hoạt động tôn giáo, đã sử dụng việc mở lại các nhà thờ như một sự tống tiền đối với giáo phận Chính Định (Zhengding), được Tòa Thánh công nhận, nhưng chính phủ không công nhận.
Từ khi Quy định mới về các hoạt động tôn giáo (01/02/2018) được ban hành, điều kiện cấm trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi hiện diện trong nhà thờ và các buổi học giáo lý đang lan rộng ở Trung Quốc. Nhiều Giám mục chính thức và hầm trú đã chỉ ra rằng lệnh cấm này trái với hiến pháp Trung Quốc, khẳng định quyền tự do tôn giáo không giới hạn độ tuổi. Nhưng chính khi xã hội đang chứng kiến một sự hồi sinh tôn giáo mạnh mẽ thì lệnh cấm đã trở thành một công cụ bóp nghẹt đức tin.
Việc cấm trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi được đề cập rõ ràng trong các tài liệu về sự công nhận của chính phủ đối với các giám mục và linh mục và cho việc đăng ký các địa điểm tôn giáo. Nhiều giám mục, do muốn được công nhận chính thức, đã ký văn bản này; với việc làm này các vị trở thành viên chức nhà nước, chịu trách nhiệm thực thi lệnh cấm.
Đức cha Julius Giả Trị Quốc đã nói rõ ràng rằng: “Giáo hội mở cửa cho tất cả mọi người”, nhưng theo cách này, tất cả các nhà thờ hầm trú của giáo phận có nguy cơ vẫn phải đóng cửa.
Đức cha Julius, năm nay 83 tuổi, là một Giám mục từ năm 1980 và chịu trách nhiệm một cộng đoàn gồm hơn 150 ngàn tín hữu, với 100 linh mục và nhiều nữ tu.
Trong nhiều năm, Tại tòa giám mục, Đức cha đã thiết lập một nhà đón tiếp dành cho các trẻ em và thanh thiếu niên khuyết tật, bị gia đình bỏ rơi hoặc kết quả của những hạn chế trong quá khứ liên quan đến luật một con. Cùng với một số nữ tu Đức cha đích thân chăm sóc các em. Trong quá khứ, hoạt động bác ái này cũng đã được chính phủ, cũng như các nhân vật quốc tế ca ngợi.
Để thúc ép Đức cha ký vào văn bản công nhận, chính quyền Cẩm Châu đe dọa sẽ giải thể cơ sở mồ côi này, họ cho rằng cả Đức cha và các nữ tu không được chăm sóc các em khuyết tật nếu không đăng ký. Chính quyền đã chuyển các em lớn đến một địa điểm khác, chỉ để lại các em nhỏ. Chính quyền giải thích rằng họ muốn “mua” cơ sở này, mặc dù không sẵn sàng trả bất kỳ khoản tiền nào. Thậm chí họ cũng sẽ lấy tất cả các số tiền quyên góp hàng năm dành cho các em.
Đức cha Julius Giả Trị Quốc đã bị tù hơn 15 năm. Từ năm 1980, kể từ khi còn là Giám mục hầm trú, ngài liên tục bị bắt giữ và phải dự các buổi họp chính trị. Ngài sống trong Tòa giám mục dưới sự kiểm soát 24/24 giờ.
Năm 2010, Đức cha được tự do sau một thời gian bị giam cầm. Trong dịp này Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI đã gửi thư chúc mừng và bày tỏ lòng yếu mến Đức cha. (Asia News 10/7/2020)