Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đã lên tiếng ca ngợi “âm nhạc vinh tụng ca” của Johann Sebastian Bach trong một thông điệp gởi tới một liên hoan âm nhạc ở Đức.
Trong một tuyên bố đưa ra hôm 27 tháng 7, ban tổ chức Festival nhạc Bach 2021 ở Leipzig, cho biết Đức Bênêđictô XVI bày tỏ sự hài lòng khi thấy lễ hội sẽ bao gồm một trường ca của Bach có tên là “Đấng Thiên Sai”, trong đó nhà soạn nhạc dùng tài năng âm nhạc của mình để ghi lại cuộc đời của Chúa Giêsu qua âm nhạc.
Đức Bênêđictô viết: “Nét đặc thù của lễ hội này là nó đã tổng hợp các tác phẩm của Bach liên quan đến cuộc sống và công việc của Chúa Giêsu Kitô thành Nazareth vào một tổng thể, và, do đó, đem đến cho chúng ta cái nhìn của Bach về ‘Đấng Messiah’”.
Liên hoan Bach sẽ được tổ chức từ ngày 12 đến 15, tháng 6, năm 2021, với chủ đề “Ơn Cứu Chuộc”. Trường ca “Đấng Thiên Sai” của Bach sẽ được trình tấu trong 11 buổi hòa nhạc kéo dài đến bốn ngày trong các nhà thờ của Leipzig, thành phố ở miền đông nước Đức, nơi nhà soạn nhạc qua đời năm 1750. Trường ca sẽ bao gồm 33 bản cantat của Bach, Bài Thương Khó theo Tin Mừng Thánh Matthêu, các bài liên quan đến Giáng sinh, Phục sinh và bài Ôratô Thăng thiên.
CNA tiếng Đức cho biết hai buổi biểu diễn nổi bật trường ca “Messiah” sẽ do George Frideric Handel trình tấu. Một trong hai buổi biểu diễn sẽ diễn ra tại nhà thờ chính tòa Halle, nơi nhà soạn nhạc chào đời.
Trong khi lên kế hoạch cho liên hoan âm nhạc này, giám đốc nghệ thuật Michael Maul đã đọc bộ ba cuốn “Chúa Giêsu thành Nazareth” của Đức Bênêđíctô thứ 16 được xuất bản trong giai đoạn 2007 và 2012 khi ngài đang trong cương vị Mục Tử Toàn Thể Đoàn Chiên Chúa.
Maul đã trao đổi thư từ với Đức Bênêđíctô XVI, mà cao điểm là thông điệp của Đức Giáo Hoàng danh dự gởi đến liên hoan âm nhạc này.
Các nhà tổ chức liên hoan cho biết vị Giáo Hoàng nghỉ hưu, năm nay 93 tuổi, nói với họ rằng ngài đã viết thông điệp trên hồi tháng Sáu năm 2019, “vì tôi không biết sức khỏe của tôi còn chống đỡ được bao lâu trước thử thách của thời gian.”
Trong thông điệp, Đức Bênêđíctô than thở rằng: “Đức tin đã sản sinh ra âm nhạc này và là đức tin mà Bach, trong tư cách là một nhạc sĩ, đã trung thành phục vụ, hiện đang tàn lụi và chỉ còn ảnh hưởng như một lực lượng văn hóa.”
“Là một tín hữu Kitô mộ đạo, ta có thể lấy làm tiếc trước sự suy giảm này, nhưng thật ra nó vẫn có một yếu tố tích cực. Vì thực tế là người ta vẫn còn chấp nhận âm nhạc này như một nét văn hóa, đó là kết quả của cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu và âm nhạc ấy mang nguồn gốc này mãi mãi”
“Chúng ta hãy nhớ rằng theo Bach, ‘sự kết thúc và cùng đích của lý trí’ của tất cả mọi thể loại âm nhạc ‘không gì khác hơn là vinh quang của Thiên Chúa và sự thanh thản của tâm hồn’. Và thực sự, âm nhạc vinh tụng ca của Bach đã làm chúng ta xúc động sâu sắc và tôn vinh Thiên Chúa, ngay cả khi ông không chính thức thể hiện qua đức tin.”
“Trong ý nghĩa này, chính những người chia sẻ đức tin với Bach có thể vui mừng và biết ơn rằng thông qua âm nhạc của ông, bầu khí đức tin, hình ảnh của Chúa Giêsu Kitô, sáng lên ngay cả khi chính đức tin không hiện diện.”
Đức Giáo Hoàng danh dự viết tiếp: “Và như thế đối với tôi có vẻ như có một quá trình hai chiều: đức tin đã tạo ra nền văn hóa, là điều tỏa sáng xa hơn nữa. Nhưng ngược lại, ngay cả ngày nay, nền văn hóa này vẫn truyền tải một cái gì đó có nguồn gốc của nó cho toàn thế giới. Đó là một cái gì đó giống với ‘hương thơm dễ chịu’ tỏa ra từ Chúa Kitô (x. 2Cr 2, 14f). Nó không có ý định truyền giáo; ‘hương thơm dễ chịu’ hiện diện vì mục đích riêng của nó, không có ý định, nhưng chính bằng cách này nó lại lan truyền ‘vinh quang của Chúa’”
“Như thế, chúng ta hết thảy, cả các Kitô hữu và những người ngoài Kitô giáo, các tín hữu và những người không có niềm tin, có thể để cho mình bị xúc động bởi vẻ đẹp, và biết rằng nó chỉ cho chúng ta đâu là chính lộ. Theo nghĩa này, tôi gởi đến anh chị em những lời chúc tốt đẹp nhất và những lời chúc chân thành của tôi đối với Lễ hội Bach 2021.”
Đặng Tự Do