Đức Bênêđíctô XVI đã bổ nhiệm Tổng Giám Mục Viganò làm sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ năm 2011. Theo Sandro Magister, cách nay 9 năm, vị giáo hoàng thần học gia hiền lành chắc chắn không thể nào tưởng tượng được vị Tổng Giám Mục này lại có thể trách cứ ngài đã “lừa dối” toàn thể Giáo Hội ở điểm không những tin rằng Công Đồng Vatican II miễn nhiễm đối với các sai lạc mà đàng khác còn cho rằng phải giải thích nó trong tính liên tục hoàn toàn với tín lý ngàn đời chân thực.
Như đã thưa trong bài “Đức Hồng Y Brandmüller vạch trần sai trái của Tổng Giám Mục Viganò đối với Công Đồng Vatican II”, vị Tổng Giám Mục này bác bỏ Công Đồng Vatican II “in toto” (toàn diện).
Vì theo Viganò, điều làm méo mó Giáo Hội từ Vatican II là “một loại tôn giáo hoàn cầu mà lý thuyết gia hàng đầu của nó là bè Tam Điểm” và mục tiêu chính trị của nó là “một chính phủ thế giới độc quyền” của những thế lực “không tên tuổi và không mặt mũi” đang khuất phục mọi sự để phục vụ quyền lợi của nó cả trong thời đại dịch Covid-19.
Viganò trách cứ Đức Bênêđíctô XVI đã không cố gắng “sửa chữa các quá trớn của Vatican II” mà còn giải thích nó bằng “nền giải thích liên tục”.
Nền giải thích ấy được Đức Bênêđíctô XVI chính thức nhắc đến ngay năm đầu tiên triều Giáo Hoàng của ngài, trong bài diễn văn đầu tiên với giáo triều Rôma ngày 22 tháng 12 năm 2005. Trong bài diễn văn này, ngài nhắc đến nhiều vấn đề, nhưng phần sau và dài nhất nhắc đến Công Đồng Vatican II. Chúng tôi xin chuyển phần này sang tiếng Việt để rộng đường phân định của độc giả:
…..
Sự kiện cuối cùng của năm nay mà tôi muốn suy tư ở đây là lễ kỷ niệm kết thúc Công đồng Vatican II cách đây 40 năm. Ký ức này gợi lên câu hỏi: Đâu là kết quả của Công đồng? Nó có được tiếp nhận hay không? Trong việc tiếp nhận Công đồng, điều gì tốt và điều gì còn thiếu sót hoặc nhầm lẫn? Những gì vẫn còn phải làm? Không ai có thể phủ nhận rằng trong nhiều lãnh vực rộng lớn của Giáo hội, việc thực thi Công đồng có phần khó khăn, mặc dù không muốn áp dụng vào những gì đã xảy ra trong những năm này lời mô tả mà Thánh Basilêô, vị Tiến sĩ vĩ đại của Giáo hội, đã đưa ra về hoàn cảnh của Giáo hội sau Công đồng Nixêa: ngài so sánh tình huống của Giáo Hội với một trận hải chiến trong bóng tối bão tố, bằng cách nói rằng: “Tiếng la hét ỏm tỏi của những người bất đồng ý kiến nổi lên chống lại nhau, tiếng phiếm luận không thể nào hiểu nổi, tiếng ồn ào hỗn loạn không ngừng ồn ào vang lên, hiện đã tràn ngập gần như toàn bộ Giáo hội, làm sai lệch tín lý đúng đắn của đức tin bằng các cực đoan hoặc thất bại… “(De Spiritu Sancto, XXX, 77; PG 32, 213 A; SCh 17 ff., p. 524).
Chúng ta không muốn áp dụng lời mô tả bi thảm đó vào tình huống của thời kỳ hậu công đồng, tuy nhiên, một điều gì từ những điều xảy ra đã được phản ảnh trong đó. Câu hỏi được đặt ra là: Tại sao cho đến nay việc thực thi Công đồng, trong phần lớn Giáo hội, lại khó khăn đến thế?
Vâng, tất cả phụ thuộc vào cách giải thích chính xác về Công đồng hoặc – như chúng ta sẽ nói hôm nay – vào khoa diễn giải thích hợp về nó, vào chìa khóa chính xác để giải thích và ứng dụng nó. Các vấn đề trong quá trình thực thi nó phát sinh từ sự kiện này: hai cách hiểu trái ngược nhau đã mặt đối mặt với nhau và tranh cãi với nhau. Một cách gây ra nhầm lẫn, còn cách kia, âm thầm nhưng ngày càng rõ ràng hơn, đã và đang đơm hoa kết trái.
Một mặt, có một cách diễn giải mà tôi gọi là “khoa diễn giải bất liên tục và đứt đoạn”; nó thường chiếm được thiện cảm của các phương tiện truyền thông đại chúng, và cũng là một xu hướng của nền thần học hiện đại. Mặt khác, có “khoa diễn giải cải cách”, canh tân trong tính liên tục của một chủ thể duy nhất là Giáo hội mà Chúa đã ban cho chúng ta. Giáo Hội là một chủ thể tăng triển theo thời gian và phát triển, nhưng luôn vẫn y nguyên, một chủ thể duy nhất là Dân Chúa đang lữ hành.
Khoa diễn giải bất liên tục có nguy cơ kết cục ở chỗ chia rẽ thành Giáo hội tiền công đồng và Giáo hội hậu công đồng. Nó khẳng định rằng các bản văn của Công đồng đúng nghĩa chưa phát biểu đúng tinh thần của Công đồng. Nó cho rằng chúng là kết quả của những thỏa hiệp, trong đó, để đạt được sự nhất trí, cần phải duy trì và xác nhận lại nhiều điều xưa cũ nay đã thành vô nghĩa. Tuy nhiên, tinh thần thực sự của Công đồng không được tìm thấy trong những thỏa hiệp này, nhưng thay vào đó được tìm thấy trong các thúc đẩy hướng tới những điều mới mẻ vốn chứa đựng trong các bản văn.
Chỉ riêng những đổi mới này mà thôi cũng đã được cho là đại diện cho tinh thần thực sự của Công đồng, và khởi đi từ và phù hợp với chúng, ta có thể tiến lên phía trước. Chính vì các bản văn chỉ phản ảnh một cách không hoàn hảo tinh thần thực sự của Công đồng và tính mới mẻ của nó, nên cần phải can đảm vượt ra ngoài các bản văn và dành chỗ cho sự mới mẻ trong đó ý định sâu xa nhất của Công đồng được phát biểu, cho dù một cách mơ hồ.
Nói một cách ngắn gọn: điều cần thiết là không tuân theo các bản văn của Công đồng mà là tinh thần của nó. Theo cách này, hiển nhiên, một biên độ rộng lớn được bỏ ngỏ cho câu hỏi làm thế nào tinh thần kia nên được xác định sau đó và do đó dành chỗ cho mọi ý thích tùy tiện.
Bản chất của một Công đồng đúng nghĩa đã bị hiểu sai từ trong căn bản. Theo cách này, nó được coi như một loại cơ quan lập hiến sẵn sàng loại bỏ một hiến pháp cũ và tạo ra một hiến pháp mới. Tuy nhiên, Quốc hội lập hiến cần một người ủy nhiệm (mandator) và sau đó sự xác nhận của người ủy nhiệm, nói cách khác, là chính nhân dân mà hiến pháp phải phục vụ. Các Nghị Phụ không có sự ủy nhiệm đó và cũng không ai giao cho họ một sự ủy nhiệm nào; và cũng không ai có thể ban cho họ một sự ủy nhiệm vì hiến phát thiết yếu của Giáo Hội xuất phát từ Chúa và đã được ban cho chúng ta để chúng ta có thể đạt được sự sống đời đời và, khởi từ viễn tượng này, có thể soi sáng sự sống trong thời gian và chính thời gian.
Nhờ Bí tích đã lãnh nhận, các Giám mục là những người quản lý hồng ân của Chúa. Các ngài là “những người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa” (I Cr 4: 1); như vậy, người ta thấy các ngài phải “trung thành” và “khôn ngoan” (x. Lc 12: 41-48). Điều này đòi hỏi các ngài phải quản lý hồng ân của Chúa một cách đúng đắn, để nó không bị giấu ở một nơi kín đáo nào đó, nhưng sinh hoa kết trái, và kết cục, Chúa có thể nói với người quản lý: “Vì con đáng tin trong một việc nhỏ, ta sẽ trao cho con phụ trách những việc lớn hơn”(x. Mt 25: 14-30; Lc 19: 11-27).
Những dụ ngôn Tin Mừng này nói lên động lực tính của lòng trung thành cần có trong việc phụng sự Chúa; và qua chúng, điều trở nên rõ ràng là, như trong một Công đồng, tính năng động và tính trung thực phải giao thoa với nhau.
Khoa diễn giải bất liên tục bị phản bác bởi khoa diễn giải cải cách, như đã được Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII trình bày đầu tiên trong Diễn văn khai mạc Công đồng vào ngày 11 tháng 10 năm 1962 và sau đó được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI trong Diễn văn kết thúc Công đồng ngày 7 tháng 12 năm 1965 nhắc lại.
Ở đây tôi sẽ chỉ trích dẫn những lời nổi tiếng của Đức Gioan XXIII, diễn đạt rõ ràng cách diễn giải này khi ngài nói rằng Công đồng mong muốn “lưu truyền tín lý, tinh tuyền và toàn diện, không có bất cứ sự suy giảm hay biến dạng nào”. Và ngài nói tiếp: “Nhiệm vụ của chúng ta không những chỉ bảo vệ kho tàng quý giá này, như thể chúng ta chỉ thích các đồ cổ, mà còn phải cống hiến bản thân với một ý chí nghiêm chỉnh và không sợ hãi đối với công việc ấy mà thời đại của chúng ta đã đòi hỏi nơi chúng ta…”. Điều cần thiết là “việc tuân thủ mọi giáo huấn của Giáo Hội trong tính toàn bộ và chính xác của chúng…” phải được trình bày một cách “hoàn toàn phù hợp với tín lý chân chính, tuy nhiên, tín lý này cần được nghiên cứu và giải thích bằng các phương pháp nghiên cứu và qua các hình thức văn học của tư tưởng hiện đại. Bản chất của tín lý cổ xưa trong kho tàng đức tin là một chuyện, mà cách thức trình bày nó lại là một chuyện khác… “; câu này vẫn giữ nguyên ý nghĩa và sứ điệp của nó (Các Văn kiện của Công đồng Vatican II , Walter M. Abbott, SJ, trang 715).
Rõ ràng là cam kết đối với việc phát biểu cách mới mẻ một sự thật chuyên biệt đòi hỏi một lối tư duy mới về sự thật này và một mối tương quan mới mẻ và quan yếu với nó; điều cũng rõ ràng là các từ ngữ mới chỉ có thể phát triển nếu chúng xuất phát từ một hiểu biết sáng suốt về sự thật được phát biểu, và mặt khác, suy tư về đức tin cũng đòi hỏi đức tin này phải được đem ra sống. Về phương diện này, chương trình mà Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đề xuất quả thực là vô cùng khắt khe, hệt như việc tổng hợp lòng trung thành và sự năng động cũng khắt khe không kém.
Tuy nhiên, bất cứ nơi nào việc giải thích này hướng dẫn việc thực thi Công đồng, thì đời sống mới đều phát triển và hoa trái mới chín mòng. Bốn mươi năm sau Công đồng, chúng ta có thể chứng tỏ rằng điều tích cực lớn hơn và sống động hơn rất nhiều so với những năm đầy biến động xung quanh năm 1968. Ngày nay, chúng ta thấy rằng mặc dù hạt giống tốt phát triển chậm, nhưng nó vẫn đang phát triển; và lòng biết ơn sâu sắc của chúng ta đối với việc làm của Công đồng cũng đang tăng lên.
Trong Diễn từ bế mạc Công đồng, Đức Phaolô VI đã nhấn mạnh một lý do chuyên biệt hơn nữa tại sao nền diễn giải bất liên tục xem ra có vẻ thuyết phục.
Trong cuộc tranh cãi lớn về con người từng đánh dấu kỷ nguyên hiện đại, Công đồng đã phải đặc biệt tập chú vào chủ đề nhân loại học. Nó phải đặt câu hỏi về mối tương quan giữa một mặt là Giáo hội và đức tin của Giáo hội, và mặt khác là con người và thế giới đương thời (xem đã dẫn). Vấn đề càng trở nên rõ ràng hơn nếu, thay vì từ ngữ chung chung “thế giới đương thời”, chúng ta chọn một thuật ngữ khác chính xác hơn: Công đồng phải xác định một cách mới nẻ mối tương quan giữa Giáo hội và kỷ nguyên hiện đại.
Mối tương quan này có một khởi đầu phần nào sóng gió với vụ án Galileo. Sau đó nó hoàn toàn bị gián đoạn khi Kant mô tả “tôn giáo bên trong lý trí thuần túy” và khi, trong giai đoạn triệt để của Cách mạng Pháp, một hình ảnh về Nhà nước và hữu thể nhân bản trên thực tế không còn muốn dành cho Giáo hội bất cứ không gian nào để phát triển.
Vào thế kỷ 19 dưới thời Đức Piô IX, cuộc đụng độ giữa đức tin của Giáo hội với chủ nghĩa tự do cấp tiến và các khoa học tự nhiên, vốn cho rằng với kiến thức của mình, họ đã nắm được toàn bộ thực tại từ đầu đến cuối giới hạn của nó, nhất quyết đề nghị làm cho “giả thuyết về Thiên Chúa” trở thành dư thừa, cuộc đụng độ này đã khiến Giáo hội lên án gay gắt và triệt để chống lại tinh thần này của thời hiện đại. Do đó, dường như không còn bất cứ môi trường nào bỏ ngỏ cho một sự hiểu biết tích cực và hữu hiệu, và việc bác bỏ của những người cảm thấy họ là đại diện của kỷ nguyên hiện đại cũng rất quyết liệt.
Tuy nhiên, trong khi đó, thời hiện đại cũng đã có những bước phát triển. Người ta tiến tới chỗ hiểu ra rằng Cách mạng Mỹ đang đưa ra một mô hình Nhà nước hiện đại khác với mô hình lý thuyết với các khuynh hướng cấp tiến xuất hiện trong giai đoạn thứ hai của Cách mạng Pháp.
Các khoa học tự nhiên bắt đầu phản ảnh ngày càng rõ ràng hơn những hạn chế của chính chúng do phương pháp của chính chúng áp đặt, một phương pháp, mặc dù đạt được những điều vĩ đại, nhưng vẫn không thể nắm bắt được bản chất toàn bộ của thực tại.
Vì vậy, cả hai bên đã dần dần bắt đầu cởi mở với nhau. Trong giai đoạn giữa hai cuộc Thế chiến và nhất là sau Thế chiến thứ hai, các chính khách Công Giáo đã chứng minh rằng một Nhà nước thế tục hiện đại có thể hiện hữu mà không trung lập về các giá trị nhưng vẫn sống động, rút tỉa từ những nguồn đạo đức tuyệt vời do Kitô giáo mở ra.
Học thuyết xã hội Công Giáo, khi dần dần phát triển, đã trở thành một mô hình quan trọng giữa chủ nghĩa tự do triệt để và học thuyết Mác xít về Nhà nước. Các ngành khoa học tự nhiên, vốn không dè dặt tuyên bố một phương pháp của riêng chúng, một phương pháp không chấp nhận Thiên Chúa, đã hiểu ra một cách rõ ràng hơn bao giờ hết rằng phương pháp này không bao hàm toàn bộ thực tại. Do đó, một lần nữa, chúng mở cửa đón nhận Thiên Chúa, vì biết rằng thực tại lớn hơn phương pháp duy tự nhiên và tất cả những gì nó có thể bao trùm.
Có thể nói rằng ba vòng tròn câu hỏi đã hình thành mà sau đó, vào thời Công đồng Vatican II, đang mong đợi một câu trả lời. Trước hết, mối tương quan giữa đức tin và khoa học hiện đại cần được tái định nghĩa. Hơn nữa, điều này không chỉ liên quan đến các khoa học tự nhiên mà còn liên quan đến khoa học lịch sử vì, trong một trường phái nào đó, phương pháp phê bình lịch sử cho rằng mình có lời nói cuối cùng trong việc giải thích Kinh thánh và, đòi độc quyền hoàn toàn cho việc giải thích Sách Thánh của mình, đã chống đối những điểm quan trọng trong cách giải thích được đức tin của Giáo hội khai triển.
Thứ hai, cần phải đưa ra một định nghĩa mới cho mối tương quan giữa Giáo hội và Nhà nước hiện đại, một định nghĩa có thể dành chỗ một cách vô tư cho các công dân thuộc các tôn giáo và hệ tư tưởng khác nhau, chỉ còn nhận trách nhiệm đối với việc chung sống có trật tự và đầy khoan dung giữa họ với nhau và đối với quyền tự do thực hành tôn giáo của họ.
Thứ ba, liên hệ một cách tổng quát hơn với vấn đề này là vấn đề khoan dung tôn giáo – một vấn đề đòi hỏi một định nghĩa mới về mối tương quan giữa đức tin Kitô giáo và các tôn giáo thế giới. Đặc biệt, trước những tội ác gần đây của chế độ Quốc xã và, nói chung, khi nhìn lại chặng đường dài đầy khó khăn, cần phải đánh giá và xác định một cách mới mẻ mối tương quan giữa Giáo hội và đức tin của Israel.
Đấy là tất cả các chủ đề có tầm quan trọng lớn – chúng là các chủ đề lớn của phần thứ hai của Công đồng – những chủ đề vốn không thể suy nghĩ rộng hơn trong bối cảnh này. Điều rõ ràng là trong tất cả các lĩnh vực này, những lãnh vực vốn cùng nhau tạo thành một vấn đề đơn nhất, một loại bất liên tục nào đó có thể xuất hiện. Thật vậy, một bất liên tục đã được tiết lộ nhưng trong đó, sau khi đã đưa ra các phân biệt khác nhau giữa các tình huống lịch sử cụ thể và các yêu cầu của chúng, tính liên tục của các nguyên tắc được chứng minh là không bị bỏ rơi. Thoạt nhìn, người ta dễ bỏ lỡ sự kiện này.
Bản chất của việc cải cách đích thực hệ ở chính việc kết hợp giữa tính liên tục và bất liên tục ở các bình diện khác nhau này. Trong diễn trình đổi mới trong tính liên tục này, chúng ta phải học cách hiểu một cách thực tế hơn trước rằng các quyết định của Giáo hội về các vấn đề phụ thuộc (contingent) – thí dụ, một số hình thức thực tiễn của chủ nghĩa tự do hoặc cách giải thích Kinh thánh tự do – chính chúng nhất thiết phải có tính phụ thuộc, vì chúng nói đến một thực tại chuyên biệt vốn tự nó có thể thay đổi. Cần phải học cách hiểu ra rằng trong những quyết định này, chỉ các nguyên tắc mới phát biểu các khía cạnh vĩnh viễn, vì chúng tồn tại như một nguồn nuớc ngầm (undercurrent), làm động lực cho các quyết định từ bên trong.
Mặt khác, các hình thức thực tiễn vốn phụ thuộc vào hoàn cảnh lịch sử thì không vĩnh viễn như thế và do đó có thể thay đổi.
Do đó, các quyết định căn bản vẫn tiếp tục có cơ sở vững vàng, trong khi cách chúng được áp dụng vào các bối cảnh mới có thể thay đổi. Vì vậy, chẳng hạn, nếu coi tự do tôn giáo như một biểu thức của việc con người không có khả năng khám phá ra chân lý và do đó phong thánh cho thuyết tương đối, thì tính tất yếu xã hội và lịch sử này được nâng một cách không thích hợp lên bình diện siêu hình và do đó bị mất hết ý nghĩa thực sự của nó. Thành thử, nó không thể được chấp nhận bởi những người tin rằng con người có khả năng biết sự thật về Thiên Chúa và dựa vào phẩm giá bên trong của sự thật, buộc phải biết sự thật này.
Mặt khác, điều hoàn toàn khác là tri nhận tự do tôn giáo như một nhu cầu bắt nguồn từ việc chung sống của con người, hoặc, đúng hơn, như một hệ quả nội tại của chân lý không thể bị áp đặt từ bên ngoài nhưng con người phải tiếp nhận qua diễn trình xác tín mà thôi.
Công đồng Vatican II, khi công nhận và lấy làm của riêng nguyên tắc thiết yếu về Nhà nước hiện đại bằng Sắc lệnh về Tự do Tôn giáo, đã khôi phục di sản sâu sắc nhất của Giáo hội. Nhờ làm thế, công đồng có thể ý thức được việc mình hoàn toàn hòa điệu với giáo huấn của chính Chúa Giêsu (x. Mt 22: 21), cũng như với Giáo hội của các thánh tử đạo mọi thời. Vì bổn phận, Giáo hội cổ xưa đương nhiên cầu nguyện cho các hoàng đế và các nhà lãnh đạo chính trị (x. I Tm 2: 2); nhưng dù cầu nguyện cho các vị hoàng đế, Giáo Hội từ chối thờ cúng họ và do đó rõ ràng bác bỏ tôn giáo của Nhà nước.
Các vị tử đạo của Giáo hội sơ khai đã chết cho đức tin của họ vào Thiên Chúa, Đấng đã được mạc khải trong Chúa Giêsu Kitô, và chính vì lý do này mà các ngài cũng đã chết cho tự do lương tâm và tự do tuyên xưng đức tin của chính mình – một tuyên xưng mà không Nhà nước nào có thể áp đặt nhưng thay vào đó, chỉ có thể được tuyên xưng với ơn thánh của Thiên Chúa trong tự do lương tâm. Một Giáo hội truyền giáo nổi tiếng với việc công bố sứ điệp của mình cho mọi dân tộc nhất thiết phải hoạt động cho tự do đức tin. Giáo Hội ấy mong muốn thông truyền hồng phúc sự thật vốn hiện hữu cho mọi người.
Đồng thời, Giáo Hội bảo đảm với các dân tộc và Chính phủ của họ rằng Giáo Hội không muốn phá hủy bản sắc và văn hóa của họ khi thông truyền như vậy, nhưng ngược lại, đem lại cho họ một giải đáp mà trong sâu thẳm nhất lòng họ, họ đang chờ mong – một giải đáp mà với nó, sự đa dạng của các nền văn hóa không mất đi nhưng thay vào đó, sự hợp nhất giữa nam giới và nữ giới tăng lên và do đó hòa bình giữa các dân tộc cũng tăng lên.
Công đồng Vatican II, với định nghĩa mới của nó về mối liên hệ giữa đức tin của Giáo hội và một số yếu tố thiết yếu của tư tưởng hiện đại, đã duyệt lại hoặc thậm chí chỉnh sửa một số quyết định lịch sử, nhưng trong sự bất liên tục rõ ràng này, nó đã thực sự bảo tồn và làm sâu sắc thêm bản chất nội thẳm nhất và danh tính thực sự của Giáo hội.
Giáo hội, cả trước và sau Công đồng, đã và hiện vẫn là cùng một Giáo hội, duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền, đang lữ hành xuyên qua thời gian; Giáo Hội tiếp tục “cuộc hành hương của mình giữa những cuộc bách hại của thế giới và các an ủi của Thiên Chúa”, luôn công bố cái chết của Chúa cho đến khi Người đến (xem Lumen Gentium, số 8).
Những ai mong đợi rằng với lời “xin vâng” căn bản này đối với kỷ nguyên hiện đại, mọi căng thẳng sẽ được xua tan và “sự cởi mở đối với thế giới” đạt được một cách thích đáng sẽ biến mọi sự thành tuyệt đối hài hòa với nhau, quả đã đánh giá thấp các căng thẳng nội tâm cũng như các mâu thuẫn vốn có trong kỷ nguyên hiện đại.
Họ đã đánh giá thấp sự yếu đuối nguy hiểm của bản chất con người vốn là mối đe dọa đối với sự tiến bộ của nhân loại trong mọi thời kỳ lịch sử và trong mọi nhóm tinh hoa lịch sử. Những nguy hiểm này, cùng với những khả thể mới và sức mạnh mới của con người đối với vật chất và đối với chính họ, đã không biến mất nhưng thay vào đó đã thu lượm được nhiều chiều kích mới: chỉ cần nhìn vào lịch sử ngày nay cũng đủ cho thấy điều này cách rõ ràng.
Trong thời đại chúng ta cũng vậy, Giáo Hội vẫn là một “dấu chỉ sẽ bị chống đối” (Lc 2: 34) – không phải vô cớ mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, khi còn là một Hồng Y, đã đặt đầu đề này cho các buổi Linh Thao mà ngài phụ trách năm 1976 cho Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Giáo triều Rôma. Công đồng không thể có ý định xóa bỏ việc Tin Mừng chống đối các nguy hiểm và sai lầm của con người.
Ngược lại, chắc chắn Công Đồng có ý định khắc phục các mâu thuẫn sai lầm hoặc dư thừa để trình bày với thế giới chúng ta đòi hỏi của Tin Mừng trong sự cao cả và tinh ròng hoàn toàn của nó.
Các bước được Công đồng đưa ra đối với kỷ nguyên hiện đại, những bước vốn được trình bày một cách mơ hồ như là “sự cởi mở đối với thế giới”, nói ngắn gọn thuộc về vấn đề muôn đời của mối liên hệ giữa đức tin và lý trí đang tái xuất hiện dưới những hình thức mới. Chắc chắn, tình huống mà Công đồng phải đối đầu có thể được so sánh với các biến cố của các kỷ nguyên trước đó.
Trong Thư thứ nhất của ngài, Thánh Phêrô thúc giục các Kitô hữu sẵn sàng đưa ra câu trả lời (apo-logia) cho bất cứ ai hỏi họ về logos, lý do cho đức tin của họ (xem 3: 15).
Điều này có nghĩa: đức tin Kinh thánh phải được thảo luận và tiếp xúc với văn hóa Hy Lạp và nhờ việc giải thích, học cách nhận ra ranh giới ngăn cách nhưng cũng là sự hội tụ và mối liên hệ giữa chúng trong một lý do duy nhất, do Chúa ban cho.
Vào thế kỷ 13, qua các nhà triết học Do Thái và Ả Rập, tư tưởng của Aristốt tiếp xúc với Kitô giáo thời Trung cổ vốn được đào tạo trong truyền thống Platông và đức tin và lý trí có nguy cơ rơi vào một mâu thuẫn không thể hòa giải, chính Thánh Tôma Aquinô trước tiên đã làm trung gian cho cuộc gặp gỡ mới giữa đức tin và triết học Aristốt, do đó đặt niềm tin vào mối liên hệ tích cực với hình thức lý trí thịnh hành vào thời đại của ngài.
Không còn nghi ngờ gì nữa, cuộc tranh chấp giữa lý trí hiện đại và đức tin Kitô giáo, vốn bắt đầu tiêu cực với vụ án Galileo, đã trải qua nhiều giai đoạn, nhưng với Công đồng Vatican II, đã đến lúc cần phải có những tư duy mới rộng rãi.
Nội dung của nó chắc chắn chỉ được tìm thấy một cách đại khái trong các bản văn công đồng, nhưng điều này đã xác định hướng đi cốt yếu của nó, để cuộc đối thoại giữa lý trí và đức tin, đặc biệt quan trọng ngày nay, tìm được phương vị của nó dựa vào Công đồng Vatican II.
Cuộc đối thoại này giờ đây phải được khai triển với tinh thần cởi mở lớn lao nhưng cũng với sự biện phân rõ ràng mà thế giới đang mong đợi một cách đúng đắn nơi chúng ta vào chính thời điểm này. Vì vậy, ngày nay chúng ta có thể nhìn Công đồng Vatican II với lòng biết ơn: nếu, nhờ được hướng dẫn bởi một khoa diễn giải đúng đắn, chúng ta giải thích được và thực thi nó, thì Công đồng ngày càng có thể là và có thể trở nên mạnh mẽ đối với việc canh tân Giáo hội luôn cần thiết.
Vũ Văn An