Đức Hồng Y Pell: xây dựng lại lòng tin cộng đồng

Nghe bài này

Ngày 4 tháng 12 vừa qua, tờ Catholic Herald cho đăng lại bài nói chuyện của Đức Hồng Y Pell tại Hội Nghị Bàn Tròn Rôma của Qũy Hoàn Cầu, diễn ra trong hai ngày 16 và 17 tháng 11 vừa qua. Chúng tôi xin chuyển bài nói chuyện này sang Việt ngữ:

Xây dựng lại lòng tin cộng đồng

Xây dựng lại lòng tin cộng đồng là một chủ đề rất lớn và là thách thức đặc biệt đối với Giáo Hội Công Giáo tại nhiều quốc gia, đối với Vatican, đối với các hàng giáo phẩm quốc gia, đặc biệt sau các tai tiếng lạm dụng tình dục, trong đó, có lẽ ta đã thoát khỏi con nước cao, và với các tai tiếng tài chánh, các tai tiếng mà bất hạnh thay, có thể tiếp tục bị các kẻ thù của Giáo Hội và của các giá trị bảo thủ xã hội tha hồ lượm lặt trong một thời gian đáng kể.

Báo cáo McCarrick có thể không hoàn hảo, nhưng là một bước quan trọng để đạt được sự minh bạch thích đáng.

‘Chuyên gia kỳ cựu nói tiếng Anh về Vatican’ John L. Allen đúng trong nhận định cho rằng “điểm lịch sử chủ chốt có thể là sự kiện nó đã xảy ra”, chứ không hẳn là nội dung đáng lo ngại của phúc trình. Tuy nhiên, sự ngạc nhiên của Allen đã đặt nhầm chỗ, khi nói đến câu hỏi của anh ta là liệu có ai ở Vatican thực sự hiểu tầm lớn lao của tiền lệ mà họ vừa đưa ra hay không: Một số người trong chúng ta rõ ràng là hiểu, và căn cứ vào hồ sơ công cộng, nhiều người vốn đã thấy sự cần thiết và tính tất yếu của việc minh bạch tài chính.

Tuy nhiên, tôi sẽ không nói về những thách thức đặc thù mà Giáo hội đang đối đầu. Chủ đề quá lớn, chúng ta còn quá gần đối với hành động, và hiện nay, tôi đã nghỉ hưu, dành thì giờ cho cuộc sống yên tĩnh.

Những nhận xét dựa vào đức tin của tôi sẽ đề cập một loạt các thay đổi, đặc biệt là khi chúng đang diễn ra ở Thế giới phương Tây. Không có bất cứ ý nghĩa nào phủ nhận hoặc che lấp ảnh hưởng văn hóa và tôn giáo lớn lao của truyền thống Do Thái-Kitô giáo ở phương Tây, đặc điểm chính của nó kể từ khi truyền hình và thuốc viên ngừa thai ra đời là sự suy giảm tôn giáo; một sự suy giảm về số lượng và thường là về tỷ lệ phần trăm các thành viên của Giáo hội và việc giảm tỷ lệ tham gia của nhiều người trong số những người quyết định ở lại.

Không ngạc nhiên chi, khi thường có sự miễn cưỡng thừa nhận mức độ của vấn đề này và thậm chí còn miễn cưỡng hơn nữa trong việc thảo luận về những gì đang xảy ra và những gì có thể làm để đảo ngược sự suy giảm. Tuy nhiên, khi quá trình này tiến xa như ở Công Giáo Bỉ và Hoà Lan, nhiều vùng ở Pháp, hoặc giữa các cộng đồng Thệ phản cấp tiến, việc buộc phải đóng cửa và bán nhiều nhà thờ và việc tổ chức lại mục vụ triệt để từ việc giảm số giáo xứ có nghĩa là không thể làm ngơ các thay đổi này.

Các nhà lãnh đạo Giáo hội phải thường xuyên vật lộn với hậu quả của sự suy giảm này đối với chính các cộng đồng. Ở nhiều nơi, các ơn gọi làm linh mục đã giảm sút – đôi khi đáng kể – thí dụ: ở Ái Nhĩ Lan, nơi vẫn còn quá nhiều linh mục nhưng hầu như không có chủng sinh giáo phận. (Hiện nay có nhiều giám mục ở Ái Nhĩ Lan hơn là số chủng sinh ở Maynooth). Nhiều dòng tu sắp hết hiện hữu, sự hiện diện của các dòng tu trong trường học và bệnh viện hầu như không còn. Một số định chế chủ yếu gồm các giáo dân, thí dụ: Opus Dei, NeoCatechumenal Way, và đặc biệt là ở Ý, cộng đồng Sant’Egidio và Hiệp thông và Giải phóng (Comunione e Liberazione) là những cơ sở đóng vai trò quan trọng, trong khi có lẽ sự khai triển đáng ngạc nhiên nhất là sự nhiệt tình đối với Thánh lễ Cũ / Tridentine và hàng trăm chủng sinh, thường phát xuất từ Hoa Kỳ và Pháp, theo học chức linh mục trong các học viện theo nghi lễ cũ.

Tham vọng của tôi là đưa ra một vài suy nghĩ về những hậu quả đối với xã hội rộng lớn hơn, về các định chế và qui ước công cộng, về công luận trong xã hội thế tục, về vốn xã hội, về các thành tố của điều chúng ta gọi là lương tri (common sense) từ sự suy giảm ảnh hưởng của Kitô giáo giáo phái.

Thành tố căn bản của Kitô giáo là thuyết độc thần; niềm tin rằng Thiên Chúa chân thật duy nhất là Thiên Chúa của Ápraham, Ixaác & Giacốp và là Cha của Chúa Giêsu Kitô. Điều cũng quan trọng là niềm tin rằng Thiên Chúa độc nhất Ba Ngôi là Thiên Chúa dựng nên Vũ trụ, nhân từ, hữu lý và quan tâm đến chúng ta. Chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, đó là điều được công nhận bởi đức tin và lý trí. Nền văn minh phương Tây cho đến gần đây vẫn thừa nhận mình mang nợ của cả Athens lẫn Jerusalem, cũng như nó đã tiếp thu nhiều yếu tố lập pháp và hiến pháp từ Đế quốc Rôma: từ sự cai trị của các Hoàng đế, mặc dù Cộng hòa La Mã trước đó luôn cung cấp nguồn cảm hứng cho những người cộng hòa đương thời.

Thiên Chúa của người Do Thái-Kitô giáo không giống như một vị Thiên Chúa đã chế tạo ra một chiếc đồng hồ, lên dây cót và để nó đó cho các thiết bị của nó. Khái niệm về Chúa của chúng ta cũng không hình dung ra một Trí tuệ Tối cao, chịu trách nhiệm cách nào đó đối với Big Bang (Vụ nổ vĩ đại) vẫn đã và đang tiếp tục phát triển theo các định luật vật lý đẹp đẽ và đơn giản trong khoảng 14 tỷ năm (có lẽ), nhưng không quan tâm đến chúng ta đang sống trên hành tinh nhỏ bé là trái đất, với những sinh vật duy nhất mà chúng ta biết có khả năng hiểu biết và yêu thương. Một chiều kích khác của giáo huấn Do Thái-Kitô giáo thậm chí còn gây khó chịu hơn, bởi vì nó coi Đấng Thiên Chúa Tạo dựng yêu thương như một nhà lập pháp và thẩm phán cuối cùng mà mọi người sẽ phải trả lẽ, bất kể mức độ hiểu biết của họ về ý nghĩa và nghi ngờ, thiện và ác, mục đích và cơ hội.

Các hậu quả của việc tin vào sự hiện hữu của vị Thiên Chúa Tạo dựng đầy yêu thương, đòi hỏi cao này – Đấng biết điều Người đang làm – đã được lồng vào tất cả các hệ thống pháp luật châu Âu kể từ bộ luật pháp lý của Hoàng đế Theodosius II và đồng hoàng đế Valentinian III vào năm 438 CN, và tiếp tục quan trọng bất chấp Cách mạng Pháp năm 1789, Cách mạng Cộng sản Nga năm 1917 và việc Liên minh châu Âu năm 2007 từ chối đề cập đến sự đóng góp của Kitô giáo trong tuyên bố đánh dấu kỷ niệm 50 năm thành lập khối.

Ít người đã hoặc đang có khả năng nêu rõ được nội dung toàn bộ giáo huấn Kitô giáo giáo ngay cả trong các phạm trù sơ đẳng của tôi nhưng nhiều hoặc hầu hết người châu Âu đã sống và chết ít nhất trong 1600 năm tin rằng họ có một bộ các đòi hỏi đạo đức được Thiên Chúa ra lệnh phải tuân theo, điều này cũng ràng buộc những người cai trị họ, và hạnh phúc vĩnh cửu của họ phụ thuộc vào việc trung thành đối với những giáo huấn này.

Nếu hàng triệu người ngưng tin tưởng như vậy, thì đâu có gì là không hợp lý khi các tiêu chuẩn ứng xử cá nhân của họ và nội dung luật pháp của Nhà nước sẽ thay đổi, có thể từ từ hoặc loạn xà ngầu tùy theo đồng thuận mới.

Một vài minh xác căn bản có thể hữu ích.

Tôi không cho rằng truyền thống Do Thái-Kitô giáo là nguồn duy nhất của lòng vị tha ở Thế giới phương Tây, càng ít hơn ở các nền văn minh khác. Tôi cũng không đòi cho nguồn vị tha phải có tính tôn giáo mặc dù nó thường như vậy. Nhiều nền văn minh đã được xây dựng trên những lời dạy của Đức Phật và Khổng Tử, cả hai đều không minh nhiên là những vị duy thần, trong khi chủ nghĩa độc thần tranh đấu và bành trướng của Hồi giáo, với chủ nghĩa khủng bố thường lấy cảm hứng từ phương Tây và sự tán thành bạo lực của Kinh Qur’an (không phải khủng bố), cũng là một nguồn mạnh mẽ của lòng vị tha.

Niềm tin tưởng vào các cộng đồng tôn giáo thường bị suy giảm bởi tuyên bố cho rằng tôn giáo gây ra chiến tranh và trong căn bản tất cả các tôn giáo đều giống nhau. Do đó, khủng bố Hồi giáo làm tổn hại đến vị thế của tất cả các tôn giáo. Các cuộc chiến tranh đã diễn ra vì động cơ tôn giáo nhưng tôn giáo không có độc quyền đối với chiến tranh vì không có bạo chúa tồi tệ nhất nào của thế kỷ XX, Lenin, Stalin, Mao và Pol Pot là những người tôn giáo, và tất cả họ đều là người vô thần, ngoại trừ có thể là Hitler, người đã cay đắng chống lại Công Giáo cũng như chống lại Do Thái một cách điên cuồng.

Cần phải thừa nhận rằng những thay đổi về lập pháp được truyền cảm hứng bởi các cuộc chiến tranh văn hóa và những cuộc đấu tranh có tư tưởng cao của những người duy tục chống lại những kẻ sa đọa đã phản ảnh và làm sâu sắc thêm những thay đổi trong tác phong. Bất chấp việc ta sẵn sàng và dễ dàng được phá thai và hiện nay có thuốc tránh thai buổi sáng hôm sau, mọi quốc gia phương Tây có hàng chục nghìn ca phá thai (với các tỷ lệ khác nhau) và ở mọi nơi, sinh suất vẫn tiếp tục suy giảm dù vốn đã ở dưới mức thay thế. Sau khi du nhập việc ly hôn không cần có lỗi, số vụ ly hôn đã tăng vọt lên đến 1/3 các cuộc hôn nhân, mặc dù con số này đã giảm ở một số quốc gia vì ngày càng nhiều đàn ông và đàn bà không kết hôn, chỉ chung sống mà thôi. Đồng tính luyến ái không còn được coi là một rối loạn với sự ra đời của hôn nhân đồng tính, mặc dù dị tính vẫn tiếp tục được đa số chấp nhận. Việc an tử tự nguyện hiện đang được hợp pháp hóa ở một số khu vực pháp lý ngày càng gia tăng, do đó, chắc chắn sẽ diễn ra hiện tượng an tử không tự nguyện trên thực tế và theo luật lệ.

Có bao nhiêu thay đổi khác có thể sắp được thực hiện, nhưng không được công nhận, không được thừa nhận và không được mong muốn?

Vũ trụ hoặc được thiết kế bởi Trí tuệ hoặc là sản phẩm của sự tình cờ; hoặc có lẽ không thể biết được. Sự tự tin của chúng ta vào sức mạnh của lý trí là hợp lý hay đó là một huyền thoại sai lầm, có lẽ là một ngõ cụt, có nghĩa là cuộc đối thoại, thảo luận và tranh luận như chúng ta đang tận hưởng vào lúc này, không chỉ là điều nên tránh mà còn bị cấm đối với một số chủ đề bị coi như vô ích, có lẽ vì xúc phạm đến những người cảm thấy không buộc phải biện minh các nhạy cảm của họ?

Nếu tất cả loài người không được tạo ra theo hình ảnh Thiên Chúa, nếu không có giới răn hoặc sự khuyến khích nào phải yêu thương mọi con người nhân bản khác, đặc biệt vì trong DNA của chúng ta có quá ít điều để phân biệt chúng ta với các động vật bậc cao đẳng khác, thì chúng ta tìm cơ sở ở đâu cho các nhân quyền phổ quát, huống hồ là công bằng xã hội cho những người tàn tật, những người không sản xuất, những người mà sự sống của họ không còn một phẩm giá đáng sống nữa? Quan tâm đến lợi ích chung có phải là sự phân tâm hay đạo đức giả không? Tại sao tất cả những người không sản xuất này nên có một lá phiếu? Các nền dân chủ thường chuyển động chậm chạp và thiếu quyết đoán trong thời kỳ khủng hoảng như COVID (không giống như Trung Quốc). Vào những năm 30, rất nhiều ý kiến khai sáng đã coi các nền dân chủ là lỗi thời, điều này giúp giải thích mô tả của Churchill về nền dân chủ như giải pháp thay thế ít tồi tệ nhất cho Chính phủ.

Đáng lưu ý là các dân tộc nói tiếng Anh đã giữ được phần lớn khuôn khổ Do Thái-Kitô giáo cho cuộc sống công cộng của họ, khi các viễn kiến thay thế mạnh mẽ khác đang cai trị phần lớn châu Âu và châu Á. Chiến tranh giai cấp và sự hạ giá các nhà tư bản chủ nghĩa thay thế tình yêu phổ quát đối với những người Cộng sản theo chủ nghĩa Mác-xít trong khi quyền lực tối cao duy sắc tộc của Đức Quốc xã và việc hạ nhân phẩm người Do Thái đang thống ngự ở nước Đức của Hitler. Cũng vậy, động lực và tham vọng đằng sau cuộc cách mạng ở Bắc Mỹ khác với cuộc cách mạng năm 1789 ở Pháp, khi tự do, bình đẳng và tình huynh đệ tạm thời biến thành khủng bố, giết vua, và đàn áp người Công Giáo và giới quý tộc.

Vì vậy, có một điều trớ trêu, một sự đạp đổ tiền lệ lịch sử trong sự kiện này là hiện tượng thế hệ ‘tỉnh giấc’ (woke generation) bắt đầu chủ yếu ở thế giới nói tiếng Anh. Ở đây, trước hết, chúng ta nhận thấy có việc đòi hỏi những nơi an toàn và kích hoạt các cảnh giác để cảnh báo những người có thể bị xúc phạm.

Trong thế giới rạn nứt này, một thế giới chỉ phục vụ ngoài môi khái niệm chân lý và vai trò của lý trí, chúng ta chỉ có hàng loạt ý kiến cạnh tranh nhau: những trò chơi quyền lực phải được áp đặt, các đối thủ phải bị bịt miệng — ngay cả ở các đại học; chính trị bản sắc, chứ không phải tình anh em và chị em phổ quát; kiểm duyệt do bề hội đồng và phương tiện truyền thông xã hội. Tất cả những điều này tượng trưng cho sự thoái trào trở về với chủ nghĩa bộ lạc, một thứ cần phải chống lại bởi tất cả những ai coi trọng nền văn minh phương Tây; tự do ngôn luận, pháp quyền, thủ tục dân chủ, khoan dung tính đa dạng, tự do tôn giáo, phân chia quyền lực. Các nhà chức trách đại học đã chậm chạp trong việc chống lại, quá sẵn sàng loại bỏ các diễn giả vì sợ công chúng phản đối. Tôi hy vọng đây không phải là sự đầu hàng kiểu cũ, mà là một chương trình dài hạn hơn nhằm bảo vệ các cuộc thảo luận và tranh luận có lý lẽ, đồng thời khuyến khích sự tôn trọng học tập.

Những sự kiện trên đại diện cho một mức thấp mới, một sự leo thang hoặc suy thoái triệt để của các cuộc chiến tranh văn hóa, vốn lên xuống trong nhiều thập niên qua. Tôi hy vọng chúng không phải là cái nhìn tương lai thoáng qua vì chúng vốn là phản đề của việc cùng nhau phấn đấu cho lợi ích chung hoàn cầu, đặc biệt là khi có những khác biệt và căng thẳng cần được thương lượng.

Luận đề của tôi coi trọng việc tách biệt giữa Giáo hội và Nhà nước, nhất là sự kiện nó bảo vệ việc thực hành tôn giáo và phi tôn giáo.

Nhiệm vụ tự xác định của tôi không phải là giải thích những lợi ích phát xuất từ các truyền thống tôn giáo khác, mà là nhấn mạnh cách thức chủ nghĩa độc thần Do Thái giáo-Kitô giáo đóng góp vào các thực hành và hiểu biết văn hóa giúp các xã hội phương Tây hiện đại của chúng ta phát triển mạnh mẽ.

Các Kitô hữu cần chứng minh sự chính trực của họ, bằng sự minh bạch căn bản trong giáo huấn và việc họ thực thi giáo huấn này, chỉ có thế họ mới mong có thể tiếp tục làm sâu sắc thêm lòng tin tưởng cộng đồng.

Bất chấp các tai tiếng và vì chúng, các Kitô hữu phải tiếp tục dạy các nhân đức Kitô giáo và các chân lý Kitô giáo, bảo vệ và nêu gương tầm quan trọng của lý trí, sự thật, các quyền phổ quát và sự tha thứ trong các nền dân chủ của chúng ta, cũng như các lĩnh vực đặc trưng và gây tranh cãi hơn của tình yêu và cuộc sống, gia đình và tình dục.

Các nhà lãnh đạo Kitô giáo nên tiếp tục duy trì Thiên Chúa trong cuộc trò chuyện công khai, như thường diễn ra, ít nhất nói theo cách khoa trương, ở Hoa Kỳ, nhưng hiếm khi xảy ra ở Úc, càng ít hơn ở Tân Tây Lan.

Các nhà tiên tri và triết gia từ Môsê qua Platông đến Machiavelli đều coi là quan trọng việc được kể vào số bạn bè của Thiên Chúa. Tôi mạnh mẽ tin rằng sẽ hữu ích hơn cho xã hội khi có một số kiến thức về những gì Chúa muốn hơn là cố gắng kiểm soát khí hậu. Như Machiavelli đã hỏi trong cuốn sách về Nghệ thuật Chiến tranh, “Làm thế nào những kẻ khinh miệt Thiên Chúa có thể tôn trọng con người?”

Vũ Văn An

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS