Ngọc Yến – Vatican News
Đức Thánh Cha mở đầu bài huấn dụ như sau: “Lời mời ‘hãy vui lên’ là đặc điểm của Mùa Vọng. Mong đợi Chúa giáng trần, mong đợi mà chúng ta đang sống là niềm vui”. Đức Thánh Cha giải thích, điều này giống như khi chúng ta chờ đợi cuộc viếng thăm của một người bạn rất quý mến, nhưng đã lâu rồi chúng ta không gặp. Và hôm nay, Chúa nhật thứ ba Mùa Vọng, chiều kích của niềm vui này đặc biệt nổi bật trong ca nhập lễ với những lời khích lệ của Thánh Phaolô “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa” (Pl 4,4). Đức Thánh Cha đặt câu hỏi: “Tại sao chúng ta vui?” Và ngài trả lời theo lý luận của Thánh Phaolô: “Vì Chúa đã gần đến” (Pl 4, 5). Chúa càng đến gần chúng ta, chúng ta càng vui mừng; Người càng xa, chúng ta càng buồn. Đây là một quy tắc dành cho các Kitô hữu. Nhưng tôi không hiểu, ngày nay làm sao người ta có thể tin được, vì những người nói rằng họ tin nhưng họ lại mang một khuôn mặt của người đưa đám. Họ không làm chứng cho niềm vui Phục sinh của Đức Kitô. Chúng ta hãy suy nghĩ một chút về điều này và tự hỏi: Tôi có vui không vì Chúa sắp đến gần?
Đức Thánh Cha nói tiếp: Tin Mừng thánh Gioan hôm nay trình bày cho chúng ta một nhân vật trong Kinh thánh – không kể Đức Mẹ và Thánh Giuse – là người đầu tiên đã có kinh nghiệm mạnh mẽ nhất về sự mong chờ Đấng Mêsia và niềm vui khi thấy Người đến: tất nhiên chúng ta đang nói đến Gioan Tẩy Giả (Ga 1,6-8.19-28). Thánh sử giới thiệu Gioan Tẩy Giả một cách trang trọng: “Một người được Thiên Chúa sai đến […]. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về sánh sáng” (câu 6-7). Gioan Tẩy Giả là nhân chứng đầu tiên của Chúa Giêsu, bằng lời nói và bằng hồng ân sự sống. Các sách Tin Mừng đều đồng ý cho thấy ông đã đạt được sứ vụ bằng cách chỉ ra Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Sứ giả của Thiên Chúa. Trong thời đó, ông Gioan là một nhà lãnh đạo. Danh tiếng của ông đã lan rộng khắp miền Giuđê và xa hơn nữa, đến tận Galilê. Nhưng ông không nhượng bộ dù chỉ trong chốc lát trước cám dỗ thu hút sự chú ý về mình: ông luôn hướng về Đấng phải đến. Ông nói: “Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người” (câu 27).
Tới đây, Đức Thánh Cha giải thích: Đây là điều kiện đầu tiên của niềm vui Kitô: không dành quyền cho chính mình nhưng đặt Chúa Giêsu làm trung tâm. Đây không phải là việc làm cho mình trở nên xa lạ với chính mình, bởi vì Chúa Giêsu thực sự là trung tâm, là ánh sáng mang lại ý nghĩa trọn vẹn cho cuộc sống của mọi người nam nữ đến với thế giới này. Cũng chính sự năng động của tình yêu, làm cho tôi thoát ra khỏi chính mình không phải để đánh mất chính mình, nhưng để tìm lại chính mình trong khi tôi trao ban chính mình, trong khi tôi tìm kiếm điều tốt đẹp cho người khác.
Thánh Gioan Tẩy Giả đã trải qua một hành trình dài để làm chứng cho Chúa Giêsu. Hành trình của niềm vui không phải là một cuộc dạo chơi. Từ khi còn trẻ, Gioan Tẩy Giả đã từ bỏ tất cả, để đặt Chúa lên hàng đầu, để lắng nghe Lời Người hết lòng và hết sức mình. Ông lui vào sa mạc, trút bỏ mọi sự dư thừa, để được tự do hơn đi theo làn gió của Chúa Thánh Thần. Tất nhiên, một số đặc điểm tính cách của ông là duy nhất, không phải ai cũng có. Nhưng lời chứng của ông là mẫu mực cho bất cứ ai muốn tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống và tìm kiếm niềm vui thực sự. Đặc biệt, Gioan Tẩy Giả là gương mẫu cho những người trong Giáo Hội, những người được mời gọi loan báo Chúa Kitô cho người khác: họ chỉ có thể làm như vậy khi tách ra khỏi chính họ và khỏi thế gian, không phải bằng cách lôi kéo mọi người đến với mình nhưng hướng mọi người đến với Chúa Giêsu.
Niềm vui là việc hướng về Chúa Giêsu. Niềm vui phải là đặc điểm đức tin của chúng ta. Ngay cả những lúc tăm tối, niềm vui nội tâm biết rằng Chúa ở với tôi, Chúa đã sống lại. Thiên Chúa là trung tâm cuộc sống và niềm vui của chúng ta. Hôm nay, anh chị em hãy suy nghĩ kỹ và hãy tự hỏi: Tôi là một người vui vẻ và biết cách loan truyền niềm vui Kitô cho người khác hay tôi là người buồn bã với khuôn mặt của người đưa đám? Nếu tôi không có niềm vui của đức tin, tôi sẽ không thể làm chứng và người khác sẽ nói: Nếu có đức tin mà buồn như thế, tốt hơn tôi không có đức tin.
Đức Thánh Cha kết thúc bài giáo lý với lời mời gọi: Giờ đây, khi đọc Kinh Truyền Tin, chúng ta thấy tất cả những điều này được thực hiện tràn đầy nơi Đức Trinh nữ Maria: Mẹ thinh lặng chờ đợi Lời cứu độ của Thiên Chúa; Mẹ lắng nghe Lời, mang trong lòng Lời. Trong Mẹ, Chúa trở nên gần gũi. Đây là lý do tại sao Giáo hội gọi Đức Maria là Đấng “làm cho chúng con vui mừng”.
Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha chào các tín hữu và khách hành hương đang tụ họp tại Quảng trường Thánh Phêrô. Ngài đặc biệt chào một nhóm đại diện các gia đình và các thiếu nhi của Roma mang tượng nhỏ Chúa Giêsu Hài đồng đến cho ngài làm phép để đặt trong hang đá. Đây là một truyền thống hàng năm do Ban điều hợp các Trung Tâm mục vụ giới trẻ thuộc các giáo xứ Roma (Centro Oratori Romani) tổ chức.
Đức Thánh Cha nói: “Năm nay, do đại dịch, các con đến đây rất ít, nhưng cha biết rất nhiều thiếu nhi đang tụ họp tại các Trung tâm mục vụ giới trẻ thuộc các giáo xứ và ở nhà đang theo dõi chúng ta qua các phương tiện truyền thông. Cha chào mỗi người chúng con và làm phép các tượng Chúa Giêsu Hài đồng sẽ được đặt trong hang đá, dấu chỉ của hy vọng và niềm vui”.
Sau đó, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người thinh lặng và Đức Thánh Cha làm phép các tượng Chúa Giêsu Hài đồng. Đức Thánh Cha nhắn nhủ các thiếu nhi: “Khi các con cầu nguyện ở nhà, trước hang đá cùng với gia đình, các con hãy để sự dịu dàng của Chúa Giêsu Hài đồng lôi cuốn các con. Ngài được sinh ra khó nghèo và mong manh giữa chúng ta, để trao ban cho chúng ta tình yêu của Ngài”.
Sau cùng, Đức Thánh Cha chúc mọi người một ngày Chúa nhật an bình và nhắc lại “Không được quên niềm vui! Kitô hữu là người có niềm vui trong tâm hồn, ngay cả trong thử thách; vui vì Chúa đang đến gần. Ngài trao ban cho chúng ta niềm vui”.