Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Is Cardinal Cupich on his way to the Vatican?
Catholic News Agency
Phải chăng Hồng Y Cupich đang được điều sang Vatican?
Vào ngày 30 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ Đức Hồng Y Blase Cupich, Tổng Giám mục Chicago, người đang ở Rôma để dự cuộc họp của Bộ Giám mục Vatican.
Phòng Báo Chí Tòa Thánh không công bố bất kỳ thông tin nào về cuộc họp, ngoài việc cho biết là cuộc gặp gỡ đã diễn ra, và phần lớn báo chí phỏng đoán rằng cuộc họp có lẽ là để thảo luận về những gì đã xảy ra 10 ngày trước, khi Đức Hồng Y công khai chỉ trích tuyên bố chính thức của các giám mục Hoa Kỳ vào ngày lễ nhậm chức Tổng thống của ông Joe Biden [Nhiều Giám Mục đã lên tiếng công khai ủng hộ Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ như một hình thức phản đối Hồng Y Cupich].
Nhưng các nguồn tin ở Rôma đã nói chuyện với CNA rằng Hồng Y Cupich gặp Đức Giáo Hoàng không phải để nói về những gì đã xảy ra trong quá khứ gần đây, mà là những gì có thể xảy ra trong tương lai gần: Hồng Y Blase Cupich sẽ thay thế Đức Hồng Y Marc Ouellet làm Tổng trưởng Bộ Giám mục.
Theo một nguồn tin, Đức Thánh Cha Phanxicô đã “nghiêm túc xem xét việc bổ nhiệm một cách bất ngờ, một giám mục từ ngoại vi” để thay thế Đức Hồng Y Ouellet, một trong số những người đứng đầu các cơ quan trung ương Vatican đã đến tuổi nghỉ hưu.
Nguồn tin tương tự cho biết ứng cử viên có khả năng cao nhất là Đức Cha Robert Francis Prevost, một nhà truyền giáo dòng Augustinô sinh tại Chicago, người gốc Pháp và Tây Ban Nha, là người đã dành một phần lớn cuộc đời mục vụ của mình ở dãy núi Andes phía Bắc Peru trước khi được Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm làm Giám mục Chiclayo, Peru. Vào năm 2015, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đã bổ nhiệm Đức Cha Prevost trở thành một trong số ít các thành viên không phải là Hồng Y của Bộ Giám mục vào tháng 11 năm 2020.
Tuy nhiên, theo nguồn tin, Giáo hoàng đã bắt đầu nghiêng về Hồng Y Cupich nhiều hơn vì thế giá cao hơn của ngài và vì “thông điệp mà việc bổ nhiệm của ngài sẽ mang lại liên quan đến mô thức giám mục mà ngài muốn cho Giáo hội”.
Trách nhiệm chính của Bộ Giám mục là giám sát việc tuyển chọn và bổ nhiệm các giám mục. Bộ này cũng đề cập đến việc xây dựng và giải thể các giáo phận, giám sát các giám mục, và chuẩn bị cũng như đáp ứng các chuyến thăm ad limina của các giám mục tới Rôma.
Tổng trưởng Bộ Giám mục không có quyền hạn vô hạn trong việc bổ nhiệm giám mục. Thay vào đó, quy trình bổ nhiệm một giám mục thường bắt đầu với một loạt các cuộc tham vấn ở cấp địa phương, kế đó Sứ thần Tòa thánh đưa ra các khuyến nghị. Sau đó, một hồ sơ được chuẩn bị, thường là bởi các quan chức của Bộ Giám Mục, và được thảo luận giữa tất cả các thành viên của Bộ, với sự chủ trì của Tổng trưởng. Quy trình có thể trở lại Tòa Sứ thần Tòa thánh nếu không tìm được ứng viên thích hợp. Cuối cùng, một cái tên hoặc những cái tên được đề xuất cho Đức Thánh Cha, là người bổ nhiệm giám mục tương lai.
Một nguồn tin nhấn mạnh với CNA rằng dù sao thì vị Tổng trưởng Bộ Giám Mục có ảnh hưởng đáng kể.
“Tổng trưởng Bộ Giám Mục không chỉ có vai trò quan trọng trong quá trình này (chỉ định một giám mục,) mà còn là một trong số ít các thành viên của Giáo Triều Rôma gặp gỡ Đức Thánh Cha thường xuyên, hầu như mỗi thứ bảy”.
Đức Hồng Y Ouellet, người trước đây là Tổng giám mục của Quebec, là một giám mục với một bản lý lịch giáo hội đáng nể phục. Là thành viên của Hiệp hội các Linh mục Xuân Bích, ngài là giáo sư thần học, nhà truyền giáo ở Colombia, và thư ký của Hội đồng Giáo hoàng về Cổ vũ Hiệp nhất Kitô Giáo trước khi được bổ nhiệm làm Tổng giám mục Quebec – và do đó là Giáo chủ Công Giáo Canada – bởi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào năm 2002.
Đức Hồng Y Ouellet được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 bổ nhiệm làm Tổng trưởng Bộ Giám mục vào năm 2010. Với tư cách là tổng trưởng Bộ Giám Mục, ngài nghiễm nhiên trở thành chủ tịch của Ủy ban Giáo hoàng về Mỹ Châu Latinh. Vị Hồng Y người Canada nói thông thạo tiếng Anh, Tây Ban Nha, Pháp và Ý đã đạt tuổi nghỉ hưu truyền thống là 75 vào tháng 6 năm 2020.
Hồng Y Blase Cupich, một linh mục được thụ phong tại Tổng giáo phận Omaha, Nebraska, đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm để kế vị Đức Cha Charles Chaput lãnh đạo Giáo phận Rapid City, Nam Dakota vào năm 1998.
Năm 2010, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 bổ nhiệm ngài làm giám mục Spokane. Năm 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô chấp nhận đơn từ chức của Đức Hồng Y Francis George với tư cách là Tổng giám mục của Chicago và đặt Giám Mục Cupich là người kế vị.
Sự nghiệp giám mục của Hồng Y Cupich không phải là không có tranh cãi.
Tại Rapid City, trước khi có Tông thư dưới dạng Tự sắc Summorum Pontificum vào năm 2007 của Đức Bênêđíctô XVI cho phép các linh mục cử hành Thánh lễ Latinh Truyền thống, Đức Cha Cupich đã cấm trẻ em không được Thêm sức hay là Rước lễ lần đầu trong một Thánh lễ như vậy. Ngài cũng cấm một cộng đoàn theo nghi lễ Latinh truyền thống không được cử hành Tam Nhật Thánh theo sách lễ năm 1962.
Tại Spokane vào năm 2011, Đức Cha Cupich đã yêu cầu các linh mục và chủng sinh trong giáo phận của mình không được tham gia biểu tình trước các phòng khám của tổ chức phá thai Planned Parenthood, cũng không được ủng hộ chiến dịch phò sinh “40 Ngày cho Cuộc sống”. Để đối phó với sự náo động phản đối của các tiếng nói phò sinh, giáo phận đã ban hành một tuyên bố minh định rằng “Đức Giám Mục nhìn nhận rằng một linh mục có lương tâm ngay lành có thể cảm thấy cần phải tham gia vào các buổi canh thức và ngài không bao giờ bị buộc phải làm ngược lại lương tâm ngay chính và được hình thành tốt của mình. Đức Giám Mục chỉ yêu cầu tất cả các linh mục thành tâm suy ngẫm về những gì ngài đã nói với họ, cam kết thực hiện việc giảng dạy một cách hữu hiệu ưu tiên hàng đầu và luôn ghi nhớ sức mạnh không gì thay thế được của chứng tá hiệp nhất giữa họ với nhau”.
Người ta vẫn chưa biết làm thế nào mà Giám mục Spokane lúc đó lại thu hút được sự chú ý của Đức Thánh Cha Phanxicô, nhưng Đức Phanxicô đã thể hiện sự ủng hộ của mình đối với Đức Cha Cupich rõ ràng là khá nhanh chóng [Dư luận rộng rãi ở Hoa Kỳ là Đức Cha Cupich được Theodore McCarrick tiến cử, đó là điều Đức Cha Cupich luôn bác bỏ.]
Năm 2015, Đức Phanxicô đề cử Đức Cha Cupich tham gia Thượng hội đồng Giám mục sau khi ngài không được Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ (USCCB) bầu vào thượng hội đồng. Tại thượng hội đồng, ông ủng hộ đề xuất gây tranh cãi về việc cho phép Rước lễ, trong một số trường hợp hạn chế, cho những người đã ly hôn và tái hôn dân sự. Sau Thượng hội đồng, tông huấn Amoris Laetitia của Đức Thánh Cha Phanxicô đã thu hút sự chỉ trích và bối rối về những gì được coi là thiếu rõ ràng về vấn đề này.
Năm 2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Cha Cupich là thành viên của Bộ Giám mục. Việc bổ nhiệm này được coi là một động thái để thay thế Hồng Y Raymond Burke. Đức Hồng Y Burke đã không được gia hạn tư cách thành viên.
Cuối năm đó, Đức Tổng Giám Mục Cupich được phong làm Hồng Y. Ngay sau khi được thăng chức, Đức Giáo Hoàng đã giao cho ngài một số sứ mệnh, và công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với các quan điểm thần học và mục vụ của Đức Cha Cupich. Vị Tổng Giám Mục này được đặc biệt yêu cầu đi đầu trong việc bảo vệ và thúc đẩy tông huấn Amoris Laetitia tại Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, việc Đức Thánh Cha Phanxicô ưa chuộng ngài chưa bao giờ được phản ánh trong Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, nơi ngài đã phục vụ trong một số ủy ban, nhưng luôn luôn bị đánh bại một cách có hệ thống trong mọi cuộc bầu cử hoặc trong các đề xuất lớn.
Theo các nguồn tin do CNA tham khảo, nếu Đức Hồng Y Cupich thực sự lãnh đạo Bộ Giám mục, Giám mục Robert McElroy của San Diego, người sẽ bước sang tuổi 67 vào ngày 5 tháng 2, là ứng cử viên có nhiều khả năng trở thành người kế nhiệm Đức Hồng Y Cupich ở Chicago.