Các phiên chầu Thánh Thể ban đêm tại đền thờ Thánh Thể ở Buenos Aires được bắt đầu từ năm 1917. Tấm hình cho thấy tên của chàng thanh niên Bergoglio, Giáo hoàng Phanxicô tương lai, là người thứ 9.195 tham gia chầu Thánh Thể, cùng với anh của ngài.
Tình yêu Thánh Thể từ khi còn trẻ
Trong lá thư viết tay gửi cho nhà báo Schaerer, được đăng trên tuần báo Công giáo tiếng Tây Ban Nha Alfa y Omega hôm 8/4, Đức Thánh Cha nói rằng ngài rất xúc động bởi bức ảnh của cuốn sổ đăng ký cũ. Ngài cho biết ngài thường cùng với anh của ngài đi xe buýt từ nhà của ngài ở khu vực Flores, ở ngoại ô thủ đô Buenos Aires, đến đền thờ Thánh Thể, khi ngài còn là chàng thanh niên 18 -19 tuổi. Khi đó, Đức Thánh Cha đã cảm nghiệm được lòng Chúa thương xót trong lần xưng tội ngày 21/9/1953, điều mà ngài gọi là “kinh nghiệm ở San Jose de Flores”. Khi đó ngài đã cảm thấy ơn gọi làm linh mục và đang sống “một đời sống Ki-tô hữu bình thường”.
Đức Thánh Cha nhớ lại rằng giờ chầu Thánh Thể bắt đầu lúc 9 giờ tối sau bài giảng của cha Jose Ramon Aristi, dòng Thánh Thể. Ngài kể: “Khi đến lượt bạn, người chầu trước sẽ hát câu Latinh “Venite adoremus” – hãy đến, chúng ta cùng thờ lạy – để đánh thức bạn, và từ đó bạn đi chầu một tiếng.”
Ảnh hưởng của linh mục có lòng thương xót
Cha Aristi là người có ảnh hưởng đến đời sống thiêng liêng của Đức Thánh Cha. Trong một buổi gặp gỡ các linh mục giáo phận Roma, Đức Thánh Cha đã kể lại rằng vào năm 1996, khi cha Aristi qua đời, Đức Thánh Cha đang làm giám mục phụ tá của giáo phận Buenos Aires. Khi xuống hầm mộ viếng thi hài cha Aristi, Đức Thánh Cha nhìn thấy tràng hạt trong tay vị linh mục, và ngài đã “trộm” Thánh giá của tràng hạt. Ngài nói với cha Aristi: “Xin cho con một nửa lòng thương xót của cha.”
Sau đó Đức Thánh Cha để Thánh giá đó trong túi áo trước ngực và mang theo cho đến khi ngài được bầu làm Giáo hoàng vào ngày 13/3/2013. Đức Thánh Cha nói rằng vì áo sơ-mi của Giáo hoàng không có túi nên bây giờ ngài mang Thánh giá đó trong một túi vải dưới áo trắng của ngài. Và ngài nói: “Khi tôi bắt đầu có ý nghĩ xấu về ai đó, tôi luôn đặt bàn tay của tôi ở đó.”
Hồng Thủy – Vatican News