Hồng Thủy – Vatican News
Đức Hồng y Stefan Wyszyński, một nhân vật vĩ đại của Công giáo vào thế kỷ XX, người đã anh dũng chống lại chủ nghĩa cộng sản Ba Lan. Khi được bầu chọn làm Giáo hoàng, thánh Gioan Phaolô II đã nói: “Sẽ không có Giáo hoàng người Ba Lan nếu không có Giáo chủ”. Giáo chủ mà ngài muốn nói đến ở đây chính là Đức cố Hồng y Stefan Wyszyński.
Đức Hồng y Stefan Wyszyński
Đức Hồng y Wyszyński sinh ngày 3 tháng 8 năm 1901 tại Zuzela, khoảng 100 km về phía đông Vác-sa-va, khi Ba Lan vẫn còn nằm giữa Nga, Đức và Áo sau những phân chia cuối thế kỷ 18 của quốc gia độc lập trước đây. Mẹ của Wyszyński qua đời khi cậu mới 9 tuổi. Khi mẹ cậu hấp hối, một giáo viên bảo cậu hãy ở lại trường sau giờ học – khi đó các giáo viên được người Nga gửi đến trong khu vực của cậu – cậu bé Wyszyński nói rằng cậu không muốn đến một ngôi trường như vậy và vội vàng về nhà để chào tạm biệt người mẹ yêu quý của mình. Ewa Czaczkowska, tác giả của cuốn tiểu sử dài 1000 trang về Đức Hồng y Wyszyński, đã viết: “Đó là một dấu hiệu ban đầu cho thấy sự dũng cảm kiên định của ngài”.
Từ lòng yêu quý người mẹ trần gian đến người Mẹ thiên quốc
Nhiều năm sau, trong cuốn sách “Pro Memoria” Đức Hồng yWyszyński đã viết: “Tôi đã chuyển tất cả tình yêu của mình từ một người mẹ sang một người Mẹ”; ngài muốn nói đến Mẹ Maria, người mà ngài tin tưởng đã hướng dẫn và bảo vệ ngài trong những năm bị cộng sản đàn áp. Vào tháng 2 năm 1953, sáu tháng trước khi Đức Hồng y Wyszyński bị cộng sản bắt, ngài nói: “Tôi đã đánh cược mọi sự vào Mẹ Maria”.
Câu chuyện được kể lại trong cuốn sách của Czaczkowska, “Giáo chủ Wyszyński. Tin, Cậy, Mến.” Tác giả lưu ý rằng Đức Gioan Phaolô II đã nói về mối quan hệ của Đức Hồng y Wyszyński với Đức Mẹ: “Ngài tìm thấy sự tự do thiêng liêng trong lòng sùng kính tuyệt đối đối với Đức Trinh Nữ Maria. Vâng, ngài là một người tự do, và ngài đang dạy chúng tôi, những người Ba Lan, sự tự do thực sự”.
“Chỉ có Chúa, qua Mẹ Maria”
Đức Hồng y Wyszyński được thụ phong linh mục tại Ba Lan dưới thời Đức chiếm đóng và phải sống đời linh mục của mình cách âm thầm. Trong cuộc nổi dậy Vácsava năm 1944, ngài làm tuyên úy quân đội và do đó giúp ban các bí tích sau cùng cho những người sắp chết. Sau chiến tranh, ngài được bổ nhiệm làm giám mục của Lublin vào năm 1946 và được Đức Giáo hoàng Piô XII thăng Hồng y vào năm 1953 khi đang bị cầm tù.
Đức Hồng y Wyszyński là một vị tử đạo dưới thời cộng sản. Ngài đã là Giáo chủ của Ba Lan khi ngài bị chế độ giam giữ ba năm, bị giam giữ ở ba địa điểm khác nhau. Ngài thường xuyên bị theo dõi và bị giam giữ trong điều kiện khắc nghiệt; mùa đông khắc nghiệt ở miền đông Ba Lan vào thời điểm đó khiến sức khỏe của ngài suy giảm nghiêm trọng.
Tác giả Czaczkowska viết: “Ngài không bao giờ phàn nàn, và không bao giờ nói xấu về những kẻ áp bức ngài. Ngược lại, ngài cầu nguyện mỗi ngày cho Bolesław Bierut”, tổng thống Ba Lan lúc bấy giờ. Đức Hồng y Wyszyński kể lại rằng một ngày sau cái chết của tổng thống Bierut vào năm 1956, vị tổng thống quá cố đã đến với ngài trong một giấc mơ, điều này khiến ngài hết lòng cầu nguyện cho linh hồn của ông.
Khẩu hiệu giám mục của Đức Hồng y là “Soli Deo” – “Chỉ có Chúa”, và ngài đã thêm vào khẩu hiệu này “per Mariam” – “qua Mẹ Maria”. Tác giả Czaczkowska viết rằng Đức Hồng y đã biến đền thánh Jasna Góra, đền thánh Đức Mẹ Đen của Częstochowa, thành ngôi nhà thiêng liêng, và đã viếng đền thánh 136 lần.
Đức Hồng y Wyszyński được biết đến là người luôn dành thời gian cho mọi người; ngài nói rằng “thời gian là tình yêu”. Tác giả Czaczkowska cho biết, có một lần ngài đã thương lượng với Władysław Gomułka, lãnh đạo Đảng Cộng sản Ba Lan, trong 11 giờ để đạt được một số tự do cho Giáo hội.
Người bạn trung thành của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II
Là một nhân vật có ảnh hưởng ở mức độ quốc gia, Đức Hồng y Wyszyński cũng là một người bạn trung thành của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Bất chấp sự khác biệt, hai người cùng nhau chiến đấu chống lại chủ nghĩa cộng sản ở đất nước Ba Lan. Đức Hồng y hiện diện trong mật nghị bầu Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II. Ngài cũng được biết đến vì đã thánh hiến Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II cho Đức Trinh Nữ Maria, khi Đức Gioan Phaolô II đang ở giữa sự sống và cái chết sau khi bị bắn vào tháng 5 năm 1981. Đức Wojtyła rất thân thiết với Đức Hồng y Wyszyński, thậm chí thỉnh thoảng đi nghỉ hè cùng ngài.
Án phong chân phước cho Đức Hồng y được bắt đầu vào năm 1989. Ngày 4/10/2019 Toà Thánh đã nhìn nhận một phép lạ nhờ lời chuyển cầu của Đức Hồng y. Lễ tuyên phong chân phước cho ngài được dự định vào ngày 7/6 năm ngoái nhưng do đại dịch, đã phải hoãn lại. (Crux 14/08/2021)
Nữ tu Elizabeth Róża Czacka
Mẹ Elizabeth Róża Czacka là một nữ tu với một đời âm thầm phục vụ những người mù. Tại sao Giáo hội Ba Lan chọn tuyên phong nữ tu Czacka cùng ngày với Đức Hồng y Wyszyński trong cùng một ngày? Sơ Angelica Jose, người chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi Mẹ Elizabeth Róża Czacka, đã trả lời cho câu hỏi này.
Khi còn là sinh viên, sơ Angelica tình cờ đọc được tập sách nhỏ do dòng Mẹ Czacka thành lập xuất bản và sơ rất xúc động trước bức ảnh Mẹ Czacka chụp cùng một cậu bé mù. Sơ Angelica Jose nhớ lại: “Bị cuốn hút bởi đặc sủng của hội dòng – phục vụ cho những người mù về thể chất và tâm linh – tôi đã dừng việc học của mình tại Đại học Khoa học về Sự sống ở Poznań và gia nhập dòng. Điều làm tôi thích thú về Mẹ Czacka chính là niềm đam mê mãnh liệt của Mẹ dành cho cuộc sống, dành cho Chúa – phục vụ người mù, sự dũng cảm của Mẹ trong việc chấp nhận đau khổ và thực tế cuộc sống, và sự tin tưởng của Mẹ vào sự Quan phòng của Thiên Chúa”.
Tông đồ giữa những người khiếm thị
Róża Czacka sinh ngày 22 tháng 10 năm 1876 tại Bila Tserkva, một thành phố từng nằm trong Vương quốc Ba Lan và được gọi là Biała Cerkiew nhưng ngày nay nằm ở miền trung Ucraina. Czacka là con thứ sáu trong số bảy người con của một gia đình quý tộc. Sau đó cô cùng gia đình chuyển đến Vác-sa-va, nơi nữ bá tước trẻ học chơi piano, cưỡi ngựa và nói tiếng Anh, Đức và Pháp. Trong suốt thời thơ ấu của mình, Czacka bị các vấn đề về mắt. Ở tuổi 22, cô trở về dinh thự của gia đình ở Ucraina để nghỉ hè. Trong khi cưỡi ngựa, cô bị ngã và bị mù. Những người thân của cô đã rất đau khổ để chấp nhận tình trạng của cô.
Czacka chuyên tâm học chữ nổi Braille, cũng như đi khắp châu Âu để tìm hiểu hơn về chứng mù lòa. Cô mơ ước thành lập một tổ chức có thể giúp những người mù không chỉ hòa nhập vào cộng đồng rộng lớn hơn mà còn phục vụ như những tông đồ giữa những người khiếm thị. Năm 1911, Czacka thành lập Hiệp hội chăm sóc người mù. Sơ Angelica Jose cho biết rằng Czacka đã điều chỉnh chữ nổi Braille sang tiếng Ba Lan, phát triển một hệ thống giáo dục người mù, và tìm cách thông báo cho công chúng về bệnh mù lòa thông qua các bài báo và chương trình phát thanh.
Thành lập dòng chăm sóc người mù
Năm 1915, Czacka đến Ucraina để ở hai tuần với anh trai Stanisław. Cuối cùng cô đã ở đó ba năm bởi vì Chiến tranh thế giới thứ nhất khiến cô không thể trở về Vác-sa-va. Cô dành thời gian để cầu nguyện và suy tư. Được gia nhập Dòng Ba Phanxicô, Czacka mặc tu phục dòng Phanxicô và nhận tên tu sĩ là Elisabeth, tuyên khấn trọn đời vào ngày 15 tháng 8 năm 1917.
Năm sau, sơ Elisabeth trở lại Vác-sa-va, và tại đây sơ đã thành lập Dòng các nữ tu Phanxicô Nữ tỳ Thánh Giá. Dòng tu mới có ba mục đích: chăm sóc người mù về thể chất, phục vụ người mù tâm linh, và đền bù tội lỗi về mù tâm linh của thế giới.
Năm 1922, các nữ tu được cấp một mảnh đất nhỏ ở Laski, một ngôi làng cách Vác-sa-va gần 20 km về phía tây. Cùng với linh mục Władysław Korniłowicz, Mẹ Czacka đã thành lập một dự án tên là Triuno. Tên gọi này không chỉ ám chỉ đến Thiên Chúa Ba Ngôi, mà còn liên quan đến sự hợp nhất giữa ba nhóm người cộng tác tại Laski – người mù, các nữ tu và giáo dân – cũng như ba mục tiêu của công việc: giáo dục, tông đồ và bác ái.
Sơ Angelica Jose giải thích rằng danh tiếng của Laski đã phát triển thành trung tâm của một nền linh đạo mới kết hợp các yếu tố của các dòng Phanxicô, Đa Minh và Biển Đức. Cộng đoàn được biết đến với tinh thần đơn sơ, lòng sùng kính đối với giáo huấn của Thánh Tôma Aquinô, và tình yêu phụng vụ.
Tình bạn với Đức Hồng y Stefan Wyszyński
Một linh mục trẻ là cha Stefan Wyszyński đã đến thăm Laski vào năm 1926, theo lời mời của cha Korniłowicz. Vị giáo chủ tương lai của Ba Lan đã gặp Mẹ Czacka và gắn bó rất nhiều với công việc tại Laski. Ngài đã giúp xây dựng một nhà tĩnh tâm, tổ chức “Tuần lễ Người mù” vào năm 1936, và gây quỹ cho Hiệp hội chăm sóc người mù. Ngài cũng có các bài giảng về khoa học xã hội, luật pháp và lịch sử Giáo hội cho người mù, cho các nữ tu và nhân viên giáo dân. Ngài đã làm việc với Mẹ Czacka về hiến pháp của hội dòng.
Trong Cuộc nổi dậy Vác-sa-va năm 1944, Mẹ Czacka và cha Wyszyński đã giúp tổ chức một bệnh viện dã chiến cho những người bị thương ở Laski. Sau chiến tranh, cha Wyszyński được bổ nhiệm làm tổng giám mục của Gniezno và Warsaw, nhận tước hiệu Giáo chủ Ba Lan, còn Mẹ Czacka tiếp tục theo đuổi sứ mạng của mình, nhưng sức khỏe của Mẹ ngày càng giảm sút trong suốt những năm 1950.
Sơ Angelica Jose cho biết: “Cho đến cuối cuộc đời của Mẹ Elisabeth, Đức Hồng Y Stefan Wyszyński đã quan tâm, yêu thương, và giúp đỡ đặc biệt cho Mẹ, đặc biệt là trong những ngày cuối đời của Mẹ. Ngài đã đến thăm Mẹ Czacka lần cuối vài giờ trước khi Mẹ qua đời vào ngày 15 tháng 5 năm 1961, và chủ sự Thánh lễ an táng vào ngày 19 tháng 5 năm 1961”.
Trong một bài giảng vào Thứ Bảy Tuần Thánh năm 1963, Đức Hồng y Wyszyński nhớ lại tình bạn của ngài với Mẹ Czacka và cha Korniłowicz. Ngài nói: “Tôi không bao giờ cầu nguyện cho Mẹ Czacka, tôi chỉ cầu nguyện với Mẹ, và tôi không bao giờ cầu nguyện cho cha Korniłowicz – tôi cầu nguyện với cha… điều đó giúp ích vô cùng. Vì vậy, hãy nhớ rằng, cả hai người đều chắc chắn ở trong vinh quang của Chúa Cha toàn năng”. (CNA 15/07/2021)