Một Hồng Y Italia vừa được một cuốn sách mới tại Rôma giới thiệu là vị Giáo Hoàng tương lai

Nghe bài này

Vị Giáo Hoàng sau Đức Phanxicô là ai? Nhận định của sách mới phát hành tại Rôma

Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài phát thanh COPE của Tây Ban Nha vào ngày 30 tháng 8 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định ngài không có ý định từ chức. Tuy nhiên, vì ngài đã 85 tuổi nên tại Rôma những đồn đoán xem ai sẽ là vị Giáo Hoàng tương lai vẫn tiếp diễn. Lần này không chỉ là một bài báo nhưng là cả một cuốn sách trong một chiến dịch vận động cho một vị Hồng Y người Ý được bầu vào ngôi Giáo Hoàng.

Edward Pentin, phóng viên thường trực của tờ National Catholic Register tại Rôma có bài tường thuật nhan đề “Italian Vaticanist Looks to Next Pontificate in New Book”, nghĩa là “Các Chuyên Gia Về Vatican Xem Xét Triều Giáo Hoàng Tiếp Theo Trong Cuốn Sách Mới”.

VATICAN CITY – Nhà xuất bản của một cuốn sách mới tại Ý về tương lai của triều đại giáo hoàng nhận định trong lời nói đầu của cuốn sách: “Rõ ràng là các phe phái đã tự tổ chức để không bị bất ngờ khi Tòa Thánh bắt đầu trống tòa”.

Với tựa đề Cosa resta del papato, “Những gì còn sót lại của Ngôi Giáo hoàng”, do chuyên gia người Ý về Vatican Francesco Antonio Grana viết, nhà Edizioni Terrasanta xuất bản, cuốn sách hướng đến mật nghị tiếp theo, xem xét “tương lai của Giáo hội sau Đức Bergoglio” và hỏi liệu ngôi vị giáo hoàng có “còn là một định chế có giá trị” hay “đã được cảm nhận như hoàn toàn lạc hậu.”

Cuốn sách được ra mắt tại Rôma vào ngày 18 tháng 11 với sự giúp đỡ của Đức Hồng Y Matteo Zuppi, tổng giám mục Bologna, trong tư cách là diễn giả chính.

Sự hiện diện của vị Hồng Y sinh tại Rôma này là rất quan trọng, vì trong nhiều tháng qua, ngài đã được các nhà thạo tin về Vatican, đặc biệt nhất là Sandro Magister, coi như một ứng viên Giáo Hoàng hàng đầu và Magister trích dẫn ứng viên được ưu ái này của cộng đồng Thánh Egidio như một trong những phe phái trước mật nghị đang “tự tổ chức”.

Với tư cách là người đồng sáng lập và là cựu linh mục quản xứ của cộng đồng, Đức Hồng Y Zuppi, 66 tuổi, không chỉ được biết đến trong Giáo hội mà còn ngoài thế giới Công Giáo do các hoạt động nhân đạo và hòa bình quốc tế nổi tiếng của tổ chức này.

Sự nổi lên như vũ bão của Đức Hồng Y Zuppi để trở thành ứng viên Giáo Hoàng hàng đầu đã được nhấn mạnh thêm vào tuần này sau các báo cáo cho rằng ngài được tin là sẽ trở thành chủ tịch tiếp theo của Hội Đồng Giám Mục Ý vào năm tới, một con đường mà Đức Hồng Y Jorge Bergoglio đã đi trong Hội Đồng Giám Mục Á Căn Đình trên đường tới ngôi giáo hoàng.

Grana, phóng viên của nhật báo Ý Il Fatto Quotidiano của Vatican, nói với tờ Register ngày 5 tháng 11 rằng ông đã mời Đức Hồng Y Zuppi tham dự buổi ra mắt cuốn sách của mình vì ông tin rằng vị Hồng Y và hai diễn giả khác tại sự kiện này sẽ “minh họa một cách hiệu quả ý nghĩa cách mạng của triều đại giáo hoàng Đức Phanxicô và cũng có thể nhìn vào các triều đại giáo hoàng của những vị tiền nhiệm trực tiếp của ngài”.

Grana rất có cảm tình với một tầm nhìn mang tính cách mạng như vậy đối với Giáo hội, nhận thấy điều đó là cần thiết để Giáo hội có thể “tự điều chỉnh lại mình trước những thay đổi sâu sắc và triệt để của thời đại”. Nhà chuyên môn về Vatican người Ý này cho biết ông được thúc đẩy viết cuốn sách của mình vì mong muốn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, được thể hiện trong tông huấn năm 2013 Evangelii Gaudium, nghĩa là Niềm vui Phúc âm, về việc “chuyển hóa ngôi giáo hoàng” khỏi “tập trung quá mức làm phức tạp thêm đời sống của Giáo hội và việc tiếp cận truyền giáo của Giáo hội”- đó là một mục tiêu của Công đồng Vatican II và sự nhấn mạnh của nó về ‘đoàn thể tính’ mà Đức Giáo Hoàng nói vẫn chưa được thực hiện.

Do đó, có lẽ không phải ngẫu nhiên mà Đức Hồng Y Zuppi cũng có nguyện vọng tương tự.

Trong cuốn sách The Next Pope, nghĩa là Vị Giáo Hoàng tiếp theo, (Sophia Institute Press) của tôi, tôi giải thích cách mà “mối quan tâm suốt đời của Đức Hồng Y Zuppi đối với những người nghèo và bị thiệt thòi, được rèn giũa thông qua các mối quan hệ chặt chẽ của ngài với cộng đồng Thánh Egidio” đã cho thấy ngài “là một người con chân chính của tinh thần Công đồng Vatican II, một người luôn tìm cách liên kết với thế giới hiện đại và thực hiện ‘sự thay đổi sâu sắc’ mà ngài tin rằng Công đồng muốn có nơi Giáo hội”.

Ngài hoàn toàn cam kết gắn bó với tầm nhìn của triều đại giáo hoàng này và muốn thấy điều đó thành hiện thực, bắt đầu với Evangelii Gaudium, và có thể vì lý do này mà theo Marco Mancini, viết trong ACI Stampa, Đức Hồng Y Zuppi là “một trong những các vị giáo phẩm được quý trọng”. Các nguồn tin thân cận với Vatican nói với tờ Register rằng sự hiện diện của Đức Hồng Y Zuppi trong buổi ra mắt sách vào tuần tới sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự chấp thuận rõ ràng của Đức Giáo Hoàng.

Được biết đến như một “Hồng Y đường phố” vì sự giúp đỡ của ngài cho người nghèo, sự nhấn mạnh của Đức Hồng Y Zuppi về nghèo đói vật chất và bình đẳng đã đưa ngài đến gần với chính trị cánh tả Ý – đến nỗi khi việc bổ nhiệm Đức Hồng Y Zuppi vào Hồng Y Đoàn được công bố, các phương tiện truyền thông Ý nói đùa rằng “tuyên úy” của đảng xã hội chủ nghĩa hàng đầu của Ý đã trở thành một Hồng Y.

Với tư cách là Tổng giám mục của Bologna, ngài đã đọc điếu văn cho một người Ý cực đoan cánh tả, ủng hộ phá thai, và thậm chí còn cho nhập tịch vào Tổng giáo phận Bologna một linh mục Cộng sản đã tranh cử một ghế trong Nghị viện Âu Châu. Vị Hồng Y này cũng được nhớ đến vì đã viết lời tựa cho cuốn “Xây dựng một cây cầu: Làm sao Giáo Hội Công Giáo và Cộng đồng LGBT có thể tham gia vào mối quan hệ tôn trọng, trắc ẩn và nhạy cảm”, là cuốn sách gây tranh cãi về LGBT của Cha James Martin, được xuất bản vào năm 2018.

Cộng đồng Thánh Egidio

Đối với Magister, những nỗ lực của Cộng đồng Thánh Egidio trong việc cổ vũ cho Đức Hồng Y Zuppi đến với ngôi Giáo Hoàng là không thể chối cãi, một phần được tạo ra bởi sự bất bình ngày càng tăng đối với triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô như được chỉ ra trong cuốn sách có tên La Chiesa brucia – Crisi e future del cristianesimo, nghĩa là Nhà thờ đang cháy – Những cuộc khủng hoảng và Tương lai của Kitô Giáo, được viết bởi người sáng lập chính của Cộng đồng Thánh Egidio, là Andrea Riccardi.

Cộng đồng có một ảnh hưởng vận động lớn với các mối liên hệ rộng rãi trong hàng giáo phẩm cao cấp của Giáo hội.

Trong một chuyên mục ngày 12 tháng 10 có tiêu đề “Conclave in Sight, Operation Sant’Egidio”, nghĩa là “Mật Nghị Trước Mắt, Chiến dịch của Cộng đồng Thánh Egidio” Magister lưu ý cách Cộng đồng Thánh Egidio đã khéo léo tách mình ra khỏi triều đại giáo hoàng này và gia tăng thế giá của Cộng đồng – và của Đức Hồng Y Zuppi – trong những tháng gần đây, gần đây nhất là tổ chức một cuộc gặp gỡ liên tôn tại Đấu trường La Mã với hàng loạt tên tuổi lớn, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Đức Hồng Y Zuppi là vị Hồng Y duy nhất tham gia sự kiện này, phát biểu về chủ đề “Chăm sóc Ngôi nhà Chung của chúng ta” cùng với Jeffrey Sachs, thành viên phò kiểm soát dân số của Học viện Giáo hoàng Khoa học Xã hội.

Magister nhớ lại rằng trong các mật nghị năm 1978, 2005 và 2013, “các thành viên của Cộng đồng Thánh Egidio đã cố gắng kèo lái kết quả” nhưng “lần nào cũng không thành công”, có lẽ vì khi nâng cao thế giá của một ứng cử viên được ưu ái, họ đã đẩy ngài mạnh quá và nhanh quá và các Hồng Y cử tri trở nên nghi ngờ. Người Rôma có câu nói nổi tiếng này “Ai bước vào mật nghị với tư cách là giáo hoàng, sẽ trở ra với tư cách là một Hồng Y”

Thế Giới Nhìn Từ Vatican

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS