Vào ngày 7 tháng 2 năm 1996, trong chuyến công du thứ hai đến Nicaragua, khi đó, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã gọi chuyến thăm của ngài vào năm 1983 là một “đêm đen vĩ đại”.
“ Tôi nhớ buổi lễ 13 năm trước; nó diễn ra trong bóng tối, trong một đêm đen vĩ đại,” vị Giáo Hoàng hành hương nói trong thánh lễ mà ngài cử hành ở Managua với các gia đình của đất nước.
Trong thánh lễ năm 1996, Đức Giáo Hoàng Ba Lan đã nâng nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội El Viejo lên hàng vương cung thánh đường, nơi người dân Nicaragua tôn kính “Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội Cực Thanh Cực Tịnh” để “Mẹ luôn là Mẹ Maria của Nicaragua.”
Ở đất nước Trung Mỹ – và như đã được nghe gần đây ở Managua – cụm từ “Đức Maria đến từ Nicaragua và Nicaragua thuộc về Đức Maria” là phổ biến, do tình yêu lớn lao mà người Công Giáo ở đó dành cho Mẹ Thiên Chúa, một tình cảm không cúi đầu xuống sự đàn áp của chế độ độc tài.
Đêm tối
Chiếc máy bay Alitalia đưa Đức Gioan Phaolô II đến Nicaragua hạ cánh lúc 9:15 sáng theo giờ địa phương ngày 4/3/1983.
Tại Managua, các nhà chức trách của Ủy ban Hành Pháp Sandinista đang chờ đợi Đức Giáo Hoàng, bao gồm cả điều phối viên quân sự, Daniel Ortega, người cùng với vợ là Rosario Murillo, hiện đang lãnh đạo chế độ độc tài Nicaragua hiện tại.
Đức Giáo Hoàng Ba Lan đến một đất nước đang bên bờ vực nội chiến.
Theo tin tức trực tuyến Nicaragua Investiga, có một biểu ngữ tại sân bay với nội dung “Chào mừng đến với Nicaragua tự do, cảm ơn Chúa và cuộc cách mạng.” Trong bối cảnh này, Ortega đã có một bài phát biểu ủng hộ chế độ Sandinista.
Đức Gioan Phaolô II đã gửi lời chào đến các nhà chức trách khác đang chờ đợi ngài, cũng như Ernesto Cardenal, một linh mục và nhà hoạt động thần học giải phóng ảnh hưởng chủ nghĩa Marx, người đang giữ chức vụ bộ trưởng văn hóa của chế độ, một điều không phù hợp với sứ vụ của các linh mục Công Giáo.
“Khi ngài đến chỗ tôi, tôi đã làm những gì tôi đã định làm trong trường hợp này: cởi mũ nồi và quỳ xuống hôn chiếc nhẫn của ngài. Ngài không cho tôi hôn nó, và vẫy ngón tay như thể nó là một cây gậy, ngài nói với tôi bằng giọng trách móc: Anh phải điều chỉnh hoàn cảnh của mình. Vì tôi không trả lời bất cứ điều gì, ngài đã lặp lại điều đó một lần nữa,” Cardenal kể lại trong cuốn sách “Cuộc cách mạng đã mất”.
Trong bài diễn văn khai mạc, Đức Gioan Phaolô II nói rằng ngài sẽ đến Nicaragua “nhân danh Đấng đã hiến mạng sống mình vì tình yêu vì sự giải phóng và cứu chuộc mọi người. Tôi muốn đóng góp phần mình để sự đau khổ của những người dân vô tội trong khu vực này trên thế giới chấm dứt; để những xung đột đẫm máu, hận thù và những lời buộc tội vô ích chấm dứt, để lại không gian cho những cuộc đối thoại chân thực.”
Ngoài Cardenal, các linh mục khác cũng là một phần của chính phủ: anh trai của ông là Fernando là Bộ Trưởng Thanh niên Cách Mạng Sandinista, Miguel d’Escoto là bộ trưởng ngoại giao, và Edgar Parrales là một nhà ngoại giao.
Hugo Torres, khi đó là người đứng đầu lãnh đạo chính trị của Quân đội Nicaragua trong những năm đó, nhớ lại rằng có một lực lượng an ninh nghiêm ngặt để bảo vệ giáo hoàng, cũng bởi vì một ngày trước khi giáo hoàng đến, 17 người Sandinistas trẻ tuổi đã bị giết bởi phe “Contras”, là nhóm được tài trợ bởi Hoa Kỳ đã tham gia vào một cuộc nội chiến với Sandinistas trong một thập kỷ.
Sau đó, Đức Gioan-Phaolô II đã đi trực thăng đến León, nơi ngài nói một vài lời ngắn gọn với các tín hữu hiện diện trước khi trở về Managua.
Những gián đoạn trong Thánh lễ và phản ứng của Đức Thánh Cha
Vào đầu thánh lễ và trước hàng trăm ngàn người hiện diện, tổng giám mục lúc bấy giờ của Managua, là Đức Tổng Giám Mục Miguel Obando Bravo, đã chào mừng Đức Gioan Phaolô II và so sánh chuyến thăm của ngài với một cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII tới một nhà tù ở Rôma.
Trong bài giảng của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, ngoài việc các tín hữu cổ vũ giáo hoàng và Obando – người sau này trở thành Hồng Y – các nhóm Sandinistas cũng hô vang các khẩu hiệu ủng hộ cuộc cách mạng của họ.
“Giữa Kitô giáo và cách mạng không có mâu thuẫn,” “Quyền lực thuộc về nhân dân”, “Nhân dân đoàn kết sẽ không bao giờ bị đánh bại”, “Giáo Hội của nhân dân” và “Chúng tôi muốn hòa bình” là một số khẩu hiệu mà họ hô vang.
Tiếng la hét khiến Đức Giáo Hoàng tức giận. Ngài đã nhiều lần yêu cầu im lặng và cuối cùng nói với họ: “Im lặng. Giáo Hội là những người đầu tiên muốn có hòa bình”.
Theo tờ El País của Tây Ban Nha, Đức Gioan-Phaolô II cũng đã bỏ ngang bài giảng đã dọn sẵn và nói: “Hãy coi chừng những tiên tri giả. Họ khoác lên mình bộ áo cừu, nhưng bên trong lại là những con sói hung dữ”.
Vào cuối thánh lễ, các Sandinistas chơi bài ca của họ, sau đó Đức Giáo Hoàng được đưa đến sân bay, nơi ngài được đón tiếp bởi nhà độc tài hiện tại Ortega, người đã trách móc ngài vì đã bỏ đi mà không cầu nguyện cho 17 thanh niên bị giết bởi Contras và biện minh cho tiếng la hét của Sandinistas trong Thánh lễ.
“Đức Giáo Hoàng đã không cầu nguyện cho những người đã chết bởi vì, theo tôi, ngài nghĩ rằng bất kỳ từ nào ngài nói về vấn đề đó có thể được hiểu là một từ ủng hộ cuộc cách mạng,” Hugo Torres nhớ lại.
Trong bài phát biểu từ biệt của mình, John Paul II đã không đáp lại các cuộc tấn công của Ortega mà thay vào đó bày tỏ lời cảm ơn về sự chào đón mà ngài đã nhận được và khuyến khích các Kitô hữu.
“Hãy trung thành với đức tin của anh chị em và với Giáo Hội, tôi ban phước cho anh chị em từ trái tim tôi – đặc biệt là người già, trẻ em, người bệnh và những người đau khổ – và tôi cam đoan với anh chị em về lời cầu nguyện bền bỉ của tôi với Chúa, để Ngài có thể giúp anh chị em tại mọi thời điểm,” vị giáo hoàng hành hương nói.
“Xin Chúa phù hộ cho Giáo Hội này. Chúa phù hộ và bảo vệ Nicaragua! Xin được như thế”, ngài kết luận.