Năm nay, báo “Il Mattino” của Napoli kỷ niệm 130 năm thành lập. Cuộc phỏng vấn với Đức Thánh Cha là một trong những sự kiện cho việc mừng kỷ niệm đặc biệt này. Mặc dù cuộc phỏng vấn tập trung vào các vấn đề Napoli và miền nam Ý đang đối diện, nhưng Đức Thánh Cha đã nói rõ rằng những vấn đề họ đang phải giải quyết “là những vấn đề toàn cầu”, những vấn đề “liên quan đến tương lai của toàn thế giới”.
Nói về tình hình thế giới hiện nay, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng nhân loại phải thay đổi hướng đi. Lúc này là thời gian thử thách, thời điểm lựa chọn… Đã đến lúc phải tái thiết lập đường đi. Đặc biệt, Đức Thánh Cha chỉ ra sự cần thiết của sự phát triển bền vững và toàn diện và những cách hiểu mới về kinh tế và tiến bộ; xóa nợ cho các nước đang phát triển; và sự cần thiết phải chấm dứt tình trạng khai thác trái đất, chạy đua vũ trang; và bóc lột con người, đặc biệt là trẻ em.
Đức Thánh Cha nói rằng để ứng phó với những cuộc khủng hoảng này, sự sáng tạo hướng đến công ích là cần thiết, đồng thời nhắc lại một lần nữa rằng con đường mà chúng ta chọn theo đuổi là quan trọng.
Trả lời câu hỏi về làm sao thoát ra khỏi chiến tranh và thế giới sẽ thế nào sau chiến tranh, Đức Thánh Cha nói rằng ngày nay chúng ta đo lường với cuộc chiến ở Ucraina, cũng như nhiều cuộc chiến khác. Ngài trích dẫn lời của Thánh Gioan Phaolô II viết sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9: “trật tự đảo lộn không thể được khôi phục hoàn toàn cho đến khi công lý và sự tha thứ được kết hợp”. Đức Thánh Cha nói: “Các trụ cột của hòa bình thực sự là công lý và sự tha thứ, nó là một hình thức đặc biệt của tình thương. Có một thời điểm cho mọi thứ. Trước khi có sự tha thứ, cái ác phải bị lên án. Tuy nhiên, điều cần thiết không phải là gieo rắc chiến tranh, nhưng là chuẩn bị hòa bình, gieo rắc hòa bình”.
Câu hỏi liên quan đến chính trị, Đức Thánh Cha giải thích rằng đối với Giáo hội, chính trị là hình thức cao nhất của bác ái. Giáo hội không xa rời chính trị, trái lại luôn gần gũi với những vấn đề của dân chúng. Đối với Giáo hội, chính trị trước hết là nghệ thuật gặp gỡ, là một sự phục vụ cho công ích, phẩm giá và cuộc sống của mỗi người.
Ngọc Yến – Vatican News