.. Vốn bản tính chững chạc tự tin, vậy mà ông Benoit cũng bị cuốn hút vào trận bão cuồng phong khi ông hay tin đứa con trai đầu lòng mà vợ đang mang trong dạ bị bệnh khờ tức hiệu chứng Down, nghĩa là bào thai dư một nhiễm-sắc-thể 21 (trisomy 21). Trận bão đúng ra đến từ áp lực của thân nhân gia đình hai họ. Một bên cổ võ phá thai một bên chống phá thai. Xin nhường lời cho ông Benoit, người Pháp.
Tôi lập gia đình cách đây 10 năm và hiện có ba đứa con. Tanguy là đứa con trai đầu lòng bị bệnh down-khờ. Năm nay thằng bé 9 tuổi.
Vào lần siêu-âm thứ nhất người ta mô tả cho chúng tôi biết là bào thai có một cái gáy dày cộm và khuyên nên rút nước-ối để phân tích. Tôi tỏ ra dửng-dưng vì không thấy tầm quan trọng của vấn đề, bởi lẽ tôi không tin bao nhiêu vào phương pháp siêu-âm. Nhưng hiền thê tôi lại âu lo nhiều hơn. Nàng dành thời giờ vào mạng để tìm kiếm thêm các giải thích. Rồi vợ chồng chúng tôi đưa vấn đề ra bàn thảo. Sau cùng, chúng tôi quyết định giữ đứa con, không phá thai!
Ngày nhận kết quả phân tích nước-ối, khi vị bác sĩ sản khoa tìm một nơi kín đáo hầu có thể nói chuyện riêng với chúng tôi, tôi bắt đầu linh tính một tin không lành. Và đúng như vậy. Vị bác sĩ báo cho chúng tôi biết là con trai chúng tôi mắc hiệu chứng Down. Nhưng tin dữ không làm thay đổi quyết định của chúng tôi. Chúng tôi không phá thai!
Thế nhưng sự can thiệp của gia đình hai họ mới làm cho vấn đề trở nên rắc-rối và câu chuyện trở thành đau thương. Bởi lẽ, về cả hai phía gia đình thì đây là đứa cháu nội ngoại đầu tiên. Và nếu cha mẹ của nàng trọn tình ủng hộ nàng cương quyết giữ đứa con thì bên cha mẹ tôi lại làm mọi cách để gây áp lực, muốn chúng tôi phải phá thai. Chưa hết. Để tỏ ra là mình có lý, cha mẹ tôi gia tăng các luận-chứng và lôi kéo nhiều người chung quanh về phe với mình để trở thành con số đông hầu ép buộc chúng tôi phải phá thai.
Tôi sống giai đoạn thử thách này như bị dao đâm sau lưng. Tôi xin dùng hình ảnh môn chơi rugby để quý vị thấy rõ hơn. Hiền thê tôi và tôi, chúng tôi đứng ở hàng đầu. Và chúng tôi cần sự hỗ trợ của hàng thứ hai. Thế mà, thay vì nâng đỡ chúng tôi trong trận đấu, hàng thứ hai lại đả kích, đánh phá, muốn cho chúng tôi thua trận! Thật là khủng khiếp, không bút mực nào tả xiết! Cuộc chiến khiến hai vợ chồng chúng tôi đâm ra lúng-túng không biết hành động ra sao cho đúng!
Cuộc giao tranh giữa hai bên: một đàng chúng tôi cương quyết giữ đứa con, đàng khác lại bị đánh phá từ nhiều phía để đầu hàng và phá thai, diễn ra trong vòng trọn một tháng. Tôi như người đứng trên sợi giây căng thẳng và tiến thoái lưỡng nan: một ngày có, một ngày không! Cho đến một ngày thì chúng tôi buông tay, đi đến quyết định là lấy cái hẹn nơi cô đỡ với mục đích làm một cuộc phá thai. Vì bào thai đã hơn 4 tháng nên cuộc phá thai cần một can thiệp y khoa nho nhỏ như một ”tiểu-lâm-bồn”! Chính cái nhãn quan khủng khiếp này đủ làm cho tôi chùn bước và chúng tôi quyết định không làm một cuộc phá thai!
Sau biến cố trên đây thì tình hình trở nên lắng dịu. Gia đình để chúng tôi yên, không đánh phá nữa. Riêng tôi, tôi chuẩn bị tinh thần để đón nhận đứa con khuyết tật. Nhưng có lẽ chính nhờ giai đoạn nhiêu-khê này mà tôi thoáng nhận ra cái khó khăn sẽ phải đương đầu và có nhiều ý thức hơn.
Tôi tôn trọng các giá trị luân lý mặc dầu không phải là một tín hữu Công Giáo sống đạo sốt sắng cho lắm. Điều tôi phiền trách giới y khoa là chỉ đưa ra giải pháp phá thai mà không cố gắng giúp đôi vợ chồng giải quyết vấn đề. Tôi phản loạn chống lại họ hơn là trách cứ các bậc cha mẹ chọn phá thai vì cảm thấy không có khả năng tiếp nhận một đứa con khuyết tật, một đứa con không giống các đứa con bình thường khác.
Riêng tôi, tôi không hề hối tiếc về quyết định giữ con và không phá thai. Đứa con trai đầu lòng khuyết tật này đúng thật là hoa quả tình yêu dạt dào của chúng tôi!
… ”Lạy Chúa, xin lắng tai và đáp lời con, vì thân con nghèo hèn túng quẫn. Xin Chúa bảo toàn sinh mạng con, bởi vì con trung hiếu. Xin cứu độ tôi tớ Ngài đây hằng tin tưởng nơi Ngài. Chính Ngài là THIÊN CHÚA của con, xin rủ lòng thương con, lạy Chúa: con kêu con gọi Chúa suốt ngày. Lạy Chúa, xin làm cho con được vui thỏa, vì con nâng tâm hồn lên tới Chúa. Lạy Chúa, Ngài nhân hậu khoan hồng, giàu tình thương với mọi kẻ kêu xin; lạy Chúa, xin lắng nghe lời con cầu khẩn, tiếng con van nài, xin để ý lưu tâm. Lâm cảnh ngặt nghèo, con kêu lên Chúa, vì Chúa vẫn đáp lời .. Lạy Chúa là THIÊN CHÚA con thờ, con hết lòng cảm tạ. Thánh danh ngài, con mãi mãi tôn vinh, vì tình Chúa thương con như trời như biển, Ngài đã kéo con ra khỏi vực thẳm âm ty” (Thánh Vịnh 86(85) 1-7/12-13).
(”OMBRES & lumière”, Revue Chrétienne Des Personnes Malades Et Handicapées, De Leurs Familles Et Amis, No 193, Mai-Juin 2013, trang 19)
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt