Lần đầu tiên kể từ năm 1977, Đức Bênêđíctô XVI sẽ không tham dự cuộc họp mặt hàng năm của các học trò tiến sĩ cũ. Ngài cho họ biết lý do: “trong tư cách giáo hoàng hưu trí, tôi không có ý định tham dự các biến cố công cộng”. Và thế là cuộc họp mặt của các học trò này, được dự trù cho các ngày từ 29 tháng Tám tới 2 tháng Chín, sẽ không có sự hiện diện của người thầy kính yêu.
Tuy thế, vị thầy này không bỏ rơi họ. Ngài vẫn chỉ đường cho họ. Chủ tịch nhóm, linh mục Stephan Horn, đã gặp ngài vào đầu tháng Sáu qua tại đan viện thuộc khuôn viên Vatican, nơi ngài đang cư ngụ. Trong cuộc gặp gỡ này, ngài thông báo dự định không tham dự, nhưng đã chọn cả chủ đề lẫn diễn giả chính cho cuộc họp mặt. Chủ đề là: “Vấn đề Thiên Chúa trong hậu cảnh tục hóa” với diễn giảng chính: Rémi Brague, nhà thần học Pháp từng lãnh Giải Ratzinger về Thần Học năm 2012.
Chủ đề trên vốn là chủ đề đặc trưng của Đức Bênêđíctô. Từ ngày mới thụ phong linh mục, ngài đã suy tư về vấn đề Thiên Chúa trong hậu cảnh tục hóa rồi. Lúc còn làm cha phó Nhà Thờ Máu Cực Thánh ở Munich, ngài năng ngồi tòa giải tội và lưu tâm tới hiện tượng tân ngoại đạo đang xuất hiện, trong đó nhiều Kitô hữu tự gọi mình như thế nhưng lại sống như người ngoại đạo. Các suy tư đó sau này đã được ngài tổng hợp thành khảo luận “Những Người Tân Ngoại Đạo và Giáo Hội”.
Mở lại cuốn sách trên, người ta sẽ hiểu toàn bộ công trình của Đức Bênêđíctô XVI, từ công trình của một nhà trí thức và thần học gia, qua các năm làm giám mục, rồi Bộ Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, tới ngôi vị mục tử toàn thể Giáo Hội.
Ngài hay cảnh báo người ta về việc che phủ Thiên Chúa. Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng, 27 tháng Mười Một năm 2011, chẳng hạn, ngài trích lời Tiên Tri Isaia nói rằng “Không ai khẩn cầu danh Ngài, hay cố gắng bám lấy Ngài. Vì Ngài đã bỏ chúng con và trao chúng con cho chính tội lỗi chúng con”. Ngài giận dữ và lớn tiếng lên án thời hiện đại, lên án một thế giới gồm “những kinh thành nặc danh” nơi “Thiên Chúa xem ra vắng bóng, và con người trở thành ông chủ duy nhất của nó, như thể con người là tác giả và là đấng dựng nên mọi sự”.
Chính trong các kinh thành này, con người cảm thấy như Thiên Chúa bỏ rơi họ. Chính trong một thế giới như thế, một thế giới “xem ra gần như tuyệt hảo” nhưng sau đó “nhiều điều không hay sẽ xẩy ra cả trong thiên nhiên lẫn trong xã hội, khiến ta nghĩ rằng Thiên Chúa dường như đã rút lui, dường như để mặc ta với số phận của chính ta. Nhưng thực ra, người chủ thực sự của thế giới này không phải là con người, mà là Thiên Chúa”.
Các chủ đề trên luôn luôn có tính chủ yếu trong tư duy của Đức Bênêđíctô. Một trong các tập chú chính cho tư duy của ngài là Âu Châu. Ngài cho rằng lục địa này đã bỏ qua một bên chính bản sắc và đức tin của nó. Nó phải giải quyết cuộc khủng hoảng tinh thần trước khi giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế. Thứ Bẩy trước Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng năm 2011 nói trên, ngài đã tiếp hội nghị toàn thể của Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân. Dịp này, ngài nhấn mạnh rằng “đôi khi ta cố gắng để Kitô hữu có được một sự hiện diện rõ ràng trong xã hội, trong chính trị và trong kinh tế, nhưng lại không chú ý như vậy đối với việc củng cố đức tin của họ”.
Đức Bênêđíctô XVI luôn luôn kêu gọi phải có “các Kitô hữu chân chính” và đấy là lý do tại sao tại Đức, hồi tháng Chín năm 2011, và tại Assisi, hồi tháng Mười cùng năm, Ngài khen “người bất khả tri vì đã cảm thấy bất ổn về vấn đề Thiên Chúa, và nhờ thế gần gũi với Nước Thiên Chúa hơn là các tín hữu theo cho có lệ”. Trong cốt lõi, Đức Bênêđíctô kêu gọi phải có một Giáo Hội tự do hơn để tin vào Thiên Chúa.
Các học trò tiến sĩ của Đức Bênêđíctô hẳn hiểu rõ mọi điều trên đây. Tuy nhiên chắc chắn họ rất nhớ vị thầy của họ. Như Cha Joseph Fessio, người xuất bản và sáng lập viên của Ignatius Press và là một trong các học trò này, từng thuật lại, trong mọi cuộc họp mặt của nhóm, Đức Bênêđíctô đều có “một điều mới mẻ nào đó để phát biểu, một điều đến lúc đó, chưa ai nghĩ đến bao giờ”.
Tuy nhiên, Rémi Brague hẳn phải là người thích hợp nhất để đem lại cho cuộc thảo luận một hậu cảnh lịch sử và phê phán cần có. Là một sử gia, một nhà trung cổ học và là một chuyên viên về lịch sử các tôn giáo, ông là người đầu tiên tương phản tính thế tục với chủ nghĩa thế tục. Trong một bài phỏng vấn của trang mạng OpenDemocracy.net, năm 2010, Brague cho rằng “các người bênh vực tính thế tục đặc biệt muốn, hay có ý định, làm ngơ điều này: nó (tính thế tục) từng xuất hiện thời Trung Cổ, một thời kỳ vốn không nhấn mạnh tới xu hướng duy thế tục”. Brague nói thêm: “đường phân ranh giữa Giáo Hội và Nhà Nước là phát kiến của Kitô Giáo từng khởi đầu với các Giáo Phụ khi các ngài phản ứng chống lại việc Constantinô đòi quyền kiểm soát Giáo Hội, và điều này lên cao vào thời Trung Cổ’. Hơn nữa, Brague còn quả quyết rằng “đường ranh này được Giáo Hội, chứ không phải Nhà Nước, vẽ ra. Chính sách không thay đổi của Tòa Thánh từ cuộc Tranh Chấp Quyền Chỉ Định Giáo Chức (Investiture Controversy) cuối thế kỷ 11 hệ ở việc buộc Nhà Nước phải trở lại với trách vụ riêng của nó, một trách vụ hoàn toàn có tính trần thế, hay “thế tục” như người ta thường nói, là thực thi hòa bình, công lý và trật tự xã hội. Đàng khác, Nhà Nước tự nó không “thế tục”, nó luôn đòi dự phần vào tính thánh thiêng. Tính thế tục là một chiến thắng của Giáo Hội”.
Brague dựa vào từ nguyên học (etymology) để giải thích sự khác nhau giữa tính thế tục và chủ nghĩa thế tục. “Thế tục phát xuất từ chữ La Tinh saeculum, nghĩa là ‘thế kỷ’, mà nguyên thủy có nghĩa là khỏang thời gian dài nhất của đời người. Tính thế tục là thái độ của những người nghĩ rằng các hy vọng của con người không thể nào vượt quá một thế kỷ và do đó, phải hành động sao đó để nhân loại sinh tồn trong khoảng thời gian đó… Người chủ trương duy thế tục không có khả năng giải thích tại sao nên có con người nhân bản trên mặt đất này. Vì vốn cho rằng nhân sinh là sản phẩm của may rủi, của tình cờ, nên họ không thể nói cho ta hay tại sao nó tốt đối với chúng ta…”
Những điều trên có thể làm nền cho một cuộc tranh luận sống động. Có thể một phần của cuộc tranh luận này sẽ diễn ra tại Đan Viện Mater Ecclesiae. Vì dù Đức Bênêđíctô không tham dự các biến cố công cộng, nhưng không có gì ngăn cản ngài cử hành Thánh Lễ bế mạc cuộc họp mặt của các học trò cũ của ngài. Trong bài giảng năm ngoái, ngài phát động ý niệm cho rằng chân lý “không thể bị chiếm hữu” và cuộc họp của các học trò năm ấy đã tăng đà cho mối liên hệ đại kết với người Luthêrô và Chính Thống. Có thể cuộc họp năm nay của họ sẽ chỉ cho ta cách để thắng vượt việc con người thời nay tìm cách che khuất Thiên Chúa.