Tuần trước, Đức HY George Pell, TGM Sydney, có đọc một bài diễn văn hàng năm về tự do tôn giáo tại phân khoa luật của Đại Học Notre Dame tại Sydney, trong đó ngài nhấn mạnh tới việc các chính phủ và tòa án Phương Tây đang tìm cách áp đặt một số thế giới quan liên quan tới các mối liên hệ, tới gia đình, tính dục, phá thai và kỹ thuật sinh sản, và do đó đang trở thành mối đe dọa cho tự do tôn giáo trong các nước này, dù đây chưa hẳn là đe dọa sống chết, nhưng dù sao vẫn hết sức nghiêm trọng.
Đức Hồng Y, nhân dịp này, đã cho cử tọa một ngữ cảnh đối với các thách đố trên bằng cách trình bày các con số thống kê về những người sẵn sàng hiến đời mình cho đức tin. “Dù với bất cứ ước lượng nào, điều rõ ràng là trong thế kỷ 20, các Kitô hữu bị giết vì đức tin đông hơn cả 19 thế kỷ trước cộng lại”. Đức Hồng Y Pell cũng nhắc tới tín hữu của các tín ngưỡng khác đã và đang chịu nhiều bách hại bạo lực.
Ngài bảo rằng “Cám ơn Chúa, ở Úc và ở phần lớn các nước Phương Tây, tự do tôn giáo không phải là vấn đề sống chết. Các thách thức ta đang phải đương đầu thuộc một loại khác hẳn, tuy nhiên không kém nghiêm trọng”.
Đa dạng và khoan dung
Ngài ghi nhận việc kỳ thị tại Anh và Hoa Kỳ, những nơi người ta rất thường bị phạt, bị đuổi việc, bị tước quyền cung cấp dịch vụ cho thiếu nhi cũng như huấn đạo chỉ vì tuân giữ, thậm chí chỉ phát biểu, các xác tín tôn giáo và lương tâm về các vấn đề như phá thai, hôn nhân và tính dục.
Ngài bảo: “Trong hòan cảnh này, vấn đề tự do tôn giáo phát sinh không phải vì những cuộc bách hại bạo lực mà là vì quyết tâm của các nhà cầm quyền chính phủ cũng như của các tòa án nhằm áp đặt một thế giới quan đặc thù, nhất là trong hai lãnh vực có liên quan mật thiết với nhau: một đàng là các mối liên hệ, gia đình và tính dục, đàng kia là phá thai và kỹ thuật sinh sản”.
Bất kể các loại tấn công trên xuất phát một cách trực tiếp hay với điều ngài gọi là “chiến thuật xúc xích” nghĩa là lần lượt từng mảng, chúng vẫn thường được cổ vũ dưới chiêu bài “đa dạng, khoan dung và nhân quyền”.
Tuy nhiên, theo Đức HY, “đa dạng mà người ta đi tìm xem ra nghiêng nhiều về việc bắt người ta phải hành động phù hợp với các mục tiêu của ý niệm duy tục đầy tính đế quốc. Khoan dung mà người ta rao giảng xem ra bị giới hạn vào việc cho phép Kitô hữu suy nghĩ cách khác nếu họ thực sự phải làm như thế, bao lâu họ chịu giữ các suy nghĩ ấy cho riêng họ và trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không được tìm cách mang chúng ra hành động. Luận điểm nhân quyền, một luận điểm thường dựa vào bình đẳng và tự do, trên thực tế đã kết cục ở chỗ coi một số quyền mạnh đủ để dập tắt các quyền khác”.
Đức HY Pell cho rằng ở Úc, người ta vẫn còn thời cơ “gây náo động về việc trên”. Trong hậu cảnh ấy, ngài khuyến khích một sự hợp tác tôn giáo lớn hơn để bảo vệ các giá trị chung, như đang diễn ra tại nhiều nước khác. Thí dụ, tại Hoa Kỳ, đang có sự liên minh giữa người Baptist và người Công Giáo chống lại chỉ thị ngừa thai và triệt sản của chính phủ.
Sau đó, Đức HY Pell trình bày bốn điều căn bản cho thấy thực ra tự do tôn giáo có nghĩa gì trên thực tế.
1. Tự do tôn giáo không phải là tự do đến nhà thờ vào ngày Chúa Nhật hay cầu nguyện tại nhà. Nó cũng có nghĩa được tự do hành động nơi công cộng dựa vào các niềm tin của mình, được lên tiếng về chúng và tìm cách thuyết phục người khác. Nó có nghĩa không bị cưỡng bức hay đe dọa phải im lặng dưới các đạo luật kiểm soát ngôn luận và bình đẳng hay bị gán cho tội “ghét đồng tính”, “kỳ thị”, “phản chọn Lựa” hay “tôi bị xúc phạm”.
2. Tự do tôn giáo có nghĩa: được tự do cung cấp các dịch vụ nhất quán với các tín lý của tôn giáo bảo trợ. Không chính phủ hay người nào khác có quyền nói với các cơ quan tôn giáo rằng “chúng tôi thích việc làm của các ông với các phụ nữ khốn khổ; chúng tôi chỉ cần các ông cũng cung cấp việc phá thai cho họ nữa” hay “chúng tôi thực sự thích các trường học của các ông, nhưng chúng tôi không thể để các ông dạy rằng hôn nhân giữa một người đàn ông và một người đàn bà tốt hơn hay đúng hơn các lối phát biểu yêu thương và tính dục khác”. Các cơ quan của chúng ta có đó cho mọi người, có kỳ thị ai đâu, nhưng cung cấp các giáo huấn và hành động khác biệt. Trong một đất nước giầu có và tân tiến như Úc, dành chỗ cho các cơ quan tôn giáo đâu phải là việc khó khăn.
3. Tự do tôn giáo có nghĩa: có khả năng sử dụng ít nhất một khối chủ lực các nhân viên sẵn sàng hỗ trợ triết lý sống (ethos) của tôn giáo bảo trợ. Mọi công trình Công Giáo trước hết và trên hết là các công trình tôn giáo. Các bệnh viện, trường học, đại học, cơ sở an sinh, các dịch vụ cho người tị nạn, người khuyết tật và người vô gia cư đều được lập ra vì đây là điều đức tin của ta vào Chúa Kitô thúc đẩy ta làm. Những người thiện chí vui lòng giúp ta trong các công trình này trong tư cách nhân viên hay thiện nguyện viên không cần phải có cùng niềm tin như ta, nhưng họ cần phải vui lòng hỗ trợ niềm tin đó và làm việc trong môi trường của nó. Điều cũng chủ yếu là được quyền ưa thích những người tích cực dấn thân cho các xác tín tôn giáo ở ngay tâm điểm các dịch vụ này. Không chỉ cần những vị CEO hay thầy cô dạy về tôn giáo là Công Giáo là đủ. Không phải là chuyện kỳ thị bất công khi thích tuyển những người Công Giáo dấn thân cho các dịch vụ Công Giáo, nhưng quả là cưỡng bức khi mưu toan can thiệp vào hay hạn chế quyền tự do của ta được làm như vừa nói. Không ai lại mơ đến việc gợi ý cho Đảng Lao Động sử dụng một số đảng viên tranh đấu của Đảng Tự Do.
4. Tự do tôn giáo và tài trợ của chính phủ. Nhà nước thế tục trung lập về phương diện tôn giáo và không có sứ mệnh gì phải loại bỏ tôn giáo cả, nhất là khi đại đa số dân chúng theo Kitô Giáo hay theo các tôn giáo lớn khác. Thành viên của Giáo Hội cũng nộp thuế như mọi người. Các mức độ đáng kể trong việc tài trợ của chính phủ không hề là lý do khiến người ta ngăn cấm các trường, các bệnh viện và các cơ quan an sinh tôn giáo cung cấp các dịch vụ tương ứng với các tín điều của họ; không đủ lý lẽ để cưỡng bức họ hành động chống lại các nguyên tắc của họ. Việc tách biệt Giáo Hội và nhà nước đem lại nhiều che chở quan trọng cho các cộng đồng tôn giáo, chống lại sự can thiệp của chính phủ vào việc nội bộ của họ. Trong một xã hội tự do như xã hội Úc, các nhóm khác nhau có quyền thực hiện các đóng góp khác biệt, miễn không gây hại đối với ích chung. Chúng ta cần cổ vũ một tính đa nguyên đầy khoan dung, chứ không phải chủ nghĩa thế tục đầy bất khoan dung.
Sắc lệnh Milan
Đức Hồng Y Pell nhắc mọi người nhớ năm nay là năm kỷ niệm lần thứ 1,700 Sắc Lệnh Milan và việc hoàng đế Constantinô ban tự do tôn giáo cho các Kitô hữu sau cuộc bách hại Kitô Giáo kéo dài suốt trong 300 năm trước đó. Ngài nói rằng dịp kỷ niệm này là cơ hội tốt để ta củng cố tự do tôn giáo, và ngài đưa ra các gợi ý sau đây:
* Bảo vệ, chứ không miễn trừ: các luật lệ chống kỳ thị của tiểu bang và của liên bang thường bao gồm một loạt các “miễn trừ” hay “ngoại lệ” đối với các tổ chức tôn giáo (và những nhóm khác). Mục đích của các miễn trừ này là để bảo vệ các quyền khác, nhưng ngôn ngữ miễn trừ tạo nên cảm tưởng này: chúng chỉ là các nhượng bộ hay giấy phép đặc biệt để kỳ thị do nhà nước cấp ban vì các lý do chính trị. Đây là điều hoàn toàn gây sai lạc và không giúp được ai cả, ngoại trừ những người muốn trình bày tình thế cách sai lạc và loại bỏ các che chở đối với tự do tôn giáo. Ngôn ngữ miễn trừ nên được thay thế bằng ngôn ngữ bảo vệ, vì nó rõ ràng cho thấy nhân quyền đang được bảo vệ.
* Thực thi các quyền khác không phải là kỳ thị: Giáo Sư Nicholas Aroney và Giáo Patrick Parkinson từng gợi ý rằng việc ngăn cấm kỳ thị trái với luật lệ nên được soạn thảo cách nào đó để khi quyền tự do tôn giáo, tự do lập hội hay phát biểu văn hóa được thực thi một cách hợp pháp, thì không bị coi hay phán kết là kỳ thị cách bất hợp pháp. Tuy không phải là những người đầu tiên gợi ý như thế, ý kiến của họ đáng được ta xem sét cách nghiêm chỉnh. Coi những quyền này như miễn trừ là củng cố cảm tưởng mạnh mẽ này: chống kỳ thị quan trọng hơn các quyền khác và luôn đánh bại các quyền này. John Finnis từng nhận định rằng luật chống kỳ thị quan tâm tới việc liệu việc đối xử phân biệt có được biện minh hay không. Sử dụng ngôn ngữ “kỳ thị” nguy hiểm ở chỗ nó muốn nói: đối xử phân biệt là điều không được biện minh, ngay cả khi “được miễn trừ”.
* Bảo vệ các cá nhân cũng như các nhóm: Các cá nhân là những người mang quyền lợi và lạ lùng thay các bảo vệ cho tự do tôn giáo trong các luật lệ chống kỳ thị chỉ chú tâm tới các nhóm và các định chế nhiều hơn là các cá nhân. Cũng như bao giờ, các quyền của người khác đối với hàng hóa và dịch vụ cần được bảo vệ, nhưng cần phải có những điều khoản minh nhiên để bảo vệ các cá nhân, chống lại các cưỡng bức bắt họ phải hành động trái với tín ngưỡng của họ trong việc làm hay trong doanh nghiệp của họ.
* Phải ra luật lệ bảo vệ lương tâm: Thay vì cưỡng bức người ta hành động ngược với các xác tín tôn giáo hay lương tâm họ, như Đạo Luật Sửa Đổi Luật Phá Thai của Victoria hiện nay, các tiểu bang và liên bang nên ra đạo luật bảo vệ các xác tín này, theo chiều hướng quyết nghị được Quốc Hội của Hội Đồng Âu Châu chấp thuận năm 2010. Trong khi đòi buộc các chính phủ phải bảo đảm kịp thời để người dân được “chăm sóc y tế hợp pháp”, quyết nghị này còn chủ trương rằng “không ai, không bệnh viện hay trường học nào bị cưỡng bức, buộc chịu trách nhiệm hay bị kỳ thị bất cứ cách nào vì từ chối thi hành, chứa chấp, trợ giúp, hay đệ trình một cuộc phá thai, một cuộc xẩy thai nhân tạo hay an tử hoặc bất cứ hành động nào có thể gây chết chóc cho một phôi thai hay thai nhi người, vì bất cứ lý do nào”.