Chuẩn bị lễ phong chân phước đặc biệt tại Ba Lan cho gia đình ông bà Ulma

Nghe bài này

Giáo hội Ba Lan đang chờ đợi lễ phong chân phước sắp tới cho gia đình Ulma.. Đức Thánh Cha nói trong buổi tiếp kiến ngày 30/8/2023 rằng “Ước gì gương của gia đình anh dũng này, đã hy sinh mạng sống của mình để cứu những người Do Thái bị bách hại, giúp anh chị em hiểu rằng sự thánh thiện và những cử chỉ anh hùng là những điều ta đạt được qua sự trung thành trong những công việc bé nhỏ hằng ngày”. Nhưng gia đình Ulma anh dũng này là ai?

Nói vắn tắt, đó là ông Bà Jozef Ulma và Wiktoria, cùng với 6 người con bị Đức quốc xã sát hại ngày 24/3/1944 ở làng Markowa vì đã quảng đại cho 8 người Do Thái, bị săn đuổi dưới thời quân Đức chiếm đóng nước này, được tá túc trong nhà. Trong số những người con bị giết, bé lớn nhất mới được 8 tuổi, em bé nhỏ nhất 1 tuổi rưỡi và có một người con 7 tháng đang ở trong lòng mẹ.

Theo viện Yad Vashem, Trung tâm quốc tế có trụ sở tại Giêrusalem tưởng niệm cuộc diệt chủng Do Thái, ông bà Jozef và Wiktoria Ulma đã chứng kiến cuộc hành quyết những người Do Thái bị bắt hồi mùa hè năm 1942. Dầu vậy ông bà vẫn cho một gia đình Do Thái gồm 6 người, cùng với 2 chị em thuộc một gia đình khác, ẩn nấp trên gác xép thuộc nông trại của mình. Nhưng rồi hiến binh Đức phát hiện và đến nông trại của gia đình Ulma bắn chết 8 người Do Thái trước khi sát hại trọn gia đình người Ba Lan.

Thân thế

Józef Ulma sinh năm 1900 tại làng Markowa ở miền đông nam Ba Lan, một làng lớn tại nước này với khoảng 4.500 dân thuộc giáo phận Przemysl. Phần lớn dân tại đây là tín hữu Công Giáo nhưng cũng có khoảng 120 người Do Thái. Họ sống chung và cộng tác với nhau trong sự tôn trọng hỗ tương.

Józef là một nông dân. Năm 17 tuổi, anh gia nhập Liên minh Thánh Thể của giáo phận địa phương, một hội liên kết việc cầu nguyện và góp phần xây dựng giáo phận, qua việc quyên góp giúp kiến thiết và tu bổ các nhà thờ và nhà nguyện ở địa phương. Anh cũng là hội viên tích cực của Hội Thanh Niên Công Giáo, rồi Liên minh các nông dân trẻ.

Lớn lên, Józef Ulma thành hôn với Wiktoria Dorotea, 23 tuổi, nhỏ hơn hôn phu 12 tuổi. Hai vợ chồng sinh được 6 người con. Họ nuôi dưỡng con cái trong tinh thần đức tin và yêu thương, chăm chỉ và tôn trọng người khác.

Đôi vợ chồng canh tác trong một nông trại nhỏ, vài hécta. Jozef là người rất chăm chỉ làm việc và cũng là người có sáng kiến, có tinh thần xã hội, hăng say tham gia các công tác trong cộng đoàn. Cả hai vợ chồng đều là giáo dân giáo xứ thánh Dorotea ở Markowa. Đời sống đức tin của họ dựa trên giới răn mến Chúa yêu người và cả hai đều thuộc hội Mân Côi sống. Họ đào sâu đức tin trong việc cầu nguyện và tham dự đời sống bí tích của Giáo Hội. Cả hai đều là những tín hữu Công Giáo nhiệt thành. Mỗi tối họ đều quỳ cầu nguyện trước khi đi ngủ.

Chủ trương tiêu diệt Do Thái

Thế chiến thứ 2 bắt đầu từ ngày 1/9/1939 với cuộc xâm lăng của Đức tại Ba Lan. Từ đó thảm trạng của người Ba Lan và đặc biệt là người Do Thái tại nước này bắt đầu. Sau khi các hoạt động quân sự tạm ngưng, nhiều hạn chế về pháp luật được quân chiếm đóng thiết định, đặc biệt đối với những người gốc Do Thái.

Tình trạng này căng thẳng thêm khi chiến tranh giữa Đức và Liên Xô bắt đầu từ tháng 6/1941: chế độ Hitler quyết định tiêu diệt toàn bộ người Do Thái Âu Châu. Quyết định này về sau cũng được áp dụng cho người Ba Lan.

Để ngăn cản người Ba Lan giúp đỡ người Do Thái, tháng 10/1941, Hans Frank, Toàn Quyền Đức tại các lãnh thổ Ba Lan bị Đức chiếm đóng, ra lệnh rằng tất cả những công dân Ba Lan nào bị cáo hoặc bị tình nghi giúp đỡ người Do Thái đều sẽ bị hành quyết. Kết quả là 6 triệu người Do Thái Âu Châu bị giết, phần lớn trong các trại tiêu diệt. Một nửa trong số nạn nhân ấy là người Do Thái công dân Ba Lan.

Thảm sát tại làng Markowa

Những biến cố thê thảm nhất xảy ra tại làng Markowa vào bán niên thứ 2 trong năm 1942. Hồi đó phần lớn người Do Thái tại làng này đã bị giết. Hầu như cùng thời kỳ đó, 2 gia đình Do Thái đã xin ông bà Ulma cho họ ẩn nấp. Đó là gia đình Goldmans – Golda và Layka, với những người con nhỏ của họ sống gần nhà ông bà Józef Ulma, và 5 người đàn ông từ Lancut, tên là Szall, một người buôn súc vật, nổi tiếng trước thời chiến tranh, với 4 người con trai lớn của họ.

Józef Ulma vốn nổi tiếng là thân thiện với những người Do Thái. Ít lâu trước đó ông đã giúp một gia đình khác thiết lập một nơi ẩn náu trong khe núi.

Sáng sớm khoảng 5 giờ ngày 24/3/1944, toán hiến binh Đức ở thị trấn Lancut (cách làng Markowa khoảng 10 cây số) do trung úy Eilert Dieken chỉ huy cùng với 3 hiến binh Đức khác và 2 người Ba Lan đến nhà Józef Ulma. Chẳng bao lâu người ta nghe thấy những tiếng súng nổ. Các nạn nhân đầu tiên là người Do Thái. Tiếp đến là những người Ba Lan bị trừng phạt: ông bà Józef và Wiktoria Ulma bị đưa ra khỏi nhà họ và bị bắn ngay trước nhà. Trong khi đó, những đứa con khóc thét lên khi thấy cha mẹ bị giết. Thật là cảnh tượng kinh hoàng. Trước tình thế đó, quân Đức thảo luận với nhau xem phải làm gì với mấy đứa bé. Sau khi trao đổi, trung úy Dieken quyết định bắn chết luôn 6 đứa con.

Sau khi phạm tội ác, toán quân Đức bắt đầu cướp bóc trong nhà các nạn nhân.

Chứng từ của Linh mục Thỉnh nguyện viên

Tháng 8 năm 2003, án phong chân phước cho gia đình Ulma được giáo phận Przemysl khởi sự.

Cha Witold Burda, thỉnh nguyện viên án phong cho gia đình Ulma, cho biết:

“Đời sống thường nhật của các vị Tôi Tớ Chúa đầy tinh thần Tin Mừng. Người ta có thể thấy mối quan tâm tha thiết đối với bầu không khí gia đình, sự tử tế và cởi mở trong các quan hệ với nhau. Điều này được áp dụng trước tiên cho quan hệ vợ chồng: cảm thông và bổ túc cho nhau, nâng đỡ và chăm sóc nhau, xây dựng tình hiệp thông hôn nhân. Kết quả của tinh thần này là sự quan tâm nuôi dưỡng con cái và cởi mở đối với sự sống mới mà Chúa ban.”

Ông bà Jozef và Wiktoria rất được tôn trọng tại làng Markowa, và đồng thời họ cũng được biết đến nhiều về sự sẵn sàng giúp đỡ mỗi người, họ nổi tiếng vì cởi mở đối với những người khác. Những người làm chứng trong cuộc điều tra ở cấp giáo phận nhấn mạnh rằng nhà của gia đình này luôn mở rộng đối với những người khác. Họ nói là luôn có thể tìm được sự giúp đỡ nơi gia đình Ulma. Ông bà chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm. Jozef thích nhiếp ảnh, canh tác và nuôi ong. Ông đọc nhiều về các vấn đề này và sẵn sàng chia sẻ những điều mình học được. Ông niềm nở và cởi mở với người khác. Đó là đặc tính của gia đình này. Cần phải nói thêm rằng sự giúp đỡ mà họ dành cho người khác được thực hiện trong âm thầm và vị tha, không “quảng cáo” phô trương, chính vì thế họ được tôn trọng và nhìn nhận.

Cha Burda cũng nhận xét rằng quyết định của ông bà Ulma đón nhận và cho 8 người Do Thái ẩn náu không phải chỉ 1 lần thôi, nhưng chấp nhận họ trong nhiều tháng trời. Đó không phải là một hành động nhất thời vì động lòng trắc ẩn, hay một dấu hiệu cảm thương số phận của họ. Đó là một quyết định có ý thức và suy nghĩ chín chắn, biết rõ những hậu quả có thể xảy ra cho những người Ba Lan trợ giúp người Do Thái như thế.

Cha Burda xác quyết rằng những hành động trên đây cho thấy gia đình Ulma đón nhận Tin Mừng một cách rất trưởng thành, nhất là về khía cạnh lời mời gọi Kitô hữu yêu thương tha nhân. Trong cuốn Kinh Thánh người ta tìm được trong nhà ông bà sau khi bị hành quyết, người ta thấy tựa đề dụ ngôn người Samari nhân lành được gạch dưới. Điều này chứng tỏ đời sống thường nhật của họ dựa trên Tin Mừng, trong sự hiệp nhất với Thiên Chúa và hoàn toàn thi hành những gì Chúa mời gọi.

Ngày 17/12 năm ngoái (2022), với sự chấp thuận của Đức Thánh Cha, Bộ Phong thánh đã công bố sắc lệnh nhìn nhận cuộc tử đạo của gia đình ông bà ông Bà Jozef Ulma và Wiktoria, cùng với 6 người con. Sau đó lễ phong chân phước đã được giáo quyền liên hệ ấn định vào ngày 10 tháng 9 tới đây tại làng Markowa do ĐHY Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, chủ sự nhân danh Đức Thánh Cha. Ban tổ chức dự kiến sẽ có gần 700 linh mục và hơn 60 Giám mục từ Ba Lan và nước ngoài trước sự hiện diện của 20 ngàn tín hữu. Đặc biệt cũng có sự hiện diện của Rabbi trưởng Cộng đoàn Do Thái tại Ba Lan.

Giuse Trần Đức Anh O.P.

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS