Theo thông cáo của ban tổ chức, hội nghị sẽ có sự tham dự của các học giả và nhà nghiên cứu quốc tế nổi tiếng chuyên về lĩnh vực này, cả trong lĩnh vực lịch sử và thần học, và sẽ đề cập đến “những nút thắt phức tạp hơn, cả trong lĩnh vực lịch sử-ngoại giao lẫn xã hội, tôn giáo và văn hóa, điều đã dẫn đến một sự tái định hình không thể thay đổi trong mối quan hệ giữa Giáo hội Công giáo và người Do Thái trong những thập kỷ tiếp theo”.
Mục tiêu của hội nghị là “Đưa ra những ánh sáng mới về những tranh luận lịch sử và thần học liên quan đến Đức Giáo hoàng Pio XII và Vatican trong thời kỳ Diệt chủng Do Thái, cũng như về mối quan hệ Do Thái-Kitô giáo ở nhiều cấp độ, nhờ những khám phá quan trọng được tìm thấy từ việc phân tích các văn khố của Vatican và sự hợp tác được tăng cường giữa các tổ chức và các nhà nghiên cứu”.
Chương trình
Phiên họp đầu tiên vào thứ Hai 9/10/2023 sẽ đề cập đến các động cơ và quyết định của Đức Giáo hoàng Piô XII khi đối mặt với chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa Quốc xã và chủ nghĩa cộng sản, nhằm cố gắng cân bằng các vai trò của ngài với tư cách là người đứng đầu Giáo hội và Tòa thánh.
Vào thứ Ba ngày 10/10, phiên họp thứ hai sẽ khám phá quan điểm của Vatican nói chung trước nạn diệt chủng Do Thái, và đặc biệt là quan điểm về các quốc gia và tôn giáo đã hình thành nên phản ứng của các quan chức, giám mục và giáo dân xung quanh Đức Piô XII.
Trong phiên họp thứ tư, gồm hai phần, sẽ thảo luận về việc giải cứu người Do Thái, đặc biệt chú ý đến lễ kỷ niệm 80 năm cuộc vây bắt ở Roma: ai đã cứu người Do Thái và tại sao? Các văn khố mới có thể cho chúng ta biết điều gì về sự kiện này cũng như lý do tại sao cuộc giải cứu lại xảy ra hoặc không xảy ra?
Vào thứ Tư ngày 11/10, phiên họp thứ năm sẽ trình bày phản ứng của các nhà ngoại giao và Sứ thần Tòa Thánh trên khắp thế giới đối với cuộc khủng hoảng người tị nạn và nỗi kinh hoàng của cuộc Diệt chủng.
Phiên họp thứ bảy, cũng là cuối cùng sẽ đi theo hành trình dẫn đến tuyên ngôn “Nostra Aetate” (1965), về liên lạc của Giáo hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo. Hai mươi năm sau cuộc Diệt chủng, Công đồng Vatican II đã bác bỏ chủ nghĩa bài Do Thái và nhấn mạnh mối liên hệ sâu sắc giữa Kitô giáo và Do Thái giáo.
Hồng Thủy – Vatican News