Bây giờ thì ai cũng rõ, trong Giáo Hội, dù muốn dù không, đã có hai xu hướng trái ngược nhau: cấp tiến và bảo thủ. Và dù nói thế nào, thì sự thật vẫn là chính Đức Phanxicô chấp nhận sự kiện ấy, một cách rõ ràng nhất khi ngài cử nhiệm 6 thành viên cấp tiến thuộc Giáo Hội Hoa Kỳ tham gia Thượng Hội Đồng kỳ này để cân bằng, hoặc trổi vượt, ít nhất về số lượng, với 5 thành viên bảo thủ của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ. Phe cấp tiến, dĩ nhiên, nói tích cực về viễn ảnh của Thượng Hội Đồng kỳ này. Phe bảo thủ, tất yếu, nói tiêu cực về nó. Dù cả hai phe đều không công bằng đối với tầm nhìn tổng thể của nó.Trong bài này, chúng tôi xin tường trình một vài tiếng nói tiêu cực đối với Thượng Hội Đồng mà phe cấp tiến không ngần ngại coi là quan trọng nhất kể từ Công đồng Vatican II.
Có thực là quan trọng nhất hay không?
George Weigel, trên First Things
Trong mục “Letters from the Sydnod”, số 2, do Xavier Rynne II chủ biên trên First Things, Weigel cho rằng nếu Thượng Hội đồng 2023 muốn có kết quả trong việc tăng cường tính năng động truyền giảng Tin Mừng của một Giáo hội thường xuyên truyền giáo – một Giáo hội của các môn đệ truyền giáo – thì đó phải là một Thượng hội đồng xuất phát từ giáo huấn thực sự của Công đồng, và đặc biệt là hai văn bản nền tảng của Công đồng: Hiến chế Tín lý về Mặc khải của Thiên Chúa (Dei Verbum) và Hiến chế Tín lý về Giáo hội, Lumen Gentium.
Weigel phê phán câu khẳng định của Tài liệu Làm việc cho rằng “dân Chúa đã chuyển động kể từ khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô triệu tập toàn thể Giáo hội tại Thượng hội đồng vào tháng 10 năm 2021”. Điều đó không đúng, vì “dân Chúa” đã “chuyển động” kể từ Lễ Hiện Xuống đầu tiên của Kitô giáo, khoảng hai thiên niên kỷ trước. Và bất chấp những thách thức mà Đức Hồng Y Müller mô tả là “tinh thần bất khả tri của thời đại”, “dân Chúa” đã chuyển động từ lâu trước khi tiến trình thượng hội đồng hiện tại được Đức Giáo Hoàng Phanxicô triệu tập cách đây hai năm…
Weigel kể ra một số “chuyển động” đáng kể như các thừa tác vụ đang diễn ra tại các khuôn viên Đại học Texas A&M và Đại học Bang North Dakota mà ông vừa viếng thăm, hay trong các chương trình chuẩn bị hôn nhân, lấy thần học thân xác của Thánh Gioan Phaolô II làm cơ sở, hay trong “Courage”, một thừa tác vụ dành cho người bị thu hút đồng tính, hoặc trong lối sống thánh hiến phản văn hóa thời thượng tập chú vào việc tự hiến thay vì tự khẳng định mình và trong vice thành lập, tài trợ và bố trí nhân sự cho các trung tâm hỗ trợ thai sản…
Và trong “Letters from the Synod” số 3, Weigel chỉ trích cách dùng phương pháp “đàm luận trong Chúa Thánh Thần” của Thượng Hội Đồng kỳ này. Theo ông, Chúa Thánh Thần không thể dạy Giáo hội là đúng những gì Chúa Thánh Thần đã từng dạy Giáo hội là sai, như việc chúng ta được tạo dựng như những người nam và người nữ, cũng như việc diễn tả đích thực tình yêu con người (St1:27–28). Thứ hai, Chúa Thánh Thần thúc giục ta cả bằng ý tưởng lẫn xúc cảm vì ta có cả khối óc lẫn trái tim. Trong khi, phương pháp thảo luận của “cuộc đàm luận trong Thánh Thần” chỉ lưu ý tới cảm xúc (feeling), khi người điều phối hỏi: “Bạn cảm thấy thế nào khi A nói ‘B’?” và “bạn cảm thấy thế nào về điều đó?”. Thứ ba, Chúa Thánh Thần vốn đa ngôn ngữ: chủ đề “Hiệp thông, tham gia và truyền giáo” đã bắt đầu cách đây hai nghìn năm, khi Chúa Thánh Thần phán lời rao giảng căn bản của Kitô giáo, “Chúa Giêsu là Chúa”, một cách được người mọi ngôn ngữ nghe hiểu (Cv 2: 9–11). Trái lại, “trong tài liệu được biên soạn để chuẩn bị cho Thượng Hội đồng, Chúa Thánh Thần dường như đã trở thành đơn ngữ, chỉ nói đến những mối quan tâm và trong từ vựng của đạo Công Giáo tiến bộ ở Bắc Đại Tây Dương – và với giọng điệu Giécmanh [teutonic) nào đó. Chẳng phải ở đây có điều gì đó thuộc chủ nghĩa thực dân mới mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhiều lần chỉ trích gay gắt hay sao?”.
Tuy nhiên, nặng ký hơn cả là 5 vị Hồng Y của “Dubia” mới đây, khi trình với Đức Phanxicô rằng vì “Thượng Hội đồng Giám mục không đại diện cho giám mục đoàn mà chỉ là một cơ quan tư vấn của Đức Giáo Hoàng”… nên nó không thể là “tiêu chuẩn qui định tối cao của việc cai quản Giáo hội thường trực mà không làm sai lệch trật tự cấu thành của Giáo hội do Đấng sáng lập của Giáo hội mong muốn, theo đó, thẩm quyền tối cao và đầy đủ của Giáo hội được thực thi bởi cả giáo hoàng nhân danh chức vụ của ngài và bởi hiệp đoàn giám mục cùng với người đứng đầu của nó là Giám Mục Rôma qui chuẩn”. Hàm ý: nó không thể là biến cố quan trọng nhất sau Vatican II.
Đối với nhận xét của Weigel về “feeling”, để công bằng hơn, tưởng cũng nên nói thêm rằng “feeling” hay trái tim ở đây phải được hiểu trong đồng văn Pascal hay của Thánh Henry Newman, với câu thời danh: “trái tim có những lý lẽ mà lý trí không biết” hay kiểu nói đã thành cổ điển “cor ad cor loquitur” [trái tim nói với trái tim], nghĩa là lý lẽ trực quan, chứ không hẳn là những xúc cảm vu vơ.
Chúc lành đồng tính khơi mào ly giáo
Tiếng nói bảo thủ được lưu ý nhất vì nó được công bố ngay lúc gần kề ngày khai mạc Thượng Hội Đồng là của 5 vị Hồng Y đã gửi 5 “dubia” cho Đức Giáo Hoàng, trong đó, có vấn đề chúc lành cho các cặp đồng tính, một việc bị các ngài coi là trái ngược với Kinh Thánh (St 1:27-28), huấn quyền (Dei Verbum,10) và Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo (số 2357). Thay vì ngắn gọn có/không, Đức Phanxicô trả lời đằng tả, dài hơn “dubium” rất nhiều, nhưng ai cũng hiểu là ngài ủng hộ việc chúc lành này, dù hình thức kết hợp này không phải là hôn nhân. Lý lẽ của việc chúc lành này, theo ngài, là “lòng bác ái mục vụ” được tạo nên “bởi lòng nhân ái, sự kiên nhẫn, sự hiểu biết, sự dịu dàng và sự khích lệ”. Nhiệm vụ của chúng ta không phải là “những quan tòa chỉ phủ nhận, bác bỏ, loại trừ” mà “phải phân định một cách thỏa đáng xem có những hình thức chúc lành nào, được một hoặc nhiều người yêu cầu, không truyền tải một quan niệm sai lầm về hôn nhân hay không. Vì khi cầu xin một phúc lành, người ta bày tỏ lời cầu xin Thiên Chúa giúp đỡ, cầu xin một cuộc sống tốt đẹp hơn, tin tưởng vào một Người Cha có thể giúp chúng ta sống tốt hơn”. Điều cũng quan trọng được Đức Phanxicô nhấn mạnh là không nên qui định việc chúc lành này thành luật lệ. Ngài viết: “Những quyết định, trong một số trường hợp, có thể là một phần của sự khôn ngoan mục vụ, không nên nhất thiết phải trở thành một quy luật” mà tùy thuộc “việc phân định thực tế trong những hoàn cảnh đặc thù”, một việc “không thể được nâng lên bình diện một quy tắc”.
Các vị Hồng Y của “dubia” không hoàn toàn chấp nhận câu trả lời ấy, nên các ngài đã “dubia” thêm rằng chúc lành như thế có thể “gợi ý rằng hành vi đồng tính luyến ái không trái với lề luật của Thiên Chúa và hành trình của con người hướng tới Thiên Chúa”. Đức Phanxicô chưa trả lời “dubium” này.
“Dubium” này hiện đang gây xôn xao trong công luận Công Giáo. Ed. Condon của The Pillar được độc giả hỏi có phải chuyện này đang khởi sự cho một cuộc ly giáo hay không. Ông trả lời là không biết. Nhưng theo ông, cần lưu ý các tiên đề sau: Giáo Hội không thể chúc lành cho tội lỗi. Hoạt động tình dục đồng tính là hoạt động tình dục ngoài hôn nhân, nên là một tội lỗi, Giáo Hội không thể chúc lành được. Nhưng Giáo Hội có thể chúc lành cho kẻ tội lỗi. Và không có gì mâu thuẫn một nộii tại hay nhất thiết gây gương mù gương xấu khi những người tội lỗi xin Giáo Hội chúc lành.
Nói thế rồi Condon cho hay: người xin chúc lành và người ban chúc lành có thể có ý định xấu xa là thánh hóa không phải người tội lỗi mà là tội lỗi của họ. Chúc lành cho cặp đồng tính có thể bị họ giải thích là chúc lành cho cuộc kết hợp của họ, chứ không hẳn là chính họ, và do đó, để họ phát huy lối kết hợp được họ coi là tốt lành này, như đang xẩy ra với Con đường Đồng nghị của Đức. Nên Condon cho rằng người tín hữu, bất kể là giáo dân, linh mục, Giám Mục hay Hồng Y nên khẩn khoản xin Đức Giáo Hoàng trả lời dứt khoát và trực diện điều này, một điều xem ra ngài không chịu làm.
Về ý kiến của Condon, xin nói thêm: thực hành hiện nay của Giáo Hội là chúc lành cho các cá nhân hoạt động tình dục đồng tính, vì chúc lành như thế là chúc lành người tội lỗi; nhưng không chúc lành cho các cặp hoạt động tình dục, nhất là công khai, vì chúc lành như thế là chúc lành tội lỗi. Ở đây, người ta nhớ tới trường hợp Đức Hồng Y George Pell, lúc còn là Tổng Giám Mục Sydney đã từ khước không cho những người mang lá cờ cầu vồng được rước lễ với lập luận ngài sẽ cho bất cứ ai lên rước lễ được rước lễ miễn là không mang lá cờ này, vì cho những người mang lá cờ này muốn ngài “ủng hộ” tội lỗi.
Thao túng
Đức Hồng Y Zen, Tổng Giám Mục hưu trí của Hồng Kông, không kêu gọi chung chung như Condon mà trực tiếp kêu gọi các Giám Mục và Hồng Y tham dự Thượng Hội Đồng kỳ này thỉnh cầu Đức Giáo Hoàng thay đổi các thủ tục của Phiên họp và thách thức chương trình của các nhà tổ chức Thượng Hội Đồng.
Theo tạp chí The Pillar, trong lá thư đề ngày 21 tháng 9 ngài ngỏ lời với các Giám Mục và Hồng Y rằng ngài “‘bối rối’ trước điều mà ngài coi là sự tái sáng chế khái niệm Kinh thánh về tính đồng nghị của những người tổ chức biến cố, nhằm thúc đẩy việc giảng dạy trái với đức tin”. Ít nhất, đây là một “kế hoạch thao túng” hoàn toàn. Trước nhất, những người tổ chức thượng hội đồng “nói rằng chúng ta phải lắng nghe tất cả mọi người…” Nhưng thực ra “trong số ‘tất cả mọi người này’ có những người mà chúng ta đã ‘loại trừ.’ Cuối cùng, chúng ta hiểu ý của họ là những người lựa chọn một nền đạo đức tình dục khác với đạo đức của truyền thống Công Giáo.”
Thứ hai, “Họ thường tuyên bố không có chương trình nghị sự. Đây thực sự là một sự xúc phạm đến trí thông minh của chúng ta. Bất cứ ai cũng có thể biết họ đang hướng tới kết luận nào.”
Điều ngài lo ngại nhất là mưu toan dùng Thượng Hội Đồng để thiết lập nền dân chủ thay cho phẩm trật bí tích như phương tiện thiết lập tín lý. Ngài chỉ trích mạnh mẽ quyết định của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong việc mời giáo dân tham dự Thượng Hội đồng và trao cho họ tư cách thành viên có toàn quyền bỏ phiếu, một động thái mà ngài cho là làm suy yếu Thượng hội đồng Giám mục như nó đã được hình thành sau Công đồng Vatican II.
Đức Hồng Y viết: “Quyết định này thay đổi hoàn toàn bản chất của Thượng Hội đồng, mà Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã dự định như một công cụ của tính hợp đoàn giám mục, ngay cả khi theo tinh thần đồng nghị, các quan sát viên giáo dân được thừa nhận có khả năng lên tiếng. Việc bỏ phiếu cho giáo dân có vẻ có nghĩa là thể hiện sự tôn trọng đối với sensus fidelium [cảm thức tín hữu], nhưng họ có chắc chắn rằng những giáo dân được mời này là những fideles [tín hữu] hay không?”
Lẫn lộn hồ đồ
Robert Royal, chủ bút tập san The Catholic Thing và là chủ tịch của Viện Faith & Reason ở Washington D.C., tác giả của hai cuốn sách mới đây Columbus and the Crisis of the West và A Deeper Vision: The Catholic Intellectual Tradition in the Twentieth Century (chúng tôi đã chuyển sang Việt Ngữ và sẽ được đăng tải sắp tới đây), cho rằng “nếu bạn muốn hai chữ để mô tả Thượng Hội Đồng về tính đồng nghị…thì có lẽ là hai chữ hồ đồ sâu xa (deep confusion) thêm chữ cố ý (deliberate) nữa, Vì từ một loạt biện pháp cụ thể, điều rõ ràng là những gì đã được nói ra sẽ không sắp sửa diễn ra. Và những gì sắp sửa diễn ra a không được nói ra. Thế nhưng, có một phương pháp, thuộc một loại nào đó, tiến tới sự điên loạn này”.
Quả là một nhận định hết sức tiêu cực. Theo Royal, “chính khuôn khổ của Thượng Hội Đồng này đã là một hồ đồ rồi, và vì một lý do”. Một mặt các nhà tổ chức Thượng Hội Đồng “cho biết rằng tính đồng nghị là sự phục hồi chiều kích cổ xưa của Giáo hội được bảo tồn ở phương Đông nhưng đã bị mất ở phương Tây…” Mặt khác, một vị giáo phẩm phương Đông lên tiếng cảnh cáo “nếu phương Tây hiểu tính đồng nghị như một địa điểm hoặc một thời điểm mà mọi người, giáo dân và giáo sĩ, cùng nhau hành động để đi đến một số quyết định mang tính giáo hội, giáo lý, giáo luật, kỷ luật, bất kể đó là gì, thì rõ ràng là tính đồng nghị đó thực sự không hiện hữu ở phương Đông”.
Các nhà tổ chức nhấn mạnh nhiều lần rằng Thượng Hội Đồng không phải là một nghị viện, nhưng Royal cho hay: “nó sẽ hành xử như một nghị viện ngoại trừ việc này: cuối cùng, vị quân chủ không do cha truyền con nối mà chúng ta gọi là ‘giáo hoàng’ có thể sử dụng hay làm ngơ cuộc bàn nghị, bất cứ cách nào ngài muốn. Và chúng ta đã có một vài mách nước cho thấy điều này có nghĩa gì, một cách cụ thể, dù người ta cho chúng ta hay tháng này không có nhiều điều quan trọng sẽ được quyết định (tháng Mười năm tới lại là chuyện khác)”.
Hồ đồ lẫn lộn nhất, theo Royal, là chuyện chúc lành cho các cặp đồng tính, một trong các dubia được năm vị Hồng Y, và có thể nhiều hơn nữa như gợi ý của Đức Hồng Y Burke, nêu thẳng với Đức Phanxicô. Theo Royal, điều này chắc chắn sẽ được Đức Phanxicô chấp thuận “tùy thuộc sự thận trọng của Giám Mục và linh mục địa phương, nghĩa là nó sẽ trở thành bắt buộc một khi những nhân vật này bị áp lực bởi các nhà đấu tranh địa phương và các phương tiện truyền thông thế tục”.
Cái nhìn tổng quan của Royal về Thượng Hội Đồng kỳ này là: “Bạn không cần phải là một học giả Công Giáo để thấy, ngoài mọi nghi ngờ, rằng tất cả những điều này là bằng chứng, không chỉ là suy nghĩ của những người có xu hướng lo lắng – “những kẻ lạc hậu” theo quan điểm không khoan nhượng của giáo hoàng – về những thay đổi trong Giáo hội. Chúng ta đang bị dẫn đến chỗ tin rằng những điều không thuộc truyền thống của chúng ta, thậm chí còn bị coi là tội lỗi nghiêm trọng, cho đến khoảng 50 năm qua, là điều cần thiết để trở nên ‘có lòng thương xót’, tức là người Công Giáo trong thời đại chúng ta.
Câu hỏi sâu sắc nhất đằng sau tất cả những câu hỏi cụ thể này vẫn là: Tính đồng nghị là gì? Triết gia Stefano Fontana, phát biểu tại cùng một hội nghị với Đức Hồng Y Burke và Cha Gerald Murray tối hôm qua tại Rome, đã đưa ra luận điểm cho rằng mục tiêu là một Giáo hội vĩnh viễn ở trong tính đồng nghị. Sẽ không có gì sẽ vững chắc; mọi sự sẽ luôn trong quá trình sửa đổi để đáp ứng ‘thời đại’.
Do đó, ‘tính đồng nghị’ không thể được định nghĩa về bản chất, thậm chí cả theo nghĩa mơ hồ. Nó sẽ biến Giáo hội thành một tổ chức không bảo vệ và cổ vũ những lời giảng dạy của Đấng sáng lập là Chúa Giêsu Kitô. Một Giáo hội ‘đồng nghị’, mà Đức Giáo Hoàng hiện tại đang tìm kiếm, sẽ không chỉ hoạt động trong tháng này và năm tới, mà còn là vĩnh viễn. Ngày nay không ai có thể nói nó thực sự có ý nghĩa gì, bởi vì nó sẽ vĩnh viễn tự định nghĩa”.