Thượng Hội Đồng ngày 12 tháng 10, các tham dự viên cầu nguyện cho hòa bình

Nghe bài này

Bản tin của Catholic World News ngày 13 tháng 10 năm 2023 cho hay tại Thượng Hội đồng, ngày 12 tháng 10, các tham dự viên đã cầu nguyện cho hòa bình khi họ tập trung vào buổi sáng. Vào buổi chiều, những người tham gia có cơ hội hành hương đến các hang toại đạo ở Rôma.

Đức Hồng Y Louis Raphaël Sako, Thượng phụ Giáo Hội Công Giáo Canđê, chủ trì giờ cầu nguyện.

Ngài nói: “Sáng nay tôi muốn mời anh chị em cầu nguyện cho hòa bình trên thế giới, đặc biệt là ở Thánh Địa, cũng như ở Ukraine, tình trạng bạo lực ở Iraq, Iran và Lebanon”.

Margaret Karram, một người Công Giáo Ả Rập và là chủ tịch Phong trào Focolare, cũng dâng lời cầu nguyện.

“Lạy Chúa, chúng con cầu xin Chúa cho Thánh Địa, cho nhân dân Israel và Palestine đang phải chịu đựng bạo lực chưa từng có, cho các nạn nhân, đặc biệt là trẻ em, cho những người bị thương, cho những người bị bắt làm con tin, cho những người mất tích và gia đình của họ.” cô nói. “Trong những giờ phút thống khổ và đình chỉ này, chúng con cùng lên tiếng với Đức Giáo Hoàng và với lời cầu nguyện đồng loạt của những người trên khắp thế giới đang cầu xin hòa bình.”

Họp báo

Thượng Hội đồng có 364 thành viên bỏ phiếu. Trong cuộc họp báo vào ngày 12 tháng 10, Ông Paolo Ruffini, Bộ trưởng Bộ Truyền thông, cho biết 343 thành viên đã có mặt tại phiên họp chung vào chiều hôm trước (11 tháng 10), trong đó 39 người đưa ra các bài can thiệp hoặc bài phát biểu ngắn gọn. (339 người có mặt vào chiều 10/10 và 345 có mặt vào sáng 11/10)

Trong các triều giáo hoàng của Thánh Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI, Vatican có thông lệ công bố các bản văn can thiệp tại các Thượng hội đồng khác nhau; việc thực hành đó đã chấm dứt kể từ triều giáo hoàng của Đức Phanxicô. Các quy tắc của Thượng Hội đồng hiện tại buộc những người tham gia phải giữ bí mật ngay cả những can thiệp của chính họ (Điều 24), bảo đảm tính bảo mật tối đa cho những người tham gia và sự minh bạch tối thiểu cho các tín hữu.

Vì các người tham gia Thượng Hội đồng thảo luận về chủ đề thứ hai (“Làm thế nào chúng ta có thể trở thành dấu chỉ và công cụ đầy đủ hơn của sự kết hợp với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại?”), Ông Ruffini và những người khác tại cuộc họp báo đã liệt kê các chủ đề sau đây từ các bài phát biểu:

* đối thoại liên tôn giáo và liên văn hóa
* chủ nghĩa thực dân và cộng đồng bản địa
* tầm quan trọng của Bí tích Hòa giải
* “lắng nghe và lôi kéo giới trẻ vào cơn khát gặp Chúa Giêsu”
* Mẹ Teresa Calcutta và việc chăm sóc người bệnh
* “sự cấp bách trong cam kết của các nhà lãnh đạo Công Giáo trong việc thúc đẩy hòa bình”
* “thảm kịch của những người phụ nữ bị gạt ra ngoài lề xã hội ở vùng ngoại vi”
* “sự cần thiết phải hòa nhập và lắng nghe trong đời sống của Giáo hội”

“Sáng nay”, Ông Ruffini nói thêm, “tầm quan trọng của khuôn dung Thánh Mẫu của Giáo hội đồng nghị đã được nhấn mạnh. Đức Maria là mẹ, là giáo dân, là lời tiên tri, là đối thoại, là đặc sủng, là sự thánh thiện, là Tin Mừng được đem ra sống.”

Cuộc thảo luận về chủ đề thứ hai bắt đầu vào ngày 9 tháng 10 và sắp kết thúc; Thượng Hội đồng sẽ đưa ra một chủ đề mới vào ngày 13 tháng 10 (“Đồng trách nhiệm trong sứ mệnh: Làm thế nào chúng ta có thể chia sẻ tốt hơn các ân sủng và nhiệm vụ trong việc phục vụ Tin Mừng?”).

Các kinh nghiệm tích cực

Margaret Karram (Phong trào Focolare), Sơ Caroline Jarjis (Baghdad), và Đức Tổng Giám Mục Andrew Nkea Fuanya (Came-roon) cũng phát biểu tại cuộc họp báo. Kar-ram nói về tầm quan trọng của việc cầu nguyện cho hòa bình; Nữ tu Jarjis, về các Kitô hữu bị bách hại; và Đức Tổng Giám Mục Fuanya, về kế hoạch chầu Thánh Thể vĩnh viễn tại mọi giáo xứ trong giáo phận của ngài. Tất cả đều ca ngợi kinh nghiệm đồng nghị.

Karram nói: “Kể từ khi chiến tranh nổ ra, trái tim tôi đã tan nát và tôi tự hỏi mình đang làm gì ở Thượng hội đồng này. Tham gia cầu nguyện với mọi người là một khoảnh khắc rất sâu sắc.

“Kinh nghiệm này đang dạy cho tôi ý nghĩa của việc cùng nhau bước đi, đối thoại, để cho người khác thách thức mình, và tính đồng nghị không chỉ là một phương pháp luận, nó phải trở thành một lối sống của Giáo hội: lắng nghe người khác với sự tôn trọng, vượt lên trên các ý kiến khác nhau”.

Sơ Jarjis nói, “Thiên Chúa hiện diện trong công việc chúng ta đang thực hiện tại Thượng Hội đồng. Người đã chọn chúng ta và chuẩn bị cho chúng ta trước khi đến Rôma. Cùng nhau, chúng ta đang có kinh nghiệm của những Kitô hữu đầu tiên đã chia sẻ mọi sự.”

Sơ nói tiếp: “Tôi đến từ một đất nước đang có chiến tranh, nơi mà các Kitô hữu là thiểu số, nhưng sự phong phú của Giáo hội chúng tôi được mang lại nhờ sự hiện diện của các vị tử đạo. Máu của họ mang lại cho chúng tôi động lực để tiếp tục và tôi sẽ trở về nhà với một sức mạnh lớn hơn nhờ kinh nghiệm hiệp thông với Giáo hội hoàn vũ.”

Đức Tổng Giám Mục Fuanya nói, “Tính đồng nghị là một phần của văn hóa châu Phi, bởi vì chúng tôi luôn làm mọi việc cùng nhau như một gia đình. Tôi nghĩ Thượng Hội đồng này là một niềm an ủi rất lớn đối với Châu Phi, bởi vì với những vấn đề chúng tôi gặp phải ở Châu Phi, đôi khi chúng tôi cảm thấy bị cô lập và bị bỏ rơi. Nhưng đến với Thượng Hội đồng, chúng tôi cùng với phần còn lại của Giáo hội hoàn vũ ngồi xuống và cùng nhau cầu nguyện cho những vấn đề đang diễn ra ở Châu Phi, và đặc biệt là cho các quốc gia bị ảnh hưởng bởi chiến tranh”.

Vũ Văn An

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

BÀI MỚI NHẤT

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS