Jonathan Liedl của National Catholic Register, từ Vatican, ngày 11 tháng 10 năm 2023, đánh đi bài bình luận cho hay: Chỉ những thành viên được chọn mới tham gia vào các cuộc thảo luận nhóm nhỏ về các chủ đề nóng bỏng như sự hòa nhập của LGBTQ và các nữ phó tế.
Thực vậy, tuần này và tuần tới, Thượng hội đồng về tính đồng nghị sẽ tập trung vào các vấn đề như sự bao gồm LGBTQ và khả năng mở chức phó tế cho phụ nữ – một số vấn đề gây tranh cãi nhất trong nghị trình kéo dài hàng tháng của cuộc họp.
Nhưng trái ngược với những gì một số người có thể đã giả định, không phải tất cả 364 đại biểu của Thượng Hội đồng sẽ có cơ hội cân nhắc một cách bình đẳng về các chủ đề này. Trên thực tế, những người tổ chức Thượng Hội đồng chỉ phân công một số thành viên vào các nhóm nhỏ thảo luận về những vấn đề nóng bỏng này, sau khi các thành viên đã chỉ ra trước những chủ đề mà họ muốn tập trung vào.
Đó là một động lực có thể làm lệch các bảng báo cáo được đưa ra về một chủ đề nhất định và do đó, ảnh hưởng đến bản văn tóm tắt các quan điểm của phiên họp sẽ được hoàn thành ở cuối diễn trình.
Khả năng này là sản phẩm của cách thức độc đáo mà các nhà tổ chức đã sắp xếp các cuộc thảo luận tại Thượng Hội đồng năm nay.
Không giống như các Thượng Hội đồng trước, nơi các thành viên được chia thành các nhóm ngôn ngữ khác nhau nhưng tập chú vào cùng một chủ đề, 35 bàn tại Hội trường Phaolô VI dành cho cuộc họp mặt năm nay được phân chia không chỉ về mặt ngôn ngữ mà còn về chủ đề, trong hầu hết diễn tiến của Thượng Hội đồng.
Nói một cách cụ thể, điều này có nghĩa là trong khi một số thành viên đã tham gia vào cuộc thảo luận nhóm nhỏ trong vài ngày qua về việc hòa nhập những người tự nhận là LGBTQ và những người ly hôn tái hôn vào đời sống của Giáo hội, thì những thành viên khác lại tập trung vào các chủ đề như phong trào đại kết và chào đón người di cư.
Các nhà tổ chức Thượng Hội đồng mới hôm qua đã nhấn mạnh rằng bất chấp sự sắp xếp mới, tất cả các thành viên đều có thể đóng góp về bất cứ chủ đề nào. Thí dụ: trong thời gian quy định cho “can thiệp tự do”, các cá nhân không được phân công vào một chủ đề cụ thể sẽ có thể nhận xét về báo cáo của các nhóm đó.
“Tôi thực sự tin rằng mọi người đều có cơ hội để can dự vào,” Đức Hồng Y Joseph Tobin của Newark, New Jersey, người đã tham gia vào việc tổ chức Thượng Hội đồng về tính đồng nghị từ năm 2018, cho biết trong một cuộc họp báo hôm qua.
Đức Hồng Y Tobin cũng nói thêm rằng các thành viên không bị cưỡng bức tống vào các chủ đề của họ, nhưng được tự do đưa ra các lựa chọn ưu tiên của mình trước thời hạn, điều mà các nhà tổ chức thượng hội đồng đã cố gắng hết sức để tôn trọng.
Nhưng mối quan tâm không phải là liệu mọi người có cơ hội can dự vào hay không, hay liệu các thành viên có được chỉ định vào lựa chọn hàng đầu của họ hay không, mà quan tâm nhiều hơn đến việc liệu thành phần của các nhóm nhỏ theo một chủ đề nhất định – và báo cáo theo bàn mà họ đưa ra – có chính xác phản ánh quan điểm của toàn thể phiên họp hay không.
Chẳng hạn, một giám mục đến từ vùng cận Sahara châu Phi có thể phản đối mạnh mẽ các đề xuất ban phước cho các cặp đồng tính, nhưng ngài cũng có thể xem xét các vấn đề như đàn áp Kitô giáo hoặc chăm sóc người nghèo là những ưu tiên lớn hơn, tùy theo bối cảnh địa phương của ngài. Tuy nhiên, theo phương pháp mới tại Thượng Hội đồng năm nay, ngài có thể tham gia vào một nhóm nhỏ chỉ tập trung vào một trong những chủ đề này.
Cách sắp xếp này làm tăng khả thể các nhóm nhỏ tập trung vào các vấn đề như hòa nhập LGBTQ và các nữ phó tế sẽ không phản ảnh toàn thể phiên họp, mà sẽ được cấu thành một cách không cân xứng gồm những người tập chú cao độ nhất vào chủ đề này – và mong muốn nhiều nhất được thấy các thay đổi trong giáo huấn và thực hành của Giáo Hội. Việc tập chú vào những vấn đề này có xu hướng cao hơn ở phương Tây thế tục.
Thực thế, vào đầu ngày hôm nay, người phát ngôn của Thượng Hội đồng, Paolo Ruffini, cho biết một số thành viên đã yêu cầu “có sự phân định rõ ràng hơn về giáo huấn của Giáo hội đối với chủ đề tính dục”, ngụ ý thúc đẩy việc thay đổi.
Và trong khi những người tổ chức thượng hội đồng đã cố gắng hạ thấp tầm quan trọng của việc chỉ phân công một số thành viên nhất định vào việc thảo luận về một số chủ đề nào đó, nhưng họ không sẵn lòng công bố danh sách những người đã được phân công vào các chủ đề đặc thù.
Các thành viên có nghị trình riêng?
Những lo ngại cho rằng việc sắp xếp các nhóm nhỏ có thể dẫn đến những kết quả sai lệch có thể sẽ trở nên trầm trọng hơn bởi sự kiện này là một số người tham gia đã cho thấy ý định thúc đẩy những thay đổi về các vấn đề nóng bỏng tại thượng hội đồng.
Chẳng hạn, Đức Giám Mục Franz-Josef Overbeck của Essen, Đức, nói rằng Thượng hội đồng về Tính đồng nghị phải tiếp nhận các đề xuất được đưa ra bởi Con Đường đồng nghị gây tranh cãi ở Đức, “từ vai trò của phụ nữ đến vấn đề tình dục và vấn đề về những người yêu thương nhau.” Vào tháng 3, Con Đường đồng nghị đã thông qua các nghị quyết nhằm chúc phúc cho các cuộc kết hợp đồng tính và thúc đẩy việc phong chức cho phụ nữ ở Rome.
Về việc các Giám mục Đức ủng hộ Con Đường đồng nghị tham gia Thượng Hội đồng về tính đồng nghị, Đức Giám Mục Georg Bätzing của Limburg, chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, nói: “Chúng tôi được mời lắng nghe, phát biểu một cách tự do, điều đó quan trọng, nhưng mục đích cũng là để Giáo Hội phải thay đổi.”
Những người tham gia thượng hội đồng khác, như “nữ tu TikTok” người Tây Ban Nha Xiskya Luca Valladares, đã ủng hộ việc chúc lành cho các cặp đồng tính đồng ở Đức. Trong một tiểu luận về Thượng Hội đồng, Đức Hồng Y Robert McElroy của San Diego nói rằng Giáo hội nên giảm bớt “sự khác biệt giữa xu hướng và hoạt động đồng tính” trong phản ứng mục vụ của mình đối với những người LGBTQ, trong khi Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich, tổng tường trình viên của Thượng Hội đồng, trước đây đã nói rằng giáo huấn của Giáo hội về đồng tính luyến ái là “sai lầm” và cần một cuộc cải cách căn bản. Linh mục Dòng Tên James Martin, người có cách tiếp cận mục vụ đối với những người LGBTQ đã nêu lên mối lo ngại về việc lật đổ giáo huấn của Giáo hội, cũng đã tuyên bố ý định tập chú vào việc bao gồm vấn đề LGBTQ vào Thượng hội đồng.
Về việc truyền chức cho phụ nữ, lãnh đạo giáo dân Thụy Sĩ Helena Jeppesen-Spuhler đã nói rằng “chức linh mục cho phụ nữ sẽ không được giới thiệu ngay lập tức,” nhưng Thượng Hội đồng về tính đồng nghhị có thể là một bước đệm hướng tới điều đó bằng cách trước tiên mở chức phó tế cho phụ nữ. Nhà thần học giáo dân người Tây Ban Nha Cristina Inoges Sanz, một thành viên khác của Thượng Hội đồng, cũng là người ủng hộ việc phong chức cho phụ nữ, trong khi Đức Hồng Y McElroy cũng tuyên bố rằng Thượng hội đồng về tính đồng nghị là bối cảnh phù hợp để Giáo hội “tiến tới việc tiếp nhận phụ nữ làm phó tế.”
Nhiều người đã bày tỏ lo ngại rằng những nhân vật gây tranh cãi này đang tham gia vào Thượng Hội đồng, trong hầu hết các trường hợp không phải với tư cách là đại diện được bầu của hội đồng giám mục, mà là do Đức Giáo Hoàng Phanxicô lựa chọn. Nhưng với phương pháp luận đằng sau các nhóm nhỏ của Thượng Hội Đồng, có vẻ như họ có thể tác động đến các diễn tiến ở mức độ lớn hơn so với óc tưởng tượng trước đây.
Phương pháp mới
Mặc dù tất cả các thành viên đã thảo luận về các chủ đề giống nhau tại bàn của họ trong giai đoạn khai mạc Thượng Hội đồng, và sẽ lại có cùng một quan điểm trong giai đoạn kết thúc của hội nghị, nhưng điều đó không xảy ra đối với giai đoạn giữa rất đáng kể của Thượng Hội đồng về Tính đồng nghị.
Từ ngày 9 đến ngày 21 tháng 10, công việc của đại hội được chia thành ba đơn vị thảo luận tập trung vào ba phạm trù rộng lớn: hiệp thông, truyền giáo và tham gia. Mỗi đơn vị thảo luận bao gồm năm chủ đề riêng biệt. Theo quy định của Thượng Hội đồng, mỗi người tham gia được phân vào một bàn sẽ “dành riêng cho việc nghiên cứu chuyên sâu” chỉ một trong năm chủ đề được xem xét trong mỗi đơn vị thảo luận.
Chẳng hạn, Thượng Hội đồng hiện đang hoàn thiện công việc của mình về “đơn vị B1”, về sự hiệp thông của Giáo hội. Mỗi thành viên Thượng Hội đồng đã được chỉ định tập trung vào một trong năm chủ đề của đơn vị B1: công lý và bác ái (B 1.1), hòa nhập vào Giáo hội (B 1.2), hiệp nhất Công Giáo Đông-Tây (B 1.3), đại kết (B 1.4) và đối thoại liên tôn giáo/liên văn hóa (B 1.5).
Tương tự như vậy, khi Thượng Hội đồng bắt đầu công việc về đơn vị B2 (đồng trách nhiệm trong sứ mệnh) và đơn vị B3 (tham gia, điều hành và truyền giáo), mỗi thành viên sẽ chỉ tập trung vào một trong năm chủ đề có trong mỗi đơn vị.
Cuối cùng, mỗi thành viên Thượng Hội đồng sẽ tham gia “nghiên cứu chuyên sâu” về chỉ ba trong số 15 chủ đề có trong các đơn vị B1, B2 và B3.
Các bảng câu hỏi chuyên đề từ Tài liệu Làm việc của Thượng Hội đồng hướng dẫn các cuộc thảo luận tại bàn này và cũng bao gồm “các câu hỏi phân định” về các vấn đề nóng bỏng.
Chẳng hạn, các thành viên được chỉ định vào B 1.2 được hỏi: “Dưới ánh sáng của Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Amoris Laetitia, cần có những bước cụ thể nào để chào đón những người cảm thấy bị loại khỏi Giáo hội vì địa vị hoặc giới tính của họ (thí dụ, những người ly dị tái hôn, những người sống trong hôn nhân đa thê, những người LGBTQ+, v.v.)?”
Tương tự, B 2.3 hỏi liệu “có thể hình dung việc phụ nữ được phong chức phó tế và bằng cách nào?” Trong cả hai trường hợp, cách diễn đạt những “câu hỏi phân định” này làm tăng thêm mối lo ngại rằng các nhóm bàn đến chúng có thể chồng đống nhiều thành viên từng bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với việc phong chức cho phụ nữ và những thay đổi đối với giáo huấn của Giáo hội về vấn đề tình dục.
Các nhóm nhỏ sẽ tiếp tục sử dụng phương pháp “đàm luận trong Chúa Thánh Thần”, bao gồm việc thảo luận có hướng dẫn về các chủ đề hiện có, để thực hiện chủ đề của họ. Tiếp nối công việc của các nhóm nhỏ, có ba “cuộc họp toàn thể”. Trong khoảng thời gian hơn ba giờ này, đại diện của mỗi bàn sẽ trình bầy những phát hiện ban đầu của họ cho toàn thể phiên họp, sau đó là thời gian để “can thiệp tự do”.
Mục đích của việc bao gồm các can thiệp tự do là cho phép tất cả các thành viên nhận xét về các báo của bàn. Nhưng vẫn còn câu hỏi về việc liệu những khoảng thời gian này có đủ để các thành viên không được phân công vào một chủ đề bày tỏ quan điểm của họ về chủ đề đó một cách tương tự hay không.
Ngoài ra, chỉ các thành viên của nhóm làm việc nhất định mới có thể bỏ phiếu phê duyệt báo cáo của bàn của họ, một báo cáo đòi phải có đa số 11 thành viên ngồi tại bàn để thông qua. Lần lượt, các báo cáo đó sẽ được đệ trình lên các nhà tổ chức thượng hội đồng và ủy ban tổng hợp được bầu gần đây sẽ hướng dẫn việc soạn thảo các bản tóm tắt của từng đơn vị thảo luận; những bản tóm tắt này sẽ được tồng hợp thành bản văn tóm tắt cuối cùng. Hiện chưa rõ mức độ các can thiệp sẽ được đưa vào các báo cáo cuối cùng này ở mức độ nào.