Đức Hồng Y Müller: Những nỗ lực giải thích Tuyên ngôn Fiducia Supplicans càng gây thêm nhầm lẫn về tài liệu này

Nghe bài này

Tờ National Catholic Register có bài tường trình nhan đề “Cardinal Müller: Efforts to Explain ‘Fiducia Supplicans’ Add to Confusion Over Document”, nghĩa là “Đức Hồng Y Müller nhận định rằng những nỗ lực giải thích Tuyên ngôn Fiducia Supplicans càng gây thêm nhầm lẫn về tài liệu này.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Đức Hồng Y Gerhard Müller, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, cho biết những nỗ lực thường xuyên nhằm cố gắng làm sáng tỏ và giải thích Fiducia Supplicans chỉ làm sâu sắc thêm sự nhầm lẫn và thay vào đó điều cần thiết là quay trở lại “sự rõ ràng của lời Chúa” chứ không phải là “cúi đầu trước những người LGBT hoàn toàn sai lầm này và ý thức hệ thức thời.”

Trong một cuộc phỏng vấn với Register, được thực hiện tại Rôma vào ngày 29 Tháng Giêng, Đức Hồng Y Müller đã trả lời về hậu quả tiếp tục của tuyên bố ngày 18 tháng 12 trong đó cho phép các phép lành phi phụng vụ, “mục vụ” và “tự phát” dành cho những người đồng giới và những người khác giới có “những mối quan hệ bất thường.” Tài liệu này đã vấp phải sự phản đối rộng rãi, đặc biệt là ở Phi Châu.

Đức Hồng Y nhắc lại rằng ngài tin rằng Giáo Hội “không cần” Tuyên ngôn này và rằng chúng ta không thể đưa những người có quan hệ đồng tính “đến với Giáo hội bằng cách tương đối hóa sự thật và hạ thấp ân sủng, nhưng bởi Tin Mừng thuần khiết của Chúa Kitô”.

“Làm sao chúng ta, với tư cách là những tín hữu của Chúa Giêsu Kitô, dám làm cho lời dạy này của Thiên Chúa trở nên không rõ ràng bằng sự ngụy biện của con người?” ngài nói.

Đức Hồng Y Müller than thở rằng do hậu quả của Fiducia Supplicans, ngày nay “không còn ai nói về phúc lành cho hôn nhân, con cái, gia đình”, vốn là “bổn phận của chúng ta” và không mấy ai chú ý đến việc “đừng gây chia rẽ trong Giáo hội”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã cố gắng giải thích lại Fiducia Supplicans vào hôm thứ Tư, trong một cuộc phỏng vấn mới được tạp chí Công Giáo Ý Credere đăng tải.

Đức Thánh Cha nói: “Không ai bị xúc phạm nếu tôi chúc lành cho một doanh nhân đang bóc lột người dân, và đó là một tội rất nghiêm trọng. Trong khi đó họ sẽ cảm thấy bị xúc phạm nếu tôi chúc lành cho một người đồng tính. Đây là đạo đức giả!”

Ngài nói thêm rằng ngài chúc lành cho mọi người trong tòa giải tội: “Tôi không chúc lành cho một ‘hôn nhân đồng tính’; Tôi chúc phúc cho hai người yêu nhau [che si vogliono bene].”

Đức Hồng Y Müller được Đức Bênêđíctô XVI bổ nhiệm làm nhà lãnh đạo về giáo lý của Vatican vào năm 2012, một chức vụ mà ngài giữ cho đến năm 2017.

Edward Pentin của National Catholic Register hỏi ngài: Thưa Đức Hồng Y, tại phiên họp toàn thể gần đây của Bộ Giáo lý Đức tin, Đức Thánh Cha đã nhắc lại rằng việc chúc lành cho các mối quan hệ bất thường phải mang tính tự phát, phi phụng vụ và không đòi hỏi sự hoàn hảo về mặt đạo đức, đó là việc chúc lành cho các cá nhân, chứ không phải cho sự kết hợp. Nhưng nếu đúng như vậy thì có cần thiết phải có một tài liệu như vậy hay không, vì những phép lành cá nhân như vậy đã được phép rồi?

Không cần đến tài liệu này, nhưng bây giờ những cách giải thích sau này đang tự tương đối hóa và chúng chỉ làm sâu sắc thêm, làm tăng thêm sự nhầm lẫn. Họ không thể giải thích sự khác biệt giữa phép lành phụng vụ và phép lành dành cho cá nhân. Họ đang đưa ra một hàm ý mơ hồ thay vì nói những gì hoàn toàn rõ ràng trong Tin Mừng, trong lời của Chúa Giêsu Kitô, được truyền lại cho chúng ta trong Cựu Ước và Tân Ước. Làm sao chúng ta, với tư cách là tín hữu của Chúa Giêsu Kitô, dám làm cho lời dạy này của Thiên Chúa trở nên không rõ ràng bằng sự ngụy biện của con người?

Thưa Đức Hồng Y, một số nhà bình luận nói rằng tài liệu này là cần thiết để ngăn chặn Giáo hội ở Đức, đặc biệt là việc tiến hành các phép lành phụng vụ đồng tính trên quy mô đầy đủ, rằng điều này sẽ giúp ngăn chặn một điều như vậy xảy ra. Đức Hồng Y nói gì với nó?

Chúng ta không thể giải quyết các vấn đề xung quanh các giám mục Đức bằng những thủ đoạn ngoại giao này. Chúng ta phải nói sự thật: Đó là sự báng bổ; rằng đó là một tội lỗi. Bạn có thể phản bội chính mình, bạn có thể phản bội người khác, nhưng không ai có thể phản bội Chúa. Chúng ta phải nói sự thật, không phải vì chúng ta là thánh và người khác là tội nhân. Nếu tôi rao giảng Phúc Âm, tôi ở dưới sự phán xét của Phúc Âm. Chính người giảng thuyết phải là gương mẫu cho mọi người. Ngài phải nỗ lực rất nhiều để nêu gương tốt, nhấn mạnh đức tin bằng sự đáng tin cậy của các nhà giảng thuyết. Nhưng ngài phải nói lời Thiên Chúa, lời làm cho chúng ta được tự do, chứ không phải tỏ ra mình là người phóng khoáng và cởi mở hơn Thiên Chúa, Đấng đã hiến tế Con của mình để cứu rỗi thế giới.

Thưa Đức Hồng Y, ngài nói gì với quan điểm cho rằng, trong nền văn hóa tình dục hóa quá mức của chúng ta, với nhiều người bị tổn thương bởi hậu quả bi thảm của cái gọi là cuộc cách mạng tình dục, một tài liệu như vậy là cần thiết vì không có cách nào khác để tiếp cận những người này, để đưa họ trở lại nhà thờ?

Những người này được đưa đến Giáo hội không phải bằng cách tương đối hóa chân lý và ân sủng rẻ tiền, mà bằng Tin Mừng thuần khiết của Chúa Kitô. Trước sự yếu đuối của con người, nhất là trong lĩnh vực tính dục, Chúa Giêsu không hề tỏ ra thông cảm với việc ngoại tình, nhưng nói rằng ai nhìn phụ nữ một cách thèm muốn thì trong lòng đã ngoại tình rồi, tức là đã vi phạm Điều Răn Thứ Sáu của Thiên Chúa trong Mười Điều Răn và do đó từ bỏ sự sống của Thiên Chúa và sự thật của Ngài (Mt 5:28).

Thưa Đức Hồng Y, một lời chỉ trích khác đối với tài liệu không chỉ ở nội dung mà còn ở những gì nó còn thiếu. Chẳng hạn, tài liệu không hề đề cập đến tội lỗi của quan hệ tình dục ngoài hôn nhân hoặc các hành vi đồng giới, tầm quan trọng của sự ăn năn và mục đích kiên quyết sửa đổi, hoặc khuyến khích người đó đến với Chúa Kitô.

Họ tránh nó. Đối với họ, những người như thế chỉ gặp hoàn cảnh khó khăn vì sự yếu đuối của mình, nên họ phủ nhận sự tồn tại của tội lỗi, sẵn sàng cho phép làm điều sai trái và làm trái với thánh ý Chúa. Họ coi những người ấy chỉ là những người đáng thương, và chúng ta phải giúp đỡ họ.

Nhưng sự giúp đỡ của Chúa Giêsu Kitô là gì? Đó là sự giúp đỡ của ân sủng; đó là sự đổi mới của cuộc sống. Mọi người đều được mời gọi vào Nước Thiên Chúa. Vâng, mọi người đều được gọi. Sự cứu rỗi là cuộc sống mới trong Chúa Giêsu Kitô, được thoát khỏi tội lỗi, và không chỉ tôn trọng tiêu chuẩn đạo đức như một lý tưởng do giới thượng lưu đặt ra, hay những quy tắc do xã hội đặt ra, mà còn phải làm như vậy theo thánh ý của Chúa Giêsu. Đây là ý nghĩa của sự thánh hóa, và đó là niềm hạnh phúc đích thực khi đi theo con đường của Thiên Chúa. Đó là hạnh phúc đích thực – và không ngoan cố tái phạm tội lỗi.

Và điều đó không được đề cập trong tài liệu, phải không thưa Đức Hồng Y?

Không. Chưa bao giờ đề cập đến. Không có nhân chủng học rõ ràng, giáo lý rõ ràng: Ân sủng là gì? Tội lỗi là gì? Tội nguyên tổ là gì? Những tội lỗi cá nhân là gì? Phải làm gì với ý chí của chính bạn và sự hợp tác của ý chí tự do của bạn với ân sủng? Trong Công đồng Trentô, chúng ta có tài liệu tuyệt vời này về sự công chính hóa và tội nguyên tổ. Và Công Đồng nói rằng: “Với ân sủng của Chúa, không ai có thể nói rằng tội lỗi là không thể tránh được, không ai có thể nói rằng mình bị nguyền rủa và bị loại khỏi sự hiệp thông trọn vẹn của Giáo hội”. Điều cần thiết là thực sự quay lưng lại với tội lỗi và hoán cải hoàn toàn theo Chúa.

Như thế, Đức Hồng Y có nghĩ rằng, với những khuyết điểm và sai sót Tuyên ngôn Fiducia Supplicans, nên được rút lại và, như một số người đã yêu cầu, Đức Hồng Y Fernández nên từ chức?

Đó là một câu hỏi dành cho Đức Thánh Cha và là trách nhiệm của ngài. Nhưng tôi nghĩ với tất cả những cuộc phỏng vấn và diễn giải cách này cách khác, mọi thứ vẫn không khá hơn chút nào. Hãy quay trở lại với sự rõ ràng của lời Chúa, và những gì được nói trong Sách Giáo lý, chứ không phải cúi đầu trước ý thức hệ LGBT hoàn toàn sai lầm này. Điều đó không phải là hiện đại; nhưng là sự quay trở lại với chủ nghĩa ngoại giáo cũ. Bạn thấy điều đó trong thế giới Đông Phương, Rôma và Ba Tư ngoại giáo cổ xưa: Mọi người, ở mọi nơi đều cho phép các hành vi đồng tính luyến ái và quan hệ tình dục với trẻ vị thành niên, và họ không có tiêu chuẩn đạo đức cao như được đưa ra trong Mười Điều Răn. Nhưng mặt khác, Thánh Phaolô nói rằng ngay cả những người ngoại đạo, dưới ánh sáng của lý trí và lương tâm, cũng có thể hiểu được những gì được viết trong lòng họ mà chúng ta gọi luật luân lý tự nhiên.

J.B. Đặng Minh An dịch

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS