Luke Coppen của tạp chí mạng The Pillar, ngày 23 tháng 2 năm 2024, tường trình rằng Đức Giám Mục Georg Bätzing hôm thứ Năm cho biết rằng các giám mục Đức rất coi trọng lá thư gần đây của Vatican kêu gọi họ đừng tiến thêm một bước nào nữa tới việc thành lập một “hội đồng đồng nghị” thường trực gồm các giám mục và giáo dân.
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức cho biết vào ngày 22 tháng 2 rằng điều này được thể hiện qua quyết định không tổ chức bỏ phiếu về quy chế của một cơ quan được gọi là “ủy ban đồng nghị” tại cuộc họp toàn thể mùa xuân của các giám mục ở Augsburg, miền nam nước Đức.
Trong một lá thư ngày 16 tháng 2 gửi cho Bätzing, ba vị Hồng Y Vatican nói rằng một cuộc bỏ phiếu phê chuẩn các quy chế của ủy ban đồng nghị sẽ “trái với các hướng dẫn của Tòa thánh do ủy nhiệm đặc biệt của Đức Thánh Cha ban hành”.
Đáp lại, một cuộc bỏ phiếu về quy chế đã bị loại khỏi chương trình nghị sự của cuộc họp Augsburg vào đêm trước của hội nghị.
Ủy ban đồng nghị đã được thành lập vào tháng 11 năm ngoái sau khi những người tham gia “Con đường đồng nghị” 2019-2023 của Đức thông qua một nghị quyết kêu gọi thành lập một cơ quan giám mục và giáo dân để mở đường cho một hội đồng đồng nghị thường trực vào năm 2026.
Các Hồng Y Vatican nói rằng một hội đồng đồng nghị với quyền ra quyết định sâu rộng “không được luật Giáo hội hiện hành quy định và do đó, quyết định của hội đồng giám mục Đức về vấn đề này sẽ không hợp lệ – với những hậu quả pháp lý tương ứng”.
Bätzing nói rằng các giám mục “đã thảo luận sâu xa và chi tiết về ý nghĩa của lá thư” tại cuộc họp mặt ngày 19-22 tháng 2 tại Augsburg.
“Chúng tôi nhận thấy nhu cầu phải liên lạc tốt và thành công với những người có trách nhiệm ở Rome và sẽ sớm đưa các cuộc đàm phán này, bắt đầu từ tháng 7 năm ngoái, tiến thêm một bước nữa”, ngài nói, đề cập đến cuộc gặp giữa các giám mục Đức và các viên chức Vatican tại Rome vào ngày 26 tháng 7, 2023.
Bätzing nói rằng ủy ban đồng nghị cũng sẽ được thảo luận tại một phiên họp của hội nghị chung, nơi quy tụ các giám mục và các thành viên của Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức (ZdK), một cơ quan giáo dân đồng tài trợ cho Con đường đồng nghị với Hội đồng giám mục Đức.
Vị Giám mục này nói rằng các thành viên hội nghị chung sẽ nói về “tình hình có ý nghĩa gì đối với công việc trong ủy ban đồng nghị”.
Các thành viên ủy ban đồng nghị dự kiến sẽ tham dự cuộc họp toàn thể lần thứ hai tại Mainz vào tháng 6, nhưng việc thiếu sự chấp thuận của hội đồng giám mục đối với các quy chế của cơ quan có thể sẽ làm lu mờ cuộc họp.
“Chúng ta phải cùng nhau quyết định xem chúng ta có thể thực hiện công việc này như thế nào đối với các nhiệm vụ mà phiên họp đồng nghị đã giao cho chúng ta,” Bätzing nói, đề cập đến 150 trang nghị quyết của Con đường đồng nghị.
Ngài nói thêm rằng dự án đồng nghị của Đức sẽ tìm cách kết hợp những phát triển trong tiến trình Đồng nghị hoàn cầu, dự kiến sẽ lên đến tuyệt đỉnh tại Rome vào tháng 10.
Ngài cho biết: “Mục đích của chúng tôi là tập hợp tất cả các hoạt động và đấu tranh cho và xung quanh một Giáo hội đồng nghị một cách tốt đẹp. Tại thời điểm này, mục tiêu quan trọng nhất của chúng tôi là tìm ra con đường chung trước khi nói về nội dung.”
Ngài nhấn mạnh rằng các tiến trình đồng nghị ở Đức và hoàn cầu đang hướng tới “cùng một hướng – sự phát triển của Giáo hội”.
“Có nhiều phong cách, nhịp độ và giọng điệu khác nhau,” ngài nói. “Nhưng chúng giúp đưa những phát triển của Giáo hội thành một cuộc tham vấn ràng buộc với các tín hữu một cách minh bạch, đồng thời cởi mở và có trách nhiệm, để chúng ta có thể đưa ra những quyết định tốt hơn”.
Kết thúc nhận xét của mình về ủy ban đồng nghị, Bätzing nói: “Tôi muốn làm mọi điều có thể để giải quyết những mối quan ngại của Rome, được bày tỏ trong bức thư: Đây là về quan điểm của hàng giám mục. Tính đồng nghị không tìm cách làm suy yếu hàng giám mục, nhưng để củng cố nó”.
“Chúng tôi tin chắc rằng đây cũng là điều chúng tôi mong muốn với Con đường đồng nghị. Chúng tôi không muốn hạn chế thẩm quyền của giám mục, của các giám mục, dưới bất cứ hình thức nào”.
Tại cuộc họp ở Augsburg, các giám mục Đức cũng thảo luận về tình hình chính trị ở Đức. Trong những tháng gần đây, các nhóm giám mục khu vực đã bày tỏ sự lo ngại về sự trỗi dậy của các đảng được nhiều người mô tả là cực hữu, bao gồm cả đảng Alternative für Deutschland (AfD), đảng đang có số phiếu bầu tăng vọt.
Các giám mục đã nhất trí thông qua một tuyên bố dài bốn trang, “Chủ nghĩa quốc gia-sắc tộc và Kitô giáo không tương thích với nhau”, chỉ trích sự thay đổi cánh hữu của các cử tri Đức.
Các ngài nói: “Chúng tôi nói rất rõ ràng rằng chủ nghĩa quốc gia-sắc tộc không phù hợp với hình ảnh Kitô giáo về Thiên Chúa và con người”.
“Do đó, các đảng cực đoan cánh hữu và những đảng hoạt động tràn lan bên lề hệ tư tưởng này không thể trở thành nơi hoạt động chính trị cho các Kitô hữu và không thể được bầu chọn”.
“Việc phổ biến các khẩu hiệu cực đoan cánh hữu – bao gồm cả chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa bài Do Thái – cũng không phù hợp với việc phục vụ toàn thời gian hoặc tình nguyện trong Giáo hội”.