Giáo hội Papua New Guinea chuẩn bị tinh thần cho cuộc viếng thăm của ĐTC Phanxicô

Nghe bài này

Cha Victor Roche, thừa sai người Ấn Độ thuộc Dòng Ngôi Lời, đã truyền giáo ở Papua New Guinea từ năm 1982, và hiện là Giám đốc Quốc gia của Hội Giáo hoàng Truyền giáo (POM) cho biết, cộng đoàn Công giáo ở Papua New Guinea đang tích cực chuẩn bị đời sống thiêng liêng cho chuyến tông du của Đức Thánh Cha.

Cha Roche nói với hãng tin Fides của Bộ Loan báo Tin Mừng: “Cộng đoàn Công giáo ở Papua New Guinea đang rất phấn khởi đối với cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha vào tháng 9 tới. Sự xuất hiện của ngài được coi là một sự kiện ân sủng cho tất cả các cộng đồng của một quốc gia rộng lớn và đa dạng, với những đặc điểm và thực tế rất khác nhau, nơi nhìn nhận sự đóng góp nhân bản và tinh thần của đức tin Kitô”.

Cha cho biết, thông báo chính thức về cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha đã tạo ra niềm vui lớn. Việc chuẩn bị thiêng liêng đang được tiến hành, với những giờ cầu nguyện ở tất cả các giáo xứ và cộng đoàn. Một ý chỉ đặc biệt xin Chúa phù hộ Đức Thánh Cha có sức khoẻ tốt để ngài có thể tông du đến một vùng đất xa xôi, nơi dân Chúa, cũng như tất cả công dân khác sẽ chào đón ngài với niềm hạnh phúc và cảm xúc sâu sắc.

Bên cạnh đó, các cuộc gặp gỡ và hội thảo đang được tổ chức ở nhiều cộng đoàn nhằm giải thích cho mọi người về vai trò, chức năng, bản chất và sứ vụ của Đức Giáo Hoàng trong Giáo hội Công giáo. Nội dung chủ yếu giải thích cho mọi người hiểu rằng Đức Giáo Hoàng là một nhà lãnh đạo tinh thần nhưng cũng là nguyên thủ quốc gia.

Theo chương trình dự kiến, Đức Thánh Cha sẽ dừng chân ở hai địa điểm, thủ đô Port Moresby và Vanimo, nơi có một cộng đoàn Công giáo phát triển mạnh, nhiều nhà truyền giáo.

Đối với những vấn đề đang ảnh hưởng đến quốc gia hiện nay, Giám đốc Quốc gia của Hội Giáo hoàng Truyền giáo bày tỏ lòng biết ơn Đức Thánh Cha vì trong buổi tiếp kiến chung thứ Tư ngày 29/5 vừa qua đã bày tỏ sự gần gũi với tất cả những người dân bị ảnh hưởng bởi trận lở đất thảm hại ở Papua New Guinea.

Cha cho biết thêm, một điểm khác đang được cả quốc gia quan tâm trong lúc này là cuộc tranh luận về khả năng thay đổi hiến pháp, trong đó có liên quan đến Kitô giáo. Các Giám mục cho rằng trong phần mở đầu của hiến pháp đã đề cập đến Thiên Chúa, vì thế không cần phải thay đổi hiến pháp theo hướng ủng hộ một tôn giáo. Thực tế, Indonesia không phải là một quốc giáo, nhưng có đầy đủ quyền tự do tôn giáo, thờ phượng và được phép hoạt động rộng rãi, bằng chứng là phần lớn các trường học trong nước đều thuộc về Giáo hội.

Vatican News

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS