“Chỉ cần thấy nhiều nhà thờ của chúng tôi chật kín người trong Thánh lễ Chúa nhật cũng đủ để bạn sẽ nhận thấy rằng nhiều người châu Á di cư sang các nước khác vẫn giữ được đức tin sống động của mình”, Đức Hồng Y đã khẳng định như vậy khi mô tả về châu Á và châu Đại Dương, là những nơi sẽ được Đức Thánh Cha viếng thăm trong chuyến tông du sắp tới tại Indonesia, Papua New Guinea, Đông Timor và Singapore, từ ngày 02 đến ngày 13/9, đánh dấu chuyến tông du thứ 45 của ngài ở nước ngoài.
Trong cuộc phỏng vấn, Đức Hồng Y Bo còn nói về một Giáo hội ở châu Á, bất chấp những thách thức về chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường và văn hóa, và thực tế là dù không phải luôn dễ dàng sống đức tin Kitô giáo ở một số nơi trên lục địa, vẫn tiếp tục không chỉ sống động mà còn năng động theo những cách khác nhau.
Dưới đây là cuộc phỏng vấn của Vatican News với ĐHY Charles Bo:
Đức Thánh Cha Phanxicô đang chuẩn bị chuyến tông du thứ 45 tới Á châu và châu Đại Dương sau chuyến thăm gần đây nhất vào tháng 9 năm ngoái tại Mông Cổ. Theo Đức Hồng Y, cuộc viếng thăm lần này có tầm quan trọng như thế nào?
Với sự trợ giúp của các phương tiện truyền thông kỹ thuật số, ngày nay người châu Á nghe nói về Đức Thánh Cha nhiều hơn trước đây. Tuy nhiên, đa số nói chung, Đức Thánh Cha vẫn có phần “xa cách”.
Việc Đức Thánh Cha đến Á châu không chỉ tạo ra sự phấn khởi mà còn là lòng nhiệt thành đối với đức tin và mang lại cho người dân Á châu một ý thức mới về đức tin, bởi vì điều này chứng tỏ rằng các dân tộc châu Á không xa rời tâm trí và trái tim của Đức Thánh Cha.
Điều đáng khích lệ hơn nữa là Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn đến thăm các quốc gia nhỏ hơn, ít được thế giới biết đến, như Papua New Guinea và Đông Timor, trong chuyến viếng thăm châu Á này, một cuộc viếng thăm mang đến cho thế giới cơ hội biết các Giáo hội ở các quốc gia này. Mọi người rất phấn khởi không chỉ vì họ được gặp Đức Thánh Cha trực tiếp, nhưng tôi chắc chắn sẽ có một sự đổi mới trong đời sống và đức tin của các Giáo hội địa phương.
Với tư cách là Nguyên Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á châu, ĐHY cho biết sự đa dạng của các quốc gia châu Á làm cho chuyến viếng thăm này trở nên đặc biệt quan trọng như thế nào? Chẳng hạn, khi nghĩ đến sự giàu có của Singapore, sự nghèo đói của Papua New Guinea, Indonesia với đa số Hồi giáo, và đa số Công giáo của Đông Timor, thuộc địa cũ của Bồ Đào Nha. Điều gì thú vị cần lưu ý ở đây?
Điểm đặc biệt của châu Á nằm ở sự đa dạng về văn hóa, tôn giáo và truyền thống. Mặc dù Kitô hữu là thành phần thiểu số ở hầu hết các quốc gia châu Á, ngoại trừ Philippines và Đông Timor, nhưng chúng tôi thấy một đức tin đang tăng trưởng.
Các Giáo hội ở Á châu, mặc dù nhỏ, nhưng vẫn sống động và năng động. Đức Thánh Cha sẽ có cái nhìn trực tiếp về sự đa dạng năng động của các Giáo hội ở châu Á và cả đức tin của người dân. Dù giàu hay nghèo, đa số hay thiểu số, đức tin của người dân vẫn kiên định bất chấp những thách đố đa dạng mà họ phải đối diện ở các quốc gia khác nhau.
Giáo hội Hoàn vũ có thể học được gì từ Giáo hội tại Á châu?
Ba điều xuất hiện trong tâm trí tôi: hòa bình, hòa hợp, và điều làm cho hòa bình và hòa hợp trở thành hiện thực, đó là đối thoại. Mặc dù Giáo hội châu Á phải đối diện với nhiều thách đố, mục tiêu của chúng tôi là tìm kiếm hòa bình và hòa hợp. Mọi người đều tìm kiếm hòa bình và hòa hợp, và đó là lý do tại sao, khi phải đối diện với áp bức chính trị, nghèo đói, tàn phá khí hậu và nhiều hơn nữa, Giáo hội phải hợp tác với những người khác để khôi phục hòa bình và hòa hợp trong cuộc sống của những người bị ảnh hưởng trực tiếp.
Ở châu Á, chúng tôi học cách cộng tác, đối thoại và tôn trọng lẫn nhau. Nhưng trên hết, chúng tôi đã học được cách cùng tồn tại như anh chị em mặc dù có những khó khăn. Tôi tin rằng những con đường hòa bình và hòa hợp thông qua đối thoại là những gì châu Á có thể trao cho Giáo hội Hoàn vũ.
Đức Hồng Y có thể cho chúng con biết về chứng tá của Giáo hội tại Á châu không?
Các Giáo hội ở Á châu vẫn sống động và năng động. Chỉ cần thấy nhiều nhà thờ của chúng tôi chật kín người trong các Thánh lễ Chúa nhật là đủ chứng minh điều này. Bạn sẽ nhận thấy rằng nhiều người châu Á di cư sang các nước khác vẫn giữ cho đức tin của mình sống động. Họ là những nhà truyền giáo của chúng tôi cho các Giáo hội cổ kính. Họ mang đến một niềm hy vọng và nhiệt thành mới cho những “ngôi nhà mới” này của họ.
Chúng tôi cũng đang chứng kiến nhiều Giáo hội bị bách hại trên khắp châu Á. Không phải lúc nào cũng dễ dàng để sống đức tin Kitô giáo ở một số nơi của châu Á. Bất chấp những thách đố như chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa, đức tin của các tín hữu vẫn tiếp tục không chỉ sống động mà còn năng động theo những cách khác nhau.
Giáo hội tại Á châu, hay tại mỗi trong bốn Giáo hội sẽ được Đức Thánh Cha viếng thăm, cần điều gì từ Giáo hội? Hay từ xã hội của họ?
Đối với tôi, thật khó để nói các Giáo hội cần điều gì từ Giáo hội, nhưng tôi cầu nguyện để chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha mang lại một lòng nhiệt thành đổi mới đối với đức tin và tinh thần cởi mở hơn để sống trong hòa bình và chăm sóc lẫn nhau như anh chị em, mỗi người quan tâm đến nhau bất kể bất kỳ sự khác biệt nào mà chúng ta có thể có.
Đức Thánh Cha đã đến thăm Đức Hồng Y ở Myanmar trước khi đến Bangladesh, và tương tự như vậy, chúng ta có thể nhớ lại cảm xúc của ngài khi trở lại châu Á trước đại dịch cho chuyến đi đến Nhật Bản và Thái Lan. Chuyến đi châu Á này sẽ tạo ra những kỷ niệm mới như thế nào?
Mỗi cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha đều độc đáo và mới mẻ. Tôi chắc chắn rằng Đức Thánh Cha sẽ có một thông điệp dành cho châu Á trong chuyến viếng thăm này, giống như ngài đã làm trong các chuyến viếng thăm trước đây và tôi chắc chắn rằng những kỷ niệm sẽ đến một cách tự nhiên và đúng lúc để trải nghiệm những hiệu quả của chúng.
Tuy nhiên, niềm hy vọng của riêng tôi là chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha sẽ mang lại một sự đổi mới trong đời sống và đức tin của các Giáo hội tại Á châu để trở thành những chứng nhân sống động cho thế giới của Giáo hội phong phú của chúng ta.
Đức Hồng Y tin rằng chủ đề khí hậu và chăm sóc môi trường sẽ đóng vai trò như thế nào, vì khu vực này đang ngày càng bị ảnh hưởng bởi các thảm họa thiên nhiên do khủng hoảng khí hậu gây ra?
Những tác động của biến đổi khí hậu đang tàn phá ở châu Á. Vì chủ đề chăm sóc khí hậu gần gũi với trái tim của Đức Thánh Cha, tôi chắc chắn ngài sẽ đề cập đến vấn đề này.
Chúng ta không còn có thể là người ngoài cuộc nhưng phải tích cực tham gia vào việc thúc đẩy chăm sóc khí hậu vì lợi ích chung của tất cả mọi người. Giáo hội ở châu Á cũng phải là một nhân vật chính trong việc mang lại sự thay đổi này trong khu vực và trên thế giới.
Vatican News