Nhà thờ Chính toà Đức Mẹ Vô Nhiễm
Nhà thờ Chính toà Đức Mẹ Vô Nhiễm nằm tại trung tâm thủ đô Dili, được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II cung hiến năm 1989, một năm sau ngày khánh thành. Là một trong những nhà thờ lớn nhất của Đông Nam Á, ngôi thánh đường được thiết kế hiện đại, với mặt tiền màu trắng và bên cạnh là toà tháp cao. Ngay lối vào có tượng Đức Mẹ, cùng với cửa sổ kính màu. Bên trong được trang hoàng đơn giản, tạo cảm giác yên tĩnh và tôn nghiêm. Toà nhà được bao quanh bởi một bãi cỏ xanh mướt và có lối vào qua một cánh cổng với hai thiên thần thổi kèn hai bên.
Buổi gặp gỡ
Khi đến nơi, giữa tiếng chào mừng rộn vang của mọi người, Đức Thánh Cha tiến đến sân Nhà thờ Chính Toà, và được Đức Hồng Y Virgílio do Carmo da Silva, S.D.B., Tổng Giám mục Dili đợi sẵn chào đón cùng hai em bé tặng hoa cho ngài, trong lúc một nhóm chào mừng ngài bằng những điệu nhảy.
Tiếp đến Đức Thánh Cha vào nhà thờ qua lối chính, linh mục chánh xứ trao Thánh giá cho Đức Thánh Cha hôn và nước thánh để rảy. Trước khi tới bàn thờ, Đức Thánh Cha dừng lại chào thăm một nhóm người khuyết tật, trong lúc đó cộng đoàn hát thánh ca.
Ở bên lề thế giới nhưng Đông Timor là trung tâm của Tin Mừng
Sau chứng từ của một nữ tu, một linh mục và một giáo lý viên, Đức Thánh Cha bắt đầu bài nói chuyện bằng cách nhận xét rằng mặc dù Đông Timor nằm “ở bên lề của thế giới” nhưng quốc gia này ở trung tâm của Tin Mừng. Ngài nói: “Chúng ta biết, trong trái tim Chúa Kitô những vùng ngoại vi hiện sinh là trung tâm. Thực vậy, trong Tin Mừng có rất nhiều người, những khuôn mặt và những câu chuyện ở bên lề, vùng ngoại biên, nhưng được Chúa Giêsu kêu gọi và trở thành những nhân vật chính của niềm hy vọng mà Người đến để mang lại”.
Hương thơm của Chúa Kitô và Tin Mừng
Đề cập đến hoạt động loan báo Tin Mừng của các linh mục, tu sĩ và giáo lý viên, Đức Thánh Cha nhắc đến Tin Mừng Gioan thuật lại việc bà Maria “lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Chúa Giêsu, rối lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm” (Ga 12, 3). Ngài mời gọi mọi người suy tư về hương thơm này, hương thơm của Chúa Kitô và Tin Mừng của Người.
Giữ gìn hương thơm
Trước hết giữ gìn hương thơm. Về điều này, Đức Thánh Cha nhắc nhở cần phải luôn quay trở lại nguồn gốc của hồng ân đã lãnh nhận, của việc chúng ta là Kitô hữu, linh mục, tu sĩ hay giáo lý viên. Chúng ta đã lãnh nhận chính sự sống của Thiên Chúa qua Con của Người là Chúa Giêsu, Đấng đã chết vì chúng ta và ban cho chúng ta Thánh Thần. Chúng ta đã được xức dầu vui mừng như Thánh Tông Đồ Phaolô đã xác tín (2Cr 2,15).
Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Anh chị em là hương thơm của Chúa Kitô! Và biểu tượng này không xa lạ với anh chị em: ở đây tại Timor, thực tế, gỗ đàn hương mọc rất nhiều, với hương thơm của nó được nhiều dân tộc và quốc gia khác đánh giá cao và tìm kiếm. Chính Kinh Thánh ca ngợi giá trị của loại cây này khi kể lại nữ hoàng Saba đã đến thăm vua Solomon và tặng gỗ đàn hương cho nhà vua (1V 10,12). Anh chị em là hương thơm của Tin Mừng ở đất nước này. Như cây đàn hương, thường xanh, mạnh mẽ, phát triển và sinh hoa trái, anh chị em là những môn đệ truyền giáo mang hương thơm của Chúa Thánh Thần để làm cho đời sống của người dân ‘say nồng’”.
Và Đức Thánh Cha nhắc nhở mọi người phải giữ gìn cẩn thận hương thơm đã lãnh nhận, theo mẫu gương của Maria Betania. Chúng ta cũng phải giữ gìn tình yêu mà Chúa đã xức cho chúng ta, để không tan biến và mất hương thơm. Điều này có nghĩa là gì? Có nghĩa là ý thức về ân ban nhận được, nhắc nhở mình rằng hương thơm không dành cho chính chúng ta nhưng để xức chân Chúa Kitô, loan báo Tin Mừng và phục vụ người nghèo, có nghĩa là luôn cảnh giác vì tinh thần thế gian và sự tầm thường luôn rình rập.
Từ điểm này, Đức Thánh Cha còn nhắc nhở mọi người nhìn vào lịch sử để biết ơn các nhà truyền giáo đã gieo hạt giống đức tin cho vùng đất này. Hơn nữa còn phải luôn thổi bùng ngọn lửa đức tin, qua việc đào sâu kiến thức về giáo lý Kitô giáo, để trưởng thành trong việc đào tạo thiêng liêng, giáo lý và thần học. Bởi vì tất cả những điều này phục vụ để loan báo Tin Mừng, và đồng thời, để thanh tẩy nó khỏi những hình thức và truyền thống cổ xưa và đôi khi mê tín.
Lan tỏa hương thơm
Về khía cạnh thứ hai lan tỏa hương thơm, Đức Thánh Cha giải thích rằng, Giáo hội hiện hữu để rao giảng giảng Tin Mừng, và chúng ta được mời gọi mang đến cho người khác hương thơm dịu dàng của đời sống mới Tin Mừng. Maria Betania không sử dụng dầu thơm quý giá để trang điểm bản thân, nhưng để xức chân Chúa Giêsu, và vì thế bà làm cho hương thơm lan toả khắp nhà. Thật vậy, Tin Mừng Máccô chỉ rõ rằng bà Maria, để xức chân Chúa Giêsu, đã đập bình bạch ngọc đựng dầu thơm (Mc 14, 3). Hoạt động loan Tin Mừng diễn ra khi chúng ta có can đảm “đập vỡ” bình chứa dầu thơm, đập vỡ “cái vỏ” thường làm chúng ta khép kín chính mình và để lại đàng sau một tôn giáo lười biếng, thoải mái, chỉ phục vụ cho nhu cầu cá nhân. Giáo hội cần phải chuyển động, không đứng yên, không xoay quanh chính mình, nhưng được đốt cháy bởi niềm say mê mang lại niềm vui Tin mừng cho tất cả mọi người.
Đi vào hoàn cảnh thực tế của Đông Timor Đức Thánh Cha nói đất nước này bắt nguồn từ một lịch sử Kitô giáo lâu dài, cũng cần một động lực đổi mới hướng tới việc rao giảng Tin Mừng, để hương thơm Tin Mừng có thể đến với mọi người: một hương thơm của hòa giải và hòa bình sau những năm đau khổ của chiến tranh; một hương thơm của lòng trắc ẩn, giúp người nghèo đứng dậy và truyền cảm hứng cho một cam kết đổi mới để phục hồi phúc lợi kinh tế và xã hội của đất nước; một hương thơm của công lý chống tham nhũng. Đặc biệt, hương thơm Tin Mừng phải được lan tỏa chống lại tất cả những gì hạ nhục, làm biến dạng và thậm chí hủy hoại cuộc sống con người, chống lại những vết thương tạo ra sự trống rỗng và đau khổ bên trong như nghiện rượu, bạo lực, thiếu tôn trọng phẩm giá phụ nữ. Tin Mừng Chúa Giêsu có sức mạnh biến đổi những thực tại đen tối này và tạo ra một xã hội mới.
Theo ngài, thế giới ngày nay cần có tia sáng Tin Mừng này; và, do đó, cần có các linh mục, tu sĩ và giáo lý viên nhiệt tình, sẵn sàng và sáng tạo. Đặc biệt với các linh mục, ngài nói: “Tôi đã nghe biết dân chúng rất quý trọng anh em, gọi anh em là ‘Amu’, một danh hiệu quan trọng nhất ở đây, có nghĩa là ‘ngài’. Tuy nhiên, điều này không được làm cho anh em cảm thấy vượt trội hơn mọi người, dẫn anh em vào cám dỗ kiêu hãnh và quyền lực. Điều này không được làm cho anh em nghĩ về sứ vụ của mình như một uy tín xã hội, hành động như những nhà lãnh đạo đè bẹp người khác. Chúng ta hãy nhớ điều này: chân Chúa Kitô được xức dầu thơm, là đôi chân của anh chị em chúng ta trong đức tin, bắt đầu từ những người nghèo nhất. Cử chỉ mà các tín hữu ở đây làm khi gặp các linh mục thật ý nghĩa: họ cầm bàn tay thánh hiến của anh em và đưa lên trán của họ như một dấu chỉ phúc lành. Thật đẹp khi thấy nơi dấu chỉ này tình cảm Dân thánh Chúa, bởi vì linh mục là một khí cụ phúc lành: linh mục không bao giờ được lợi dụng vai trò của mình, phải luôn chúc lành, an ủi, là thừa tác viên của lòng trắc ẩn và là dấu chỉ của lòng thương xót Chúa”.
Kết thúc bài nói chuyện, Đức Thánh Cha trích lời của nhà ngoại giao Bồ Đào Nha của những năm 1500, Tomé Pires: “Các thương nhân Malaysia nói rằng Thiên Chúa đã tạo ra Timor cho gỗ đàn hương”, tuy nhiên theo ngài, có một hương thơm khác, hương thơm của Chúa Kitô và Tin Mừng, làm phong phú cuộc sống và lấp đầy nó bằng niềm vui.
Ngài mời gọi mọi các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo lý viên không nản lòng, đồng thời nhắc lại lời chứng của linh mục trước đó đã nói : “Thiên Chúa biết cách chăm sóc những người mà Người đã kêu gọi và sai đi trong sứ vụ của Người”.
Cuối buổi gặp gỡ, Đức Thánh Cha ban phép lành cho tất cả mọi người. Sau đó, ngài đã làm phép những viên đá đầu tiên từ ba giáo phận của Đông Timor. Kết thúc buổi gặp gỡ, Đức Thánh Cha trở về Toà Sứ Thần cách đó 1,4km để nghỉ trưa.
Vatican News