Tại Nhà hát của Trung tâm Văn hoá Đại học của “Đại học Quốc gia Singapore” có khoảng 1.000 người hiện diện, bao gồm các giới chức chính trị và tôn giáo, ngoại giao đoàn, giới doanh nhân, các đại diện xã hội dân sự và văn hóa, tham dự cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha.
Trong diễn văn đáp từ, trước hết, Đức Thánh Cha cảm ơn sự chào đón dành cho ngài tại thành phố là ngã tư thương mại có tầm quan trọng hàng đầu và là nơi gặp gỡ giữa các dân tộc khác nhau.
Singapore thành phố thịnh vượng về kinh tế và coi trọng công bằng xã hội và lợi ích chung
Ca ngợi sự phát triển kinh tế của Singapore nhờ tài năng của con người, sự năng động của xã hội Singapore và sự nhạy bén của tinh thần kinh doanh, ca ngợi sự tăng trưởng và khả năng phục hồi nhờ sự dấn thân không ngừng để hoàn thành các dự án, các sáng kiến được cân nhắc kỹ lưỡng, phù hợp với các nét đặc thù của nơi này, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng Singapore không chỉ thịnh vượng về kinh tế mà còn nỗ lực xây dựng một xã hội trong đó công bằng xã hội và lợi ích chung được coi trọng. Ngài đưa ra ví dụ như việc cải thiện điều kiện sống của người dân thông qua các chính sách nhà ở công cộng, giáo dục chất lượng cao và hệ thống chăm sóc sức khỏe hiệu quả.
Trong khi lưu ý về nguy cơ của một chủ nghĩa thực dụng và một sự đề cao công trạng, có thể cách vô thức dẫn đến việc loại trừ những người ở bên lề, Đức Thánh Cha khen ngợi nhiều chính sách và sáng kiến khác nhau được đưa ra để hỗ trợ những người yếu thế nhất, và bảo vệ phẩm giá của những người lao động nhập cư, những người đóng góp to lớn vào việc xây dựng xã hội và những người phải được đảm bảo mức lương công bằng.
Đức Thánh Cha cũng lưu ý rằng “việc sử dụng các công nghệ phức tạp của thời đại kỹ thuật số và sự phát triển nhanh chóng trong việc sử dụng trí tuệ nhân tạo không thể làm cho chúng ta quên rằng điều thiết yếu là phải vun trồng những mối quan hệ thực sự và cụ thể giữa con người với nhau; và rằng những công nghệ này có thể được khai thác một cách chính xác để đưa chúng ta đến gần nhau hơn, thúc đẩy sự hiểu biết và liên đới, chứ không phải để cô lập chúng ta một cách nguy hiểm trong một thực tế hư cấu và không thể nắm bắt được”.
Singapore là nơi chung sống hài hòa giữa các sắc tộc, văn hóa và tôn giáo
Đức Thánh Cha cũng ca ngợi sự chung sống hài hòa giữa các sắc tộc, văn hóa và tôn giáo ở Singapore. Ngài nhận định rằng “việc đạt được và duy trì sự bao gồm tích cực này được hỗ trợ bởi tính công bằng của các tổ chức công, dấn thân vào cuộc đối thoại mang tính xây dựng với mọi người, giúp mọi người có thể đóng góp công sức riêng cho lợi ích chung và không cho phép chủ nghĩa cực đoan và sự bất bao dung có được sức mạnh và gây nguy hiểm cho hòa bình xã hội. Sự tôn trọng lẫn nhau, hợp tác, đối thoại và quyền tự do bày tỏ niềm tin của mình vào sự trung thành với luật chung là những điều kiện quyết định cho sự thành công và ổn định mà Singapore đạt được, những yêu cầu cho sự phát triển không xung đột và hỗn loạn, nhưng cân bằng và bền vững”.
Giáo hội Công giáo cống hiến và đóng góp cho xã hội Singapore
Tiếp tục bài diễn văn, Đức Thánh Cha nói đến sự cống hiến và đóng góp cho xã hội của Giáo hội Công giáo ở Singapore, đặc biệt là trong các lĩnh vực giáo dục và y tế, tận dụng tinh thần hy sinh và cống hiến của các nhà truyền giáo và tín hữu Công giáo. Ngài nói: “Luôn được Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô hướng dẫn, cộng đồng Công giáo cũng đi đầu trong các công việc bác ái, đóng góp đáng kể vào các nỗ lực nhân đạo và quản lý một số cơ sở y tế và nhiều tổ chức nhân đạo, bao gồm cả Caritas vì mục đích này”.
“Hơn nữa, Giáo hội – theo những chỉ dẫn của Tuyên bố Nostra aetate của Công đồng Vatican II về quan hệ với các tôn giáo ngoài Kitô giáo – đã không ngừng thúc đẩy đối thoại và hợp tác liên tôn giữa các cộng đồng đức tin khác nhau, với tinh thần cởi mở và tôn trọng lẫn nhau, nền tảng để xây dựng một xã hội công bằng và hòa bình”.
Trong tư cách là Người kế vị Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha nói rằng ngài viếng thăm Singapore “nhằm mục đích củng cố đức tin của người Công giáo và khuyến khích họ tiếp tục cộng tác với tất cả những người nam nữ có thiện chí bằng niềm vui và sự cống hiến, nhằm xây dựng một xã hội dân sự lành mạnh và gắn kết, vì lợi ích chung và vì một chứng tá sáng ngời như pha lê về đức tin của chính họ”.
Singapore hoạt động vì sự liên đới và tình huynh đệ của nhân loại
Theo Đức Thánh Cha, Singapore cũng có một vai trò cụ thể trong trật tự quốc tế đang bị đe dọa bởi các cuộc xung đột và chiến tranh đẫm máu. Ngài đề cao việc Singapore thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và một trật tự dựa trên các quy tắc được tất cả các bên chia sẻ và khuyến khích họ tiếp tục làm việc vì sự liên đới và tình huynh đệ của nhân loại, vì lợi ích chung của mọi dân tộc, mọi quốc gia, với sự hiểu biết không loại trừ hoặc hạn hẹp về lợi ích quốc gia.
Cần nỗ lực bảo vệ và hỗ trợ sự hiệp nhất của gia đình
Đặc biệt, Đức Thánh Cha nhắc đến “vai trò của gia đình, nơi đầu tiên mà mọi người học cách liên hệ với người khác, để được yêu thương và yêu thương”. Ngài lưu ý rằng “trong điều kiện xã hội hiện nay, nền tảng mà gia đình dựa vào đang bị đặt dấu hỏi và có nguy cơ bị suy yếu”. Do đó, “Các gia đình phải được đặt vào vị trí để truyền tải những giá trị mang lại ý nghĩa và định hình cho cuộc sống cũng như dạy người trẻ hình thành những mối quan hệ vững chắc và lành mạnh. Do đó, những nỗ lực nhằm cổ vũ, bảo vệ và hỗ trợ sự hiệp nhất của gia đình thông qua hoạt động của nhiều tổ chức khác nhau cần được khen ngợi”.
Singapore là tấm gương trong việc bảo vệ môi trường
Nói đến thời đại khủng hoảng môi trường, Đức Thánh Cha nhận định rằng với vị trí độc đáo, Singapore có thể tiếp cận vốn, công nghệ và tài năng, những nguồn lực có thể thúc đẩy sự đổi mới để chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta. Ngài đề cao sự dấn thân của Singapore cho sự phát triển bền vững và bảo vệ thiên nhiên là một tấm gương để noi theo và việc tìm kiếm các giải pháp sáng tạo để giải quyết các thách thức môi trường có thể khuyến khích các quốc gia khác làm điều tương tự.
Cuối cùng, theo Đức Thánh Cha, “Singapore là một tấm gương sáng về những gì nhân loại có thể đạt được bằng cách hợp tác hài hòa, có tinh thần trách nhiệm và tinh thần liên đới và tình huynh đệ”. Ngài khuyến khích họ tiếp tục con đường này, “tin tưởng vào lời hứa của Thiên Chúa và vào tình phụ tử của Người dành cho tất cả mọi người”.
Kết thúc bài diễn văn, Đức Thánh Cha cầu xin Thiên Chúa giúp các lãnh đạo Singapore đáp ứng những nhu cầu và mong đợi của người dân, đồng thời xin Chúa giúp họ cảm nghiệm rằng: với những người luôn khiêm tốn và biết ơn, Chúa có thể hoàn thành những điều vĩ đại vì lợi ích của tất cả mọi người”.
Vào cuối cuộc gặp gỡ, Đức Thánh Cha di chuyển về nơi ngài cư trú ở Trung tâm Tĩnh tâm Thánh Phanxicô Xaviê cách đó hơn 31 km.
Hồng Thủy – Vatican News