Nhà Abraham nằm trên đỉnh đồi ở trung tâm khu phố Hồi giáo Ras al-Amud ở Đông Giêrusalem. Từ đây, tầm nhìn trải dài qua các bức tường của Giêrusalem.
Giám đốc Nhà Arbraham, Bernard Thibaud giải thích: “Chúng tôi tiếp đón những người hành hương thuộc mọi tôn giáo, đặc biệt những người nghèo nhất. Đây là sứ vụ mà Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã giao phó cho chúng tôi vào năm 1964. Chúng tôi cũng được yêu cầu thúc đẩy cuộc gặp gỡ với cư dân trong khu phố”.
Dịp kỷ niệm 60 năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi sứ điệp khích lệ họ “tiếp tục hoạt động bác ái này, để ngôi nhà luôn là nơi chào đón, gặp gỡ và đối thoại cho tất cả con cái Abraham, những người chân thành tìm kiếm tương quan với Thiên Chúa và với người lân cận”. Đức Thánh Cha cũng bày tỏ mong muốn Con đường “sẽ là dấu chỉ của hy vọng, truyền cảm hứng cho mọi người và các nhà lãnh đạo trong khu vực hướng đến hoà bình”.
Vào ngày 14/9, Đức cha William Shomali, Đại diện của Tòa Thượng Phụ Latinh Giêrusalem, đã làm phép Đường hành hương hy vọng trước sự hiện diện của nhiều linh mục, tu sĩ, các Kitô hữu, các tín đồ Hồi giáo và Do Thái giáo.
Đường hành hương hy vọng được hình thành như một sự phản ánh về sứ vụ của Nhà Abraham. Tuyến đường quanh co bên dưới khu vườn và sân hiên của ngôi nhà, được đánh dấu bằng 15 trạm với những tấm bảng trên đó có viết những câu Kinh thánh Kitô giáo, Kinh thánh Do Thái và Kinh Koran.
Giám đốc Thibaud giải thích rằng những lời được lấy từ các giá trị Kitô giáo, nhưng mọi người thuộc mọi tôn giáo đều có thể tìm thấy cảm hứng. Thông điệp chủ yếu là lòng hiếu khách, lòng thương xót.
Phần đầu con đường tập trung vào lòng hiếu khách và bao gồm năm chặng dừng chân. Một biểu tượng mô tả Abraham và Sarah chào đón ba người khách lạ. Như thế, bắt đầu hành trình, mọi người được mời gọi suy ngẫm về cuộc gặp gỡ với vĩnh cửu qua sự chào đón vô điều kiện những khách lạ. Phần thứ hai được gọi là “Đức tin và bác ái”, bao gồm bốn chặng: đức tin của Abraham, người đã sẵn sàng hiến dâng người con duy nhất trên Núi Moria.
Phần thứ ba có tựa đề “Cầu nguyện và hiếu khách” và có ba chặng. Mục đích là để tôn vinh lịch sử của ngôi nhà, từng là nhà của cộng đoàn các đan sĩ Biển Đức và chủng viện Công giáo Syria. Phần cuối cùng về “Lòng thương xót và sự phục vụ”. Đường hành hương kết thúc trước biểu tượng “rửa chân”.
Vatican News