Nội dung cuộc gặp gỡ riêng với các tu sĩ Dòng Tên, trong chuyến tông du đến Indonesia, Papua New Guinea, Đông Timor và Singapore từ ngày 3 đến 13/9/2024 vừa qua, đã được tạp chí Văn minh Công giáo (La Civiltà Cattolica) công bố ngày 24/9.
Nhắc lại chuyến tông du đến Myanmar vào tháng 12/2017 Đức Thánh Cha cho biết ngài đã nói chuyện với bà Aung San Suu Kyi, từng là thủ tướng và hiện đang ở trong tù. Rồi sau đó, khi đến thăm Bangladesh, ngài đã gặp người Rohingya, nhóm tín đồ Hồi giáo bị quân đội Myanmar đàn áp phải chạy trốn.
Trả lời câu hỏi của một tu sĩ đến từ Myanmar xin lời khuyên về những gì cần làm sau ba năm xung đột dân sự, Đức Thánh Cha cho rằng “không có câu trả lời chung cho câu hỏi này”, nhưng nhắc lại sự cần thiết của hòa bình: “Ở Myanmar ngày nay người ta không thể im lặng: phải làm gì đó! Tương lai của đất nước phải là hòa bình dựa trên sự tôn trọng phẩm giá và quyền lợi của tất cả mọi người, tôn trọng một trật tự dân chủ cho phép mọi người đóng góp cho công ích”.
Đức Thánh Cha nói thêm với tu sĩ Dòng Tên người Myanmar: “Hiện nay, bà Aung San Suu Kyi là một biểu tượng. Và các biểu tượng chính trị phải được bảo vệ. Thầy có nhớ vị nữ tu quỳ gối và giơ tay lên trước mặt những người lính không? Hình ảnh này đã đi khắp thế giới. Tôi cầu nguyện cho các bạn trẻ, để các bạn có thể can đảm như thế. Giáo hội của đất nước các bạn thật can đảm”.
Cuộc đảo chính của chính quyền quân sự đã làm chấm dứt một thập kỷ mở cửa dân chủ và bắt đầu một cuộc xung đột nội bộ, mà theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, đang gây ra ngày càng nhiều nạn nhân là dân thường. Theo báo cáo của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Volker Turk, từ tháng 4/2023 đến tháng 6/2024, số vụ giết người đã tăng 50%. Trong cùng thời gian đó, ít nhất 9 ngàn người đã bị bắt và được cho là đã bị chuyển đến các trung tâm huấn luyện quân sự.
Bà Aung San Suu Kyi, 79 tuổi, nhận giải Nobel Hòa bình năm 1991, sau 15 năm ngồi tù vì phản đối chế độ độc tài quân sự, đã đắc cử lần đầu tiên trong cuộc bầu cử bổ sung năm 2012. Ba năm sau, đảng của bà, Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ đã giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử được coi là tự do đầu tiên của đất nước. Sau khi đảm nhận vai trò Cố vấn Nhà nước, bà bắt đầu thực hiện một loạt cải cách dân chủ.
Tình hình chính trị trở nên tồi tệ vào đầu năm 2021, khi quân đội buộc tội bà Aung San Suu Kyi về một loạt tội phạm bịa đặt, vì thế bà phải đối mặt với mức án lên tới 30 năm tù. Mặc dù các báo cáo cho biết bà đã bị quản thúc tại gia vào tháng 4, gia đình bà vẫn không biết chính xác bà đang ở đâu. Hiện chưa rõ tình trạng sức khỏe của bà sau khi bà bị cấm tiếp xúc với thế giới bên ngoài, bao gồm cả luật sư.
Vatican News