Đây là Hội nghị đầu tiên của nhóm các nước G7 về các chủ đề hòa nhập và khuyết tật. Hội nghị diễn ra từ ngày 14 đến 17/10/2024 tại Solfagnano và Assisi, thành phố của thánh Phanxicô, với sự tham dự của các Bộ trưởng phụ trách về người khuyết tật của các quốc gia thành viên, cụ thể là Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản, Đức, Pháp, Vương quốc Anh và Ý, để thảo luận và cam kết thực hiện các chính sách hòa nhập và bình đẳng hóa người dân.
Mở đầu bài nói chuyện, Đức Thánh Cha nhận định rằng “Cuộc gặp gỡ này, nhân hội nghị G7, là một dấu hiệu cụ thể cho thấy mong muốn xây dựng một thế giới công bằng và hòa nhập hơn, nơi mỗi người, với khả năng của mình, có thể sống trọn vẹn và đóng góp cho sự phát triển của xã hội”.
Không ai phải là nạn nhân của nền văn hóa vứt bỏ
Nhắc đến “Hiến chương Solfagnano”, được ký kết vào ngày 16/10/2024 về các vấn đề cơ bản như hòa nhập, khả năng tiếp cận, cuộc sống độc lập và bình đẳng hóa con người, Đức Thánh Cha khẳng định rằng “những chủ đề này phù hợp với tầm nhìn của Giáo hội về phẩm giá con người: Mỗi người là một phần không thể thiếu của đại gia đình và không ai phải là nạn nhân của nền văn hóa vứt bỏ, vốn tạo ra những thành kiến và gây thiệt hại cho xã hội”.
Xóa mọi rào cản để mọi người đóng góp cho công ích
Tiếp tục bài diễn văn, Đức Thánh Cha nói rằng “việc hòa nhập người khuyết tật phải được tất cả các quốc gia công nhận là ưu tiên hàng đầu”. Ngài giải thích: “Tạo ra một thế giới hòa nhập không chỉ có nghĩa là thích ứng với các cơ cấu mà còn thay đổi nhận thức để người khuyết tật được coi là những người tham gia đầy đủ vào đời sống xã hội”. Do đó cần tạo nên khả năng tiếp cận phổ quát, xóa bỏ mọi rào cản về thể chất, xã hội, văn hóa và tôn giáo, cho phép mọi người sử dụng tài năng của mình và đóng góp cho công ích”.
Mang lại cơ hội làm việc cho người khuyết tật
Do đó, theo Đức Thánh Cha, điều quan trọng là phải giúp người khuyết tật có thể lựa chọn con đường riêng cho họ trong cuộc sống, giải phóng họ khỏi xiềng xích định kiến. Điều này có nghĩa là đánh giá cao khả năng của mọi người, mang lại cơ hội làm việc tốt. “Một hình thức phân biệt đối xử nghiêm trọng là loại trừ khả năng làm việc của một người nào đó” (xem Fratelli tutti, 162).
Công nghệ mới giúp phá bỏ sự bất bình đẳng
Đức Thánh Cha cũng lưu ý rằng “các công nghệ mới cũng có thể là công cụ mạnh mẽ để thu hút và tham gia nếu tất cả mọi người đều có thể tiếp cận được. Chúng phải hướng tới công ích, phục vụ nền văn hóa gặp gỡ và liên đới. Công nghệ phải được sử dụng một cách khôn ngoan để nó không tạo thêm bất bình đẳng mà thay vào đó trở thành một phương tiện để phá bỏ chúng”.
Bảo vệ và hỗ trợ người khuyết tật trước cuộc khủng hoảng môi trường
Cuối cùng, Đức Thánh Cha nhắc đến các trường hợp khẩn cấp về nhân đạo liên quan đến các cuộc khủng hoảng và xung đột về khí hậu vốn ảnh hưởng nặng nề đến những người dễ bị tổn thương nhất, bao gồm cả những người khuyết tật (xem Thông điệp Laudato si’, 25). Ngài nói: “Nhiệm vụ của chúng ta là đảm bảo rằng người khuyết tật không bị bỏ lại phía sau trong những tình huống này và họ được bảo vệ và hỗ trợ một cách thích hợp”.
Hồng Thủy – Vatican News