Đức Tổng Giám Mục chia sẻ về ơn gọi của ngài: “Để trở thành một cha xứ tốt, tôi phải lắng nghe mọi người. Và để trở thành một hồng y tốt tôi cũng phải có khả năng lắng nghe mọi người, không chỉ các thành viên của Giáo hội Công giáo, nhưng còn cả cộng đồng rộng lớn hơn trong xã hội”.
Đối với các vấn đề tâm lý người trẻ và tỷ lệ tự tử cao, câu hỏi được đặt ra là Giáo hội có thể làm gì cho thành phần này? Đức Tổng Giám Mục nhận xét xã hội Nhật Bản đang già đi, và có rất ít trẻ em. Người lớn cố gắng giáo dục người trẻ dựa theo kinh nghiệm của họ, nhưng xã hội ngày nay rất khác. Nền kinh tế đang suy thoái, và nhiều cộng đồng không có việc làm cho người trẻ. Hệ thống xã hội truyền thống vốn đã hỗ trợ và giúp họ phát triển nay không còn nữa. Những người trẻ ngày nay cần những cộng đồng mà họ cảm thấy thuộc về. Giáo hội có thể là một trong những cộng đồng này, hỗ trợ và giúp họ cảm thấy rằng họ thuộc về một thực tế lớn hơn nhiều và có thể đồng hành với họ trong cuộc sống.
Liên quan đến hiện tượng di cư, Đức tân Hồng Y giải thích, nếu không có người di cư, một xã hội già cỗi như Nhật Bản sẽ không thể tồn tại. Chính phủ biết tình hình nhưng vẫn ngần ngại chấp nhận hoàn toàn những người di cư, vì sợ bước vào một “thế giới” mới mà Nhật Bản chưa từng trải qua trước đây. Nhật Bản là một quốc gia rất đồng nhất. Nhưng nếu không có người di cư, xã hội ngày nay không thể tự duy trì. Và đây là sự thật.
Ngài nói: “Đối với người Nhật nói chung, người ta có thể nói rằng người di cư là một vấn đề trong xã hội. Trong Giáo hội, chúng ta cũng nói ‘vấn đề người di cư’. Chúng tôi có một số người hỗ trợ người di cư, nhưng bản thân chúng tôi sử dụng thuật ngữ ‘vấn đề di cư’. Tôi nghĩ người di cư không phải là vấn đề, mà là hy vọng cho Giáo hội. Họ mang đến cho cộng đoàn Công giáo cơ hội phát triển cùng những người trẻ và rao giảng Tin Mừng ngay cả ở những khu vực không có Giáo hội. Theo một cách nào đó, họ mang đến cho Giáo hội Nhật Bản cơ hội trở nên năng động hơn. Và đó là hy vọng cho chúng tôi”.
Vatican News