Trong một cuộc phỏng vấn với Vatican News, sơ Johncy Nambikairaj thuộc Dòng Nữ tu Bác ái Maria Bambina, một dòng tu được thành lập ở Lovere, Ý, vào năm 1832, chia sẻ rằng các nạn nhân bị lạm dụng thường nói với sơ: “Con không biết tại sao mọi người lại chối bỏ con và tại sao bây giờ họ lại nhìn con cách khác lạ. Con không được đón nhận. Con không làm gì cả”. Thông thường, nạn nhân và gia đình họ là những người bị kỳ thị khi mọi người phát hiện ra hành vi lạm dụng.
Sơ Johncy là một nhân viên xã hội và làm việc với các bé trai và bé gái có hoàn cảnh nghèo khó trong cộng đồng Gudalur, thuộc vùng miền núi của bang Tamil Nadu, Ấn Độ. Sơ chia sẻ: “Một số em đã phải chịu đựng nhiều hình thức lạm dụng khác nhau, về thể chất, tinh thần, tính dục. Chúng tôi có một ngôi nhà cho các em, chúng tôi chăm sóc và thậm chí còn sơ cứu cho các em. Khi các em đến với chúng tôi, chúng tôi đưa ra lời khuyên ở nhiều giai đoạn khác nhau”.
Nói về hoàn cảnh xã hội, Sơ Johncy cho rằng nghèo đói và bị bỏ rơi là mảnh đất màu mỡ cho sự lạm dụng. Sơ nói: “Những cô gái này không có sự riêng tư cần thiết ở nhà, và gia đình các em nghèo khổ. Cha mẹ để các em một mình vì họ phải làm việc. Trẻ vị thành niên bị lạm dụng, chẳng hạn như từ hàng xóm hoặc những người quen biết gia đình”. Tamil Nadu là một trong những bang công nghiệp hóa nhất ở Ấn Độ và tương đối thịnh vượng. Tuy nhiên, vẫn còn những bất bình đẳng xã hội và các vấn đề như lao động trẻ em, suy dinh dưỡng, thất nghiệp và lạm dụng.
Sơ nhận định: “Những trẻ em bị lạm dụng sẽ bị hủy hoại từ trong nội tâm. Bên ngoài mọi thứ có vẻ ổn. Nhưng khi bạn đến gần các em, bạn sẽ nhận ra các em bị tổn thương sâu sắc đến mức nào”.
Sơ Johncy hiện đang chăm sóc 50 bé gái, nhiều em là trẻ mồ côi hoặc bán mồ côi. Hội dòng không thể cung cấp trợ giúp trị liệu, nhưng có thể cung cấp chỗ ở và giáo dục. Những em khác không may phải trở về nhà, nơi các em thường không được an toàn. Để tiếp cận các nạn nhân, hội dòng cũng cộng tác với đường dây điện thoại “ChildLine 1098”, nơi nạn nhân và những công dân “tốt bụng” có thể báo cáo các trường hợp lạm dụng.
Sơ Johncy giải thích rằng lạm dụng vẫn là một chuyện cấm kỵ trong xã hội ở Ấn Độ và đây là một trong những thách thức lớn nhất trong công việc của sơ đối với những người bị ảnh hưởng. Nếu nói về tình dục là một điều đáng xấu hổ thì đối với nhiều người, việc nói về bạo lực tình dục còn khó khăn hơn và do đó họ không tố cáo nó. Sơ chia sẻ: “Trong văn hóa của chúng tôi, chúng tôi không nói về những điều này”. Điều này khiến cho việc phòng ngừa trở nên khó khăn hơn, khiến những người bị ảnh hưởng và gia đình càng đau khổ hơn, nhất là khi sự bất công không được nêu tên, trừng phạt mà có xu hướng bị che giấu.
Bạo lực đối với trẻ nữ và phụ nữ là một vấn đề lớn ở Ấn Độ như số liệu thống kê cho thấy. Hầu hết các vụ án đều xảy ra tại nhà, nơi số vụ phạm tội không được trình báo thậm chí còn cao hơn. Để khắc phục tình trạng này, vào mùa hè năm 2024, một bộ luật hình sự mới bắt đầu có hiệu lực. Trong số nhiều điều, nó giúp cảnh sát và tòa án xử lý các vụ việc nhanh hơn.
Giáo hội Công giáo Ấn Độ đang nỗ lực ngày càng nhiều để nâng cao nhận thức về vấn đề này và chống lại nạn lạm dụng. Vào mùa thu năm 2023, Sơ Johncy được gửi đến Roma để đào tạo về bảo vệ an toàn tại Đại học Giáo hoàng Gregoriana. Hiện nay sơ đã kết hợp những gì sơ học được ở Roma vào công việc của sơ ở Ấn Độ.
Nữ tu cũng cam kết nâng cao nhận thức trong các trường học và những người tị nạn phải đối mặt với rủi ro cao. Sơ nói với Vatican News rằng đã có một số tiến bộ: “Kể từ khi chúng tôi nâng cao nhận thức, có nhiều phụ huynh nói về vấn đề này hơn, không phải ở đâu cũng vậy, nhưng trong một số trường hợp, họ dần dần nói về nó nhiều hơn. Chúng tôi dạy trẻ nói và cha mẹ lắng nghe. Vẫn còn nhiều việc phải làm nhưng bạn có thể thấy một sự phát triển từ từ”.
Mặc dù Giáo hội Công giáo ở Ấn Độ là thiểu số (dưới 2% dân số) nhưng ảnh hưởng của Giáo hội trong các lĩnh vực xã hội, giáo dục và y tế là rất quan trọng. Thông qua mạng lưới của mình, Giáo hội có tiềm năng to lớn trong lĩnh vực bảo vệ chăm sóc, không chỉ ở Ấn Độ, quốc gia đông dân nhất thế giới, mà trên toàn thế giới.
Anne Preckel – Vatican City