Vientiane – “Tôi đã sẵn sàng cho Chúa Giêsu và sẽ là vị tử đạo của Người nếu tôi xứng đáng và nếu Người muốn tôi. Tôi tin rằng thời điểm đó đã rất gần”, cha Titus Banchong Thopanhong đã viết như vậy ngay trước khi ngài bị lực lượng an ninh của “Pathet Lao” bắt giữ vào năm 1976.
Titus Banchong Thopanhong, Giám quản Tông tòa Luang Prabang từ năm 1999 đến năm 2019, đã qua đời tại Vientiane vào ngày 25 tháng 1 ở tuổi 78. Ngài đã khuất phục sau một thời gian dài lâm bệnh, do những khó khăn mà ngài đã phải chịu đựng trong 50 năm. Cha Titus là thành viên của Hội dòng Đức Mẹ Vô nhiễm (OMI) và đã bị giam cầm trong bảy năm. Trong suốt thời gian bị giam cầm, không có tin tức gì về ngài. Nhiều người nghĩ rằng ngài đã bị giết. Nhưng thình lình ngài được thả và tiếp tục cuộc sống của mình như một linh mục đơn sơ cho cộng đồng Công Giáo nhỏ bé ở Lào, Giáo hội Lào hiện có khoảng 60.000 người Công Giáo.
Titus là tên được đặt cho Banchong Topagnong khi ngài 8 tuổi được rửa tội cùng gia đình tại làng Hmong ở Kiukiatan, miền bắc Lào, nơi ngài sinh ra vào năm 1947. Tại ngôi làng này, từ năm 1957 đến năm 1958, ngài là một trong những chú giúp lễ của Cha Mario Borzaga, nhà truyền giáo được phong chân phước vào năm 2016. “Titus vẫn giữ một ký ức quý giá về vị linh mục này, người đã ghi dấu ấn sâu sắc trong cuộc đời ngài”, người bạn đồng hành Fabio Ciardi, người có tình bạn sâu sắc về mặt nhân bản và tinh thần với Cha Titus, nhớ lại. Với các nhà truyền giáo, chàng trai trẻ Titus đã có cơ hội đào sâu hành trình đức tin của mình: trong những năm từ 1958 đến 1969, ngài đã theo học tại các Chủng viện đầu tiên ở Viêng Chăn và sau đó là ở Luang Prabang. Cha Angelo Pelis, cũng là một nhà truyền giáo OMI, khi đó là giám đốc của Chủng viện tại Luang Prabang, nhớ về ngài là “cậu bé giản dị, kín đáo, dịu dàng và luôn mỉm cười”. “Đặc điểm ghi dấu ngài trong suốt cuộc đời là sự khiêm nhường: sự khiêm nhường theo gương Chúa Giêsu Kitô”, Cha Pelis nói. Titus trẻ tuổi quyết định tiếp tục sự đào tạo của mình với các tu sĩ dòng Oblates ở Ý và vào năm 1970, Đức ông Alessandro Staccioli (OMI), khi đó là Đại diện Tông tòa của Luang Prabang, Dòng đã gửi ngài đi du học ở Ý, nơi ngài học triết học và thần học đầu tiên tại San Giorgio Canavese và sau đó, từ năm 1973, tại Vermicino (gần Rome).
Cha Titus viết trong một trong những lá thư được in trong cuốn sách “Ngay cả trong tù, tôi vẫn có thể yêu”, do Michele Zanzucchi biên tập: “Tôi vẫn còn không chắc chắn về ơn gọi của mình, nhưng dần dần tôi cảm thấy trong lòng mình khao khát được theo Chúa Giêsu một cách triệt để, nghĩa là theo Chúa, người muốn tôi yêu Người. Chính Người quan tâm đến tôi, chứ không phải tôi quan tâm đến Người. Người đã đưa tôi đi từng bước một và khiến tôi hiểu rằng ở Người, tôi sẽ luôn tìm thấy ý nghĩa đích thực cho cuộc đời”. Trong thời gian học ở Ý, thì đất nước Lào đã thay ngôi đổi chủ, với những chiến binh kháng chiến cộng sản của “Pathet Lao” lên nắm quyền và năm 1975, tất cả các nhà truyền giáo đều bị trục xuất khỏi đất nước.
Cha Titus cảm thấy một khát khao mãnh liệt được trở về quê hương và làm một linh mục cho dân chúng mình, một khát khao được làm chứng cho Chúa Kitô ở đó chứ không phải ở nơi nào khác. Đây là động lực thúc đẩy Cha Titus trở về Lào. “Tôi đã chọn Giáo hội Lào và tôi cảm thấy Chúa muốn tôi ở đó chứ không phải bất cứ nơi nào khác”, cha viết. “Ngay cả khi tôi chỉ là một linh mục trong một ngày, tôi sẽ trở về Lào.” Và ngài tiếp tục: “Tôi đã quyết định trở về Lào vì không có ai ở đó để làm tông đồ. Tôi trở về để tất cả chúng ta có thể mạnh mẽ hơn, tôi trở về để giúp đỡ các tín hữu. Khi trở về, tôi chỉ chọn một mình Chúa; chính Người khiến tôi trở về và đó là lý do tại sao tôi trở về.” Ngài được thụ phong linh mục tại Nhà thờ chính tòa Viêng Chăn vào ngày 28 tháng 9 năm 1975 bởi Đức Giám Mục Viêng Chăn lúc bấy giờ, Thomas Nantha, người đầu tiên của nhóm dân tộc Hmong. Ngày hôm sau, ngài viết: “Tôi không còn sợ chi nữa, vì tôi thuộc về Chúa. Tôi đã sẵn sàng dâng cho Chúa mọi sự. Tôi rất hạnh phúc. Không ai có thể tách tôi khỏi Người. Mỗi ngày tôi khám phá ra rằng Người ở bên tôi. Tôi có Người… Người xin tôi dâng cho Ngài mọi sự và tôi trao cho Người mọi thứ.”
Cha bắt đầu một mục vụ dù bị chính quyền kiểm soát chặt chẽ, với mối đe dọa bị bắt giữ, đầu tiên là ở Luang Prabang, sau đó là ở Vientiane, và cuối cùng là ở Paksane. Ngài đi thăm viếng các làng mạc bằng xe máy, thăm hỏi mọi người và ban các bí tích cho các gia đình Công Giáo. Mặc dù không bao giờ dùng lời lẽ chỉ trích chính quyền, Cha Titus đã bị cầm tù ba lần và “đã học được cách tìm thấy ngay cả trong những khó khăn tàn khốc nhất tình yêu thương dịu dàng của Chúa”, cha Pelis nhớ lại thời gian bị giam cầm của mình: “Bạn có thể nói rằng những tù nhân khác trong tù đều đã cải đạo, họ trở nên tốt hơn. Với tình yêu thương, bạn cũng có thể phá vỡ những ràng buộc của lòng hận thù”. Sau khi được thả khỏi tù, cha không phàn nàn mà chỉ thốt lên: “Tôi đã được thả”. “Sau khi họ thả tôi, tôi đã có thể đến thăm tất cả những người theo đạo Thiên Chúa, lánh nạn ở Lào và tôi đã tìm thấy họ. Nhiều người đã sống trung thành hơn 30 năm dù không có linh mục”, cha nói.
Sau khi được bổ nhiệm làm “Giám Quản Tông tòa” của Luang Prabang, Ngài đã sống cuộc đời của một nhà truyền giáo, tận tụy và bác ái để phục vụ người dân của mình. Năm 2005, với niềm vui và sự nhiệt thành, ngài đã nói với hãng Fides rằng là Giám quản Tông Tòa Luang Prabang, ngài đã được phép mở nhà thờ Công Giáo đầu tiên ở miền bắc Lào kể từ thời kỳ đau thương năm 1975, sau cuộc cách mạng cộng sản. Và ngài cho biết ngài “xây dựng đức tin và lòng sùng kính cho các gia đình tại địa phương”. Trong công tác mục vụ của mình, ngài đã đi “từng bước một, và chúng tôi đi xa bao có thể khi Chúa cho phép”. Niềm hy vọng này đã trở thành hiện thực khi ngài chứng kiến những ơn gọi linh mục mới đầu tiên nở rộ trong cộng đồng người Lào nhỏ bé, nhất là sau biên cố lễ phong chân phước vào năm 2016 cho 17 nhà truyền giáo và giáo dân Lào bị các chiến binh kháng chiến cộng sản giết hại trong khoảng thời gian từ năm 1954 đến năm 1970. Trong số đó, có sáu tu sĩ dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm (OMI) được phong chân phước có nhà truyền giáo trẻ người Ý Mario Borzaga, người đã qua đời năm 1960 ở tuổi 27 cùng với các giáo lý viên địa phương Paul Thoj Xyooj. (Agenzia Fides, 1/2/2025)