Càng gần tới ngày khai mạc Thượng Hội Đồng, khóa đặc biệt, về hôn nhân và gia đình, càng có những phát biểu hết sức tha thiết muốn tôn kính truyền thống lâu đời của Giáo Hội trong lãnh vực này. Theo hai Đức HY Pell và Scola, năng lực của cộng đồng Giáo Hội không nên phí phạm vào những vấn đề chỉ liên quan đến một số nhỏ các tín hữu ở những nước dư cơm áo gạo tiền nhưng rất tự ý xa rời Giáo Hội,mà nên chú trọng tới việc đề cao giá trị chân thực của hôn nhân Kitô Giáo mà nét cao cả nhất chính là tính bất khả tiêu. Đức HY Scola nhấn mạnh tới việc đề cao các nhân chứng, các chứng từ trung thành với giáo huấn truyền thống mà theo kinh nghiệm mục vụ của ngài có rất nhiều nơi Dân Thiên Chúa, không nên sa vào cơn cám dỗ chỉ biết nhìn những gì tiêu cực.
Bốn mươi tám nhà trí thức và mục tử của nhiều Giáo Hội Kitô Giáo, chứ không riêng gì Công Giáo, đã đáp lại lời kêu gọi của hai vị Hồng Y trên, cùng ký vào một lá thư gửi Thượng Hội Đồng sắp khai diễn. Trong số các nhà trí thức và mục tử này có Rick Warren, vị mục sư nổi tiếng từng được Tổng Thống Mỹ mời đọc lời cầu nguyện nhân dịp ông khai mở “triều đại Obama”.
Lá thư ngỏ của họ, gửi tới Thượng Hội Đồng qua ngả ngoại giao vào cuối tháng Chín này và được đăng tải trên Liên Mạng, không chuyên biệt bàn tới những vấn đề nóng hổi mà nhiều người cho rằng THĐ sẽ dành nhiều thì giờ và năng lực để bàn thảo, như hôn nhân đồng tính hoặc việc cho phép người ly dị và tái hôn được rước lễ. Tuy nhiên, thông điệp mặc nhiên của nó thì khá rõ ràng: nay là lúc không nên quá mềm.
Giáo huấn truyền thống của Kitô Giáo về hôn nhân, theo những người ký thự, “đại biểu cho tình yêu chân thực, chứ không phải ‘loại trừ’ hay ‘thiên kiến’ hay bất cứ cáo buộc nào khác mà [xã hội] ngày nay đem ra chống lại hôn nhân”. Lá thư tựa là “Cam Kết Đối Với Hôn Nhân”, có chữ ký của những người, ngoài mục sư Rick Warren ra còn có những nhà trí thức bảo thủ như Robert George và Robert Royal; Giáo Sư Luật tại Harvard Mary Ann Glendon, cựu đại sứ Mỹ bên cạnh Tòa Thánh và hiện là thành viên của hội đồng cố vấn cho Ngân Hàng Vatican; Marcello Pera, cựu chủ tịch Thượng Viện Ý rất gần gũi với Đức Bênêđíctô XVI, và Rafael Navarro-Valls, một nhà luật học Tây Ban Nha và là em trai của cựu phát ngôn viên Tòa Thánh Joaquin Navarro-Valls.
Lá thư dài 3 trang này được soạn thảo bởi hai nhà khoa bảng Hoa Kỳ, mà một trong hai là Thomas Farr, nguyên giám đốc đầu tiên của Văn Phòng Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, thời TT Bush. Người kia là Hillary Towers, một nhà tâm lý học phát triển tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn và là mẹ của 5 đứa con.
Nguyên văn lá thư
Trọng kính Đức Thánh Cha, qúy Đức Hồng Y, Quí Đức Cha,
Chúng con hân hoan vì Đức Thánh Cha đã thu hút được sự chú ý của thế giới và rất nhiều thiện chí đối với đức tin Kitô Giáo! Giống những người khác, chúng con hết sức xúc động bởi các lời phát biểu của Đức Thánh Cha về tình yêu và lòng thương xót, làm vang dội lại tình yêu và lòng thương xót của Chúa Kitô, đặc biệt đối với những người không ai bênh vực và bị bỏ rơi.
Chính trong ngữ cảnh ấy chúng con hân hoan chào đón quyết định triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục Đặc Biệt để khảo sát các thách đố đối với hôn nhân và gia đình. Giống mỗi vị trong qúy vị, chúng con tin rằng gia đình, cùng với Giáo Hội, chính là biểu hiện vĩ đại nhất có tính định chế cho tình yêu của Chúa Kitô. Đối với những người muốn yêu thương như Người muốn chúng ta yêu thương, hôn nhân và gia đình là những điều không thể thiếu được, cả như những cỗ xe chuyên chở cứu rỗi lẫn như những thành trì của xã hội loài người.
Các Đức Giáo Hoàng gần đây đã hết sức làm cho những điểm trên được rõ ràng. Thí dụ, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI từng viết rằng “Hôn nhân thực sự là một phương thế cứu rỗi, không riêng cho các người kết hôn mà còn cho cả xã hội nữa”. Và, trong Niềm Vui Tin Mừng, Đức Thánh Cha từng viết rằng “sự đóng góp cần thiết của hôn nhân cho xã hội vượt trên các cảm xúc và nhu cầu thoáng qua của vợ chồng”
Thượng Hội Đồng này là một cơ hội để nói lên các sự thật vượt thời gian về hôn nhân. Tại sao những sự thật này lại quan trọng? Chúng đại diện ra sao cho tình yêu chân thực, chứ không phải ‘loại bỏ’ hay ‘thiên kiến’ hay bất cứ cáo buộc nào khác mà [xã hội] ngày nay đem ra chống lại hôn nhân? Các người đàn ông và đàn bà rất cần được nghe sự thật trước hết về việc tại sao họ nên kết hôn. Và, một khi đã kết hôn, thì tại sao Chúa Kitô và Giáo Hội lại muốn họ tiếp tục trung thành với nhau suốt cuộc sống trên dương thế của họ. [Họ cũng muốn được nghe] rằng, khi cuộc hôn nhân trở nên khó khăn (như đối với phần lớn các cặp vợ chồng), thì Giáo Hội sẽ là một nguồn trợ lực, không chỉ cho các cặp vợ chồng cá thể, mà còn cho chính hôn nhân nữa.
Trọng kính Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha đã từng viết một cách hết sức mạnh mẽ về sự quan trọng của việc tân phúc âm hóa bên trong Giáo Hội: “một cộng đồng rao giảng Tin Mừng tham dự bằng lời và bằng việc làm vào đời sống hàng ngày của người ta; cộng đồng này bắc cầu nối liền xa cách, sẵn sàng hạ thấp mình xuống nếu cần và ôm ẵm sự sống con người, đụng chạm tới thân xác đau thương của Chúa Kitô nơi người khác”.
Chúng con khiêm hạ xin đề nghị rằng trong ngữ cảnh cuộc sống hôn nhân và gia đình, lời lẽ của qúy vị là lời mời gọi lãnh trách nhiệm bản thân, không phải chỉ đối với người phối ngẫu và con cái chúng con, mà còn đối với cuộc hôn nhân của những người mà Thiên Chúa đặt để bên cạnh chúng con nữa: các thân nhận và bằng hữu của chúng con, những người trong các Giáo Hội và trong các học đường của chúng con.
Giá đánh cược quả rất cao. Theo một phúc trình quốc tế năm 2013 về các khuynh hướng con cái, “sự gia tăng đáng kể về sống chung, ly dị, và có thai ngoài hôn nhân tại Mỹ, Âu Châu và Đại Dương Châu, trong bốn thập niên qua, cho thấy định chế hôn nhân đang bị coi là không thích đáng tại các vùng này của thế giới”. Tại Hiệp Chúng Quốc, tỷ lệ kết hôn được ghi là thấp nhất xưa nay, việc sống chung không cheo cưới đang nhanh chóng trở thành một phương thức chấp nhận được để thay thế cho hôn nhân, và hơn phân nửa các vụ sinh nở của các phụ nữ dưới 30 tuổi diễn ra bên ngoài hôn nhân. Trong số man vàn liên kết tiêu cực, mỗi khuynh hướng này đều được liên kết với tính di động thấp về kinh tế, với nghèo đói, và phúc lợi, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em.
Trong số các cuộc hôn nhân hiện nay, nhiều cuộc hết sức mỏng dòn và căng thẳng. Từ 40 tới 50 phần trăm các cuộc hôn nhân lần đầu tại Hiệp Chúng Quốc được dự phóng sẽ kết liễu trong ly dị. Tỷ lệ này gia tăng khá rõ nét với mỗi cuộc tái hôn sau đó và các nghiên cứu cho thấy lý do không hẳn là vì tồi trong phẩm chất hôn nhân cho bằng vì yếu trong cam kết.
Các hậu quả của ly dị và sống chung đối với con cái và người trưởng thành thì rất nhiều và đa dạng, từ nghèo đói và thành đạt thấp về giáo dục tới sức khỏe thể lý yếu kém; từ cam kết hôn nhân thấp lúc trưởng thành tới nạn chết yểu. Và dù mọi quốc gia đều có tính độc đáo, song các cuộc nghiên cứu cho thấy tác động của các khuynh hướng này hiện trải khắp mặt địa cầu. Các cuộc nghiên cứu này lấy mẫu tại một số quốc gia: Trung Quốc, Phần Lan, Thụy Điển, Uruguay, Mễ Tây Cơ, Hy Lạp, Châu Phi và các nước vùng Đông Á Thái Bình Dương.
Các thiệt hại do nạn khiêu dâm gây ra cho các xã hội quả là điều đáng kể. Các nghiên cứu về tác động của nạn khiêu dâm đối với các mối liên hệ cho thấy nó là yếu tố đóng góp chính vào việc phá hủy hôn nhân. Bất hạnh thay, việc nghiên cứu lâu dài về hậu quả của khiêu dâm đối với hôn nhân gần như không có.
Các đạo luật gọi là “ly dị không cần có lỗi” ở Hiệp Chúng Quốc và nhiều quốc gia khác đã cấp giấy phép cho một hệ thống trong đó các chánh án và luật sư biến việc tiêu hủy hôn nhân trở thành dễ dàng, đôi khi chống lại cả ý của các cặp vợ chồng muốn kiên vững trong cam kết hôn nhân của họ.
Bất chấp tính ảm đạm của những khuynh hướng này, chúng con vẫn được khích lệ và trở thành cương quyết nhờ lời khuyên của Đức Thánh Cha “Các thách đố có đó để được khắc phục! Chúng ta hãy là những người thực tiễn, nhưng không được đánh mất niềm vui, sự mạnh dạn và cam kết đầy hy vọng của ta”.
Có lẽ cách mới mẻ và mạnh dạn hơn cả để chúng ta phúc âm hóa các cặp vợ chồng (và qua họ, các cuộc hôn nhân trong tương lai của con cái họ) là xây dựng các cộng đồng nhỏ gồm các cặp vợ chồng để họ nâng đỡ nhau một cách vô điều kiện trong ơn gọi sống cuộc sống hôn nhân của họ. Những cộng đồng này sẽ cung cấp các mạng lưới trợ giúp đặt cơ sở trên các dây nối kết đức tin và gia đình, trên cam kết đối với hôn nhân mãn đời, và trên trách nhiệm đối với nhau và cho nhau.
Sau đây, chúng con xin đề nghị một số phương cách thực tế nhằm tạo ra và nâng đỡ các cộng đồng này:
* Ủy nhiệm cho Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình tiến hành một cuộc nghiên cứu đa khoa, theo chiều dọc về vai trò của khiêu dâm và ly dị “không cần có lỗi” trong cuộc khủng hoảng hôn nhân.
* Giáo dục các chủng sinh. Cung cấp cho họ những khóa học bắt buộc bao gồm các chứng cớ của khoa học xã hội về các phúc lợi của hôn nhân, các đe dọa đối với hôn nhân, và các hậu quả của ly dị và sống chung đối với con cái và xã hội.
* Huấn luyện các linh mục để các ngài dùng các bài giảng lễ biểu tỏ giá trị thiêng liêng và xã hội của hôn nhân, các thách đố hiện nay đối với nó, và sự giúp đỡ của giáo xứ đối với các cuộc hôn nhân đang gặp trở ngại. Một cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy: 72% phụ nữ Công Giáo Hoa Kỳ cho biết bài giảng lễ hàng tuần là nguồn đệ nhất đẳng để họ học biết về đức tin.
* Tạo ra các mạng lưới nhỏ nhưng sinh động các cặp vợ chồng vững mạnh để họ trở thành các cố vấn dầy kinh nghiệm ở bình diện giáo xứ, sẵn sàng cung cấp cho các cặp vợ chồng các phương thế để họ duy trì các cuộc hôn nhân lành mạnh, mãn đời của họ.
* Giáo dục giáo dân trong giáo xứ về ảnh hưởng phi thường họ có thể có đối với các cuộc hôn nhân của bằng hữu và của gia đình. Các dữ kiện của khoa học xã hội cho thấy sự hiện diện của một gia đình hay của bằng hữu ly dị gia tăng nguy cơ ly dị của người khác. Ngược lại, các dữ kiện này cũng cho hay: các thành viên gia đình và bằng hữu có thể gia tăng cam kết hôn nhân của những người họ yêu thương qua gương sáng và sự hỗ trợ của họ.
* Khuyến khích và hỗ trợ việc hòa giải của các cặp vợ chồng ly thân hay đã ly dị ở tòa dân sự.
* Thỉnh cầu các giám mục khắp thế giới khởi diễn các lời nguyện thường xuyên trong Thánh Lễ Chúa Nhật cầu cho các cuộc hôn nhân vững mạnh và trung thành.
* Các cố gắng hỗ trợ để bảo tồn những gì là chính trực và công bằng trong các luật lệ hiện nay về hôn nhân, cưỡng lại bất cứ thay đổi nào đối với các luật lệ này nhằm làm suy yếu thêm định chế này, và phục hồi các điều khoản luật nhằm bảo vệ hôn nhân như là một kết hợp phu thê giữa một người đàn ông và một người đàn bà, bước vào với một cởi mở đối với hồng phúc con cái, và được sống cách trung thành và vĩnh viễn như là nền tảng của hôn nhân tự nhiên.
* Ủng hộ tự do tôn giáo tại các tòa lý dị. Nhiều người không biết rằng tự do tôn giáo thường xuyên bị vi phạm bởi các chánh án ly dị; họ không lưu ý hay coi thường các quan điểm của người phối ngẫu muốn tìm cách cứu vãn cuộc hôn nhân, giữ các con lại ở trường tôn giáo, hay ngăn cản người phối ngẫu bỏ rơi họ khỏi đặt con cái vào thế nguy hiểm bị người tình mới của họ lạm dụng. Nên bắt đầu tổ chức các tổ hợp luật sư và nhà làm luật để tranh đấu trong vấn đề này.
Thực hiện một trong các mục tiêu trên theo qui mô quốc tế là một bước tiến lớn đối với hôn nhân và gia đình. Thực hiện được tất cả các mục tiêu này có thể đảo ngược được cuộc khủng hoảng hôn nhân có tính hoàn cầu hiện nay.
Với tài lãnh đạo của qúy vị, chúng ta sẽ trợ giúp để các cuộc hôn nhân thành công và nở rộ bằng cách đặt lên cam kết hôn nhân một giá trị lớn nhất: ở mọi bình diện của xã hội, ở mọi ngõ ngách của thế giới. Chúng con cảm ơn Đức Thánh Cha, qúy Đức Hồng Y và qúy Đức Cha đã đảm nhiệm trách vụ sinh tử này, xin qúy vị tin chắc ở lời cầu nguyện của chúng con cho sự thành công lớn lao của nó.