Kitô hữu phải hiểu rằng họ không thể thăng tiến trong đời sống Kitô mà không có ơn phù trợ của Thiên Chúa, Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm 18 tháng Sáu tại nhà nguyện Santa Marta. Ngài ghi nhận rằng, nếu chúng ta muốn cầu nguyện cho nên, chúng ta phải sẵn sàng tha thứ cho những người anh em của chúng ta. Trọng tâm bài giảng của Đức Thánh Cha đã xoay quanh ba chủ đề là sự yếu đuối, cầu nguyện, và tha thứ.
Suy tư của Đức Thánh Cha được khởi đầu với sự nhấn mạnh rằng tất cả chúng ta đều có một yếu điểm nào đó mà “tất cả chúng ta phải chịu sau vết thương của tội nguyên tổ.”
Nếu không có ơn phù trợ của Thiên Chúa, chúng ta không thể thăng tiến.
Ngài lặp lại rằng chúng ta yếu đuối “chúng ta chìm sâu trong tội lỗi, chúng ta không thể đi tới nếu không có sự giúp đỡ của Chúa”
“Ai tin rằng mình là mạnh mẽ, ai tin rằng mình có khả năng bằng sức riêng của mình, người ấy là ngây thơ, và cuối cùng vẫn chỉ là một con người bị đánh bại bởi quá nhiều yếu điểm người đó mang trong mình: sự yếu đuối đó khiến chúng ta phải kêu cầu ơn phù trợ của Thiên Chúa vì như chúng ta vừa cầu nguyện ‘với sự yếu đuối của chúng con, chúng con chẳng làm được gì nếu không có ơn phù trợ của Chúa’. Chúng ta không thể thăng tiến trong đời sống Kitô của chúng ta mà không có sự giúp đỡ của Chúa, vì chúng ta là những con người yếu đuối. Và ai đang trên đường thì hãy cảnh giác để đừng vấp ngã bởi vì người ấy yếu đuối”.
Chúng ta thậm chí còn non yếu cả trong đức tin. “Tất cả chúng ta đều có đức tin. Chúng ta đều muốn thăng tiến trong đời sống Kitô, nhưng nếu chúng ta không ý thức về sự yếu đuối của mình, cuối cùng rồi chúng ta cũng hoàn toàn bị đánh bại.” Có một lời cầu nguyện đẹp nói lên điều này: “Lạy Chúa, con biết rằng trong sự yếu đuối của con, con còn có thể làm được gì nếu không có ơn phù trợ của Ngài”.
Lời cầu nguyện của chúng ta không cần có quá nhiều từ
Đức Thánh Cha sau đó đã chuyển sang những suy nghĩ của ngài về “cầu nguyện”. Ngài nhận định rằng Chúa Giêsu, đã dạy chúng ta cầu nguyện, “nhưng không phải như một người ngoại đạo” là người nghĩ rằng họ sẽ được lắng nghe nếu họ nói tràng giang đại hải. Đức Thánh Cha nhắc nhớ câu chuyện bà mẹ ông Samuel là người đã xin Thiên Chúa ban ơn cho có một con trai, và cầu nguyện đơn giản bằng cách mấp máy đôi môi mình. Một tư tế có mặt ở đó, nhìn thấy bà và tin rằng bà đang say rượu và mắng bà.
“Bà ấy chỉ mấp máy đôi môi mình vì bà không thể nói … Bà xin cho có một đứa con trai. Bà cầu nguyện bằng cách đó, trước mặt Chúa. Đó là lời cầu nguyện tốt đẹp vì chúng ta biết rằng Thiên Chúa là thiện hảo và biết rõ tất cả chúng ta và biết những điều chúng ta cần, chúng ta nên bắt đầu lời cầu nguyện bằng một từ là: ‘Cha’; đó là một từ ngữ nhân loại, chắc chắn rồi, nhưng từ đó mang lại cho chúng ta sự sống. Tuy nhiên, trong lời cầu nguyện, chúng ta chỉ có thể nói từ đó với sức mạnh của Chúa Thánh Thần.”
Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta hãy bắt đầu cầu nguyện với sức mạnh của Chúa Thánh Thần là Đấng đang cầu nguyện trong chúng ta, cầu nguyện một cách đơn giản. Với trái tim rộng mở trước sự hiện diện của Thiên Chúa Đấng là Cha, và hiểu những điều chúng ta cần ngay cả trước khi chúng ta nói về những điều ấy”.
Sự tha thứ là một sức mạnh rất lớn, một ân sủng từ Chúa
Cuối cùng, Đức Thánh Cha đề cập đến sự tha thứ, và nhấn mạnh cách thức Chúa Giêsu dạy các môn đệ của Ngài rằng nếu họ không tha thứ cho những lỗi lầm của người khác, Cha trên trời sẽ không tha thứ cho họ.
“Chúng ta chỉ có thể cầu nguyện cho nên, và gọi Thiên Chúa là ‘Cha’ nếu trái tim của chúng ta bình an với những người khác, với các anh em của chúng ta. Tuy nhiên có người sẽ nói ‘Nhưng mà thưa cha, người này đã làm điều này với tôi, còn người kia đã làm điều nọ với tôi’. Hãy tha thứ tất cả. Hãy tha thứ như Chúa đã tha thứ cho anh chị em. Và như thế, sự yếu đuối chúng ta mang trong mình, với sự giúp đỡ của Thiên Chúa trong lời cầu nguyện trở thành sức mạnh bởi vì tha thứ là một sức mạnh rất lớn. Ta cần phải mạnh mẽ để tha thứ, nhưng sức mạnh này là một ân sủng mà chúng ta phải nhận từ Chúa vì chúng ta là những người yếu đuối không thể cậy dựa vào sức riêng của mình”.