Ai vũ khí hóa Thánh Thể? Các chính trị gia chứ không phải các giám mục

Nghe bài này

Việc cấm các chính trị gia phò phá thai rước lễ ở Hoa Kỳ đã có từ lâu, nhưng nó đạt tới đỉnh cao khi Joe Biden được bầu làm Tổng thống Hoa Kỳ. Cùng với ngày ông nhậm chức, đã có một động thái đáng kể của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ để chính thức ngăn cản những người phò phá thai một cách cực đoan như ông rước lễ. Nếu không có sự can thiệp của Vatican, động thái ấy đã trở thành sự kiện lịch sử. Còn nhớ, hồi ấy, Giám Mục của San Diego là Robert McElroy, người vừa được Đức Phanxicô nâng lên hàng Hồng Y, lên tiếng cho rằng: đừng nên vũ khí hóa Phép Thánh Thể. Hiển nhiên lúc ấy vị Giám Mục này có ý nói về Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ. Nay thì cha Matthew P. Schneider, Đạo Binh Chúa Kitô, nói ngược lại: các chính trị gia chứ không phải các Giám Mục vũ khí hóa Phép Thánh Thể. Mời qúi độc giả cùng đọc bài nhận định của cha (https://www.patheos.com/blogs/throughcatholiclenses/2021/07/who-is-weaponizing-the-eucharist-politicians-not-bishops/ ):

Gần đây, nhiều quan tâm đã nảy sinh về việc các giám mục tuân theo thực hành mục vụ có tính lịch sử và nhấn mạnh rằng người ta nên ăn năn trước khi lãnh nhận Bí tích Thánh Thể. Những ai cứ khăng khăng lên Rước lễ khi biết mình không nên làm thế là vũ khí hóa Bí tích Thánh Thể vì mục đích riêng của họ. Các giám mục không vũ khí hóa Bí tích Thánh Thể.

Dưới đây tôi xin giải thích lý do tại sao điều này lại vũ khí hóa, truyền thống lâu đời của Giáo hội, và tại sao lập luận của một số chính trị gia đã không đúng. Vũ khí hóa là dùng Thánh Thể, chính Thiên Chúa, và sử dụng Thánh Thể không phải cho việc thờ phượng hay cho Thiên Chúa, mà cho một mục đích nào đó khác: điều chỉnh Thánh Thể để Thánh Thể trở thành một vũ khí.

Lãnh nhận khi không nên là vũ khí hóa

Khi ai đó biết mình không nên Rước lễ, nhưng vẫn Rước Lễ, thì họ đã phạm tội phạm thánh. Phải có một lý do nào đó khiến chúng ta lãnh nhận khi chúng ta không nên lãnh nhận. Nói chung, chúng ta muốn điều gì đó giống như chứng tỏ mình là người Công Giáo tốt hơn chính chúng ta, muốn tránh ngượng nghịu, sợ người khác nghĩ xấu về chúng ta, hoặc một mục đích giống như vậy: ít nhất đó là những gì đã diễn ra trong tâm trí tôi khi tôi làm như vậy lúc còn là một thiếu niên và những người khác đã nói với tôi đó là những gì diễn ra trong tâm trí họ khi họ lãnh nhận Thánh Thể một cách không xứng đáng. Đấy chính là việc vũ khí hóa Bí tích Thánh Thể cho các mục đích của chính chúng ta. Điều này áp dụng cho bất cứ người nào trong chúng ta từng phạm một tội trọng hoặc một người đã tạo ra một vụ tai tiếng nghiêm trọng trước công chúng do lập trường của họ trái với đức tin Công Giáo và luật tự nhiên.

Bí tích Thánh Thể là chính Chúa Giêsu, vì vậy không bao giờ được sử dụng cho những mục đích khác. Thực vậy Sách Giáo lý nói rằng Người là “nguồn gốc và đỉnh cao của đời sống Kitô hữu” (1324). Lạm dụng một người như một phương tiện chứ không phải như một mục đích luôn luôn là hành động xấu, nhưng còn xấu hơn thế khi đó là một ngôi vị thần linh như Chúa Giêsu Kitô.

Giáo hội có điều luật 916 đề nghị rằng những người như vậy, ngay cả khi vấn đề không có tính công khai, hãy tự chế đừng lãnh nhận Thánh Thể. Sau đó, Giáo luật 915 dạy những người có hành động gây ra tai tiếng nghiêm trọng công cộng cho Giáo hội phải bị từ chối cho rước lễ nếu họ không chịu tự mình tuân theo điều 916.

Việc lạm dụng như vậy có thể được gọi là “vũ khí hóa” Bí tích Thánh Thể. Nó đang sử dụng Bí tích Thánh Thể như một công cụ để thắng trong các tình huống xã hội hoặc chính trị.

Lịch sử từ khước cho rước lễ

Từ khước Bí tích Thánh Thể đã là một thông lệ trong hầu hết lịch sử Kitô giáo. Mục đích là giúp người ta hối cải và được chuẩn bị thích đáng. Một số người lập luận rằng chúng ta không nên bao giờ phán xét, nhưng Giáo hội chưa bao giờ phán xét bất cứ ai là không thể rước Thánh Thể vĩnh viễn: Giáo hội chỉ yêu cầu người ta chuẩn bị thích đáng với lòng sám hối.

Ba thí dụ nổi tiếng nhất về việc từ khước cho các chính trị gia lãnh nhận các bí tích đều đã dẫn đến sự ăn năn và thay đổi lối sống. Tôi hy vọng trường hợp này cũng được như vậy.

Đầu tiên, chúng ta có Thánh Ambrôsiô, người đã tuyệt thông Hoàng đế Thêôđôsiô sau vụ Thảm sát Têsalônica. Thêôđôsiô hoặc đã ra lệnh hoặc không ngăn chặn vụ thảm sát, nhưng Tổng Giám mục của thủ đô của ông (Milan) đòi ông phải đền tội trước khi phục hồi ông.

Thứ hai, Đức Gregory VII đã ra vạ tuyệt thông cho Henry IV của Đế quốc Rôma Thánh Thiện vì đã bổ nhiệm giáo dân làm giám mục. Henry IV phủ phục bên ngoài trời trong trận bão tuyết trong ba ngày ở Canossa trước khi vạ tuyệt thông được dỡ bỏ.

Thứ ba, Henry II của Anh bị vạ tuyệt thông vì liên quan đến cái chết của Thánh Thomas Becket. Henry đã đưa ra một đề nghị mà những người khác coi đó như một mệnh lệnh. Henry đã đền tội công khai bằng hàng trăm cú đánh vào lưng trước Nhà thờ trước khi phép tuyệt thông được dỡ bỏ.

Lập luận của các chính trị gia không đúng

Chúng ta hãy khảo sát từng câu một trong các lập luận của một số chính trị gia:

Chúng ta tin sự tách biệt giữa Giáo Hội và nhà nước cho phép đức tin của chúng ta hướng dẫn các nhiệm vụ công cộng của chúng ta và phục vụ tốt nhất các cử tri của chúng ta. Bí tích Rước lễ là trọng tâm trong đời sống của những người Công Giáo thực hành đạo, và việc vũ khí hóa Bí tích Thánh thể đối với các nhà lập pháp Dân chủ ủng hộ quyền tiếp cận phá thai hợp pháp và an toàn của phụ nữ là điều mâu thuẫn. Không có viên chức dân cử nào bị đe dọa hay bị từ chối Bí tích Thánh Thể vì họ ủng hộ và từng ủng hộ các chính sách trái với giáo lý của Giáo hội.

Câu đầu tiên của họ rất đúng, vì đức tin của chúng ta nên hường dẫn các nền chính trị của chúng ta.

Điều bị coi là mâu thuẫn

Câu thứ hai của họ rất hay cho đến dấu phẩy vì Bí tích Thánh Thể là trọng tâm trong đức tin của chúng ta. Sau dấu phẩy, câu này mắc nhiều lỗi lầm.

• Lỗi đầu tiên là cho rằng đây là việc thống thuộc đảng phái. Chính vì họ ủng hộ một quan điểm công khai gây tai tiếng – tức chúng ta nên có khả năng giết trẻ sơ sinh một cách hợp pháp – trái với đạo Công Giáo và luật tự nhiên. Tôi xin đưa ra hai thí dụ để chứng minh điều này. Thứ nhất, John Bel Edwards, thống đốc đương nhiệm của Đảng Dân chủ của tiểu bang Louisiana sẽ không bị yêu cầu tự chế Rước lễ. Ông mô tả quan điểm phò sinh của mình là: “Đó là cách tôi được dưỡng dục. Đó là điều mà đức tin Công Giáo của tôi yêu cầu ”. Mặt khác, Susan Collins, đương kim thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đại diện Maine, người tự nhận là Công Giáo, đã bày tỏ quan điểm công khai gây tai tiếng ủng hộ việc phá thai nhiều lần nên bị từ chối rước lễ.

• Thứ hai, họ cho rằng đây là vũ khí hóa Thánh Thể trong khi thực sự nó đang bảo vệ Thánh Thể khỏi việc vũ khí hóa của họ. Christine Rousselle của Catholic News Agency cảnh cáo về mối nguy hiểm sắp tới: “Tôi chuẩn bị tinh thần để xem một đoạn video thiển cận từ một chính trị gia tự ý trình diện mình với một linh mục, người không nhận ra ông là ai để rước lễ và trái tim tôi tan nát.” Và theo sau nhận định vừa rồi là câu “Don’t Weaponize the Eucharist” cho thấy ý tưởng này mỉa mai đến mức nào.

• Thứ ba, không hề có điều gọi là phá thai “an toàn” vì một đứa trẻ luôn phải chết. Mục tiêu luôn phải là biến việc phá thai thành điều không thể suy tưởng được và không bao giờ được thực hiện nhưng việc qui định là bất hợp pháp việc người ta phá thai con cái người khác là một bước đi đúng hướng cần thiết.

• Thứ tư, họ cho là một mâu thuẫn nào đó khi mâu thuẫn thực sự là việc họ tự trình diện để Rước lễ như những người Công Giáo tốt trong khi thúc đẩy văn hóa sự chết.

Không có chính trị gia?

Thứ ba, họ cho rằng không có chính trị gia dân cử nào bị đe dọa hoặc từ khước Bí tích Thánh Thể. Nghĩ như thế là trái với sự thật:

• Năm 2007, các giám mục Châu Mỹ Latinh lưu ý rằng các chính trị gia nên biết rằng họ không thể rước lễ trong khi ủng hộ việc phá thai, an tử, và các tội ác nghiêm trọng khác đối với cuộc sống hoặc gia đình.

• Năm 2007, Đức Giám Mục Thomas Tobin của giáo phận Providence đã nói với một dân biểu từ giáo phận của ngài không được rước lễ.

• Năm 2007, các nhà lập pháp Mexico đã bị từ chối Rước lễ vì hợp pháp hóa việc phá thai và Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã ủng hộ động thái này.

• Năm 2008, Kathleen Sebelius, khi đó là thống đốc bang Kansas, đã bị giám mục yêu cầu không tự trình diện để rước lễ.

• Năm 2010, các giám mục Tây Ban Nha tuyên bố các chính trị gia đã bỏ phiếu cho luật nới lỏng các hạn chế phá thai không nên tự trình diện để rước lễ.

• Vào năm 2012, các giám mục Uruguay cho biết các chính trị gia đã bỏ phiếu để hủy bỏ tội hình phá thai không nên rước Thánh Thể.

Kết luận

Chúng ta đừng vũ khí hóa Bí tích Thánh Thể. Chúng ta hãy bảo vệ nó khỏi các chính trị gia và những người khác gây tai tiếng công khai, mưu toan vũ khí hóa nó cho mục đích của họ. Thánh Thể là Thiên Chúa và nên được bảo vệ. Các điều 915 và 916 là luật, không phải đề nghị.

Vũ Văn An

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS