Aleteia: Khi nào có tân Hồng Y trong năm 2022? Thời sự Vatican và 9 con số tiêu biểu cho năm 2021

Nghe bài này

Năm 2021 tại Vatican với các con số

Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, cho rằng có 9 con số tiêu biểu liên quan đến Vatican trong năm qua.

Không có Tân Hồng Y

Trong năm đầu tiên kể từ năm 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã không triệu tập một công nghị tấn phong Hồng Y, bất kể cử tri đoàn đã đạt đến giới hạn 120 Hồng Y kể từ ngày sinh nhật thứ 80 của Đức Hồng Y Angelo Scola vào ngày 7 tháng 11. Năm 1975, Đức Phaolô Đệ Lục đã đề ra con số 120 vị Hồng Y cử tri là giới hạn tối đa của cử tri đoàn, ngưỡng này cuối cùng đã trở thành mức tối thiểu trong hai mươi năm qua.

Do đó, nhiều khả năng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ triệu tập một công nghị tấn phong Hồng Y vào đầu năm 2022 để tăng số lượng Hồng Y cử tri. Một cách hợp lý, công nghị này có thể diễn ra trước Mùa Chay năm nay bắt đầu vào ngày 2 tháng 3. Nếu không có sự bổ sung, cử tri đoàn sẽ tự động giảm xuống còn 110 Hồng Y vào cuối năm 2022, với mười Hồng Y sẽ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 trong năm nay.

Một vị được Tuyên Thánh

Tốc độ tuyên thánh và tuyên chân phước đã chậm lại đáng kể sau khi đại dịch coronavirus bùng phát, và trong năm 2021 vẫn chưa lấy lại được mức bình thường trước đây. Năm 2020 là năm đầu tiên sau 27 năm không có lễ tuyên thánh: năm nay, chỉ có Chân phước người Ý Margherita di Città di Castello sinh năm 1287 và qua đời năm 1320 được tuyên thánh theo thể thức “tương đương”. Tuyên thánh theo thể thức “tương đương” là một thuật ngữ chuyên môn có nghĩa là trong một số trường hợp – thường vì vị thánh đã sống cách đây quá lâu – Đức Giáo Hoàng ngay lập tức công nhận sự sùng bái thánh nhân đã có từ trước và do đó không cử hành lễ tuyên thánh.

Tuy nhiên, hàng dài “các vị thánh đang chờ đợi” dự kiến sẽ thu hẹp lại vào năm 2022. Thật vậy, bảy Chân phước sẽ chính thức được tuyên thánh vào ngày 15 tháng 5. Những vị này bao gồm hai linh mục người Pháp là Cha Caesar de Bus và Cha Charles de Foucauld. Các vị thánh tương lai khác bao gồm một vị người Ấn Độ và bốn vị người Ý.

Ba chuyến tông du bên ngoài Italia của Đức Giáo Hoàng

Sau khi ở lại Vatican trong suốt năm 2020 do đại dịch Covid-19, Đức Thánh Cha Phanxicô đã vượt biên giới Ý ba lần vào năm 2021, đi đến 5 quốc gia: Iraq, Hung Gia Lợi, Slovakia, Síp và Hy Lạp.

Bay đến Iraq vào ngày 5 tháng 3, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trở thành vị giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử đặt chân lên đất nước đó. Chuyến đi kéo dài 4 ngày của ngài được đánh dấu bằng cuộc gặp gỡ với một trong những nhà lãnh đạo Shiite nổi tiếng nhất, là Ayatollah Ali al-Sistani. Sáu tháng sau, người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo đã đến Budapest vào ngày 12 tháng 9 để bế mạc Đại hội Thánh Thể và sau đó đến Slovakia vào ngày 15 tháng 9. Ngài đã thực hiện chuyến đi cuối cùng đến Síp và Hy Lạp từ ngày 2 đến 6 tháng 12. Chuyến đi tập trung vào vấn đề di cư và quan hệ với Chính thống giáo.

Bổ nhiệm 6 phụ nữ vào các vị trí quan trọng trong Giáo triều Rôma

Năm 2021 là năm Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm nhiều phụ nữ nhất vào các vị trí cao ở Vatican trong triều đại giáo hoàng của ngài. Đầu tiên, ngài bổ nhiệm Sơ Nathalie Becquart làm thư ký Thượng hội đồng Giám mục, và như thế cho một phụ nữ có cơ hội bỏ phiếu lần đầu tiên trong Thượng hội đồng. Cũng có sự bổ nhiệm lịch sử đối với nữ tổng thư ký đầu tiên của một bộ trong giáo triều Rôma là Sơ Alessandra Smerilli trong Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện.

Vào tháng 11, việc bổ nhiệm Sơ Raffaella Petrini làm Tổng thư ký của Chính quyền Thành phố Vatican vào tháng 11 năm 2021 đã khiến sơ ấy trở thành nhân vật nữ “số hai” đầu tiên trong cơ quan hành chính nhà nước, một vị trí thường do một giám mục nắm giữ. Các bổ nhiệm quan trọng khác bao gồm Catia Summaria với tư cách Công tố viên của Tòa phúc thẩm Thành phố Vatican, Sơ Nuria Calduch-Benages làm Thư ký Ủy ban Giáo Hoàng về Kinh thánh và Charlotte Kreuter-Kirchhof làm Phó Điều phối viên của Hội đồng Kinh tế.

Tám Tự Sắc

Năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành 8 Tự Sắc về nhiều chủ đề, từ tài chính đến tâm linh. Theo dữ liệu từ I.MEDIA, Đức Giáo Hoàng Á Căn Đình đã ban hành trung bình khoảng 5 Tự Sắc mỗi năm kể từ khi ngài được bầu vào ngôi Giáo Hoàng vào năm 2013. Nếu tính từ đầu thế kỷ 20 đến nay, Đức Thánh Cha Phanxicô là vị giáo hoàng đưa ra nhiều Tự Sắc nhất.

Một trong những Tự Sắc quan trọng nhất được Đức Giáo Hoàng ban hành trong năm nay là Tự Sắc Traditionis Custodes, được ban hành vào ngày 16 tháng 7. Để bảo đảm sự thống nhất của Giáo hội, Đức Giáo Hoàng giới hạn khả năng cử hành thánh lễ theo Hình thức ngoại thường của Nghi thức Rôma. Một Tự Sắc quan trọng khác được công bố ngày 30 tháng 4, cho phép hệ thống tư pháp giáo dân của Vatican xét xử các Hồng Y và giám mục, mở đầu cho phiên tòa xét xử Hồng Y Angelo Becciu, người có liên quan đến việc mua tòa nhà London. Cuối cùng, Quyển IV của Giáo luật – đề cập đến các hình phạt – đã được viết lại và bây giờ tính đến các trường hợp lạm dụng trẻ vị thành niên.

10 ngày nằm bệnh viện

Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành 10 ngày tại bệnh viện Đa khoa Gemelli ở Rome để thực hiện một cuộc phẫu thuật đại tràng theo kế hoạch. Được mổ vào ngày 4/7 vì có triệu chứng hẹp đại tràng, ngài được ra viện vào ngày 14/7, sau 10 ngày dưỡng bệnh. Ca phẫu thuật đòi hỏi phải gây mê toàn thân và như Đức Giáo Hoàng đã tâm sự trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh Tây Ban Nha, bao gồm việc cắt bỏ “33 cm ruột”.

Mặc dù đã trở thành giáo hoàng lớn tuổi thứ mười hai trong lịch sử vào năm nay, nhưng vị giáo hoàng người Á Căn Đình đã có hai chuyến công du nước ngoài kể từ sau khi phẫu thuật. Bác sĩ và nhà báo người Á Căn Đình Nelson Castro, người đã viết một cuốn sách về sức khỏe của các giáo hoàng, bảo đảm rằng đồng hương của ông có thể chất rất tốt khi họ gặp nhau vào tháng 10 năm ngoái.

10 người bị cáo buộc

Sau 4 năm điều tra, Tòa án Thành phố Vatican đã mở phiên tòa xét xử lớn vào tháng 7 về vụ án tòa nhà ở London, một vụ án liên quan đến các khoản đầu tư tài chính bất thường do Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh thực hiện. Tổng cộng, mười người đã bị tòa án triệu tập vì bị cáo buộc dính líu đến vụ việc, bao gồm cả Hồng Y Angelo Becciu, cánh tay phải trước đây của Đức Giáo Hoàng tại Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Đây là lần đầu tiên một vị Hồng Y bị hệ thống tư pháp dân sự của Vatican xét xử.

Các bị cáo khác là các thành viên của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, các chủ ngân hàng, và các thành viên của Cơ quan Thông tin Tài chính, cũng có cả một phụ nữ, là cô Cecilia Marogna. Cho đến nay đã có 5 phiên xét xử nhưng phiên tòa vẫn đang ở giai đoạn loay hoay với các thủ tục tố tụng. Trên thực tế, bốn trong số mười bị cáo đã được miễn tố. Tuy nhiên, họ có thể bị truy tố trong các phiên tòa trong năm 2022 này.

13 vị Hồng Y nhiễm coronavirus

Covid-19 đã tấn công một số lượng lớn các giáo sĩ cao cấp của Giáo hội vào năm 2021. Ít nhất 13 Hồng Y đã nhiễm Covid-19 trong năm 2021, nâng số Hồng Y bị nhiễm coronavirus lên 22 vị kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Trong số 13 vị, 11 vị là Hồng Y cử tri. Ba vị đã chết vì căn bệnh này, trong đó có một Hồng Y cử tri. Đó là Hồng Y người Brazil Eusebio Oscar Scheid, Hồng Y người Venezuela Jorge Urosa Savino và Hồng Y người Brazil José Freire Falcao. Trong suốt năm qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần ủng hộ và khuyến khích việc tiêm vắc-xin Covid-19, thậm chí còn tuyên bố rằng việc chủng ngừa là một “hành động của tình yêu”.

41 Bài Giáo lý Thứ Tư hàng tuần

Năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiến hành 41 bài giáo lý trong các buổi tiếp kiến chung vào sáng thứ Tư của ngài. Những buổi tiếp kiến chung này đã bao gồm một số bất ngờ: ví dụ, vào tháng 6 năm 2021, khi Người nhện đến gặp Đức Giáo Hoàng; hoặc vào tháng 10 năm 2021, khi một cậu bé khuyết tật lên sân khấu để lấy chiếc zucchetto mà Đức Giáo Hoàng đội trên đầu.

Các bài giáo lý của Đức Thánh Cha Phanxicô, được thực hiện trước hàng ngàn người hành hương tại Vatican hoặc trực tuyến.

Buổi Tiếp kiến Chung đầu năm 2021 đã diễn ra vào Thứ Tư ngày 13 tháng Giêng, trong đó Đức Thánh Cha trình bày bài thứ 21 trong loạt bài về Cầu nguyện mà Đức Thánh Cha đã bắt đầu vào năm 2020. Sau 38 bài, Đức Phanxicô đã kết thúc những suy tư về cầu nguyện vào ngày 16 tháng Sáu và tuần sau đó, Thứ Tư 23 tháng Sáu, ngài bắt đầu các bài giáo lý về Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát. Ngày 10 tháng Mười Một, sau 15 bài, ngài đã kết thúc chủ đề này. Chủ đề hiện đang được thực hiện, từ ngày 17 tháng 11 đến nay, tập trung vào hình ảnh của Thánh Giuse.

Thế Giới Nhìn Từ Vatican

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS