Bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ đầu năm mới kính Mẹ Thiên Chúa

Nghe bài này

Lúc 10h sáng thứ Hai mùng Một tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chào đón năm mới với thánh lễ trọng thể kính Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và Ngày Hoà Bình thế giới tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha có đông đảo các vị trong giáo triều Rôma. Tham dự thánh lễ có các vị đại sứ trong ngoại giao đoàn và đông đảo các tín hữu ngồi chật bên trong đền thờ.

Giảng trong thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:

Năm mới được mở ra trong danh thánh Mẹ Thiên Chúa. Mẹ Thiên Chúa là tước hiệu quan trọng nhất của Đức Mẹ. Nhưng chúng ta có thể tự hỏi tại sao chúng ta nói Mẹ Thiên Chúa, chứ không phải là Mẹ của Chúa Giêsu. Trong quá khứ, một số người hài lòng hơn với tước hiệu thứ hai này, nhưng Giáo Hội đã tuyên bố rằng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Chúng ta nên tri ân về điều này, bởi vì những từ này chứa đựng một sự thật tuyệt vời về Thiên Chúa và về chính chúng ta. Ngay từ khi Chúa chúng ta nhập thể nơi cung lòng Đức Maria, và trong mọi lúc, Ngài đã mang lấy nhân tính của chúng ta. Không còn là một Thiên Chúa tách biệt khỏi con người; nhưng xác thịt mà Chúa Giêsu nhận lấy từ Mẹ Ngài, chính là xác thịt của chúng ta, bây giờ và mãi mãi. Gọi Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa nhắc nhở chúng ta về điều này: Thiên Chúa gần gũi với nhân loại, đến độ như một đứa trẻ gần gũi với người mẹ đang mang nó trong lòng bà.

Từ mẹ (mater) có liên quan đến từ matter, nghĩa là chất thể. Nơi Mẹ Người, Thiên Chúa của trời cao, Thiên Chúa vô hạn, đã làm cho mình trở nên nhỏ bé, trở nên một chất thể, không chỉ là để ở cùng chúng ta mà còn là để được giống chúng ta. Đây là một phép lạ, một sự mới lạ tuyệt vời! Con người không còn cô đơn; không còn là đứa trẻ mồ côi, nhưng mãi mãi là một người con. Năm mới được mở ra với sự mới lạ này. Và chúng ta công bố điều này khi nói: Mẹ Thiên Chúa! Niềm vui của chúng ta là nhận biết rằng sự cô đơn của chúng ta đã kết thúc. Thật là đẹp đẽ khi biết rằng chúng ta là những đứa trẻ được yêu thương, và thời thơ ấu của chúng ta sẽ không bao giờ bị cướp đi mất. Thật là vui khi nhìn thấy chính chúng ta được phản chiếu nơi Chúa Hài Nhi yếu đuối đang nằm trong vòng tay của Mẹ, và nhận ra rằng nhân loại là quý giá và thiêng liêng đối với Chúa. Do đó, phục vụ đời sống con người là phục vụ Thiên Chúa. Tất cả sự sống, từ sự sống của thai nhi còn trong lòng mẹ, cho đến sự sống của người già, người đau khổ và bệnh tật, sự sống của những người đang trong lúc gian truân và thậm chí sự sống của người nổi loạn, tất cả đều phải được hoan nghênh, yêu thương và giúp đỡ.

Giờ đây chúng ta hãy để mình được hướng dẫn bởi Tin Mừng ngày hôm nay. Bài Tin Mừng nhắc đến Mẹ Thiên Chúa chỉ một lần: “Đức Maria ghi nhớ tất cả những điều này, và suy ngẫm trong lòng họ” (Lc 2:19). Mẹ ghi nhớ. Mẹ đơn giản là ghi nhớ; chứ không hề nói. Phúc âm không tường trình bất cứ một từ nào của Mẹ trong toàn bộ trình thuật Giáng sinh. Ở đây cũng vậy, Mẹ nên một với Con mình: Chúa Giêsu là một “trẻ sơ sinh”, một đứa trẻ “không thể nói được”. Ngôi Lời của Thiên Chúa, “từ lâu đã phán dạy nhiều lần và nhiều cách khác nhau” (Dt 1: 1), bây giờ, trong “thời viên mãn” (Gal 4: 4), Người im lặng. Thiên Chúa là Đấng trước nhan Ngài tất cả mọi thứ phải im lặng thì chính Ngài giờ đây là một trẻ thơ không nói nên lời. Đức Vua không nói một lời nào; mầu nhiệm tình yêu của Người được tỏ lộ trong sự thấp hèn. Sự im lặng và thấp hèn này là ngôn ngữ vương quyền của Người. Mẹ tham dự cùng với Con Mẹ và giữ những điều này trong im lặng.

Sự im lặng bảo với chúng ta rằng, nếu chúng ta muốn “giữ” bản thân chúng ta, chúng ta cần im lặng. Chúng ta cần giữ im lặng khi nhìn vào nôi Chúa Hài Nhi. Suy nghĩ về chiếc nôi này, chúng ta tái khám phá lần nữa rằng chúng ta đang được yêu; chúng ta được tận hưởng ý nghĩa thực sự của cuộc sống. Khi chúng ta nhìn trong im lặng, chúng ta để cho Chúa Giêsu nói với con tim chúng ta. Sự thấp hèn của Ngài hạ thấp niềm tự hào của chúng ta; sự nghèo khó của Ngài thách thức dáng vẻ bên ngoài của chúng ta; tình yêu thương dịu dàng của Ngài chạm vào con tim đã khô cằn của chúng ta. Dành ra một khoảnh khắc im lặng mỗi ngày để ở với Thiên Chúa là cách “giữ” linh hồn của chúng ta; đó là cách để “giữ” sự tự do của chúng ta khỏi bị xói mòn do sự khống chế của chủ nghĩa tiêu thụ, sự ồn ào của những lời quảng cáo, dòng chảy những lời trống rỗng và những làn sóng áp đảo của những tiếng kêu vô nghĩa đầy thúc bách và ầm ĩ.

Phúc Âm tiếp tục nói rằng Đức Maria ghi nhớ tất cả những điều này, và suy đi nghĩ lại trong lòng. Những điều này là gì? Đó là những niềm vui và nỗi buồn. Một bên là sự chào đời của Chúa Giêsu, tình yêu của thánh Giuse, cuộc viếng thăm của những người chăn cừu, trong đêm huy hoàng này. Nhưng bên kia là một tương lai bất định, vô gia cư “vì không có chỗ cho họ trong nhà trọ” (Lc 2,7), sự cô đơn vì bị từ chối, sự thất vọng khi phải sinh Chúa Giêsu trong một chuồng gia súc. Niềm hy vọng, và những âu lo, ánh sáng và bóng tối: tất cả những điều này đều nằm trong trái tim của Đức Maria. Và Mẹ đã làm gì? Mẹ suy đi nghĩ lại trong lòng, nghĩa là Mẹ sống với những điều đó, cùng với Thiên Chúa, trong trái tim Mẹ. Mẹ không ngăn lại điều gì; Mẹ không khóa bất cứ điều gì trong lòng vì tự thương hại mình hoặc oán giận ai đó. Thay vào đó, Mẹ dâng mọi thứ cho Thiên Chúa. Đó là cách Mẹ “giữ” những điều này. Chúng ta “giữ” mọi thứ khi chúng ta trao ra không để cho cuộc sống của chúng ta trở thành miếng mồi ngon của sự sợ hãi, đau khổ hay mê tín, không đóng kín con tim chúng ta hoặc cố quên đi, nhưng bằng cách biến mọi thứ thành một cuộc đối thoại với Chúa. Thiên Chúa là Đấng nhớ đến chúng ta trong lòng, khi đó sẽ ngự đến trong đời sống chúng ta.

Những bí quyết của Mẹ Thiên Chúa là ghi nhớ mọi thứ trong thinh lặng và dâng lên cùng Thiên Chúa. Và Tin Mừng kết luận rằng điều này đã xảy ra trong lòng Mẹ. Con tim là chỗ cho chúng ta thấy cốt lõi của con người, tình cảm và cuộc sống của họ. Vào ngày đầu năm, chúng ta như các Kitô hữu trên con đường hành hương của mình, cũng cảm thấy cần phải khởi động lại từ trung tâm, bỏ lại sau lưng những gánh nặng của quá khứ và bắt đầu lại từ những điều thực sự quan trọng. Hôm nay, chúng ta đã có trước mặt mình điểm khởi hành: đó là Mẹ Thiên Chúa, vì Đức Maria là điều Thiên Chúa muốn chúng ta trở thành, là điều Người muốn Giáo Hội của Người trở thành: đó là trở nên một người Mẹ dịu dàng và khiêm cung, nghèo nàn vật chất và giàu có tình yêu, sạch tội và hiệp nhất cùng Chúa Giêsu, giữ Chúa trong lòng chúng ta và nhớ đến người láng giềng trong cuộc sống của chúng ta. Để khởi động lại một lần nữa, chúng ta hãy nhìn lên Mẹ của chúng ta. Nơi con tim Mẹ, trái tim của Giáo Hội đang đập. Ngày lễ hôm nay bảo cho chúng ta biết rằng nếu chúng ta muốn tiến lên phía trước, chúng ta cần phải quay lại: và bắt đầu lại từ chiếc nôi của Chúa Hài Nhi, từ Mẹ là Đấng đang bồng Chúa trong vòng tay.

Lòng sùng kính Đức Maria không phải là một thứ kiểu cọ về mặt siêu nhiên; đó là một yêu cầu trong đời sống Kitô hữu. Khi nhìn vào Mẹ, chúng ta được yêu cầu bỏ lại tất cả các loại hành lý vô ích để tái khám phá những gì thực sự quan trọng. Đặc sủng của Mẹ, đặc sủng của mỗi người mẹ và mỗi phụ nữ, là điều quý báu nhất đối với Giáo Hội, vì Mẹ cũng là một người mẹ và là một người phụ nữ. Trong khi một người nam thường khái quát, quyết đoán và áp đặt các ý tưởng, một người phụ nữ, một người mẹ, biết cách “giữ”, biết cách đặt mọi thứ vào trong trái tim của mình, để trao ban cuộc sống. Nếu đức tin của chúng ta không bị giản lược thành một ý tưởng hay một học thuyết thì tất cả chúng ta cần trái tim của một người mẹ, một người biết cách ghi nhớ tình yêu dịu dàng của Chúa và cảm nhận được nhịp tim của tất cả những người xung quanh chúng ta. Lạy Mẹ, là thụ tạo tốt nhất của Chúa, xin bảo vệ và gìn giữ chúng con trong năm nay, và mang hòa bình của Con Mẹ đến con tim chúng con và thế giới. Và như những đứa trẻ, với sự giản dị, tôi mời anh chị em chào đón Mẹ như các Kitô hữu đã làm tại Ê-phê-sô trước sự hiện diện của các giám mục của họ: “Mẹ Thiên Chúa!”. Chúng ta hãy cùng nhau lặp lại ba lần, trong khi hướng nhìn về Mẹ “Mẹ Thiên Chúa!”.

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS