Bẽ bàng: Nghị định tôn giáo mới của Trung Quốc gạt phăng Vatican khỏi tiến trình bổ nhiệm Giám Mục

Nghe bài này

Vào ngày 22 tháng 9 năm 2018, Vatican đã ký một thỏa thuận với Bắc Kinh liên quan đến việc bổ nhiệm các giám mục ở Trung Quốc, theo đó, Bắc Kinh có quyền lựa chọn các ứng viên giám mục, những người sau đó sẽ được Tòa thánh chấp thuận hoặc phủ quyết.

Được đằng chân, lân đằng đầu. Nghị định mới vừa được công bố của bọn cầm quyền Trung Quốc đã bãi bỏ luôn quyền chấp thuận hoặc phủ quyết của Tòa Thánh.

Những ai có chút kinh nghiệm xương máu với cộng sản đã biết ngay từ đầu sớm muộn cũng sẽ có ngày này.

Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, có bài phúc trình nhan đề “Report: Vatican not mentioned in China’s new rules on bishop appointments”, nghĩa là “Báo cáo: Vatican chẳng hề được nhắc đến trong các quy định mới về bổ nhiệm các Giám Mục.”

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Theo các quy định mới được tường thuật là sẽ có hiệu lực vào ngày 1 tháng 5, Giáo Hội Công Giáo và Hội đồng giám mục do bọn cầm quyền Trung Quốc điều hành sẽ lựa chọn, phê chuẩn và phong chức các ứng viên giám mục —sự tham gia của Vatican trong quá trình này không hề được đề cập đến.

Nghị định mới có tên “Các Biện Pháp Hành Chính Dành Cho Hàng Giáo Sĩ Các Tôn Giáo” của Trung Quốc sẽ có hiệu lực vào ngày 1 tháng 5. Các quy tắc này đã được dịch [từ tiếng Hoa sang tiếng Anh] bởi tạp chí Bitter Winter, là cơ quan chuyên báo cáo về các điều kiện tự do tôn giáo ở Trung Quốc.

Theo quy định mới, Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc, gọi tắt là CCPA, do bọn cầm quyền điều hành sẽ chịu trách nhiệm lựa chọn các ứng viên giám mục. Sau đó, các ứng viên sẽ được “Hội đồng Giám mục Công Giáo Trung Quốc chấp thuận và tấn phong”.

Các quy tắc không đề cập đến bất kỳ vai trò nào của Vatican trong việc phê chuẩn các giám mục, bất chấp thỏa thuận giữa Vatican-Trung Quốc vào năm 2018 được cho là có sự tham gia của cả Trung Quốc và Tòa thánh trong quá trình bổ nhiệm giám mục.

Năm 2018, Vatican đã đạt được thỏa thuận với Bắc Kinh về việc bổ nhiệm các giám mục; các điều khoản của thỏa thuận, được gia hạn thêm hai năm nữa vào tháng 10 năm 2020, chưa bao giờ được tiết lộ đầy đủ.

Tuy nhiên, theo các báo cáo, thỏa thuận cho phép Giáo Hội quốc doanh được bọn cầm quyền Trung Quốc nhìn nhận có quyền lựa chọn các ứng viên giám mục, những người sau đó sẽ được Tòa thánh chấp thuận hoặc phủ quyết. Vào thời điểm thỏa thuận Vatican-Trung Quốc được gia hạn vào tháng 10, một tờ báo của Vatican đã đưa tin rằng hai giám mục Trung Quốc đã được bổ nhiệm theo “khuôn khổ pháp lý được thiết lập bởi thỏa thuận”. Vào tháng 11, Vatican xác nhận rằng một giám mục thứ ba đã được bổ nhiệm theo khuôn khổ được quy định bởi hiệp định này.

Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, nguyên giám mục Hương Cảng và là người lên tiếng chỉ trích thỏa thuận này, cho biết hiệp định này có thể đặt Vatican vào tình thế phải phủ quyết liên tục các ứng viên giám mục do Trung Quốc tiến cử.

Thỏa thuận được thực hiện để giúp hợp nhất Giáo hội quốc doanh do nhà nước điều hành và Giáo Hội Công Giáo thầm lặng. Ước tính có khoảng 6 triệu người Công Giáo đã ghi danh với CCPA, trong khi ước tính vài triệu người thuộc các cộng đồng Công Giáo thầm lặng chưa ghi danh với bọn cầm quyền và vẫn trung thành với Tòa thánh.

Theo các quy định mới, một khi một giám mục mới được tấn phong, CCPA và Hội Đồng Giám Mục được nhà nước công nhận sẽ gửi thông tin của ngài đến Cục Quản lý Nhà nước về Tôn giáo.

Đăng ký giáo sĩ trong cơ sở dữ liệu là một phần quan trọng của các biện pháp hành chính mới, theo đó các giáo sĩ ở Trung Quốc cũng sẽ được yêu cầu phải thúc đẩy các giá trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ví dụ, Điều III của các biện pháp hành chính quy định rằng các giáo sĩ “phải yêu Tổ quốc, ủng hộ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ủng hộ hệ thống xã hội chủ nghĩa,” và “tuân theo đường hướng của quá trình Trung Hoa hóa tôn giáo ở Trung Quốc”.

Quá trình Trung Hoa hóa đã được Tập Cận Bình công bố và thực hiện trong những năm gần đây; những người chỉ trích đã gọi kế hoạch này là một nỗ lực buộc thực hành tôn giáo phải bị dưới sự kiểm soát của bọn cầm quyền Trung Quốc và phù hợp với các giá trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ngoài ra, theo các quy tắc, các giáo sĩ phải “hoạt động để duy trì sự thống nhất quốc gia, hòa hợp tôn giáo và ổn định xã hội”.

Phần D của các biện pháp nói rằng các giáo sĩ phải “hướng dẫn” các công dân “yêu nước và tuân thủ luật pháp”. Họ bị nghiêm cấm không được thực hiện các hoạt động “phá hoại đoàn kết dân tộc” hoặc hỗ trợ “các hoạt động khủng bố”.

Không rõ “khủng bố” được định nghĩa như thế nào theo các biện pháp hành chính mới này. Trong luật an ninh quốc gia của Hương Cảng đã được cơ quan lập pháp quốc gia ban hành vào năm 2020, “khủng bố” bao gồm các hành vi như đốt phá và phá hoại các phương tiện giao thông công cộng.

Các thành viên đã đăng ký trong danh sách giáo sĩ ở Trung Quốc sẽ không được phép “tổ chức, đăng cai hoặc tham gia vào các hoạt động tôn giáo trái phép được tổ chức bên ngoài các địa điểm được phép hoạt động tôn giáo” và sẽ không được phép giảng trong các trường học không phải là trường tôn giáo.

Các giáo sĩ đã đăng ký phải thuộc một trong những tôn giáo do nhà nước quản lý của Trung Quốc. Giáo sĩ của các “nhà thờ tại gia” hoặc nhà thờ “hầm trú” sẽ không được xem là giáo sĩ đã ghi danh.

Tài liệu cho biết: “Việc vào các nơi thờ tự” cần được quy định thông qua việc canh gác nghiêm ngặt, xác minh danh tính và đăng ký”.

Các quy tắc cũng kêu gọi một “chương trình đào tạo giáo sĩ tôn giáo” để “giáo dục chính trị cho các giáo sĩ tôn giáo” cũng như “giáo dục văn hóa” cho họ. Các giáo sĩ cũng cần được đánh giá về hành vi của họ theo một hệ thống “thưởng phạt”.

Đặng Tự Do

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS