Bốn cột trụ trong suy tư của Đức Phanxicô

Nghe bài này

pope-francis

Nhà bình luận Sandro Magister có lúc đã bị văn phòng báo chí của Tòa Thánh rút “chứng minh thư” (credential) vì đã tiết lộ trước thời hạn một văn kiện quan trọng của Đức Phanxicô. Sau đó, ông đã được văn phòng này cấp chứng minh thư trở lại. Tuy nhiên, không vì thế mà các nhận định của ông về triều đại của Đức Phanxicô thay đổi.

Gần đây, ông có tường thuật lại một bài báo của Cha Giovanni Scalese, Dòng Barnabite, một nhà ngoại giao và là một triết gia, để nhấn mạnh rằng từ lúc còn trẻ, Đức Phanxicô đã có những tiêu chuẩn hướng dẫn suy nghĩ của ngài. Các tiêu chuẩn này vẫn tiếp tục được ngài sử dụng trong huấn quyền đối với toàn thể Giáo Hội Công Giáo hiện nay.

Theo Cha Scalese, có bốn tiêu chuẩn hay nguyên tắc hướng dẫn, được cha gọi là định đề (postulati). Nguyên tắc thứ nhất đã được Đức Phanxicô xác định ở phần đầu Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Về Gia Đình Amoris Laetitia (Niềm Vui Yêu Thương): “Vì ‘thời gian lớn hơn không gian’ nên tôi muốn minh xác ngay rằng không phải mọi cuộc thảo luận về các vấn đề tín lý, luân lý hay mục vụ đều cần phải được giải quyết thanh thỏa bằng các can thiệp của huấn quyền”. Sau đó, ngài dẫn giải tiêu chuẩn này như sau: “Điều quan trọng là khởi diễn các diễn trình hơn là thống trị không gian”.

Thực ra, “Thời gian lớn hơn không gian” là tiêu chuẩn thứ nhất trong bốn tiêu chuẩn hướng dẫn mà Đức Phanxicô đã liệt kê và minh giải trong văn kiện trình bầy nghị trình của triều giáo hoàng của ngài tức tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng”. Ba tiêu chuẩn còn lại là: hợp nhất lướt thắng tranh chấp, thực tại quan trọng hơn ý niệm, toàn bộ lớn hơn thành phần.

Toàn bộ cuộc sống của người mang tên Jorge Mario Bergoglio đã được linh hứng bởi bốn nguyên tắc trên. Linh mục Dòng Tên Diego Fares, người Á Căn Đình, khi bình luận Tông Huấn Amoris Laetitia trong số mới nhất của tập san “La Civiltà Cattolica”, đã trích dẫn khá nhiều nhận định từ một cuộc mạn đàm năm 1978 với Cha Bergoglio, lúc đó là giám tỉnh Dòng Tên tại Á Căn Đình, về “lãnh vực không gian hành động và cảm thức thời gian”. Theo đó, ngay khi vừa làm giám tỉnh Dòng Tên, Đức Phanxicô đã sử dụng các tiêu chuẩn hay nguyên tắc trên rồi để soi sáng một số tình thế mà tỉnh dòng đang gặp phải. Lúc ấy là năm 1974, lúc ngài mới 38 tuổi, nhập Dòng Tên được 16 năm, cử nhân triết 11 năm, làm linh mục được 5 năm và làm giám tỉnh được 1 năm, chưa qua Đức để chuẩn bị luận án tiến sĩ. Điều này chứng tỏ, bốn nguyên tắc trên hoàn toàn do suy tư riêng của ngài mà có.

Tuy nhiên, một cách minh nhiên, phải đợi tới lúc ngài qua Frankfurt, Đức năm 1986 để dọn tiến sĩ, bốn nguyên tắc trên mới được xác định thành văn dứt khoát. Luận án này không được hoàn thành, nhưng trọn phần trong “Niềm Vui Tin Mừng” nói tới bốn nguyên tắc này thực ra chỉ là chép lại một chương trong luận án tiến sĩ viết dở về nhà thần học Ý gốc Đức, Romano Guardini, mà thôi.

Hậu cảnh trên đã được chính Đức Phanxicô tiết lộ trong một cuốn sách phát hành tại Á Căn Đình năm 2014 về các năm “khó khăn” làm tu sĩ Dòng Tên: “Cho dù tôi không thể hoàn thành luận án, các nghiên cứu tôi thực hiện lúc ấy giúp tôi rất nhiều đối với những gì sẽ xẩy ra sau đó, kể cả tông huấn ‘Niềm vui Tin Mừng’, vì ta thấy trọn phần nói về các tiêu chuẩn xã hội ở trong đó đã được lấy từ luận án của tôi về Guardini”.

Thành thử, điều không thể thiếu là phân tích các tiêu chuẩn trên, nếu ta muốn hiểu tư tưởng của Đức Phanxicô. Cha Giovanni Scalese cho ta một phân tích khá tường tận về các tiêu chuẩn này, các tiêu chuẩn được ngài cho là “con đường chân thực để đạt hòa bình trong mỗi quốc gia và khắp trên thế giới” (Niềm Vui Tin Mừng, số 221).

Nguyên tắc thứ nhất: thời gian lớn hơn không gian

Đây hẳn phải là nguyên tắc thân thiết nhất của Đức Phanxicô. Ngài nói đến nó lần đầu tiên trong “Ánh sáng đức tin” (số 57). Ta thấy nó lần nữa cùng với 3 nguyên tắc kia trong “Niềm vui Tin Mừng” (các số 222-225). Sau đó, nó được lồng trong “Laudato Si” (số 178). Và mới đây, hai lần, trong “Niềm Vui Yêu Thương” (các số 3 và 261).

Nguyên tắc này thoạt đầu hơi khó hiểu. Nó chỉ rõ ràng hơn khi được Niềm vui Tin Mừng giải thích như sau: “Nguyên tắc này giúp chúng ta hoạt động từ từ nhưng chắc chắn, không bị ám ảnh bởi những kết quả tức thì. Nó giúp chúng ta kiên nhẫn chịu đựng những khó khăn và nghịch cảnh, hay những thay đổi không tránh khỏi trong các kế hoạch của mình. Nó mời gọi chúng ta chấp nhận sự căng thẳng giữa sự viên mãn và sự giới hạn, và dành ưu tiên cho thời gian. Một trong các khuyết điểm chúng ta thường gặp trong hoạt động chính trị-xã hội là người ta thích không gian và quyền lực hơn thời gian và các qui trình. Dành ưu tiên cho không gian có nghĩa là điên cuồng tìm cách níu kéo tất cả trong hiện tại, cố gắng chiếm hữu tất cả các không gian của quyền lực và sự tự khẳng định mình; là cô đọng các qui trình và cố níu kéo chúng. Dành ưu tiên cho thời gian có nghĩa là quan tâm tới việc khởi động các qui trình hơn là chiếm hữu không gian. Thời gian điều khiển các không gian, soi sáng chúng và biến chúng thành những mắt xích trong một chuỗi xích kéo dài, không có khả năng quay ngược trở lại. Vì vậy cái chúng ta cần là dành ưu tiên cho các hành động phát sinh các qui trình mới trong xã hội và lôi kéo sự tham gia của những người khác và những nhóm khác, những người có thể phát triển chúng tới chỗ chúng sinh hoa kết quả trong các biến cố lịch sử quan trọng. Không lo âu, nhưng đầy những xác tín rõ ràng và sự bền bỉ” (số 223).

Trong “Niềm Vui Yêu Thương”, nó còn được trình bầy súc tích hơn nữa: “Điều quan trọng hơn là khởi diễn các diễn trình hơn là thống trị không gian” (số 261). Và cũng trong tông huấn này, ta thấy một áp dụng gây ngạc nhiên của nguyên tắc này: “Vì “thời gian lớn hơn không gian”, tôi xin minh xác điều này: không phải mọi cuộc thảo luận về các vấn đề tín lý, luân lý hay mục vụ đều cần được giải quyết thanh thỏa bởi các can thiệp của huấn quyền. Việc thống nhất giữa giáo huấn và thực hành chắc chắn là điều cần thiết trong Giáo Hội, nhưng điều này không loại trừ các cách giải thích đa dạng một số khía cạnh của giáo huấn ấy và từ đó rút ra một số hệ quả. Điều này luôn luôn đúng vì Thần Khí hướng dẫn chúng ta hướng về sự thật toàn vẹn (xem Ga 16:13), cho tới khi Người hướng dẫn ta vào mầu nhiệm Chúa Kitô một cách trọn vẹn và giúp ta thấy mọi sự như Người thấy. Hơn nữa, mỗi quốc gia hay mỗi miền có thể tìm các giải pháp tốt hơn, thích hợp đối với văn hóa của họ và nhậy cảm đối với truyền thống và nhu cầu địa phương của họ” (số 3).
Theo Cha Scalese, ta phải thành thực nhìn nhận rằng kết luận như trên không lập tức hiển nhiên. Hình như cốt yếu của nguyên tắc này nằm ở chỗ ta không nên đồng nhất hóa mọi sự và mọi người, nhưng cho phép mọi người tự tiến tới “chân trời” của họ (các số 222 và 225).

Trong cuộc phỏng vấn của Cha Antonio Spadaro trên tập san “La Civiltà Cattolica” ngày 19 tháng 9 năm 2013, Đức Phanxicô trình bầy nguyên tắc này theo viễn ảnh thần học: “Thiên Chúa tự tỏ mình ra trong mặc khải có tính lịch sử, trong thời gian. Thời gian khởi diễn các diễn trình, không gian cô đọng chúng. Thiên Chúa ở trong thời gian, ở trong các diễn trình. Chúng ta đừng tập chú vào việc chiếm hữu không gian nơi quyền lực được thi hành, mà đúng hơn nên tập chú vào việc khởi diễn các diễn trình lịch sử lâu dài. Ta phải khởi diễn các diễn trình hơn là chiếm không gian. Thiên Chúa tự tỏ mình ra trong thời gian và hiện diện trong các diễn trình lịch sử. Điều này ưu tiên hóa các hành động nhằm khai sinh ra các năng động tính lịch sử mới. Và điều này đòi kiên nhẫn, biết chờ đợi” (trang 468).

Trong tập san “PATH” của Giáo Hoàng Hàn Lâm Thần Học Viện (số 2/2014, các trang 403-412), Cha Giulio Maspero nhận diện nguồn gốc của nguyên tắc này nơi Thánh Inhã và Thánh Gioan XXIII, được Đức Phanxicô nhắc đến trong cuộc phỏng vấn của Cha Spadaro, và nơi Thánh Pietro Favre, được trích dẫn trong Niềm Vui Tin Mừng số 171; nhưng ngài loại bỏ nguồn Romano Guardini, dù được trích dẫn trong Niềm Vui Tin Mừng số 224. Linh mục này cho rằng nguyên tắc này có “gốc rễ Ba Ngôi một cách sâu sắc” trong khi chìa khóa giải thích nó nằm ở việc khẳng định sự hiện diện và sự biểu hiện của Thiên Chúa trong lịch sử.

Nguyên tắc thứ hai: Hợp nhất lướt thắng tranh chấp

Nguyên tắc này cũng đã được phát biểu lần đầu tiên trong “Ánh Sáng Đức Tin” (số 55). Trong “Niềm Vui Tin Mừng” (các số 226-230), nó được quảng diễn chi tiết hơn. Sau cùng, ta thấy nó trong “Laudato Si” (số 198). “Niềm Vui Tin Mừng” viết như sau:

“Xung đột không thể được làm ngơ hay che giấu. Phải đối diện nó. Nhưng nếu chúng ta bị mắc kẹt trong xung đột, chúng ta mất tầm nhìn, chân trời của chúng ta bị thu nhỏ lại và chính thực tại bắt đầu tan rã. Trong xung đột, chúng ta mất ý thức về sự duy nhất sâu xa của thực tại” (số 226).

Rồi ngài mô tả ba thái độ:

“Khi xảy ra xung đột, một số người chỉ biết nhìn rồi bỏ đi như thể chẳng có gì xảy ra; họ phủi tay rồi tiếp tục cuộc sống của mình. Những người khác thì bám chặt lấy nó khiến họ trở thành tù nhân của nó; họ bị mất phương hướng, phóng chiếu sự hoang mang và bất mãn của họ vào các tổ chức và vì thế làm cho không thể nào có được sự hiệp nhất. Nhưng cũng có một cách thứ ba, và đây là cách tốt nhất để xử lý xung đột. Đó là sẵn sàng trực diện với xung đột, giải quyết nó và làm nó trở thành mắt xích trong sợi dây của một qui trình mới. “Phúc cho những ai xây dựng hoà bình!” (Mt 5:9).

Thái độ thứ ba dựa trên nguyên tắc “hợp nhất lướt thắng tranh chấp” thực sự được coi là “tối thiết để xây dựng tình bằng hữu trong xã hội” (số 228). Nguyên tắc này gợi hứng cho ý niệm “đa dạng hoà giải” (số 230), được lặp đi lặp lại trong giáo huấn của Đức Phanxicô, đặc biệt, trong lãnh vực đại kết.

Theo Cha Scalese, nguyên tắc trên dường như giả định một cái nhìn biện chứng về thực tại rất giống với cái nhìn của Hegel:
“Tình liên đới, hiểu theo nghĩa sâu xa nhất và thách thức nhất của nó, trở thành một cách để làm lịch sử trong một môi trường sống mà các xung đột, căng thẳng và đối kháng có thể đạt được một sự hiệp nhất đa dạng và đem lại sức sống. Đây không phải là chọn một thái độ ba phải, hay chọn cách hoà tan người này vào người kia, nhưng là chọn một cách giải quyết trên bình diện cao hơn và giữ lại điều gì có giá trị và ích lợi ở cả hai bên” (số 228).

“Giải pháp trên bình diện cao hơn” trên nhắc ta nhớ tới “Aufhebung” (hợp đề) của Hegel. Không phải là việc tình cờ khi số 230 nhắc tới một “tổng hợp” mà tổng hợp thường giả thiết một chính đề (thesis) và một phản đề (antithesis), các cực trong một tranh chấp với nhau.

Nguyên tắc thứ ba: thực tại quan trọng hơn ý niệm

Nguyên tắc này được trình bầy trong “Niềm Vui Tin Mừng” (các số 231-233) và sau đó được lồng trong “Laudato Si” (số 201).

“Cũng có một sự căng thẳng thường xuyên giữa các ý niệm và các thực tại. Các thực tại thì hiện hữu, còn các ý niệm thì được làm ra. Phải có sự đối thoại liên tục giữa thực tại và ý niệm, nếu không các ý niệm sẽ trở thành xa rời thực tại. Thật nguy hiểm khi chỉ dừng lại ở những lời nói suông, những hình ảnh và những bài diễn văn hay. Vì vậy chúng ta có một nguyên tắc thứ ba: các thực tại lớn hơn các ý niệm. Nguyên tắc này đòi chúng ta phải bác bỏ các phương tiện khác nhau nhằm che giấu thực tại: các dạng tinh tuyền siêu phàm, sự chuyên chế của chủ nghĩa tương đối, những lời nói sáo rỗng, những mục tiêu lý niệm nhưng không thực tế, những nhãn hiệu của chủ nghĩa cực đoan phi lịch sử, những hệ thống đạo đức không có tình thương, những nghị luận trí thức không có minh triết” (số 231).

Xem ra nguyên tắc này dễ hiểu hơn và được chấp nhận nhiều hơn, một nguyên tắc gần hơn với triết lý truyền thống. Việc khai triển nó trong “Niềm Vui Tin Mừng” còn lôi cuốn nữa và thoạt xem còn hoàn toàn có thể chấp nhận được:

“Các ý niệm, hay các khai triển có tính khái niệm (conceptual elaborations), được dùng để truyền thông, hiểu biết và thực hành. Các ý niệm tách rời khỏi thực tại thường tạo ra những hình thức duy tâm và duy danh vô bổ, cùng lắm cũng chỉ giúp phân loại và định nghĩa, nhưng chắc chắn không dẫn đến hành động. Các thực tại được lý trí soi sáng mới thúc đẩy chúng ta đến hành động. Thái độ duy danh hình thức phải nhường chỗ cho tính khách quan hài hoà. Nếu không, chân lý sẽ bị xuyên tạc, đồ mỹ phẩm sẽ thế chỗ cho sự chăm sóc thân xác thực sự” [Plato, “Gorgias”, 465] (số 232).

Trong tập san đã trích trên đây của Giáo Hoàng Hàn Lâm Thần Học Viện, Cha Giovanni Cavalcoli, trong một nhận định sảng khoái về nguyên tắc này, đã hội nhập nó vào chủ nghĩa duy thực trong nhận thức học Aristốt-Tôma truyền thống. Theo Cha Scalese, vị linh mục này không xét tới hai khía cạnh quan trọng:

bối cảnh, trong đó, nguyên tắc này được trình bầy; đây là một bối cảnh xã hội học với nhiều vang dội có tính mục vụ. “Niềm Vui Tin Mừng” không phải là một khảo luận về triết lý nhận thức: dù xử lý một nguyên tắc triết lý, nhưng nguyên tắc này được sử dụng để khai triển việc sống chung trong xã hội và việc xây dựng một dân tộc (số 221);

– và ngôn ngữ sử dụng, vì đây không phải là ngôn ngữ kỹ thuật. Khi ngài nói tới việc có “những hình thức duy tâm và duy danh vô bổ”, ngài không có ý nói tới các trào lưu duy tâm và duy danh trong lịch sử, nên đã dùng chúng ở số nhiều. Hơn nữa, các hạn từ “ý niệm” hay “thực tại” ở đây được hiểu theo một nghĩa khác với nghĩa được nền nhận thức luận truyền thống vốn hiểu. “Thực tại” được nói tới trong “Niềm Vui Tin Mừng” không phải là một thực tại hoàn toàn có tính hiện tượng. “Ý niệm” không phải là việc trình tả trong tâm trí về một đối vật, nhưng như bản văn cho thấy, nó đồng nghĩa với “các khai triển có tính khái niệm” (số 232) và do đó là các khai triển “ý thức hệ”. Đàng khác, việc sử dụng các kiểu nói về hiện hữu không nên hiểu theo nghĩa ngôn ngữ kinh viện cổ truyền.

Các nhận xét trên có những hậu quả quan trọng. Nguyên tắc “thực tại quan trọng hơn ý niệm” không liên hệ gì tới “adaequatio intellectus ad rem” (sự cân phương giữa trí khôn và sự vật). Thay vào đó, nó chỉ có nghĩa ta phải chấp nhận thực tại như nó hiện là, không giả thiết phải thay đổi nó dựa vào các nguyên tắc tuyệt đối, như các nguyên tắc luân lý, vốn chỉ là các ý niệm “trừu tượng”, mà phần lớn có nguy cơ bị biến thành ý thức hệ. Nguyên tắc này nằm ở nền tảng các luận điểm liên tục của Đức Phanxicô nhằm chống lại học lý. Về phương diện này, điều có ý nghĩa là câu khẳng định của Đức Phanxicô trong cuộc phỏng vấn của tờ “La Civiltà Cattolica”:

“Nếu người Kitô hữu là người duy phục hồi, duy luật pháp, nếu người này muốn mọi sự phải rõ ràng và an toàn, thì họ chẳng tìm được gì. Truyền thống và ký ức dĩ vãng phải giúp ta có can đảm mở ra những lãnh vực mới cho Thiên Chúa. Những ai ngày nay luôn tìm các giải pháp kỷ luật, những ai chỉ mong sự ‘an toàn’ cường điệu về tín lý, những ai ương cạnh tìm cách phục hồi một quá khứ đã không còn nữa, thì chỉ nhìn sự vật một cách tĩnh tụ và hướng vào bên trong mà thôi. Với cách đó, đức tin trở thành một ý thức hệ trong số các ý thức hệ khác” (các trang 469-470).

Nguyên tắc thứ tư: toàn bộ lớn hơn thành phần

Ta thấy nguyên tắc này được trình bầy rộng dài trong “Niềm Vui Tin Mừng” (các số 234-237) và sau đó được tóm lược trong “Laudato Si” (số 141):

“Toàn thể lớn hơn thành phần, nhưng cũng lớn hơn tổng số các thành phần. Vì vậy, không cần bị ám ảnh quá nhiều bởi những vấn đề hạn hẹp và riêng biệt. Chúng ta cần không ngừng mở rộng chân trời của mình để thấy cái tốt lớn hơn mà tất cả chúng ta đều được hưởng. Nhưng phải làm điều này mà không tìm cách trốn tránh hay nhổ bỏ gốc rễ. Chúng ta cần cắm sâu các gốc rễ của mình vào mảnh đất phì nhiêu và lịch sử của quê quán mình, đó là một quà tặng của Thiên Chúa. Chúng ta có thể làm ở qui mô nhỏ, trong khu vực chúng ta ở, nhưng với một nhãn quan rộng hơn. Và những người sống hết lòng trong một cộng đồng cũng không cần mất đi cá tính hay che giấu căn tính của họ; trái lại, họ nhận được những động lực mới để thăng tiến bản thân. Không cần bóp nghẹt cái toàn thể, cũng không cần làm cho cái đặc thù trở nên cằn cỗi” (Niềm Vui Tin Mừng, số 235).

Ta phải đánh giá cao đối với cố gắng nhằm duy trì với nhau hai cực vốn ở thế căng thẳng với nhau: toàn thể và thành phần, và là hai cực được Niềm Vui Tin Mừng đồng nhất hóa với “hoàn cầu hóa” và “địa phương hóa” (số 234). Việc nhìn nhận thành phần, một thành phần không được mất đi trong toàn thể, đã được tượng trưng bằng một hình ảnh hình học rất thân thiết đối với Đức Phanxicô, tức hình ảnh khối đa diện (polyhedron), tương phản với khối hình cầu (số 236).

Theo Cha Scalese, trong cách phát biểu của nó, nguyên tắc này dường như không nói lên được sự cân bằng giữa toàn thể và thành phần. Nó công khai nói tới tính trổi hơn của toàn thể so với các thành phần. Trong khi ấy, học thuyết xã hội của Giáo Hội cho rằng con người là hữu thể xã hội ngay trong họ, nhưng đồng thời tái khẳng định tính ưu vị của họ và việc không thể giản lược họ vào cơ thể xã hội (Toát Lược Học Thuyết Xã Hội Công Giáo, các số 125 và 149; Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, các số 1878-1885). Hơn nữa, theo quan điểm chú giải, không nên mô tả mối liên hệ giữa toàn thể và các thành phần theo kiểu hơn thua mà theo kiểu vòng tròn: toàn thể phải được giải thích dưới ánh sáng các thành phần; và các thành phần phải được giải thích dưới ánh sáng toàn thể.

Kết luận

Việc có những phân cực trong thực tế đời sống ta là một sự kiện khó có thể bác bỏ. Điều quan trọng là thái độ ta cần có khi đối diện với các căng thẳng trong trải nghiệm hàng ngày. Xem xét cả bốn nguyên tắc nói trên như một toàn thể, xem ra ta phải kết luận rằng thái độ thích đáng nhất quả là thái độ đem các cực đối nghịch nhau lại với nhau, nhưng với giả thiết này: một trong hai cực cao hơn cực kia: thời gian lớn hơn không gian; hợp nhất thắng lướt tranh chấp; thực tại quan trọng hơn ý niệm; toàn thể lớn hơn thành phần.

Như thế, điều cần là luôn phải “quản trị” các căng thẳng; nói cách khác, bao lâu ta còn sống ở đời này, thì các căng thẳng này sẽ không bao giờ được vượt qua cách dứt khoát cả. Sẽ là một lầm lẫn lớn nếu đứng hẳn về một cực để chống lại cực kia, như thể sự thiện đều dồn về một phía còn phía kia chỉ có sự ác. Đó là tác phong của nhóm Manikêô (lưỡng nguyên) vốn bị Giáo Hội lên án. Kitô hữu không phải là người của “aut aut” (tiếng Latinh có nghĩa: hoặc là hoặc là) mà là của “et et” (tiếng Latinh có nghĩa: và và). Ở đời này, có chỗ, và phải có chỗ, cho mọi sự: cho thời gian và cho không gian, cho hợp nhất và cho đa dạng, cho thực tại và ý niệm, cho toàn thể và thành phần. Không điều gì bị loại trừ, mà không làm cho thực tại mất cân bằng, điều sẽ dẫn tới các tranh chấp tàn hại.

Một nhận xét khác nữa có thể đưa ra vào lúc này là: việc trình bầy bốn nguyên tắc này cho thấy rõ: trong hành động của con người, không thể tránh được việc để mình được hướng dẫn bởi một số nguyên tắc vốn có bản chất trừu tượng. Do đó, sẽ là điều vô ích nếu cứ tranh cãi nhau về tính trừu tượng của “học lý”, tương phản nó bằng một “thực tại” mà ta phải thích ứng với. Thực tại, nếu không được soi sáng, hướng dẫn, và xếp đặt bởi một số nguyên tắc, nguy cơ sẽ biến thành hỗn loạn.

Áp dụng vào Đức Phanxicô, ta nên nhớ ngài đưa bốn nguyên tắc trên ra, làm nổi bật chúng, trong bối cảnh mục vụ, nên ngài có thiên về thực tại, hành động, hơn là lý thuyết hay học lý hay tín lý. Nhưng ngài không chối bỏ tín lý, qua câu nói thời danh: về tín lý, ngài là người con của Giáo Hội. Hơn nữa, khi đưa ra chữ “hơn” trong cả bốn nguyên tắc nói trên, ngài không hề loại vế kém hơn của phương trình. Hơn bất cứ ai khác, Đức Phanxicô là người của “et et” chứ không phải là người của “au taut”, nói theo kiểu nói của Cha Scalese.

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS