Ngọc Yến – Vatican News
Nói về các sáng kiến trong Năm Inhã này, cha Gian Giacomo Rotelli, Thư ký riêng của Bề trên Tổng quyền Dòng Tên cho biết: Dòng Tên cử hành Năm Inhã 2021-2022 không phải vì chính hội Dòng hoặc để làm cho linh đạo của Dòng được biết đến, nhưng trên hết là để cử hành công trình Thiên Chúa thực hiện nơi một con người đã từng sử dụng vũ khí và hoạt động ở triều đình, đó là thánh Inhã. Qua vết thương nghiêm trọng ở chân trong trận chiến, Chúa đã biến đổi thánh nhân, đã phá hủy mọi lối nghĩ của ngài và đã dẫn ngài, ngay cả trên bờ vực của cái chết, để trở thành một người hành hương khiêm tốn và vĩ đại theo như Chúa muốn. Từ vết thương đó, thánh Inhã bắt đầu thấy mọi sự trở nên mới mẻ.
Dòng Tên hy vọng việc cử hành 500 năm này có thể trở thành một động lực sâu sắc hướng tới việc đưa vào thực hành Những Ưu tiên Tông đồ Phổ quát mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã trao cho Dòng Tên trong giai đoạn 2019-2029. Những ưu tiên đó là: (1) Hướng dẫn đến với Thiên Chúa ngang qua Linh Thao và phân định; (2) Đồng hành với người nghèo, những người bị ruồng bỏ trong thế giới, những người mà nhân phẩm bị xúc phạm, trong sứ mạng hòa giải và công bình; (3) Đồng hành với người trẻ trong việc tạo dựng một tương lai tràn đầy hy vọng; (4) Cộng tác trong việc chăm sóc Ngôi nhà chung của chúng ta.
Về Ưu tiên Tông đồ Phổ quát dành cho giới trẻ, cha Jesús Zaglul Criado, tu sĩ Dòng Tên đến từ Cộng hòa Dominica, phụ trách khu vực Bắc Mỹ Latinh, và là tổng cố vấn của cha Bề trên Tổng quyền, giới thiệu khuôn mặt của Đấng Sáng lập – thánh Inhã trong tương quan của thánh nhân với giới trẻ ngày nay.
Cha Zaglul Criado cho rằng, ngày nay, đối với giới trẻ thánh Inhã tiếp tục là một khuôn mặt đầy ấn tượng. Để giải thích điều này, cha xác định bốn đặc điểm nổi bật trong lối sống của ngài:
Thánh Inhã là một người luôn muốn thực hiện những giấc mơ vĩ đại
Theo cha Criado, đặc điểm nền tảng đầu tiên trong cuộc đời của thánh Inhã, đó là một người luôn có những ước mơ vĩ đại. Điều này được thể hiện cả trong sự nghiệp trước kia, mơ trở thành hiệp sĩ và cả sau khi được ơn hoán cải, ước mơ đi theo Chúa Giêsu, thực hiện những điều vượt cả các thánh, giấc mơ quy tụ một nhóm bạn đồng hành để có thể thực hiện điều biến đổi lớn hơn, và đối diện với tất cả những thách đố: những chuyến đi, bị giam tù…
Khả năng đối diện với những thách đố
Cha Criado tiếp tục chỉ ra đặc điểm nổi bật thứ hai của thánh Inhã: khả năng đối diện với những thách đố. Thánh Inhã đặt tất cả niềm đam mê và những phương tiện thiết thực để thực hiện những suy nghĩ và ước muốn của ngài. Đây là một hành trình dài đưa ngài từ Loyola đến Manresa, Giêrusalem và Roma. Không phải lúc nào thánh Inhã cũng được dân chúng thời ngài hiểu. Lúc đầu, do tính mới mẻ trong các đề xuất, ngài đã gặp rất nhiều khó khăn.
Trong cuốn tự thuật, tại thời điểm đó, thánh Inhã xác định ngài là “người hành hương”, là một người “luôn trên đường và muốn thực hiện ước mơ của mình”. Thực tế, vì muốn đi theo dấu chân của Chúa Giêsu, ngài đến Giêrusalem, và trong hành trình này, mạng sống ngài gặp hiểm nguy vì con tàu có nguy cơ bị chìm. Ở điểm này cuộc đời thánh Inhã rất giống cuộc đời thánh Phaolô, quyết tâm thay đổi tận căn cuộc đời, vì vậy cũng quyết tâm từ bỏ mọi sự.
Từng chút một, thánh Inhã bắt đầu nhận ra những khả năng thực sự, và cùng với những người bạn dấn thân “phục vụ Đức Giáo Hoàng và đi bất cứ nơi nào Đức Giáo Hoàng muốn gửi họ đi”.
Xây dựng cộng đoàn
Về đặc điểm nổi bật thứ ba trong lối sống của thánh Inhã, cha Criado khẳng định rằng đó là tinh thần xây dựng cộng đoàn.
Thánh Inhã phát hiện ra rằng sứ vụ mà ngài cảm thấy được mời gọi phải được thực hiện với một nhóm và nhóm này được gọi là “những người bạn trong Chúa”. Nhóm bạn đầu tiên gồm bảy người này hoạt động rất tự do, đầy tình cảm, và mặc dù sống xa nhau, nhưng giữa họ luôn có sự gắn kết. Điều gắn kết những người bạn này với nhau đó là kinh nghiệm về tình yêu Thiên Chúa và các dự án cùng nhau thực hiện. Kinh nghiệm về các lần Linh Thao sẽ cho phép họ có một thái độ phân định thường xuyên, và trong tư cách cá nhân và cộng đoàn biết Chúa muốn mình đi đâu.
Chiều sâu nội tâm, chiều sâu thiêng liêng
Nét nổi bật thứ tư của thánh Inhã, nguồn cảm hứng cho giới trẻ ngày này, cha Criado cho biết đó là “chiều sâu nội tâm, chiều sâu thiêng liêng” của thánh nhân.
Cha khẳng định rằng khi nói về chiều sâu nội tâm của thánh Inhã không có nghĩa là chỉ nói về khả năng suy tư và nhìn vào cuộc sống của chính mình, mà là “khả năng nhìn điều này theo cách của Chúa Giêsu, nhìn vào tình yêu Chúa trong chúng ta và khám phá ra rằng Chúa ở trong chúng ta, Chúa hiệp thông và nói với chúng ta”.
“Tôi tin chính thánh Inhã là người đã khám phá ra trí thông minh cảm xúc, bởi vì ngài nhận ra rằng Chúa nói với chúng ta qua cảm xúc”, cha Criado nhấn mạnh và nói thêm: “thánh Inhã khám phá ra những tình cảm chuyển động như thế nào, trong việc thúc đẩy chúng ta đến những điều vĩ đại, tốt đẹp. Những tình cảm này luôn được liên kết với niềm vui lâu dài, trong khi sự lừa dối đôi khi làm khuất mắt chúng ta dưới vẻ bề ngoài của một niềm vui giả tạo, hời hợt”.
Niềm vui là yếu tố sẽ chỉ cho biết con đường của Chúa dẫn chúng ta đến đâu, niềm vui luôn đánh dấu sự tràn đầy và sự viên mãn này được liên kết với sự dâng hiến quảng đại. Thánh Inhã khám phá ra Chúa Giêsu là nền tảng của niềm vui như thế nào. Theo nghĩa này, Linh Thao sẽ là cách gặp gỡ cá nhân với Thiên Chúa.
Trải nghiệm nội tâm luôn dẫn chúng ta bước theo Chúa Giêsu. Đây không phải là noi gương Chúa và làm những gì Người đã làm, nhưng là theo Chúa và khám phá ra rằng Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta tinh thần của Người, điều đó thúc đẩy chúng ta đáp lại lời kêu gọi của Người vào lúc này. Với tư cách là những người bạn, một nhóm, một cộng đoàn, và khởi từ chiều sâu của cuộc gặp gỡ với chính mình và với con người của Chúa Giêsu, sai đến để biến đổi thế giới này.
Sức mạnh của cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu
Cha Criado nói tiếp: “Điều luôn đánh động tôi là sức mạnh của cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu trong cuộc đời của thánh Inhã. Chính con người, hình dáng, cuộc đời, câu chuyện của Chúa Giêsu là những gì đánh dấu sự thay đổi căn bản trong cuộc hành hương của thánh Inhã”.
Cha nhắc đến một sự kiện trong cuốn tự thuật của thánh Inhã. Đó là một cuộc gặp gỡ, cuộc gặp gỡ với một người mà thánh nhân gọi là “người phụ nữ đứng tuổi”. Thánh Inhã kể câu chuyện về “người phụ nữ đứng tuổi”, người đã cho ngài lời khuyên khi ngài gặp khủng hoảng, u sầu, nội tâm bất an. Người phụ nữ này nói với ngài: “ước gì có ngày Chúa Giêsu Kitô hiện ra với anh”. Thánh Inhã trả lời người phụ nữ: “Ðời nào Chúa Giêsu Kitô lại hiện ra với con!”
Ở cuối chương ba của tự thuật, thánh Inhã nói rằng không ai giúp ngài nhiều về đời sống thiêng liêng như người phụ nữ này. Cha Criado tin rằng điều cốt yếu bí mật này không chỉ liên quan đến cuộc đời thánh Inhã nhưng còn về các Bài tập Linh Thao. Bởi vì nếu chúng ta nhìn cách cẩn thận, trong Linh Thao chúng ta là nhân chứng, chúng ta thấy Chúa Giêsu đã sống cuộc đời của Người như thế nào, không chỉ là cái chết và sự phục sinh của Người, vì chúng ta.
Trong các Bài tập Linh Thao, thánh Inhã nhấn mạnh về sự kiện Chúa Giêsu “vì tôi, đã nhập thể và làm người, để khi biết Người, tôi yêu mến Người nhiều hơn và tiếp tục yêu mến Người”. Cha Criado tin rằng đây là trung tâm, trái tim của thánh Inhã và nơi sắp trở thành Dòng Chúa Giêsu mà ngài sáng lập. Việc bước theo Chúa Giêsu, không chỉ là việc bắt chước, nhưng là bước theo dựa trên việc biết rằng Chúa Giêsu đã sống cuộc đời, mọi khoảnh khắc cuộc đời Người cho tôi, và trong cầu nguyện, tôi cũng có thể sống khoảnh khắc đó với Người. Từ đây một mối tương quan bạn hữu từng bước được xây dựng.
Cha Criado cho biết thêm: Một điểm mốc quan trọng khác được tạo thành bởi việc chiêm niệm và trò chuyện mà thánh Inhã mời gọi trong các Bài tập Linh thao.
Theo cha, những bài chiêm niệm về sự Nhập thể, trước và sau khi sinh hạ của Chúa Giêsu, thánh Inhã chiêm niệm một cái nhìn toàn thể nhân loại của Thiên Chúa. Đó là cái nhìn của Thiên Chúa, Đấng quyết định nhập thể, đảm nhận toàn bộ thân phận con người của chúng ta. Đối với thánh nhân, đây sẽ là một yếu tố trung tâm, cả trong tương quan với thế giới. Bởi vì đối với thánh nhân, như Teilhard de Chardin sẽ nói sau này: “Đối với những người có đôi mắt để nhìn thấy, không có gì trên đời này là phàm tục. Mọi thứ đều được ghi dấu bằng sự hiện diện của Thiên Chúa”.